Không biết dựa vào cơ sở nào mà Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường viết như thế này: “Một số tác giả, gồm cả các nhà nhân học và khảo cổ học, đã lên tiếng phản đối, nhưng đều bị Hà Văn Thùy át giọng bằng một số kiến thức nhân học phân tử…” Quả thật tôi rất mong nhưng chưa có bất cứ “nhà nhân học và khảo cổ học” nào “lên tiếng phản đối.” Phản đối tôi chỉ có một nhà văn và bây giờ là nhà vật lý, tức là những người ngoại đạo với vấn đề đang thảo luận. Mà thực ra, thời thế này một phó thường dân như tôi có quyền lực gì mà “át giọng” được ai? Sao lại bỗng dưng deo tiếng ác cho nhau?
Biết nói thế nào đây với người bạn tôi từng quý mến thời “43 Đồng Khởi*”?
Điều đáng tiếc đầu tiên là ông Đỗ Kiên Cường không hiểu tài liệu mình dẫn. Trong khi nhất quyết cho rằng Wells chủ trương “Con người rời châu Phi 60.000 năm trước” thì ông cũng đưa ra: “Theo số liệu hiện nay, khoảng 60-50 ngàn năm trước, ba nhóm người tiền sử tới Sunda, với các dấu gien M (60 ngàn năm trước), M130 và M174 (cùng 50 ngàn năm trước)”.
Xin hỏi, đi bằng gì mà nhanh vậy, nhảy dù hay thuyền cao tốc mà vừa rời châu Phi đã tới ngay Đông Nam Á? Sự thực là, các công bố của Y. Chu, S.Oppenheimer và Wells thống nhất một điểm: người tiền sử tới Đông Nam Á khoảng 60-70.000 năm trước. Thời điểm tới là vậy. Nhưng đi từ bao giờ? Y. Chu không nói. Wells đưa ra giới hạn quá dài 200.000 – 60.000 năm. Chỉ có Oppenheimer cụ thể: 85.000 năm trước. Tôi cho rằng, con số này là thích hợp bởi thời đó, làm hành trình như vậy phải mất 15.000 năm! Mặt khác, công nghệ gene tìm ra những điểm nút thời gian này một cách dễ dàng. Hoàn toàn không có mâu thuẫn gì giữa Wells và Oppenheimer ở đây cả. Chỉ là sự hiểu lẩm. Báo hại tôi tưởng thật nên trong bài trước đã trưng bộ xương Liujiang 68.000 tuổi để phản bác sai lầm vốn không có của Wells!
Điều thứ hai: Nhóm nào trở thành đa số của thế giới?
Không khó để nhận ra sự thật là, đặt chân lên bán đảo A Rập, dòng người chia tay nhau. Những người ở lại đã sống hơn 30.000 năm đối mặt với hoàn cảnh ngặt nghèo: trên mảnh đất hẹp, sau lưng là quê nhà cằn cỗi dần với nạn nhân mãn. Trước mặt là bức tường thành băng giá. Vì vậy chắc rằng suốt thời gian đằng đẵng ấy nhân khẩu tăng rất chậm và văn minh cũng phát triển chậm theo. Trong khi đó, những người đi về phương Đông, tuy gặp muôn vàn gian lao nhưng đã đặt chân tới địa đàng. Họ sinh sản nhanh, sống tập trung, biết phân công lao động, thực hiện những sáng chế phát minh. Từ đây họ lan tỏa ra khắp Đông Dương.
Khoảng 52.000 năm trước, khí hậu được cải thiện, người từ A rập tiến lên phía Bắc, tới Cận Đông. Khoảng 50.000 năm trước họ vào châu Âu qua eo Bosporus.
Muộn hơn một chút, khoảng 45.000 năm trước, nhóm từ duyên hải Đông Á di cư về phía tây, qua Trung Á rồi vào châu Âu. Ở đây, họ hòa huyết với người từ Trung Đông lên, sinh ra tổ tiên người châu Âu.
Ở trên là hai dòng dân cư làm nên nhân loại ngoài châu Phi. Vấn đề là: dòng nào chủ đạo? Xin đưa ra hai bằng chứng.
Dẫn chứng 1:
- Buckminster Fuller, một nhà Địa lý kiêm Toán học người Anh cho rằng, có thể tìm ra nguồn gốc các nền văn minh căn cứ vào tỷ lệ thuận giữa trình độ văn hóa, di dân và mật độ nhân số. Từ lý thuyết đó, ông lập Dymaxion world Maps (bản đồ động thái thế giới). Từ bản đồ của mình, B. Fuller kết luận: “duyên hải Ðông và Ðông Nam Á chỉ chiếm 5% diện tích thế giới nhưng có tới 54% nhân loại đang sống”.(1) Chỉ duyên hải với 5% diện tích đã có 54% nhân số thì toàn lục địa Đông Á, con số đó là bao nhiêu? Họ đều là hậu duệ của nhánh đi tới phương Đông.
Dẫn chứng 2:
- “Từ trước đến giờ, các khảo cứu gia cứ lầm tưởng rằng người dân châu Âu là do những cuộc di dân, từ hàng triệu năm trước, của các sắc dân gốc Phi châu mà thành. Nhưng sau khi khảo nghiệm hơn 5.000 mẫu răng hóa thạch của những dân gốc Phi châu, Á châu và những giống người khác, các nhà nhân chủng học người Tây-ban-nha, Ý và Georgia đã kết luận rằng những cuộc di dân từ thời xa xưa đến Âu châu đúng ra phần nhiều là do những sắc dân gốc Á châu, chứ không hoàn toàn là từ Phi châu như những giả thuyết mà các khảo cứu gia đã đề quyết bấy lâu.” Đó là bản tin trên tờ báo mạng khoahoc.net.(2)
Hai tài liệu trên cho thấy: người Á châu chiếm phần lớn dân cư thế giới. Ngay người châu Âu cũng do số đông người châu Á tạo nên.
Điều này bác bỏ ý tưởng cho rằng người từ Trung Đông đi lên tạo thành đa số nhân loại.
Điều thứ ba làm chúng ta bận lòng: mấy bà Eve?
Suy tưởng về giờ phút đầu tiên xuất hiện loài người, có lúc tôi hình dung những kịch bản sau:
a. Từ cộng đồng Homo erectus đột biến ra 3 cặp Homo sapiens: vàng, đen, trắng. Ba đại chủng của nhân loại được hình thành từ ba cặp tổ này.
b. Một bà và 3 ông với 3 mầu da vàng, trắng, đen.
c. Một ông và 3 bà với 3 màu da trắng, đen, vàng.
Tôi không hề nghĩ đến kịch bản 1 ông 1 bà, dù nó được kinh Thánh và Luật Hôn nhân bảo trợ! Trước hết, nếu điều này xảy ra, nhân loại sẽ bị lai cận huyết, hậu họa khôn lường! Điều vô lý hơn là nó trái với quy luật di truyền: dù cặp này có khác màu da cách sao thì con cái họ cũng không thể có 3 màu da. Ông tổ, bà tổ lúc đó nguồn gene tinh khiết lắm. Nếu ông đen, bà trắng, ta có hậu duệ với 25% trắng, 25% đen và 50% chocolate! Mặt khác, nếu tổ tiên đã có “phép thần kỳ” như vậy thì hẳn con cháu cũng “thần kỳ” theo: trong mỗi gia đình Giao Chỉ, việc bà xã “xón” ra một cục cưng đen hay trắng là chuyện bình thường! Nhưng thực tế đã không như vậy. Cả trong trường hợp ông trắng bà vàng thì một cục đen xuất hiện cũng chắc chắn là “đồ ngoại”.
Ông Cường viết:
“Toàn bộ nhân loại trên trái đất hiện nay là hậu duệ của một người phụ nữ sống tại Đông Phi khoảng 200 ngàn năm trước.” Và “Toàn thể nam giới trên hành tinh hiện nay đều có nguồn gốc từ người đàn ông duy nhất sống tại Đông Phi 60 ngàn năm trước. Đó là chàng Adam nhiễm sắc thể Y, đối tác của nàng Eva ti thể sống từ hơn 100 ngàn năm trước đó.”
Quả thật, tôi không hiểu nối ý tứ của tác giả trong những dòng này!
“Toàn bộ nhân loại trên trái đất hiện nay là hậu duệ của một người phụ nữ sống tại Đông Phi khoảng 200 ngàn năm trước.” Có thể, vì không có gì trái tự nhiên.
Nhưng “Toàn thể nam giới trên hành tinh hiện nay đều có nguồn gốc từ người đàn ông duy nhất sống tại Đông Phi 60 ngàn năm trước mà người đó lại là “đối tác” của người sống 140.000 năm trước mình?” Có vẻ không bình thường! Nàng Eva của ông Cường sau 140.000 năm sinh ra bao nhiêu người nữ? Làm sao chàng Adam xuất hiện lúc đó lại là chồng của tất cả phụ nữ hiện có để sinh ra toàn thể đàn ông ngày nay? Người đàn ông này là dê hay là khỉ? Có lẽ phải là Tôn Ngộ Không phân thân hay tự nhân bản (clon) thành nghìn vạn để vừa diệt những đàn ông khác, vừa truyền giống rồi ngay đấy dắt díu bầu đoàn thê tử làm cuộc du lịch không tiền khoáng hậu rời châu Phi! Chàng Adam này là “đối tác” của cụ tổ 140.000 năm trước của mình là nghĩa làm sao?
Tư duy trên thể hiện sự bất cập về kiến thức Sinh học của tác giả. Ông mâu thuẫn lung tung với di truyền học và với cả lịch sử hình thành con người. Nếu thực sự có cặp tổ tiên duy nhất như ông nói thì cái cặp ấy cùng xuất hiện ở thời điểm 160.000 năm trước để cho ra cả loài người hiện nay!
“Ba bà Eva” có trong dự án, nhưng tôi chỉ dám chắc nhờ đọc bài của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia Di truyền học Đại học Y khoa Garvan, Úc vào đầu năm 2006.
Cũng không thể ngờ ông Cường lại dùng Wikipedia với thông tin của 1987 làm cứ liệu duy nhất xây dựng luận điểm của mình. Wikipedia rất phong phú nhưng ai đảm bảo cho nó về sự chính xác? Tư liệu di truyền về “bà Eve” trước khi có Bản đồ gen người liệu có đáng tin?
Điều bất đồng lớn nhất giữa ông Cường và tôi là Người Việt có khai phá lục địa Trung Hoa 40.000 năm trước hay không?
Đây là vấn đề của lịch sử, trước hết hãy để lịch sử lên tiếng.
Trang 53 cuốn Việt lý tố nguyên (3) của Giáo sư Kim Định ghi: “Thoạt kỳ thủy, Viêm tộc theo dòng sông Trường Giang vào khai thác vùng Trường Giang thất tỉnh tức là bảy tỉnh thuộc Dương Tử Giang là Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô, An Huy, Chiết Giang rồi lần lần một mặt theo bình nguyên Hoa Bắc lên khai thác vùng Hoàng Hà lục tỉnh là Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, Sơn Đông, Thiểm Tây, Cam Túc. Còn phía Nam thì lan tới khu vực gọi là Việt giang ngũ tỉnh gồm Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến… Theo Chu Cốc Thành trong quyển “Trung Quốc thông sử” và một số sử gia nữa thì Viêm tộc đã có mặt ở khắp nước Trung Hoa cổ đại trước khi các dòng tộc khác tràn vào, nên Viêm tộc kể là chủ đầu tiên.”
Với tôi, những dòng chữ trên vô vùng quý giá vì chúng xác nhận từ 10.000 năm trước người Việt là chủ nhân toàn bộ đất Trung Hoa.
Những thông tin của khoa học hiện đại từ Y. Chu góp phần khẳng định điều này nhưng quan trọng hơn, cung cấp cho tôi niềm vui không ngờ tới: Người Việt không phải từ Thiên Sơn xuống mà chính là từ đất Việt lên Trung Hoa 40.000 năm trước!
Khám phá này vô cùng quan trọng vì nó thay đổi hẳn lịch sử. Tuy là chủ nhân đầu tiên của Trung Hoa nhưng với cách nhìn cũ, chúng ta không có gốc gác mà chỉ là đám thực dân chiếm đất của người bản địa Đông Dương rồi đẩy họ lên rừng núi. Cái “tội tổ tông” đè nặng tâm tư. Thập kỷ 70, khi giao cho ngành Khảo cổ nghiên cứu văn hóa Đông Sơn mà không nghiên cứu văn hóa Hòa Bình, hẳn trong lòng Thủ tướng Phạm Văn Đồng day dứt mặc cảm này: “Chúng ta đang chống Mỹ xâm lược lẽ nào lại xiển dương một tổ tiên thực dân từng tiêu diệt dân cư của nền văn hóa lớn Hòa Bình?” Nhưng khi biết rằng tổ tiên ta đặt bước chân đầu tiên lên dải đất chữ S này rồi đi lên mở mang Trung Quốc, chúng ta biết rằng mình có một gốc gác cùng lịch sử khác hẳn: vinh quang, nhân bản và trong sáng!
Vế nguồn gốc người Hán mà ông Cường thắc mắc, trước hết tôi xin được cải chính: trong bản in gửi cho Văn nghệ, tôi viết 2600 năm TCN. Nhưng lỗi đánh máy đã bỏ mất của tôi con số 2. Trong khi ở các bản khác, thí dụ Lâu đài trên mây hay dự cảm sáng suốt mà ông Cường có đọc, tôi đều ghi 2600. Mong ông sửa lại dùm!
Dưới đây xin được trả lời ông Cường những câu chất vấn cụ thể:
1. Theo tác giả, “người tiền sử tới nước ta gồm hai đại chủng Mongoloid và Australoid. Họ hòa huyết thành 4 chủng: Indonesien, Melanesien, Vedoid và Negritoid, đều thuộc loại hình Australoid”. Đây là lập luận ngược. Theo số liệu hiện nay, khoảng 60-50 ngàn năm trước, ba nhóm người tiền sử tới Sunda, với các dấu gien M (60 ngàn năm trước), M130 và M174 (cùng 50 ngàn năm trước); từ đó họ tới Australia rồi tiến hóa thành người Australoid (M130), tới vùng quanh Mông Cổ ngày nay để dần thành người Mongoloid (M174), chứ không như Hà Văn Thùy quan niệm.
Không hiểu có “ngược” hay không, nhưng đó là kết luận của nhà nhân chủng học hàng đầu Việt Nam Nguyễn Đình Khoa, từ khảo sát 78 sọ cổ ở Việt Nam cùng nhiều sọ khác trong khu vực. Trong cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á, ông viết: “Tuy không tìm được hài cốt của họ, nhưng trên cơ sở những sọ hiện có của bốn chủng Indonesien, Melanesien, Vedoid và Negritoid, chúng tôi cho rằng trước đó hai dại chủng Australoid và Mongoloid đã có mặt trên đất Việt Nam và hòa huyết cho ra những chủng kia.” (4)
Rõ ràng ông Cường lầm lẫn cho rằng “họ tới Australia rồi tiến hóa thành người Australoid (M130), tới vùng quanh Mông Cổ ngày nay để dần thành người Mongoloid (M174)”. Xin thưa, trong khoa nhân học, những từ như Australoid, Mongoloid, Indonesien, Melanesien… là thuật ngữ khoa học để chỉ những tộc người. Hoàn toàn không có chuyện “tới Australoid để tiến hóa thành người Úc” (!) Thực ra, ngay từ châu Phi, tổ tiên ta đã phân hóa thành 3 đại chủng da đen, da vàng, da trắng rồi sau đó được đặt tên là Australoid, Mongoloid, Europid!
Đúng như ông cầu mong: “Không có kiến thức dân tộc học, nên người viết chỉ hy vọng rằng, Indonesien không chỉ là người Indonesia.” Thật vậy, Indonesien không chỉ là người Indonesia. Nhưng khi cho rằng Hà Văn Thùy “xem người Mông Cổ và người Úc hòa huyết tạo nên người da đen (Negritoid) cũng là quan niệm lật ngược thực tại,” thì lại là sai lầm! Đây chính là kiến thức ABC Sinh học: Australoid (đen) lai với Mongoloid (vàng) cho ra 4 chủng: Indonesien (vàng), Melanesien (ngăm), Vedoid (ngăm), Negritoid (đen). Đúng lẽ ra, Indonesien phải là chủng Mông Cổ điển hình. Nhưng trong thực tế, do số lượng cá thể da đen Australoid vượt trội nên yếu tố Australoid lấn át, làm cho suốt thời đồ Đá, trên đất Việt Nam không có Mongoloid, như Nguyễn Đình Khoa kết luận.
2. “Lập luận “có những nhóm Mongoloid riêng biệt từ Tây Đông Dương đi lên chiếm lĩnh vùng Tây Bắc Trung Quốc và địa bàn Mông Cổ hiện nay, trở thành tổ tiên những bộ lạc Mông Cổ sống du mục thuộc chủng Mongoloid phương Bắc” cũng là lập luận ngược. Người hiện đại tới vùng Sunda, ngược lên Đông Bắc Á rồi rẽ vào Siberia và Mông Cổ và thành người Mongoloid phương Bắc.”
Đến mức này thì tôi không còn biết nói sao được nữa! Xin hỏi, người hiện đại tới vùng Sunda là ai, thuộc đại chủng nào? Không nắm được thông tin này thì biết nói gì? Wells, Chu, rồi cả Oppenhaimer không cho ta biết! Và do không biết nên ông Cường dồn cả đám vào một bị, đưa lên Mông Cổ, dũ họ ra để đồng loạt trở thành Mongoloid phương Bắc! Thưa ông, sự đời đâu có đơn giản vậy? Khi tìm được mấy dòng của Ballinger đại ý: “Người tiền sử thường di cư theo từng nhóm nhỏ” và “người Mongolid phương Bắc cũng từ Đông Nam Á đi lên” tôi phải đánh vật với bao kiến thức lịch sử, cổ nhân, dân tộc học để lọc ra rằng họ gồm 2 đại chủng Australoid và Mongoloid, lại đi riêng rẽ, vậy thì tại sao không có chuyện những nhóm nhỏ da vàng đi lên tây bắc, cố giữ gìn trinh tiết để không hòa huyết với đám “dân đen” đông đúc. Và điều kỳ diệu xảy ra, họ đã mang được nguồn gene nguyên chủng lên đất Mongolia! Nhờ vậy sau này được khoa học đặt tên là Mongoloid.
Có thể dẫn ra nhiều nhiều nữa những điều ông Cường phản bác tôi. Nhưng với mỗi điều như vậy lại phải giải thích cho ông hàng loạt kiến thức cơ bản không chỉ Sinh học mà Dân tộc học, Khảo cổ học, Cổ nhân học… không phải là việc của tôi!
Nói cho cùng, sự hình thành dân cư, lịch sử, văn hóa của mỗi tộc người là vấn đề của khoa học nhân văn. Công nghệ di truyền, dù sao cũng chỉ là “ngón tay chỉ trăng”. Cần nhưng không đủ để giải quyết vấn đề. Nếu “dễ ăn” thế có lẽ chả đến lần chúng ta đâu bạn ạ! Năm sáu năm trước ở Úc có nhóm Tư Tưởng, trong đó có những nhà Di truyền học bậc thầy. Họ tiếp cận sớm nhất với Địa đàng ở phương Đông, công trình Y. Chu và đã cố áp dụng giải bài toán cội nguồn dân Việt. Nhưng kết quả không như ý muốn. Không chỉ tri thức di truyền mà ở đây còn cần hiểu biết thấu đáo lịch sử, văn hóa, tâm linh phương Đông và cũng cần rất nhiều… may mắn!
Gần chục năm không gặp, tôi vẫn giữ hình ảnh ông Đỗ Kiên Cường trong niềm quý mến. Chắc rằng tôi cũng chưa làm gì khiến ông phải buồn lòng. Bài viết này có lẽ ông lo rằng tôi “đa ngôn loạn ngữ”, không lợi cho tâm thức cộng đồng? Nhưng thưa ông, không phải vậy. Năm ngoái nhà sách Thành Nghĩa giúp tôi in cuốn Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt. Năm nay, trong cơn bão giá, tôi phải bỏ tiền túi 25 triệu đồng để in Hành trình tìm lại cội nguồn hẳn không phải để chơi! Chúng ta đang đứng trước phát kiến lớn nhất của lịch sử Việt. Với phát kiến như vậy không chỉ những cuốn sử phải viết lại mà đến vận mệnh dân tộc cũng thay đổi theo. Góp vào đó chút sức mọn là điều mà tôi không thể không làm.
Tân Phú, 17. 9. 08
* Tôi quen tác giả khi làm báo Văn nghệ, trụ sở 43 Đồng Khởi, thành phố Hồ Chí Minh
Tham khảo
1. Vũ Hữu San. Tripod.com
2.http://www.radio-canada.ca/nouvelles/Science-Sante/2007/08/07/004-europe-colonisation-asie.shtml?ref=rss
3. Kim Định. Việt lý tố nguyên. An Tiêm. Sài gòn 1970.
4. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB Đại học&Trung học chuyên nghiệp. H. !983