Bài Nhớ người phía núi bên kia của Lê Huy Mậu viết về nhà văn Xuân Sách trên vanchuongviet.org không chính xác cho lắm.Nay được Anh Ngô Nhật Đăng ,con trai lớn của nhà văn Xuân Sách gửi đoạn hồi ký về giai đoạn này để làm rõ một số sự kiện liên quan.Bài này được công bố lần đầu tiên.VCV
Năm 1984 tôi đi Nam,cũng có vài lý do riêng tư. “Tôi như con chim muộn màng bay về phương Nam trú rét…”.Hành lý vô cùng gọn nhẹ,một valy quần áo, một túi sách đựng cái tivi đen trắng rẻ tiền ( của lính Mỹ bỏ lại ). Nhưng muốn bay như chim thì gay go vì chưa kiếm đâu ra tiền để mua vé máy bay.
Tôi quen mấy anh bên Xưởng phim hoạt hình thường hay sang chơi vì ngay gần chỗ tôi ở.Các anh ấy gợi ý tôi viết kịch bản phim hoạt hình để nhận tiền ứng trước .Tôi viết được ba cái , tiền ứng được sáu trăm đồng, thừa tiền mua vé mà vẫn còn vài trăm dằn túi .Nơi tôi đến cũng là chuyện tình cờ . Đời tôi đã có lắm phen gặp chuyện tình cờ khi may khi rủi . Năm 1982 một đoàn những nhà lãnh đạo xuất bản sang Liên Xô học nghề ba tháng, tôi được cử đi . Chuyến đi thật vui , học được mấy miếng nghề , thể xác tăng trọng năm kí nhờ sữa và bánh kẹo miễn phí trong lớp học . Lại quen được nhiều bè bạn .Một anh thích rượu mang theo một can nhưng bị đổ hết trên đường bay, sang đấy hai anh em thường rủ nhau đi uống bia nhậu với cá hồi nướng , tôi lĩnh được tiền nhuận bút vì có sách in ở bên đó nên tiền tiêu cũng rủng rỉnh .Tôi quen chị Thảo giám đốc Nhà xuất bản Đồng Nai .Chị là dân võ Bình Định tính tình khẳng khái chân chất .Một lần tôi nói đùa: tôi muốn vào Nam về Nhà xuất bản của chị có được không? Chị nói: Anh giỡn hoài, dễ gì bỏ Thủ đô để về tỉnh lẻ .Bây giờ đùa thành thật tôi gửi cái thư cho chị Thảo, không ngờ chị trả lời : Anh vào đi , chỗ tôi đang rất cần những người như anh.Thế là đã có bến đỗ. Tôi đánh điện cho chị Thảo hẹn ngày giờ đến sân bay Tân Sơn Nhất để chị đi đón.
Hôm mời mấy bạn ở Xưởng phim hoạt hình khao một bữa thịt chó ở Hàng Phèn để chia tay Hà Nội . Có anh nói :
- Dẫu biết anh , nhưng chúng tôi nghĩ anh khó mà trụ được ở trong đấy ,chúng tôi sớm muộn sẽ có bữa tiệc đón anh ra .
Tôi nói mạnh: Bước chân đi cấm kì trở lại .Hơn nữa không làm xuất bản thì tôi làm chúng sinh , thế nào cũng kiếm được miếng ăn.
Khi máy bay cất cánh , tôi có chút chạnh lòng hoang mang, nếu xuống sân bay không có ai ra đón thì sao ?
Nhưng vừa bước ra khỏi nhà ga đã thấy chị Thảo tươi cười cầm bó hoa đến đón . Rồi về luôn Biên Hòa tới trụ sở Nhà xuất bản số 4 phố Nguyễn Trãi. Lại như một sự tình cờ tôi đã ở nhà số 4 Lý Nam Đế rồi số 4 Tống Duy Tân –Hà Nội, bây giờ lại số 4.Như thế là mấy chục năm chả tiến được bước nào. Chị Thảo đã làm mấy căn hộ cấp 4 cho cán bộ nhân viên độc thân ở và tôi được phân một căn , trước nhà còn có một cái bồn trồng hoa .Tôi chợt nhớ câu : Hạnh phúc chẳng ở đâu xa , ngay trong tay nếu ta biết đón nhận.
Vài hôm sau chị Thảo lên Ban Tổ chức Tỉnh ủy trình lí lịch của tôi và bàn về việc sắp xếp công tác .Khi trở về tôi thấy chị có vẻ buồn . Chị nói:
- Với anh tôi nói thật . Ông trưởng ban tổ chức là bộ đội tập kết làm việc ở Hà Nội nên có biết anh . Ổng nói : Bà uống mật gấu hay sao mà đưa thằng chả về làm phó cho mình hắn ta thì giỏi về nghề nghiệp nhưng chả bao lâu sẽ lật đổ bà.Tôi lộn ruột nói : Tôi lấy đầu ra bảo đảm anh Xuân Sách không phải như anh nghĩ, nếu anh ấy chịu làm giám đốc thì tôi sẵn sàng làm phó cho anh, như vậy rất lợi cho công tác xuất bản ở tỉnh mình . Ổng bảo để nghiên cứu thêm .Anh yên tâm đi cần thì tôi chạy lên gặp Bí thư.
Tôi nói ngay : Ngày mai chị đưa tôi lên gặp ông ấy.Tin tôi đi chị Thảo, tôi biết nói gì mà.
Hôm sau gặp tôi trình bày :
-Trước hết tôi cám ơn các đồng chí đã tiếp nhận tôi.Tôi mới vào đây chưa biết gì về tình hình tỉnh nhà,mà các đồng chí cũng chưa hiểu nhiều về tôi.Tôi đề nghị đừng bố trí chức vụ gì vội.Hãy cho tôi làm trợ lý giúp chị Thảo về chuyên môn.
Thế là vẹn cả đôi bề,tôi rất thoải mái vì có chỗ trú thân trước đã.Tôi bắt tay vào công việc biên tập sách và tham gia mọi công tác của nhà XB.Tôi có người bạn thân là ông già làng văn nghệ Đồng Nai Hoàng Văn Bổn. Bổn nói với tôi :
- Mày tạm thời ở đấy rồi sang Hội Văn nghệ với tao.
Hòang Văn Bổn là phó chủ tịch Hội,Chủ tịch là anh Lý Văn Sâm nhưng anh ở Sài Gòn thỉnh thòang mới về Biên Hòa làm việc.Bổn cũng gíup xin việc cho vợ tôi về làm phóng viên của tờ tin công đòan.
Chị Thảo thành lập đội bóng đá của nhà XB.Tôi nhận một chân tiền vệ cánh cũng xỏ giầy mặc áo số ra sân tranh tài.
Một bữa Nguyễn Đức Thọ , Khôi Vũ đến mời tôi đi uống cà phê rồi kể :
- Hôm qua bọn em gặp ông trưởng ban tổ chức. Ông ấy hỏi: Các cậu biết Xuân Sách chứ? Dạ biết .Mình nghe nói khi ở Hà Nội hắn có dính với bọn phản động Nhân văn Giai phẩm nên mới chạy vào đây . Một lát sau Thọ mới hỏi :Anh Ba hồi còn ở R có biết bài hát Đường Chúng Ta Đi không? -Biết chứ bài hát quá hay động viên lính khiếp lắm . Anh có biết bài hát đó là của ai không? -Thấy hay thì hát chứ có biết ai là tác giả đâu .Anh Ba à bài hát đấy là của nhạc sĩ Huy Du phổ thơ của cái thằng cha mà anh vừa nói là có tư tưởng phản động đấy . Coi chừng anh bị kiện đó anh Ba.
-Thế à , thảo nào …
-Thảo nào ông ấy có ba mươi năm làm Biên tập cho tờ tạp chí Văn nghệ quân đội rồi làm phó giám đốc Nhà xuất bản Thủ Đô hóa ra Hà Nội họ nhầm à ?
Rồi Thọ và Khôi Vũ cùng nói:
- Anh nên giã từ nghiệp cầu thủ bóng đá sang bên Hội với bọn em .Anh Chín Bổn bảo bọn em rủ anh sang.
- Còn chủ tịch Lý Văn Sâm thì sao ?
- Anh cứ sang thì biết một ông già làng cực kì ngoạn mục .Xem ra tính tình và khí chất ông ấy rất hợp với anh .
Hôm sau gặp Hoàng Văn Bổn anh cười khà khà :
- Hai thằng đấy dụ được mày rồi phải không? Sang Hội đi mày bằng lòng rồi mọi chuyện khác tao sẽ lo
- Thực ra ở Hà Nội trước khi vào đây tao đã nghĩ đến ,nhưng mày biết đó tao vào qua cái cầu nối của bà Thảo hay hơn nhiều .
- Tao biết thế nên đã nói với bà Thảo là mày vừa khôn nhưng cũng rất ngoan mà .
- Thế rồi tôi sang Hội sau khi thuyết phục được chị Thảo và không quên cám ơn chị ấy với lòng chân thành .
Chị Thảo nói dỗi chân tình :
Đúng là cú kêu cho ma ăn .
Thế rồi tôi sang Hội lại khuân đồ đạc sang ở một phòng của trụ sở lại trở thành kẻ không nhà, mèo lại hoàn mèo .
Các cụ dạy : Ba mươi tuổi chưa lấy vợ thì không nên lấy vợ nữa .Bốn mươi tuổi chưa làm quan thì không nên làm quan nữa. Năm mươi tuổi chưa làm nhà thì không nên làm nhà nữa .Sáu mươi tuổi chưa nghỉ ngơi thì sống trên đời làm quái gì . Tôi cũng nói với Bổn khỏi phải lo chuyện nhà cửa cho mệt mày là già làng ở đây mà cũng chỉ được căn nhà sập sệ ở phố Lò Heo .Tao được ở trụ sở Hội thoải mái chán .Trong tứ khoái của con người các cụ có nói đến nhà đâu . Các cụ đã tổng kết là kinh lắm .
Nhưng rồi lại như từ trên trời rơi xuống, một hôm có một người đến thăm tôi. Anh cao lớn tóc húi cua nói to như người miền biển :
- Tôi là cựu chiến binh bây giờ chuyển về làm Trưởng phòng phân cấp nhà cho cán bộ .Hàng trăm lá đơn , tôi lướt nhanh thấy anh có thâm niên bộ đội lại là Nhà thơ Thi Sách thế là tôi khoái chấm ngay . Tỉnh đang xây khu nhà cho cán bộ ở khu Phúc Hải tôi duyệt cho anh một căn hộ ba phòng cùng với công trình phụ khép kín .Anh cứ ở nhà khoảng tuần sau tôi đem quyết định tới .Mà tôi nói trước tôi không nhận bất kì món quà nào kể cả một bao thuốc lá .Rồi anh vỗ vai tôi : Bộ đội với nhau thông cảm .
Tôi vốn có thói quen cái gì mừng cũng không mừng quá , cái gì buồn cũng không buồn lâu .Vợ tôi hỏi :
- Anh có tin không ?
- Anh tin. Đau khổ là người không ai tin , nhưng đau khổ hơn là người không tin ai .Hình như Gamzatop nói vậy . Đúng tuần sau anh ấy đem quyết định tới cười vang :
- Chúc mừng anh chị thoát cảnh ăn nhờ ở đỗ nhà xây xong còn trang trí nội thất, nghiệm thu giao nhận tôi sẽ đem chìa khoá đến .
Như ông Bụt trong truyện cổ tích tôi nhìn tờ quyết định thấy ghi đúng tên mình là Xuân Sách chứ không phải là Thi Sách .Thế là lần đầu tiên trong đời tôi được Nhà nước cấp nhà .
Mấy anh em trong Hội đem rượu đến chia vui :
- Anh gặp số đỏ rồi chen được chân vào khu nhà ấy là kinh lắm .Anh nói cung điền trạch trong lá số tử vi của mình dở ẹc là sai rồi .
Nhưng không sai trong khi chờ đợi nhận nhà lại xảy ra một sự việc bất ngờ năm 82 Vũng Tàu được tách ra thành đặc khu Vũng Tàu côn đảo và trở thành vùng đất hứa thu hút người mọi nơi như một tiểu hợp chủng quốc .Lực lượng Văn nghệ cũng phong phú hoạt đông sôi nổi và muốn tiến tới thành lập Hội . Ông Lê Quang Thành Bí thư Đặc khu ủy vốn là cán bộ miền Nam tập kết nói với anh em Văn nghệ : Muốn thành lập Hội cần có một Chủ tịch Hội có uy tín và khả năng , mà hiện nay chúng ta chưa có, tôi đề nghị anh em chờ tôi cho người ra Hà Nội tìm một Nhà văn có tiêu chuẩn như trên nhưng việc đó không dễ những Nhà văn ở Hà Nội đủ tiêu chuẩn không phải ai cũng muốn rời Thủ đô những người muốn đi lại không đạt yêu cầu .Tôi cũng không rõ do ai mách mà Vũng Tàu lại chú ý đến tôi, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ đó mặc dù tôi rất thích khí hậu và nếp sống mới mẻ của vùng đất “Tứ chiếng giang hồ” này .
Rồi đặc khu mời tôi về chơi Vũng Tàu và bàn bạc.
Tôi nói ra điều kiện của mình với anh Lê Quang Thành :
- Tôi rất thích sống ở Vũng Tàu , nhưng nếu về để làm Chủ tịch Hội thì lại khác .Trước hết phải có sự tín nhiệm thực sự của lãnh đạo ,sự đồng thuận ủng hộ của anh em Văn nghệ thì tôi mới làm được. Vì vậy tôi đề nghị anh nhân dịp anh sắp ra Hà Nội họp –Ban CH trung ương Đảng ,anh sẽ tìm hiểu về tôi. Ở Hà Nội anh có thể gặp anh Lê Quang Đạo , o Tạp chí VNQĐ anh có thể gặp nhà thơ Vũ Cao.Việc tổ chức thì anh đã rành khỏi nói,sau đó anh cho tôi biết một tiếng được hay không. Anh Lê Quang Thành đồng ý và nói thêm việc nói với Đồng Nai cho tôi về Vũng Tàu anh sẽ lo cũng dễ thôi. “Tôi sẽ nói với các anh ấy là Vũng Tàu mới ra ở riêng đề nghị chia nửa cho chúng tôi.Khi được mời anh thu xếp về Vũng Tàu ngay .Cưới vợ thì cưới liền tay chớ để lâu ngày …
Sau nửa tháng tôi nhận được giấy “ báo hỉ” .Thế là trả lại giấy quyết định nhà cho Hội Đồng Nai thu xếp theo chuyến xe về biển , không kịp có tiệc tiễn đưa . Đến nỗi khi ván đã đóng thuyền anh Lí Văn Sâm với danh nghĩa Chủ tịch hội xuống Vũng Tàu đề nghị được đón tôi trở lại Đồng Nai .
Anh Lê Quang Thành và anh Lí Văn Sâm từng biết nhau,anh Sâm nói:
-Tôi nói thiệt nghe anh Tư, anh làm lẹ quá bọn tôi trở tay không kịp anh em Văn nghệ trách bọn tôi dữ lắm bây giờ anh trả lại “ Kinh châu” cho chúng tôi . Đồng Nai Vũng Tàu là một nhà anh Tư .
Tôi ngồi im lặng .Anh Thành vỗ đùi khách :
- Anh Hai à lâu ngày mới lại gặp nhau lát nữa sẽ mời anh uống chén rượu mừng hội ngộ .Còn việc trả lại anh Xuân Sách thì không có đâu ,như thế sái lắm .
Khi chia tay với tôi anh Hai Lí rơm rớm nước mắt , ông già này dễ xúc động .Chúng tôi sống với nhau chưa lâu nhưng có thể nói đã thành tri kỉ .Một lần ngồi uống cà phê anh nói :
- Hồi anh mới về Hội một vài anh em ở Sài Gòn cảnh cáo tôi là ông rước thằng đó về là rước cái dữ .
- Bây giờ anh thấy sao ?
- Sao nữa , bây giờ tôi ngồi uống cà phê với ông đây nè .Tôi nghiệm thấy mấy cái thứ lời ong tiếng ve có thể đánh gục một con người, tôi đã từng chịu điều đó .Thế sự du du lắm .Rồi anh cười phá lên :Mà ông dữ thiệt đó ông Sách .Không dữ làm sao còn được như bây giờ .
Lý Văn Sâm mang đậm tính cách người Nam bộ , với văn phong tài hoa văn anh đã vượt khỏi vùng miền .Năm 17 tuổi anh viết một chuyện ngắn gửi ra Hà Nội .Nhà văn Vũ Bằng in lên báo và viết thư khen Lý Văn Sâm và : “Rất mong sớm được diện kiến tiên sinh”.
Lý Văn Sâm gửi vào trang văn cái ý tưởng và mơ ước không phải làm kẻ sĩ mà muốn làm một hiệp khách,và trên đường hành hiệp giang hồ trên vai luôn gánh nặng một gánh tình .Nhân vật Kòn Trô của anh biểu hiện rõ những ý tưởng ấy .
Tôi viết chân dung Lý Văn Sâm :
Kòn Trô dấn bước đường chinh chiến
Nửa gánh giang hồ nửa ái ân
Ngàn sau sông Dịch còn tê lạnh
Tráng sĩ có về với bến xuân.
Đọc xong anh nói : “Ông Sách hiểu tôi”.
Người trung thực khẳng khái thường dễ hiểu .Và trên đường đời đường văn người ấy gặp trắc trở cũng là dễ hiểu .
Anh Tư Thành bàn với tôi về việc chuẩn bị Đại hội Văn nghệ :
Ý tôi là Đặc khu ủy ra một cái quyết định thành lập một Ban chấp hành lâm thời do anh làm Chủ tịch để tiến hành Đại hội .
Tôi nói :
- Có lẽ không nên làm vậy ,các anh cứ cử tôi làm trưởng Ban tổ chức Đại hội, rồi ra đấy anh em sẽ bầu ra Ban chấp hành .
- Nhưng nếu không đúng như dự kiến thì sao ?
-Theo tôi biết anh em Văn nghệ rất có ý thức về tổ chức tôi tin thế .
Không khí Đại hội thật sôi động và vui vẻ đúng với sự mong đợi của mọi người .Một số nhà văn như các anh Nguyên Ngọc ,nhà thơ Nguyên Duy,anh Bảo Định Giang,anh Lý Văn Sâm ,anh Bùi Minh Quốc …
Các Đại biểu tham luận và phát biểu ý kiến .Chỉ có quy định về thời gian , còn nội dung người nói được tự do .Các ý kiến đều rất hay .Nhà thơ Nguyễn Duy còn đọc bài thơ “ Tổ quốc nhìn từ xa” Đến phần bầu Ban chấp hành ,không bầu thử bầu một lần và kiểm phiếu ngay .Kết quả Ban chấp hành 7 người họp ngay phiên đầu tiên và Xuân Sách được bầu làm Chủ tịch .
Đồng chí Chủ tịch Đặc khu nói vui với tôi : Đại hội của các ông hay nhất Thế giới.
Hoạt đông của Hội thuận lợi cho đến năm 1992 khi tôi xuất bản tập thơ Chân dung nhà văn .Thế là Chủ tịch Hội có vấn đề .Gió bão bắt đầu làm biển nổi sóng .Lúc này Vũng Tàu đã sát nhập với Bà Rịa trở thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu .Cán bộ cũng thay đổi nhiều ,nên vấn đề Chân dung nhà văn càng trở nên phức tạp .Nhiều áp lực buộc những người lãnh đạo phải có kỉ luật với Chủ tịch Hội Văn nghệ…..Còn tiếp