Tặng cháu Hữu Nhiên
1
Tuổi đã “về hưu” nhưng không phải là “tuổi ngưng làm việc” – nên tôi nhận chăm sóc đứa cháu Ngoại lên 4 tuổi. Ngày xưa nói “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng nay có vẻ khác : “Con cậy cha, cháu cậy ông!? Tôi phải nhận chăm lo đứa cháu để cha mẹ chúng bươn chải kiếm ăn! Nhờ người giúp việc thì không đủ khả năng (hai vợ chồng đều là giáo viên) – còn bỏ bê con thì cũng không đành! Trong tình thế ấy, ông bà nào có thể làm ngơ? Lúc trước, ghé vào thăm ông bạn văn ở Tuy Hòa – thấy nhà lúc nhúc ba bốn đứa trẻ con, tôi tưởng ông bà đã chuyển nghề sang “cô nuôi dạy trẻ!”. Hỏi ra, mới biết, ba đứa con gái gửi cháu! Nay, tôi chỉ mới “quản lý” một đứa cháu Ngoại – vẫn còn sung sướng!
Nhà có trẻ con rất vui. Nhưng bù lại, cũng rất mệt ! Hình như nó không biết mệt mỏi. Đứa cháu trai của tôi hiếu động, hiếu kỳ; suốt ngày bày nhiều kiểu trò chơi, bắt tôi phải tham gia! (vì không lẽ nó chỉ chơi một mình?). Nhờ trường Mẫu giáo mầm non từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều (trừ ngày thứ 7 và chủ nhật) – còn lại là tôi “chịu trách nhiệm”!
Một buổi tối, ông cháu ngồi xem ti vi – nghe xướng ngôn viên nói “bão chồng lên bão, lũ chồng lên lũ” với cảnh nhà ruộng đường sá ngập nước trốc ngã – nó vụt nói : “Khổ chồng lên khổ phải không ông Ngoại?”.
Tôi ngạc nhiên: “Đúng rồi, khổ chồng lên khổ mà năm sắp hết, Tết gần kề rồi – lấy đâu ra tiền mua gạo, mua bánh ? – Lại khổ nữa”…
2.
Thằng cháu tôi rất thích nghe kể chuyện đời xưa, chuyện thần thoại, khoa học viễn tưởng… Kể chuyện thì được ngồi, hay nằm ở ghế dựa – đỡ mỏi chân mỏi tay, chạy lui chạy tới với các trò chơi ngày một thay đổi mới lạ của nó. Dĩ nhiên là chuyện cổ tích trong “vốn nhớ” của tôi có hạn, kể hoài cũng hết. Tôi bắt đầu “sáng tác” ra chuyện mới! – có đủ thần tiên, phù thủy, anh hùng, kẻ thiện, người ác (v.v). Xem ra nó thích kho chuyện mới “bịa” của tôi hơn (vì tôi luôn tạo ra điều bất ngờ, hồi họp- làm cho nó vui cười, hay tức giận…).
Một hôm, sau câu chuyện – nó hăng hái nói : “Ông Ngoại ơi, để cu Nhiên hóa phép bay lên trời – kêu ổng đừng có bão lụt nữa…”.
Chuyện đã qua tôi nghĩ là nó quên – nhưng nó không hề quên chút nào. Tôi cười : “Nếu cháu có phép, thì cháu bắt bọn phá rừng, hủy hoại thiện nhiên – có lẽ tốt hơn!” – “Cháu sẽ lấy súng bắn rồng lửa, bắn chho tụi nó cháy luôn! Cháu cũng sẽ hóa phép thật nhiều tiền, bay ra cho mấy nhà bị bão lụt nữa, ông Ngoại à!”.
3
Tuổi nhỏ là tuổi của tò mò, hiếu kỳ, ưa thắc mắc. Thằng cháu tôi luôn đặt ra nhiều câu hỏi – có câu rất khó, không thể trả lời ngay. Đừng bao giờ nghĩ rằng, trẻ con không biết gì (và không nhớ gì, mà tha hồ nói, tha hồi trả lời bừa bãi với chúng. Chúng có trí nhớ rất tốt. Như trang giấy trắng. Đã in vào rồi thì khó lòng tẩy xóa. Do vậy, tôi “ngại” nhất là lúc nó cứ theo sát tôi như một cái đuôi, để hỏi chuyện này, cái nọ. Bắt tôi phải giải thích, trả lời!
Mấy câu dễ như : “Ông Ngoại ơi, tại sao có mưa bão?” – “Sao có động đất?”. Hay khó hơn : “Nhiên niệm Phật được ông Phật thương phải không ông Ngoại?” – “Học giỏi, lễ phép, hiền lành được ông Phật cho về Trời phải không ông Ngoại?”. – “Chừng nào ông Ngoại về trời cho cháu đi với?...” – “Tại sao ông Ngoại già?” (…)
Mỗi khi có khách đến thăm chơi, biết ý tôi – nó thường ngồi chơi một mình, im lặng, không đòi hỏi gì nhiều. Trò chơi một mình của nó – không rõ bắt đầu từ lúc nào, là vẽ hình Phật : Bằng nét vẽ tượng trưng theo suy nghĩ của nó – ông Phật gồm có hào quang chiếu ra quanh đầu, hai chân đứng trên 2 hoa sen, hai tay cầm hoa, ngôi sao, lồng đèn…
Được xem những “tranh vẽ” ngộ nghĩnh không chuẩn hình thù của nó – Tôi động viên : “Cháu vẽ đẹp quá! Vẽ nhiều hình Phật, Niệm Phật nhiều, ông Phật thương nhiều…”.
- Ông Phật thương cho Nhiên cái gì, ông Ngoại?.
- Ông Phật cho Nhiên thông minh, khỏe mạnh, vui vẻ…
- Ông Phật không cho quà Nhiên sao ?
- Có chứ! Cho Nhiên học giỏi, thi đậu, làm việc siêng năng, rồi cháu có nhiều tiền để mua quà…
Tuổi già có đứa cháu bên cạnh như một người bạn vui tính ham chuyện, kể cũng vui ! Tuổi già và tuổi nhỏ hình như rất thích hợp. Nhờ có đứa cháu Ngoại mà tôi luôn sống vui vẻ, năng động hơn. Tôi muốn sửa câu tục ngữ : “Trẻ cậy cha / già cậy cháu!” (chứ con thì …)