Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
1.032
123.367.680
 
Người đánh trống
Trần Kỳ Trung

- Ai tham gia vào đội tuyển bóng đá của khoa?

- Có Bừng !

Ai xung phong ngày chủ nhật này ở lại làm vệ sinh hố xí tập thể?

- Có Bừng!

- Ai xung phong vào đội thanh niên gương mẫu của trường đi nạo vét sông Tô Lịch!

- Có Bừng!

 

...Ngày ấy trong lớp của tôi đang học, Bừng nổi bật như một " hiệp sỹ " dám xả thân làm những việc "lớn" như vậy. Bừng nhận những công việc ấy với một thái độ hết sức vô tư, hồ hởi, đầy trách nhiệm, không hề có một chút tính toán thiệt hơn. Đã ai trong lớp tôi, kể cả các lớp trong khoa nữa, dám nhận đánh trống tập thể dục giữa giờ của toàn khoa? Việc ấy chỉ có Bừng làm. Tiếng trống giữ nhịp tập thể dục giữa giờ khoan nhặt, rõ từng tiếng của Bừng gõ suốt bốn năm học Đại học, với lớp của chúng tôi, đã đi vào trí nhớ của từng người thành một kỷ niệm khó quên. Bừng là một người tuyệt vời như thế, còn mọi người trong lớp chúng tôi, tất nhiên tôi cũng ở trong số đó, nói ra nhiều lúc xấu hổ.Của phải tội, trần ai cả tuần đánh vật với bao nhiêu môn học, còn có mỗi ngày chủ nhật mà lại " xung phong " làm những việc mà  Bừng đã " hiến thân " thì ... cả lớp tôi chỉ có Bừng. Cũng có lúc, mấy anh em chúng tôi ngồi quanh ấm trà, ngượng nghịu nhìn nhau khi thấy tất cả hay lợi dụng lòng tốt của Bừng, định giúp Bừng thì Bừng gạt phắt:"Các cậu khỏi phải áy náy, mình khổ quen rồi. Những việc như thế này mình thấy còn nhẹ nhàng gấp vạn lần hồi mình còn ở nhà làm công tác cho xã ấy chứ !".

 

Theo Bừng kể cho chúng tôi nghe, trước khi sinh hạ ra Bừng, bố mẹ Bừng đã có sáu người con, toàn là gái cả. Đến  khi Bừng ra đời, là con trai, cả nhà Bừng náo loạn như có cơn " mưa vàng ". Mừng vô hạn độ ! Mừng khủng khiếp!Vì thế mới có tên BỪNG. đủ cả tên và họ là TƯNG VĂN BỪNG.Cả nước Việt Nam, có khi kể cả các nước Đông Nam Á, cái họ " Tưng Bừng " này chỉ có ở nhà Bừng.

 

Bừng lớn lên tham gia công tác xã hội nhiều, nên đường học vấn có chiều vất vả. Bừng kể  :" Phụ trách dân quân xã, cũng tớ !Công tác Đoàn trong xã, cũng tớ !Thông tin, cổ động, thiếu tớ thế quái nào được! Làm phân xanh cho ruộng năm tấn, tớ đóng góp nhiều nhất!". Bừng  còn kể dài nữa :"...Tớ đứng ra chỉ đạo !"."...Tớ là đầu tàu !".Chúng tôi ngồi nghe Bừng kể, đứa nào, đứa nấy đều lắc đầu, lè lưỡi. Nhưng điểm này, cần nhấn mạnh, cũng nhờ những "thành tích'' như thế Bừng đã vào được Đại học. Hồi ấy, bọn tôi đi thi Đại học chẳng " sứt đầu " cũng " mẻ trán " thì trường hợp của Bừng, khi  nhà trường xét tuyển, ngoài điểm thi, còn được cộng thêm mấy điểm thuộc diện ưu tiên: Cán bộ đoàn, cán bộ xã, phụ trách dân quân. Riêng mấy khoản này của Bừng bằng chúng tôi " đánh vật" trong phòng thi mấy tiếng. Nhắc lại mấy chuyện này Bừng cứ cười hơ hớ, tiếng cười mới hồn nhiên làm sao :" Tớ chẳng hiểu vì sao mình lại trúng vào Đại học ! Vì trình độ bổ túc như tớ, tớ hiểu chứ. Thế mà trúng thật! Trúng to...". Bừng nói chuyện " trúng vào Đại học " với cái giọng như thể vừa trúng giải độc đắc của xổ số. Bừng còn kể với chúng tôi, không hề dấu diếm, rất tự hào:" Các cậu biết không ? Ngày nghe tin vào được Đại học, tớ cứ véo vào chân  xem mình đang tỉnh hay đang mê.Vì biết bài thi tớ làm kém lắm, làm sao mà trúng Đại học được? Sau này Tổ chức nhà trường mới cho tớ biết, sở dĩ trúng Đại học là do tớ có nhiều thành tích trong công tác của xã và nhất là lý lịch gia đình " thành phần cơ bản bần cố nông ". Nhưng điều đó cũng  chưa quan trọng, quan trọng nhất vì tớ là Đảng Viên, thuộc diện Tổ chức nhà trường đặc biệt ưu tiên. Thế mới khoái chứ ! Tớ vào được Đại học, cả gia đình quá mừng, trong chuồng có hai con lợn, bố tớ vật tất cả để đãi mọi người trong làng. Chẳng gì từ một người chân lấm, tay bùn tớ đã vào đến trường " Học Đại...". Bừng nói xong, lại cười hơ hớ.

 

Học Đại học, ban đầu cứ việc ghi chép, càng về sau chúng tôi càng thấy khó.Trong lớp, người học khổ nhất phải nói là Bừng. Bừng học chăm lắm! nhưng đầu óc của Bừng kể cũng lạ. Học được một chứ, lại trôi tuột một chữ. Học ngoại ngữ không ai tội bằng Bừng.Từ trưa cho đến chiều tối mịt Bừng cứ ra rả như cuốc kêu đầu hè, đến độ cả phòng tự học anh em chúng tôi phải lánh đi, nhường chỗ cho Bừng. Bừng học chăm như thế, ấy vậy khi Thầy dạy môn ngoại ngữ gọi Bừng đứng lên. Thầy chỉ hỏi một từ  nước ngoài rất giản đơn Bừng đã học suốt  một ngày hôm qua, Bừng lại đứng đực đến ông Phỗng cũng gọi bằng " cụ". Thấy Bừng học như vậy, cả lớp chúng tôi thấy xấu hổ. Chẳng gì một lớp, có một anh học dốt đến độ thành câu cửa miệng của mọi người trong khoa :" Dốt như Bừng !" nghe thật chán. Hơn nữa, một điều làm cho tất cả mọi người trong lớp áy náy.Việc gì của tập thể lớp, Bừng đều tham gia nhiệt tình, gương mẫu không hề tính toán thiệt hơn. Thiếu người nấu ăn trong đợt đi thực tế, lại có Bừng. Chị em trong lớp cần mấy gánh nước gội đầu, Bưng đáp ứng .Các đêm canh kho gạo của nhà trường phòng mất trộm. Bừng gác thay bao người. Bừng như thế mà chúng tôi lại phụ Bừng!

Thật chẳng còn mặt mũi nào!

 

Nghĩ như thế, trong một cuộc họp lớp, tập thể lớp ra một nghi quyết: Các gìơ học tập trên giảng đường cũng như trong giờ tự học ở ký túc xá, lớp cử người theo sát, giúp đỡ Bừng. Ấy vậy, rồi cũng như ban đầu, kiến thức vào đầu Bừng lại văng ra như thể người ta đá một quả bóng căng hơi vào tường. Bừng học như thế này thì ở lại lớp mất !Lớp tôi sẽ mất một người đáng mến! Lớp chúng tôi mở một cuộc họp kín, mọi người thống nhất bằng bất cứ giá nào cùng kiên quyết dìu Bừng qua được từng năm học.Trong các cuộc kiểm tra trên lớp, chúng tôi phân công người giúp Bừng làm bài. Khi Bừng bị điểm kém, phải thi lại, cán bộ lớp lại phân công mấy bạn gái " hoa khôi" đến các thầy chạy chọi điểm cho Bừng. Còn một điểm nữa, cũng là may cho Bừng và cũng may cho lớp chúng tôi, vì Bừng là Đảng Viên, nên việc xét lên lớp của Bừng cũng dễ dàng hơn các người khác.

 

Cứ như thế Bừng của lớp chúng tôi  cũng đến năm cuối của Đại học.

Khi chúng tôi chuẩn bị thi tốt nghiệp Đại học cũng là lúc miền Nam được hoàn tòan giải phóng. Một hôm sắp đến kỳ thi thì Bừng được Tổ chức nhà trường gọi lên. Thế là có chuyện rồi! Trông Bừng đi lên phòng tổ chức mà thương. Chân đi không vững, mắt nhìn mọi người như chực khóc.Tâm trạng Bừng chắc giống tâm trạng chúng tôi.  Ai cũng lo lắng, mọi người đoán già, đoán non. Có thể biết được sức học của Bừng, Tổ chức nhà trường không cho thi tốt nghiệp?!! Nhưng... ngược lại với suy nghĩ của cả lớp. Khi Bừng trở về, nét mặt rất phấn khởi. Bừng cho chúng tôi biết, sắp tới trong Nam, nhà nước mình sẽ thành lập một loạt các trường Đại học và Cao đẳng mới, rất cần những giáo viên xuất thân là thành phần " Công, Nông ", nếu người đó là Đảng Viên thì càng tốt. Ai đủ tiêu chuẩn trên xung phong vào mấy trường đó dạy thì Tổ chức nhà trường có thể xét " đặc cách " tốt nghiệp. Trong lớp tôi, chỉ có Bừng có đầy đủ những tiêu chuẩn đó. Thật là cơ hội " ngàn vàng " cho Bừng. Khi Tổ chức nói với Bừng những yêu cầu như vậy, không chậm nửa giây, Bừng gật đầu đồng ý liền. Chứ Bừng biết, mọi người trong lớp cũng biết, với những nguyên tắc nghiêm ngặt trong một kỳ thi Đại học, không ai giúp, có đến chín mươi chín, phẩy chín mươi chín phần trăm Bừng thi trượt.

 

Ngày chia tay Bừng ở sân ga thật bịn rịn. Thiếu Bừng, mỗi người trong lớp chúng tôi như thấy thiếu một cái gì đó đã trở nên hết sức thân quen. Bừng cũng cảm động. Đứng bên cạnh đoàn tàu hoả đang duỗi dài chuẩn bị lấy sức dưới cổ bò về phía nam, Bừng nói với chúng tôi, giọng bùi ngùi:

- Tớ sẽ cố gắng hết sức mình để trở thành một người cán bộ dạy Đại học giỏi, đào tạo những kỹ sư có chuyên môn tinh thông,  không phụ lòng của tất cả các bạn đã giúp đỡ tớ bấy lâu nay.

Phút chia tay đầy lưu luyến có cả nước mắt,  ít ai để ý đến khiếm khuyết mà chỉ có tình cảm :

- Cố gắng thực hiện lời hứa đó, Bừng nhé !

- Phấn đấu, phấn đấu liên tục nghe Bừng!

- Đừng quên nhau, đi đâu hãy viết thư về cho bọn mình.

 

... khi chia tay với Bừng xong, phút tĩnh tại tự nhiên nhớ đến lời hứa của Bừng với chúng tôi, không ít đứa trong lớp giật mình: "Bỏ mẹ ! Bừng học như thế liệu có thể trở thành một cán bộ giảng dạy Đại học không ?".

 

Rồi chúng tôi cũng ra trường, mỗi đứa đi một nơi. Rất lâu chúng tôi không có tin tức gì của Bừng. Riêng tôi, không hiểu sao tôi vẫn nhớ tiếng trống giữ nhịp của Bừng trong giờ tập thể dục giữa giờ của toàn khoa.

 

...Một lần tôi đi công tác qua cổng trường của một trường cấp Ba. Tình cờ tôi nghe tiếng trống tập thể dục giữa giờ khoan nhặt, rõ từng tiếng, giữ nhịp cho các em học sinh.  Tiếng trống gợi nhớ đến Bừng, hình ảnh người bạn thân hiện rõ như đứng trước mặt tôi. Đã lâu tôi không biết tin tức của Bừng. Biết đâu...Tôi đánh bạo đi vào.

 

Và đúng như tôi suy nghĩ, người đánh trống kia đúng là Bừng, không sai.Thời gian, tuổi tác làm nét mặt Bừng già đi nhiều nhưng tiếng trống đánh lên vẫn gióng giả.Tay Bừng cầm dùi vung lên mạnh mẽ. Theo tiếng trống ấy, từng đoàn học sinh tay giơ cao, hạ xuống rất nhịp nhàng, đều tăm tắp. Tôi nhìn Bừng trong dạ xốn xang.Ôi ! Thằng bạn thân của lớp chúng tôi: Tưng Văn Bừng.

 

Bừng gặp tôi, ánh mắt lộ vẻ sung sướng, tiếng cười hơ hớ vô tư như dạo nào. Tôi hỏi Bừng :

- Sao cậu lại đi làm chân gõ trống ở trường này.Trước đây cậu đi dạy Đại học cơ mà? Chẳng lẽ - Tôi hỏi mà chưa thực sự tin hẳn - Hay cậu bị kỷ luật?

- Ấy, ấy ! Đừng nói với mình như thế - Bừng vội xua tay - Cho đến tận ngày hôm nay mình không phụ lòng tốt của cả lớp đâu. Tớ vẫn là Tưng Văn Bừng của các cậu.Chỉ có điều ...- Giọng Bừng tự nhiên trầm hẳn xuống - Tớ không làm anh Cán bộ giảng dạy Đại học mà làm anh đánh trống trực trường...

 

Rồi Bừng kể lại:

"...Sai lầm lớn nhất của tớ là vào học Đại học.Trình độ và sự tiếp thu của tớ mà học Đại học thì... Sai lầm tiếp theo là tớ đi dạy Đại học. Ối mẹ ơi! Hồi ấy cứ nghe thấy tiếng khen:" Giáo sư Tưng Văn Bừng dạy Đại học sao trông trẻ thế!". Mũi tớ nở hơn bánh mỳ ủ đủ men. Không ngờ ! với tớ soạn giáo án còn khó, huống hồ lên lớp. Lên lớp bị sinh viên hỏi, nhiều lúc tớ không trả lời được, miệng ấp úng còn hơn ngậm hột thị mà cứ tưởng mình là " trò" còn mấy sinh viên kia là " thầy ". Cậu thấy có ngán không ?Tớ buồn nẫu ruột, tính đường xin về quê. Nhưng cậu nghĩ xem , mình đã chót khoe với cả làng,với cả nước là " cán bộ giảng dạy Đại học", giờ lại xách va li  về làng làm anh dân quèn thì biết ăn nói với mọi người thế nào? Những buổi chiêù, ngồi buồn, tớ lại nhớ da diết những buổi đi gánh phân xanh, đi tập dân quân, đi hộ đê... những việc ấy sao nhẹ nhàng , phù hợp với mình là vậy.

 

Sau này, tớ chủ động đề đạt với Tổ chức nhà trường cho xuống dạy cấp  Ba. Thế mà tớ cũng dạy không nổi. Kiến thức hổng lung tung, học trò cười. Gìơ lên lớp của tớ, chúng nó đâu có thèm nghe, nói chuyện riêng còn nở hơn ngô rang.

 

Ông Hiệu trưởng, sau giờ dạy học, cứ thấy  tớ ngồi thu lu ở góc nhà, cơm chẳng buồn ăn, Ông ấy cũng buồn. Giảm biên chế tớ thì không được. Tớ là Đảng Viên, có lý lịch thuộc thành phần "Công, Nông" phải giữ lại. Mà ở lại thì...

 

Một hôm ông Hiệu trưởng  gọi riêng tớ ra một chỗ, ông ấy nói cân nhắc:

- Cậu Bừng này! Tôi thấy cậu dạy cho các em không đảm bảo chuyên môn, tôi không biết nói sao ? Hiện tại tôi biết có một trường cấp Ba đang cần một người bảo vệ và đánh trống. Tôi nói điều này không phải, mong cậu bỏ qua. Qua để ý tôi thấy cậu làm những việc này lại phù hợp. Hay là...Tôi giới thiệu cho cậu sang đấy để làm những việc đó !

 

Ông Hiệu trưởng nhìn trước, nhìn sau thấy không có ai để ý, ông nói nhỏ với tớ :

- Tôi sẽ nói với Tổ chức bên đó, không nói cho ai biết, trước đây cậu đã từng dạy Đại học. Mà nói tránh đi, vì cậu là Đảng Viên muốn xung phong đến nơi khó khăn.

 

Cái điểm đó là tớ lo nhất, nhắc lại xấu hổ lắm. Được Ông Hiệu trưởng đảm bảo " không lộ bí mật", tớ đồng ý liền. Chắc cậu và các bạn còn nhớ tiếng trống giữ nhịp tập thể dục giữa giờ của tớ khi còn sinh viên.".

 

Nói chuyện với tôi, Bừng vẫn chú ý xem đồng hồ để gõ trống. Đến giờ các em học sinh vào lớp, Bừng cầm dùi  dang tay gõ mạnh vào mặt trống.

 

Tiếng trống của Bừng vang lên gióng giả:" Tùng...tùng... tùng...".

Gõ trống cho các em học sinh vào lớp xong, Bừng lại nhìn tôi cười.Tiếng cười hơ hớ mới hồn nhiên làm sao!

 

-------------

Trích trong tập truyện ngắn: " ĐỌP " - NHÀ THƠ - Nhà xuất bản Đà Nẵng – Tác giả có sửa chữa và bổ xung.

Trần Kỳ Trung
Số lần đọc: 2451
Ngày đăng: 27.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nát ruột mà không đau - Đậu Nữ Vệ
Ván cờ xuân - Phạm Minh Hoàng
Đôi mắt ấy… - Nguyễn Vĩnh Căn
Hòn vọng phu - Sâm Thương
Hai lần khóc... - Nguyễn Nguyên An
Mưa đêm - Hội An
Ngôi nhà ma - Nguyễn Khắc Phước
Phận gái - Đậu Nữ Vệ
Đứa con trên cát - Nguyễn Minh Phúc
Cái cối xay dưới đồng bằng - Y Uyên
Cùng một tác giả
Người đánh trống (truyện ngắn)
Bằng di tích (truyện ngắn)
Đọp-nhà thơ (truyện ngắn)
Lầm lẫn (truyện ngắn)
Chỉ tại con ruồi (truyện ngắn)
Chuyện của Cậu tôi (truyện ngắn)
Lõm to (truyện ngắn)
Mẹ (truyện ngắn)
Hương hoa móng rồng (truyện ngắn)
Bài văn tả…! (truyện ngắn)