Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
800
123.196.678
 
Núi hiện
Nguyễn Hiệp

Quá mười một giờ đêm còn có người gõ cửa, tôi cứ tưởng ai gọi đi chụp hình liệm người chết. Tôi hành nghề chụp hình gần hai mươi năm nay nên quen những ánh đèn pin loáng thoáng trước cửa và tiếng gọi giật nửa đêm. Tôi rất ngạc nhiên thấy đại đức Minh Lạc, người đàn ông tu trên núi Voi, tay cầm đèn pin, đầu bịt chiếc mũ len màu huyết dụ phủ xuống tận cổ.

-Thầy! Khuya rồi, thầy xuống núi có chuyện gì à? Ánh mắt vị đại đức có vẻ căng thẳng nhưng lời vẫn nhỏ nhẹ chậm rãi:

-Không ngủ được, xuống chỗ ông uống trà chơi chớ có gì đâu, mà có sao cũng chẳng làm sao, có như thế nào cũng chẳng làm chi. Tôi cười tủm tỉm với cách nói ra vẻ phớt tỉnh của thầy Minh Lạc vì biết thừa “Đó là nói”.

Từ ngày núi có cáp treo, có dịch vụ du lịch, tôi thường có những bữa cà phê sang trọng nhất nước: ban ngày làm nghề hình, ban đêm viết văn, cả hai loại thu nhập cộng lại cũng chẳng mấy đồng mấy cọc, vậy mà dành dụm đút dúi túi quần, cứ khoảng tháng, tôi chọn một cuối tuần hứng thú nhất, khoảng bốn giờ chiều là tôi mua vé cáp treo năm chục ngàn lên núi, gọi ly cà phê không đường ba ngàn rưỡi, ngồi một mình nhâm nhi thưởng thức rồi thả hồn vô không gian mịt mờ thoả sức tưởng tượng, suy tưởng, xâu chuỗi chuyện trên trời dưới đất, cố đúc kết chuyện mình chuyện người, cho đời, cho xứng giá trị của ly cà- phê năm mươi ba ngàn năm trăm mồ hôi nước mắt. Nơi ga trên cáp treo độ giờ này sương bắt đầu dày, sương trườn trên đỉnh xuống từng luồng bàng bạc như khói, thoáng chốc mà ly cà phê trên bàn đã như cái hồ ánh sáng chứa lưng thuốc tiên sánh nâu, trông nhỏ bé, ít oi, quý giá, dường như ly cà phê đang được cất giữ giữa bồng bềnh cõi ảo, chẳng phải trần gian. Cả bàn cà-phê cũng bồng bềnh, ướt dầm, sương trắng vốc được trên tay, sương luồn cả vào trong áo thấm đẫm, sương buốt lạnh như đã từng buốt lạnh triệu triệu năm. Lạ lùng, trong sương khói mờ mịt ấy, tôi thường thấy đôi bàn chân phụ nữ thon dài trắng lạnh lướt qua trước mặt bàn cà phê của tôi. Lần đầu, tôi đờ đẫn vì sợ, chân tay cứng lạnh, sau quen dần, tôi hay tiếc là đôi bàn chân ấy không phải để đi trên mặt đất. Và nghĩ lung: Không phải bàn chân nào cũng để đi, có những bàn chân chỉ lướt trong sương khói, những bàn chân không có con đường, chắc chắn khi có những tia sáng mặt trời rọi đến thì đôi bàn chân ấy tự khắc tan biến, chẳng còn gì. Nhưng giờ thì đôi bàn chân ấy đang lướt trước mặt tôi, nõn trắng, rờn rợn…. Sau nhiều lần xuất hiện, đôi bàn chân đã trở nên quen, tôi còn thấy thêm một chi tiết nữa là chiếc vòng đỏ au, có đính hai cái chuông nhỏ xíu, tôi nghe được tiếng chuông lanh canh vẳng xa, tôi còn đọc được ngôn ngữ của đôi chân lướt qua lướt lại, lúc nhẹ nhàng lúc giật nhịp, nói rất nhiều điều, thậm có lúc còn tỏ ra cố quyến rũ tôi, nhưng đặc biệt là đôi chân ấy luôn quắp lại, thủ thế. Tôi thân mật gọi đôi chân sương khói ấy là “chị bồ” trong những lần cà phê trên núi. Tuy có nhiều lý do để tôi thường xuyên lên núi uống cà- phê, nhưng khi mấy cô gái trên quày phục vụ hỏi: “Anh ghiền núi quá hén?”, tôi chỉ trả lời qua loa: “Ừ, à… Anh lên “sạc điện” ấy mà. Mấy cô nghe tôi trả lời lạ quá cứ há miệng không thành tiếng, cười ngỏn ngoẻn, lần sau lại láu lỉnh:“Chào anh sạc điện!” Tôi uống xong ly cà- phê là chuông reo báo hiệu chiếc ca- bin cuối cùng xuống núi, tôi nhảy phóc lên, hạ sơn cùng những nhân viên du lịch thay ca cuối ngày. Trong một lần như thế tôi đã quen được với vị đại đức trụ trì ngôi chùa có mái cong không xa khu du lịch là mấy. Ông thầy ấy mết tôi bởi cuộc trò chuyện ngắn trên ca- bin cáp treo: Ông tỏ ý bất bình với việc người ta dựng cáp treo để kinh doanh nơi đất Phật linh thiêng, tay lần chuỗi hạt bồ đề, ông nói:

- Con người bây giờ chỉ còn biết tin vào tiền bạc.

- Bạch thầy! Con cũng nghĩ như thầy… Xin thầy đừng nghĩ con mồm năm miệng mười nhưng con nghĩ mọi người cũng nên rộng lòng một chút. Xét cho cùng: Núi linh là do người linh. Mọi người đang cứu lửa gần mà. Ông cố đáp lại cứng rắn:

- Người ta xả rác, người ta thu tiền, người ta làm những việc đồi bại ô uế, bất chấp, miễn sao đầy túi, núi có linh cũng không còn linh nữa.

 

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ ca- bin nói thêm:

- Nó sao thì nó vậy! Chim cứ ăn trái, cứ mổ rỉa, cây cứ nảy lộc đơm hoa. Thầy như cây cổ thụ thì “mang” làm gì cho nặng. Ông nghĩ lung lắm rồi buông mấy lời thì thào nhưng kéo dài giọng, gần như nói để mình mình nghe:

- Đó là nói! Mà được vậy thì phước ba đời.

 

*

Không hiểu sao, sau đó, tôi thấy ông thường xuống núi thăm tôi, biết tôi là người theo nghiệp văn ông càng thường xuyên lên xuống cả đêm hôm, cùng chia sẻ những chén trà thân tình, những lo lắng, bế tắt nhất thời. Ông nói vui với tôi: “Chính ông đã “đánh” một cú võ Judo tâm lí vào tôi. Thông thường Ma vương có cái sướng là được lên thăm Phật, Phật không đi thăm Ma vương được, còn mình lại không bị cái ranh giới ấy ngăn cản”. Tôi hơi có ý “chọt cù lét” ông: -Không hiểu thầy thì sao, con thấy làm người khó thiệt đó, nhưng quả tình tách khỏi thế giới này còn khó khăn hơn. Ông gật gật đầu rồi cúi xuống lần chuỗi hạt bồ đề. Sau này, thân tình, chuyện gì ông cũng kể tôi nghe. Có lần ông còn kể chuyện ông đi Đà Lạt lạnh quá phải ghé chỗ người bán áo lạnh cũ mua một cái đỡ lúc đi đường. Về tới Thiền viện, mặc áo đã hai ngày, vô tình cho tay vào túi áo đụng một cái ca- pốt mềm xèo, cảm giác láp nháp, tay chân ông run lẩy bẩy, mặt tái đi, toàn thân ông như lên cơn sốt, ông ném bung cái của nợ ấy ra xa, rồi dường như vẫn còn bất an, ông đi tìm lại, đào lỗ thật sâu, chôn rồi còn dập nện lưỡi cuốc xuống năm lần bảy lượt, mồ hôi lạnh tuôn ra như tắm. Tôi được một bữa cười no.

 

… Tráng đổ nước đầu rồi chế nước mới vào bình, tôi ngồi chờ trà ra, còn vị đại đức không đợi được lâu, giọng mê sảng, liền kể tôi nghe về một người đàn bà trẻ đã đánh cắp giấc ngủ của ông, không phải bằng nhan sắc quyến rũ, hay xác thịt lẳng lơ mà bằng một câu chuyện đời người. Người đàn bà ấy lên núi làm công quả và trong lúc ngồi nghỉ đã nói về cuộc đời đau khổ và tội lỗi của mẹ mình và quả quyết xác mẹ cô còn nằm đâu đây quanh khu chùa này. Cô tên là Bột, đứa em nhỏ của cô đã chết khi mới năm tháng tuổi là Bơ. Ba cô lấy lại bánh tiêu của một người người Tàu ở khu quận lỵ rồi gánh đi bán dạo. Có lẽ khi đặt cho con những cái tên Bột, Bơ, ông đã gửi gắm những khao khát được no đủ của mình, có bột mới gột nên hồ mà. Cô ấy nói ba cô là người chồng gia trưởng và hung bạo. "Đàn bà không được mang cái mùi ấy ngang bàn thờ!”, "Mày ở cái lỗ nẻ nào chui lên mà ngu vậy?","Đàn bà…"

 

Đó là những câu nói cửa miệng của ba cô. Ngay cái hôm đám cưới, má chân ướt chân ráo bước vào nhà chồng, vừa vô tới cửa buồng đã bị ba dang tay hết cỡ cho một bộp tai, đập đầu vô vách, nổ đom đóm mắt, thấy cả chín ông trời. Má bàng hoàng không khóc được ngay, mắt ráo khô, thoáng sau mơí vừa mếu máo vừa hỏi: “Sao đánh em?” Ba chỉ cúi đầu, mặt mày đỏ tía, hai bàn tay bóp bóp vào nhau: Có gì đâu… Người lớn thường dặn Dạy vợ từ thuở ban sơ mới về… ấy mà. Má bị chồng đè nén ức hiếp, hở tí là la mắng, bộp tai, đến mức trong những lúc không chịu nỗi nữa thì bà lấm lét nhìn trước ngó sau, rón rén thật xa về cuối vườn, níu nhánh lá mít xuống mà chửi, chửi “dạt mặt” những chiếc lá: - Đồ khốn nạn ! Đồ khốn nạn! Mày ức hiếp tao. Mày ức hiếp tao. Bà chửi thật to đến khi nào khan cổ, nhẹ lòng thì lại te te vào lại nhà, lại mình mình nhà nhà với người chồng gia trưởng bất nhân của mình. Một ngày chủ nhật, chồng bà và con Bột đi bán bánh, vì mải chửi… nhánh lá mít bà đã quên đứa con mới sinh năm tháng tuổi của mình. Sực nhớ bà chạy băng vào nhà dáo dát tìm con. Bà chợt chết đứng như trời trồng, mắt nhìn trân trân bầy kiến lửa đang bu đầy trên khuôn mặt bất động của đứa bé. Nó ngủ dậy, đói, khóc và bò lết ra khỏi mảnh chiếu, bò đến tận mép sân rồi té lộn đầu xuống mép đất sâu bên hông nhà. Nó chết khi bà đang mải chửi chiếc lá mít. Lòng bà như bị đổ chì đông cứng. Bà ngồi ôm thật chặt đứa con, bà ân hận, thương con, thấy mình mang tội giết con bà vật mình vật mẩy ra đất vừa gọi: "Bơ ơi là Bơ! Sống khôn thác thiêng, tha tội cho mẹ Bơ ơi!" Cũng tại bà nghiện ngập, mê mẩn cái con đường ngoằn ngoèo trong cỏ đi ra cuối vườn, nghiện cái nhánh lá mít giúp bà nhẹ lòng suốt những năm tháng bị ức hiếp. Mắt bà dại đi, bà rú lên từng chặp thất kinh. Hàng xóm xúm lại nói gì bà cũng không chịu bỏ đứa con ra, vài người đoán già đoán non về nguyên nhân, người ta nghĩ ra một cái tên bệnh trẻ con nào đó để nói đỡ khi chồng bà và đứa con gái lớn trở về. Một số người kinh nghiệm rỉ vào tai nhau những ảnh hưởng của chứng hậu sản làm bà lúc nào cũng lo lắng và quan trọng hoá bất cứ chuyện gì. Sau khi mất con Bơ, có lần bà lại thất thểu đưa chân ra cuối vườn, níu nhánh mít xuống chợt sựng lại, mắt đã dại càng thêm dại, nhánh mít đã chết trơ tự lúc nào, cành vẫn giữ màu xanh mà lá lại đỏ bầm như màu máu, mà hình như bà nhìn thấy máu thật, máu khô, những nốt đỏ bầm như bị xuất huyết vì nghe bà trút nỗi uất hận hàng ngày, những nốt xuất huyết như bị kiến cắn. Bà dụi mắt mấy lần, cứ ngơ ngẩn thắc mắc: -Chết hồi nào cà? -Chết hồi nào cà? Không biết nhánh mít cành xanh lá đỏ ấy chết trong lần chửi thứ bao nhiêu của bà. Lúc nào cũng cuống quýt, lo sợ một điều gì đó, mơ hồ, thật sự mơ hồ, nhưng oái oăm là chính như vậy mà nỗi sợ hãi càng lúc càng lớn, càng phình to thành những chiếc bóng chập chờn sau lưng, bà mang bệnh sợ bóng sợ vía kinh niên. Sau, bà chọn cách khác, cứ đi trên đường (bà thường men theo các hàng rào hái lá miểng bát, chùm bao, dền cơm mọc dại về nấu canh tập tàng), nhìn quanh, lựa chỗ thật trống vắng, tiệt không thấy bóng người nào là bà gồng cổ chửi toáng lên: “Đồ khốn nạn! Đồ khốn nạn!”… Lúc nào bà cũng thấy mình như tấm bia bằng giấy mà người chồng cứ nhắm vào bắn những loạt đạn rủa xả vô cớ. Bà luôn miệng lầm bầm một mình: “Làm việc đầu tắt mặt tối… cũng bị mắng, ngồi ru con… cũng bị mắng, đang đi đứng bình thường… bỗng chịu một trận mắng nhiếc… như tát nước sôi vào mặt”…

 

Trước đây, chồng bà là người ở trông coi việc đồng áng cho nhà bà. Bà đã thương người đàn ông đó bất chấp sự phản đối dữ dội của gia đình. “Lấy thằng bán than phải lên núi suốt đời nghen con!” Người cha của bà đã nói với bà rạch ròi như vậy trong đám cưới bất đắc dĩ, cả gia đình và gia tộc đều bằng mặt mà không bằng lòng. Chồng bà sống với bà như một cuộc trả thù mà nguyên nhân thù oán ấy bà không hề biết. Chưa bao giờ bà trả lời được câu hỏi mình đã làm gì nên tội?

 

Một tiếng sập cửa, một tiếng gió giật phên cũng làm bà run lập cập, sợ đến thun cả người lại. Bà thường xuyên mất ngủ. Đêm, bà thì thầm với con mắt mình: “Êm giấc! Êm giấc!” Bà gõ vào óc não bà từng nhịp đếm: “Một hai ba bốn năm…” Bà vỗ về tai bà: “Gió, chớ có gì đâu”… Vậy mà tất cả cứ phản lại bà, những thứ tưởng thuộc về mình là chúa phản mình nhất, bà thường nghĩ như vậy, bà nằm mà mắt cứ thao láo, hốt hoảng, sợ sệt, giật mình cả đêm. Bà quẫn trí rồi cũng tìm lên núi để chạy trốn thực tại. Nhưng chính vì bị đè nén lâu ngày như vậy bà sinh ra thù hận đàn ông, thù hận cuộc đời để bây giờ con gái bà phải mang nặng và xác bà bây giờ vẫn chưa tìm ra…

 

Sau khi chặt đoạn thân dây ruột nước, mỗi người ngửa cổ hứng vài giọt cho đỡ khát, đại đức Minh Lạc và Bột tiếp tục đi tìm xác. Trèo qua một tảng đá lớn, cách xa tượng Phật nằm một quãng không xa, nhưng bị tảng đá chắn lối nên ít có dấu tích con người, họ lọt vào một khu rừng thâm u mi mít chưa có bàn tay chặt phá của con người. Ông chỉ cho Bột một chùm dây leo hình chiếc võng mắc lưng chừng giữa hai cây câm se thẳng đuột, không biết loại dây leo gì mà nở bông trắng muốt. Ông đưa tay vẫy Bột: - Nhìn kìa! Một chiếc võng hoa màu trắng, lạ quá! Ngay lúc ấy, hết sức bất ngờ, bên tai ông thì thào một tiếng nói lạ: - Võng thật chớ võng hoa gì! Ông nhìn quanh, sởn gai ốc, chẳng thấy bóng dáng ai ngoài người đàn bà đang đi phía trước, tự dưng xương sống ông dợn lạnh như có luồng điện mạnh nhập vào người. Sau một phút bàng hoàng, chạo rạo trong lòng, ông biết chắc đó tiếng nói của một người khuất mặt nào đó. Ông gọi Bột lại, kể cho nghe có một giọng nói lạ báo cho biết bí mật của chiếc võng hoa. “Võng thật chớ võng hoa gì!” Thật ra câu nói ấy nghĩa là gì ông cũng chưa kịp nhận biết, chưa thể nào đoán ra, nhưng lòng ông đã quyết phải nhìn tận mắt chiếc võng hoa trên cao kia là gì. Ông bảo Bột đứng chờ rồi túm tà áo nâu thật gọn gàng, ông leo lên cây câm se có nhiều nhánh nhóc hơn. Sau mấy lần trụt xuống trèo lên trầy cả ngực, cuối cùng ông cũng đặt chân lên được một chạc nhánh trên cao. Ông giật mình đến suýt rơi xuống đất, mồ hôi lạnh rịn ướt hai bên thái dương, tay chân dường như cứng đơ. Đập vào mắt ông là một bộ xương người co rúm lấp ló trong lá xanh hoa trắng, giữa những sợi dây leo chằng chịt. Bộ xương khoanh theo kiểu số bốn, đầu lâu gục xuống trước ngực, xương sống cong vòng, có vẻ oằn oại trước khi trút hơi thở cuối cùng. Ông nghĩ: Đây là một người sống trong cô đơn và chết cũng trong cô đơn. Ông thấy chiếc võng dù đã mục rã, chỉ còn ít mụn vải ni-lon xanh và hai sợi dây dù buộc siết vào hai thân cây căm se, phần thân cây chỗ buộc võng đã phình lên thành vết sẹo vòng quanh thân cây, che lấp sợi dây. Dây leo bện chặt thành chiếc võng thô vừa bó rọ vừa đâm xuyên qua bộ xương. Ông tụt xuống ngồi thở dốc. Bột nhào tới, nghe ông kể, vội hỏi: -Thầy nhìn thấy chiếc vòng có đính hai cái chuông nhỏ không? Ông phải leo lên lại lần nữa để tìm chiếc vòng nhưng đành phải trả lời là không có. Người đàn bà đi tìm mẹ lại thở ra buồn bã. Ngay lúc tưởng chừng tuyệt vọng, ông tình cờ nhìn dưới bãi lá mục trước mặt vừa loé lên một tia sáng anh ánh, ông nhào tới, vén đám lá mục, cầm lên chiếc vòng, đúng là có hai cái chuông bé xíu, ngay lúc ấy, ông cũng thấy có những mẫu xương nhỏ vàng ố lẩn lấp. Ông nhìn trân, môi chỉ mấp máy điều gì đó, hình như là bâng quơ, hình như là không có nghĩa gì cả. Người đàn bà vồ vập cầm chiếc vòng: "Đúng là mẹ rồi thầy ơi!"... "Mẹ ơi! Sống quê cha, ma quê chồng; mẹ chẳng có quê nào sao mẹ? Sao mẹ tôi lại ra nông nỗi này? Trời ơi!...

 

Sau khi hạ được bộ xương rệu rã của mẹ xuống an táng, Bột luôn bám theo thầy Minh Lạc mà hỏi: - Có thể nào hai cái cây ấy cùng lớn lên và mang theo mẹ cùng chiếc võng lên tận trên cao như vậy? - Mô Phật! Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Thầy biết nói sao bây giờ.

 

Hết thắc mắc lại huyên thuyên kể chuyện mẹ mình, trong những ngày ấy, Bột đã làm cho vị đại đức sinh ra chứng mệt mỏi, ngao ngán. Biết tâm trạng của người vừa tìm được xác mẹ nhưng ông đang cố gắng tìm sự bình an trong lòng nên không chịu nổi sự quấn quấy của bất kì ai. Thấy Bột lên chánh điện, ông lại dừng kinh, đi xuống vườn cây. Bột bươn theo, ông chịu trận một hồi lại tỏ ra mất bình tĩnh, lại đi tụng kinh niệm Phật, cứ thế… Đang kể chuyện của mẹ, thỉnh thoảng Bột dừng lại rên rẩm thiểu não rồi đột ngột nhìn xoáy vào mắt vị đại đức mà hỏi: "Bạch thầy! Thầy có đủ khăn lau nước mắt cho con không?". Câu hỏi ám ảnh vị đại đức như một thứ dây nhợ vô hình buộc ám, như một mớ bòng bong độc thoại, đối thoại âm vọng:

… “Sau đó, rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê: “Hắn” thường bật mình dậy nhìn quanh quất giữa khuya. “Hồn là hồn”, hắn lẩm nhẩm một mình. Nước mắt khắc tan vào biển cả, có chiếc khăn nào lau khô nước mắt trần gian được đâu. Hắn trách hắn đã tu hành bao nhiêu năm rồi mà vẫn ghì lấy những ám ảnh. Nếu không thì hắn về đâu? Tâm linh tận cùng bằng vô cùng, vũ trụ tận cùng bằng vô cùng. “Hắn” nhớ lại những ngày đầu còn lại trong mái chùa cong này, “hắn” đã từng say đắm một bóng ma mờ ảo, một bóng ma hay hiện hình bằng đôi chân, như là biểu hiện của một oan hồn không thể siêu thoát. Có những đêm, “hắn” quờ quạng đi theo tiếng chuông đồng lanh canh nhẹ thoảng trong làn sương khuya mờ đục suýt hụt chân ngã xuống vực sâu. Vẻ đẹp chết chóc ấy làm lắng dịu lòng “hắn”…

 

“Hắn” chợt se lòng. “Hắn” thấy lại nàng trong sương núi mang mang, nàng đã hoá thân thành chiếc lá mít mà nàng từng níu xuống chửi tạt mặt bao nhiêu trận. “Hắn” đưa tay quơ ngang mặt xua đi nỗi ám ảnh, cố nắm bắt một điều gì đó vừa thoáng qua để thay thế hình ảnh kia…”

 

Vị đại đức kể chuyện mình mà như nói về một nhân vật “hắn” nào đó, chuyện cứ man man mê tỉnh, thoạt đầu tôi tưởng vị đại đức cô đơn quá hoá cuồng, sau nghe kỹ tôi mới biết đó một người kể chuyện nhập thần, câu chuyện hoà trộn những ý tưởng tôn giáo và phong tình của đại đức đã giúp tôi và vị đại đức ấy có một đêm thức trắng. Tưởng vậy là xong, không ngờ tối hôm sau, tôi lại thấy ông lọ mọ đèn pin xuống núi, lần này thì ông mang theo một túm trà ngon và phần cuối câu chuyện về người mẹ của người phụ nữ làm công quả tên Bột.

 

… Tôi vừa chế trà vừa kể cho đại đức Minh Lạc nghe những buổi cà- phê trên núi, tôi cũng thường thấy “chị bồ” tức là đôi bàn chân, chân bên phải mang chiếc vòng có hai cái chuông nhỏ. Ông nhìn tôi một thôi một hồi rồi nói: - Con người nhạy cảm như ông thấy gặp hồn ma thì không lạ, nhưng thấy được người đàn bà ấy quả là điều trùng hợp lạ lùng. Nhấp chén trà tôi vừa rót, ông lại kể:

 

… Ông còn nhớ ngọn lửa thầy Thích Quảng Đức và biến cố Phật giáo 1963 không? Tình hình của Phật giáo lúc đó bi đát lắm. Hồi ấy, tượng Phật mới làm xong, tôi chỉ là chú tiểu, tóc còn để chởm, đầu ba vá trái đào. Người đàn bà ấy lên làm công quả rồi xin Hoà thượng trụ trì cho được ở lại nương thân và cũng là giúp chùa cơm nước. Tên cuộc trưởng Cuộc cảnh sát dưới quận lỵ muốn lập công với cấp trên nên móc nối với người đàn bà hận đàn ông đến điên dại này để bắt quả tang một cuộc họp mặt của tám vị đại đức và một Hoà thượng, đúng ra là các thầy về dự trai tăng nhân giỗ của Hoà thượng khai sơn Thượng Minh Hạ Đạo, chứ không phải cái gọi là hội họp theo như lệnh cấm. Chính người đàn bà ấy đã báo chính xác giờ các thầy lên núi. Tên cuộc trưởng nhận được tin đã cùng ba cảnh sát khác phục kích ập vào giữa ban ngày, trói ké các thầy rồi lùa vào bên trong tượng Phật, qua một lỗ trống phía sau. Lạ lùng mặc dù tên cuộc trưởng cảnh sát đã cho xây đá bịt kín tượng Phật nhưng tiếng kinh của các thầy vẫn vọng ra ngoài, theo sương trắng mà âm vang cả một góc núi. Sợ bị lộ, bọn chúng bàn nhau định giết luôn người đàn bà chỉ điểm, nhưng bà ta nghe lén được nên chạy trốn mất tích. Sục sạo mãi không được bọn cảnh sát đành ra về. Nghe tin dữ, Phật tử quanh vùng ùn ùn kéo lên núi. Mới năm trước họ cũng đã từng ùn ùn mỗi người một túm xi- măng trên vai, họ đi nối đuôi chật kín cả đường núi để góp phần xây tượng Phật, còn bây giờ, con đường núi ngoằn ngoèo dựng đứng ấy cũng chật cứng như nêm, nhưng dòng người nước mắt chan hoà, vừa đi nước mắt vừa ràn rụa, những giọt nước mắt nặng hơn sự mang vác ngày nào rất nhiều, họ lên núi để đập vách đá phía sau tượng Phật, an táng cho thể xác còn lại của các thầy. Họ làm lễ cắm nhang nghi ngút khắp núi, cầu siêu ba ngày ba đêm. Rồi thời gian qua, tưởng vùi lấp đi tất cả trong sương khói…

 

*

- Em ơi! Cho ly cà phê đá, đừng bỏ đường nha em!

- Dạ! Chào anh “sạc điện”!

Bẵng đi cả năm, nay tôi mới lại có cuộc cà- phê núi sang nhất nước. Chẳng biết vì bây giờ là tháng tư hay vì điều gì mà chờ mãi tôi chẳng thấy một sợi sương khói nào, núi cứ hiện ra chỏng chơ, lởm chởm những tảng đá xám xịt. Những bụi gai móc dính đầy rác, túi ny-lon, vỏ chai nhựa, lon bia...đập vào mắt tôi. Tôi nhìn mà thật sự là không dám nhìn, tất cả sao cứ lồ lộ, trơ mình hốc hang, góc khuất. Những góc khuất của núi thật đáng sợ. Có lẽ nhìn núi ẩn mình trong sương khói vẫn tốt hơn là lôi ra ánh sáng tuồn tuột hết mọi thứ… Tôi hớp một ngụm cà- phê, lần đầu tiên tôi biết vị đắng đến điếng lưỡi của ly cà phê không đường. Tôi chợt nhớ đôi chân ảo mờ, trắng nuột của “chị bồ”, cũng mong sao cho người đàn bà ấy được siêu thoát. Nhận được lời nhắn của tôi, đại đức Minh Lạc ra khỏi chùa đến ngồi xuống bàn cà- phê với tôi, thay cho lời chào, ông nói:

- Nhà văn! Trong tiếng Việt của ta, từ nào gây ấn tượng mạnh nhất trong ông?

- Bạch thầy! Đàn bà! Tôi đáp khe khẽ, quả thật tôi cũng không tin lắm vào mình. Thầy Minh Lạc nhìn xoáy vào tôi và cũng nói thật khẽ nhưng dài giọng:

- Đó là nói! Tôi muốn ông bật ra cái từ ruột gan mình kia!

- Bạch thầy! Đạo.

- Đó là nói! Nghĩ thật sâu xem! Nhân thân tiểu vũ trụ, những gì có trong ta đều có trong trời đất. Tôi hớp thêm ngụm cà- phê đắng:

- Bạch thầy! Núi!

Ông gật gật đầu rồi đi về phía những tảng đá. Núi trơ mình, núi hiện ra trước mắt tôi là một hình hài của sự thật, có tĩnh lặng mênh mang và cũng có cả những góc khuất, những góc… khuất … u… tối ghê hồn.

 

Dưới chân núi Tà Cú, 6/ 2007

Nguyễn Hiệp
Số lần đọc: 2076
Ngày đăng: 28.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Với đứa Cháu Ngoại - Mang Viên Long
Người đàn bà trong bệnh viện - Nguyễn Minh Phúc
Người đánh trống - Trần Kỳ Trung
Nát ruột mà không đau - Đậu Nữ Vệ
Ván cờ xuân - Phạm Minh Hoàng
Đôi mắt ấy… - Nguyễn Vĩnh Căn
Hòn vọng phu - Sâm Thương
Hai lần khóc... - Nguyễn Nguyên An
Mưa đêm - Hội An
Ngôi nhà ma - Nguyễn Khắc Phước
Cùng một tác giả
Bông Cỏ Giêng (truyện ngắn)
Dứt dây (truyện ngắn)
Gai Sen (truyện ngắn)
Huyết nhân ngải (truyện ngắn)
T&P (truyện ngắn)
Lũy báo (truyện ngắn)
Hồn cát (truyện ngắn)
Núi hiện (truyện ngắn)
Cái quẹt tim gòn (truyện ngắn)
Phấn (truyện ngắn)
Giải thuật (truyện ngắn)
Âm Thanh Đổ Bóng (truyện ngắn)