“có bao nhiêu nát tan
đội lên đầu mà hát”
(Hoàng Hưng)
quê hương ôi Người vỡ ra mưa ấm
ta cùng Người đến bên bờ sông đầy cỏ
lấy vạt áo ta lau gượng nhẹ cho Người
ta lặng ngắm Người hạnh phúc
bài trường ca dâng lên Người
sau sương mù
sau ngây thơ
sau tủi nhục
sau nhói đau của mối tình đầu…
phố núi phố núi thành phố buồn muôn thuở
bạn đi ngang con chim Nhông đang học nói tiếng người
tượng nhà mồ lấy ra từ mắt gỗ
mưa ngỡ ngàng đôi vú màu đen
phố núi phố núi đêm mưa mùi cỏ
bạn hãy thật căng ẩm ướt tự do này
nụ hôn đàn bà mùi táo
bạn ngang trời buồng phổi đám mây
nước và mắt bạn long lanh như mẹ
ôi tiếng cồng cầu nguyện dấu vân tay
ngày mầm sống lăn ngón tay số phận
trong buổi tối mẹ hoài thai tựơng gỗ
đêm nay xâu chuỗi nước mắt
đeo vào da thịt
đêm nay hơi thở dối gian
thổi vào đau đớn
thôi miên linh hồn
bớt ẩn dụ màu đen ám ảnh
lễ thổi tai nức nở làm người
rồi mùa mưa mùa khô
rồi sẽ lớn như rừng như cổ thụ
tôi là ai? tôi về đâu?
bóng mình in trên mộng
chân trần trên cát bỏng…
hôm qua tiếng khóc hoang từng mảnh
hôm nay trôi đã mặn trên môi
những ngón tay đinh năm ống nứa
bấu âm thanh cười lên trong cổ
linh hồn bắt đầu hơi thở
thể xác bắt đầu đóng khố
điệu múa như mưa trên sàn gỗ
thổi vào tai gió mưa đêm vỡ
xuyên qua đêm qua thầm thì qua điệu múa
qua vỡ tan qua vòng xoáy
luân hồi
thôi,
thơ không làm được điều dâu bể
số phận bay nghẽn đặc
ơ người...
1.
hãy cùng nhau một bước
đừng làm đau
đừng nhận chìm xuống nước những ý nghĩ trong đầu
một lời nói giúp tóc đen
mắt đen
da đen
và những gì còn đen hơn thế
không phải giả vờ lời tượng nhà mồ hay bài ca đuổi chim trường thiên ảo mộng
đôi chân gầy của cha xác nhận từng hạt lúa
đôi vai trần của mẹ xác nhận những cặp xương sườn
cong cong như con đường trở lại núi ơ
hát bài ca nhàu nhĩ u mê
bài ca con cá dưới nước đang nhìn ta bơi xa lạ
bài ca con khướu trong rừng đang nhìn ta như một kẻ lẻo mép
không biết rằng ta đang tự vệ
ta không hiểu vì sao cứ phải bỏ trốn hoài
nấp sau tiếng cồng chiêng lâu lâu mong âm vang một chút
“nhưng đừng bỏ trốn…” có lần mẹ nhắc
mẹ không biết sức mạnh của beo và sói
những loài thú sách đỏ của rừng xanh
có nhiều khi ta làm như xa lạ
về nhà ngồi bên cầu thang với vô hạn những chuyện trò
mẹ phải ngốn ngấu rất nhiều thứ vô nghĩa
mẹ già rồi chống chọi làm sao…
chẳng phải lẻo mép rồi sẽ bay như khướu
chẳng phải bơi rồi lặn sâu thành cá
khi ta đã thành xa lạ
leo lẻo nói và nói
nói và nói
càng ngày nói càng hay hơn
đến khi nào ta khép mỏ lại
& bay
2.
bay
mẹ cứ nhắc ta canh chừng những cái bẫy
có thể treo, rút hay trùm lên bằng lưới
không phải cứ bay là tiếc những chân trời
chân trời cũng nhiều khi đột ngột
không bay
nhưng cũng đừng bay cao, mẹ nhắc: vì sẽ không nhìn thấy
những con sói lửa đã nhồi bông nhưng vẫn ngoặm đủ 12 cặp xương sườn
nó có thể nhầm lẫn
chỉ còn cách kéo dài câu chuyện như con đường vào rừng
làm nó mệt mỏi bỏ đi
sau khi bị tẩu hoả nhập ma tự mắc vào chiếc bẫy
hai tay cầm ống nứa, cười vang
3.
thôi chân trời cứ bay theo bài khan cổ tích
con sói hay nhe răng những chuyện đâu đâu
còn con người hay bàn những chuyện không đâu
mẹ vẫn nhắc một chân trời
ngày xưa mẹ hát:
qua ô cửa nhà dài phủ những đôi mắt sau khung gỗ mục nát vì mưa...
bài hát về cái chết
bỏ mả cùng cỏ cây
rơi hay là nước mắt
ngang tàng như gió mây
và khi bay bổng nhẹ tênh
qua vách nứa mẹ chỉ còn nhìn thấy
những con ngươi lấp lánh
khóc vì không còn cái tên chứ mong gì một chân trời
khóc vì không còn cái tên chứ mong gì một đời người
không có chân trời trong căn phòng người đã chết
hay người đã chết trong căn phòng không có chân trời
chúng ta là con cùng một ruột
nước cùng một ống
Yàng ơi…
còn có ai gọi tên (*) sau khung gỗ
bao nhiêu tóc đen
bao nhiêu da đen
bao nhiêu nước mắt?
sớm mai này
như một buổi rạng đông
mẹ đến gọi tên cho họ
đang rượu say và khóc
(*): cái tên
không phải là danh tiếng gì đâu
cái tên gọi phân biệt những nhân vật
trong câu chuyện dài dòng
những ngày tháng đã chìm mất hút
không phải ngày xưa
không phải ngày mưa
ngày nắng…
ngày tiếng cồng có một vết nứt
gọi tên nhau cũng đổ mồ hôi
lịch sử xoay một vòng trên gót
nhẹ người
khi cái tên gục xuống
vì những cái sống còn
có một bữa tiệc buồn
đãi bằng sự thật (*)
(*): [sự thật] đang ngày càng trở nên hoang vắng
như cây nấm trong rừng
như vệt rêu ngày nắng
chuyến đi xa trở về câm lặng
mắt không nhìn lưới nhện ở góc nhà dài
chiếc xà gạt cha bỏ quên
trên đồi nương cháy góc
biên giới tan biến khi lội ngang qua suối
chiếc gùi còn nắm lương khô không ký ức
cỏ đã hoang
sau những ngày không dấu chân người
thôi đừng vọng nữa
những vòng xe tháng năm đã thử lăn rồi
giờ quay về khàn tiếng vì sương gió
bò lên bậc cửa
những âm truyền minh mang
tiếng ho khốc khốc
ừ thôi còn rừng
ừ thôi còn sống
những ngày xanh cỏ
vẫn còn lơ ngơ
mẹ hỏi đói chưa?
đi ăn cơm chiều (*)
(*): & buổi chiều có thể là thơ mộng
khi chiếc búa đóng đinh
bức vách lên tiếng nói
má ơi con đau quá
và mẹ dịu dàng (*)
lau lên bức vách
con ơi,
không phải lúc nào người ta cũng biết
hậu quả việc mình đã làm
(*): [dịu dàng] như một gợi nhớ của đêm
“con không thể chọn làm đứa con tổng thống Pháp hay
cháu đích tôn quốc vương Brunei
con không thể chọn ra đời ở Thái Lan hay Mĩ quốc
con là Chăm ngay ban đầu vỡ ra tiếng khóc
còn hơn thế: chín tháng mười ngày trước khi vỡ tiếng khóc” (Inrasara)
1.
đêm ơi
đêm xanh lục lời nguyền màu tím
những vị thần mệt mỏi buông tay
Yàng đã tan vào rừng
tan vào hòn đá, ngọn cây, dòng suối
gọi là chiều ư? Hãy gọi hoàng hôn
nắng tắt
lung linh linh hồn rưng rưng Pơ thí
ẩn trong ngôi nhà mồ hoang phế
những bức tượng ngồi chống cằm như thể
bể dâu kia mới thực cuộc đời
đêm ơi
những câu thơ chết người
hay chết cười
ngày sinh ra với đôi mắt nhắm (*)
giờ mang gương mặt của em
nước toả quanh bờ môi lạnh
---------------
(*): “Với đôi mắt nhắm
em toả sáng bên trong
em là đá mù loà” (Octavio Paz/ bản dịch Hoàng Ngọc Tuấn)
2.
đêm ơi
làm sao quên
mẹ đã để con ngươi em khép hờ
lênh đênh quanh tiếng đàn Y Phôn
hát giữa mọi người không ngại ngần...
hát với người đã chết
cái chết nhỏ xíu của chú chim
chết giữa mọi người không ngại ngần
giấc mơ (*) ngã xuống
--------------
(*): “trong một thế giới dường như lặp lại và không ra hoa
những giấc mơ bị trút vào thùng rác” (Phan Nhiên Hạo)
3.
đêm ơi
vọng âm dọc thành phố mù loà này
mắt của em
nhưng giấc mơ không phải của em
…
chỉ có khói đốt rừng là thật (*)
-------------
(*): “Nơi đó
Trời đang viền màu thu
Ngàn ngàn linh hồn xanh rụng xuống
Bay về đâu những mảnh vu hồn
Liu riu đỏ tro người thê thiết” (Trịnh Thanh Thuỷ)
4.
đêm ơi
ví dụ như ta đang bình minh
mặt trời trên trang giấy ngày xưa ta vẽ (*)
mỗi lúc một đỏ hơn
mỗi lúc một đớn đau hơn
đêm còn muốn một điều gì nữa?
-------------
(*): “tại sao anh cần cây bút chì?
để làm thơ
thơ loại gì?
xin hãy đừng lo, chỉ là thơ trữ tình
thơ nói về tình yêu?
rất có thể” (Yuli Daniel/ bản dịch Hoàng Ngọc Biên)
5.
đêm ơi
nơi ngã ba Krông Ana trong veo
Krông Knô lờ đục
một bên máu một bên nước mắt
ngước nhìn bờ bên kia
mắt vốc lên từng nắm cát
đắp hình hài dang hai tay cỏ dại
dang hai chân mưa rào
thân thể ẩm ướt của em
hai ngọn đồi trên cao
và một khu nhà ổ chuột
6.
đêm ơi
đêm làm ướt chiếc yêng của mẹ
hai cánh đã ướt của con chim Phí ngày mưa
run lên khi về tổ ấp lên những quả trứng
hơi lạnh làm ung các chú chim con
đang ngủ ngon trong nhà mồ tập thể
một mảnh xương của chú chim đang
cố vỗ cánh cuối cùng
đôi cánh nhỏ xíu trong đêm
như các thiên thần đang thắp lên ngọn nến
ngày em ra đời
ngày mẹ chôn núm nhau của mình
trên đám mây chiêm bao phách lạc
dịu dàng trên cao
7.
đêm ơi
em lớn lên màu da nhẹ nhõm
với áng mây bay trong vầng tóc xoăn trên trán
em thức dậy từ nước da của cha màu cỏ úa
nước da của mẹ màu yêu
chiếc yêng của mẹ quấn tuổi đời của em
sự trần truồng của em
làm cây rừng tối thẫm
ngày cha vào rừng
chú chim non rời tổ bay lang thang
suối giấu vào lòng nỗi buồn trên mắt mẹ
màu badan mênh mang màu giấc ngủ
em làm sao biết được
biên giới không dấu chân người...
em chỉ biết đuổi theo những đàn bướm trong mơ xa mãi
cỏ dại và hoa chấp chới
rừng thật xa...
và đàn bướm của trò chơi ngày xưa không còn nữa
những ngày chuẩn bị em
mẹ gần như kiệt sức
hai bàn tay mẹ khô héo
hai mắt mẹ mây mù mưa bão
cỏ cô đơn như mái tóc dài
mẹ thở bằng những cành cây khô
khi rừng bỏ trốn
đêm ơi
căn buồng em nằm chưa kịp làm bếp lửa
che bằng tấm ni lông tạm bợ như cơn khói
nhiều lần mẹ nói: gỗ đã bỏ quên chúng ta
gỗ ngủ quên trong lao xao khách sạn
trong lao xao văn phòng...
những cây thần
những cây thần ngày xưa
những cây thần ngày xưa DamSan không dám hạ
giờ thành oan hồn ốp bậc thang trong những ngôi biệt thự
đêm về khóc như ma
những vị thần linh thiêng
những vị thần uy quyền bao thế kỷ
đang nằm dài dưới dấu búa kiểm lâm...
cuộc chiến yếu ớt điên cuồng
và đôi lúc bất công với chúng ta
những bất công há hốc niềm kinh hãi
tê dại
nỗi đau chúng ta bây giờ như đứa bé
thơ ngây tiếng cười ngoài phố
tiếng cười như gỗ mục vì sự yếu đuối
ngỡ mình hoàn hảo không cần đo nỗi buồn
không hối tiếc
em có biết
mà thôi...
*
đêm ơi
oan hồn nào trong con voi một ngà mỗi đêm đang trở về
phá nương của mẹ
những con voi ngơ ngác đô thị
mắt mở to đang nuốt nỗi buồn
những nỗi buồn không lý do cáo lỗi
đôi mắt voi như 2 vết thương
hoảng sợ trước máy cưa và lửa
khu rừng máu ứa
những thung lũng ngã nhào theo trí nhớ
không gian tan vỡ
làn khói đốt rừng như bức tường đóng kín mọi món nợ...
quá khứ hết nhiệm kỳ
tiếng cưa máy về đâu?
đêm ơi
vọng âm dọc thành phố mù loà này
mắt của em
đã từng nhìn khói bay như gió (*)
---------------
(*): “hình dáng nó giống một cuộn dây đồng cứng
nó xoắn vào rồi lại xoắn ra theo hình trôn ốc
rằng gió rất nặng
và có thể làm dập ngón chân nếu rơi trên bàn chân ta
thế nên hãy cẩn thận khi bạn di chuyển gió
nó có thể đưa bạn vào nhà thương!” (Kaufman/ bản dịch Lưu Hy Lạc)
8.
đêm ơi
cuối cùng đêm muốn nói điều gì
hay cũng chẳng còn gì để nói
lời khan đã mỏi
người ta đang ghi âm và phát lại mỗi ngày
đêm đi tìm chiếc yêng của mẹ
gặp chiếc yêng màu trắng của mây
bay như câu chuyện này
phải đớn đau như vậy
lúc ấy ánh mắt của đêm như đi lạc
ngơ ngác tìm con sông
Krông Ana vùng vằng thành kỹ niệm
sự lãng quên mà một ngày kia chúng ta sẽ mang trong tay
một đóa hoa bằng giấy
rồi chiếc yêng của mẹ sẽ ủ ấm đêm này
với giọt sương hay mắt em ngày theo ta về
với nỗi buồn không thể vùi mình vào badan ấm
những tàn tro linh hồn máu đỏ
không thể làm ánh sáng sâu hơn
này đây quá khứ
chiếc lá rơi ngày em khóc chào đời
ngày bắt đầu giả dối
đang bắt đầu già cỗi
ngày thú tội
trên đám lá đang đổi màu và cỏ gà nhợt nhạt
chơi trò ngắt đầu giờ máu chảy không hay
đêm là gì mà đớn đau đến vậy
cái tai ương dịu dàng
như một lần say
buôn làng là gì mà mặt trời và nắng
lớn trong đêm như hơi thở của ngày
thành phố là gì mà em im lặng
im lặng là gì mà vẫn mở bàn tay
chúng ta bất lực nhìn quanh thế giới
trong tấm gương đỏ máu màu chính nó
em hãy nhìn bức chân dung
rồi tự xóa mờ
em đã là lịch sử
lịch sử như cơn lũ quét ngang để lại ngôi nhà dài xiêu vẹo không người ở
hắt hơi một bóng ma
bay qua tàn cây một người đàn bà xoã tóc
rơi như chiếc ly làm vỡ chính mình
những mảnh vỡ găm vào ký ức
những trang giấy buốt nhức
sau này ai đến đọc
không bằng ngôn ngữ gọi tên mà bằng chữ ký của người mê ngủ
những văn bản lê thê như một kiếp người
những văn bản lê thê mất hút cuộc đời
còn có ai gọi tên sau khung gỗ
bao nhiêu tóc đen
bao nhiêu da đen
bao nhiêu nước mắt?
sớm mai này
như một buổi rạng đông
mẹ đến gọi tên cho họ