Trương Sỏi - nhân vật chính trong tiểu thuyết “Người không mang họ” của nhà văn Xuân Đức được xây dựng dựa trên nguyên mẫu tên thật ngoài đời là Hồ Lạng. Suốt mười mấy năm tung hoành trên địa bàn miền Trung qua hai chế độ, cuối cùng Lạng bị bắt giữ tại thành phố Vinh và nhận bản án tử hình.
Cũng đã mười mấy năm nữa trôi qua, kể từ ngày băng cướp do Hồ Lạng cầm đầu bị xoá sổ. Hồ Lạng không còn có mặt trên cõi đời này để gieo rắc tội lỗi; nhưng còn lại đó nỗi đau của một người chị về một đưa em trai, về một Hồ Lạng trong quãng đời ngắn ngủi làm người trước khi trở thành tướng cướp.
Bà Hồ Thị Sơn mà tôi gặp tại thôn Linh Đơn, xã Vĩnh Hoà (Vĩnh Linh, Quảng Trị) vào một buổi chiều thánh tư dát nắng vàng, như cái tuổi xế ngã của bà, đã ray rứt kể lại cuộc đời ngắn ngủi của đưa em trai bà giọng xót xa.
Thuở lọt lòng, Hồ Lạng có tên là Đạt. Đạt là kết quả của một mối tình vụng trộm giữa ông Hồ Vân (bố đẻ của bà Sơn) và bà Lê Thị Điệu. Tuổi thơ Đạt sống trong đau buồn. Người bố hợp pháp (không phải là bố đẻ) mất khi Đạt chưa tròn năm, kế đó bà Điệu cũng qua đời. Khi ấy Đạt mới vừa 3 tuổi. Lớn lên từ tay người này qua tay người khác. Đạt học hành dang dở. Chưa xong lớp 6 Đạt phải thôi học để nhận một đàn bò của hợp tác xã chăn giữ. Bấy giờ, bà Sơn là nhân viên bán cửa hàng của xã. Biết Đạt là em trai của mình đang sống cơ cực, bà thương đứt ruột nhưng không thể nói ra. Bà chỉ âm thầm trao gửi tình cảm của mình bằng ánh mắt, bằng việc cố tình đong đếm hàng hoá dư dật mỗi khi Đạt có dịp ghé mua. Dần dần, Đạt nhận ra tín hiệu tình cảm ấy nên thường lui tới và thân thiết với gia đình bà sơn.
Vào năm anh trai của bà Sơn mất, bà mới bàn với gia đình chính thức công nhận Đạt là con trai của ông Hồ Vân và đón Đạt về sống với gia đình bà. Đạt đổi tên thành Lạng và mang họ Hồ từ đó.
Trong ký ức thăm thẳm của bà Sơn, Hồ Lạng là một cậu thanh niên hiền lành, siêng năng và có chí phấn đấu. Lạng có tài thổi sáo, sống chan hoà nên được mọi người quý mến. Năm vừa tròn 15 tuổi, Lạng viết đơn xin vào dân quân, nhưng một lần, hai lần và nhiều lần vẫn không được chấp nhận. Chưa từ bỏ ý định, Lạng nhờ bà Sơn tác động nhưng rồi bị từ chối. Lạng đâm ra chán nản, ít nói và sống trầm uất hơn.
Cho đến một buổi chiều năm 1965 - buổi chiều bà Sơn nói rằng bà vẫn còn nhớ rõ - Lạng đánh tranh lợp lại mái nhà, thu xếp dọn dẹp tươm tất mọi thứ đồ đạc trong nhà, gánh đầy một lu nước rồi lặng lẽ ra đi. Bà bặt tin từ đó cho tới ngày nhận được tin dữ: kẻ tử tù tại thành phố Vinh vào ngày, tháng, năm nọ chính là đưa em trai có cuộc đời buồn tủi của bà. Mới hay sau ngày ra đi, Lạng đã vượt tuyến vào Nam sống du thủ, du thực rồi thành một tướng cướp. Rồi người ta đưa cho bà cuốn tiểu thuyết viết về đứa em trai bà, rồi bà được xem bộ phim nhiều tập mà nhân vật chính trong phim, một tướng cướp, không ai khác ngoài đứa em trai của bà ngày xưa. Bà đã khóc khô nước mắt và khóc qua nhiều đêm.
Còn nhớ, hôm tôi gặp bà, trong một khoảnh khắc bất giác bà đã nói: “Giá mà thằng Lạng bị súng đạn chết đi hồi đó. Ừ mà thàng Lạng cũng đã chết thật còn gì? Từ sau cái ngày nó ra đi, lúc đó nó vừa tròn 16 tuổi. Nhưng giá mà ...” Trong hai tiếng “giá mà” sau cùng của bà tôi biết như có điều gì day dứt, tiếc nuối.