Người đàn bà “gàn dở” ấy sống dưới chân đèo Ngang, trong căn nhà tuềnh toàng xây bằng đá tap-lô. Nếm trải đắng cay tủi cực hơn nửa đời người, ngày nọ chị nảy ra ý định: viết tiểu thuyết. Văn chương nào phải chuyện đùa, mà chị thì chưa qua lớp 4! Vượt qua trăm nỗi truân chuyên, cuối cùng cuốn tiểu thuyết đầu tay của chị cũng được trình làng. Nhận gần 300 lá thư của độc giả gởi về, Đậu Nữ Vệ -người đàn bà nghèo viết văn - bật khóc.
18 năm trước, chồng chị qua đời. Sau đó ít lâu, nhà chồng đưa một chiếc xe ô tô đến, khuân hết đồ đạc đi. Người đàn bà chết chồng chỉ còn hai đứa con thơ với đôi bàn tay trắng. Để cứu đói cho con, Đậu Nữ Vệ xin phép cơ quan (Bệnh viện Hà Lan, tỉnh Quảng Trị) được làm kế hoạch ba, nói nôm na là ra ngoài mua bán. Thương chị, anh em trong bệnh viện gom góp mỗi người 2 ngàn đồng mua cho chiếc xe đạp. Sáng, chị cút kít đạp xe đi mua cá về bán ở chợ làng. Trưa, đi gánh nước thuê, mỗi gánh 200 đồng. Con bé mới 1 tuổi, giao cho nhà trẻ. Thằng cu 8 tuổi, chiều đi học về thì thay mẹ trông em… Đầu tắt mặt tối mà ba mẹ con vẫn cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Nhà bán cá nhưng không bữa ăn nào có cá. Nhiều đêm chị ứa nước mắt, nghĩ đời mình sao khổ quá chừng! Không biết chia sẻ với ai, chỉ còn cách giải bày lên trang giấy. Viết, để an ủi chính mình và động viên những người đàn bà cùng cảnh ngộ.
Thế là, ban ngày đi bán cá, gánh nước thuê, tối về chị cặm cụi viết. Đến 2 giờ sáng thì chợp mắt. 5 giờ, lại choàng dậy để mà đi chợ. 8 tháng sau, tác phẩm đầu tay hoàn thành, chị đặt tên Thuyền tình ngược bến. Qua nhân vật nữ chính - một cô gái có mối tình đẹp nhưng rồi dang dở, sau đó bị làm nhục và phải kết hôn với người mình không yêu… - tiểu thuyết kể lại quãng đời đầy đắng cay của chị.
Ôm tập bản thảo dày cộm, Đậu Nữ Vệ tìm đến Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Trị. Dựng chiếc xe đạp ruồi bâu vào một chỗ, chờ mãi mới thấy một người đàn ông (sau này mới biết là ông Nguyễn Hữu Cử ở Tạo chí Cửa Việt), chị liền “túm lấy”: “Anh ơi cho em hỏi, em có một tiểu thuyết, muốn gởi thì gởi cho ai? Ông ấy hỏi: “Tiểu thuyết gì? Cô ở đâu, làm gì mà viết tiểu thuyết?” Chị thật thà: “Em làm y tá ở Bệnh viện Hà Lan, thấy cuộc đời mình khổ quá thì viết thôi. Xin anh thẩm định giúp em”. Ông ấy lại hỏi: “Tiểu thuyết hay tiểu phẩm?” “Dạ, tiểu thuyết”. “Cô học trường viết văn nào?” “Em học… chỉ nửa lớp 4”.
Lúc ấy, nhiều người xúm lại, nhìn chị từ đầu xuống chân rồi từ chân lên đầu. Trời đất, người đàn bà đội chiếc nón rách, mặc cái quần rách lai, học chưa qua lớp 4 mà đòi viết tiểu thuyết! Đúng là đồ gàn dở. Lời nói như mũi kim. Chị cảm thấy bị xúc phạm, nhưng vẫn năn nỉ: “Anh đọc giúp em một lần thôi”. Người đàn ông miễn cưỡng nhận, hẹn 10 ngày sau quay lại. Đúng hẹn, chị đến. Vẫn bằng chiếc xe đạp ruồi bâu, vẫn mang theo mùi tanh tưởi của cá, nhưng ông Cử tiếp chị với một thái độ khác. Ông mời ngồi, pha nước mời chị và khen: Tác phẩm của chị nội dung hay, rất sống động. Nhưng để xuất bản thì phải biên tập. Vào thời điểm 1992, tiền biên tập quyển tiểu thuyết là 400 ngàn đồng, lớn khủng khiếp so với lưng vốn của một người bán cá như chị. Nhưng Đậu Nữ Vệ gật đầu dứt khoát, không phải vì muốn trở thành nhà văn mà chính là để khẳng định rằng một người học chưa qua lớp 4 cũng có thể viết văn, cũng có thể động viên người khác bằng tác phẩm của chính họ.
Về nhà, chị vét hết vốn liếng được 200 nghìn đồng, đem nộp trước. Không còn tiền trả cho các chủ cá, chị phải trốn chợ, vào bệnh viện giặt thuê. Mỗi chậu quần áo kiếm được 2 ngàn. Sau đó lại phải vay mượn, ứng trước mấy tháng tiền gánh nước để có đủ 200 ngàn nữa trả cho người biên tập. Biên tập xong thì đến khâu đánh máy, hết 240 nghìn. Chị lại chạy ngược chạy xuôi. Sau đó còn phải tốn 100 nghìn để có giấy phép xuất bản. Cầm giấy phép, Đậu Nữ Vệ đến nhà in. Họ bảo chi phí 6 triệu đồng. Chị đứng sững: “Thôi chết rồi! Tiền ở mô mà in?”
Người đàn bà “gàn dở” trở về, nghĩ nát óc, cuối cùng quyết định xin nghỉ chế độ, hòng nhận được một khoản tiền để in sách. Người ta cho nghỉ, nhưng chưa giải quyết chế độ ngay. Chẳng biết làm sao, từ Đông Hà, chị đùm túm hai đứa con về Quảng Hưng (Quảng Bình), dựng một cái quán nhỏ bán cháo dưới chân đèo Ngang, chắt mót mua cái máy bơm để đổ nước mui cho xe tốc hành. Nhưng cuộc sống cũng không hề yên ổn. Người đàn bà góa chồng không tránh khỏi những đôi mắt hau háu của đám đàn ông. Gạ gẫm không được, có kẻ sinh thù giặc, ném đá lên mái nhà, đổ chất thải xuống giếng... Càng cơ cực, chị càng nung nấu quyết tâm.
Trong số khách thường lui tới quán có một người đàn ông biết rõ hoàn cảnh cũng như khát vọng của chị. Nghĩ vợ mình bệnh nặng khó qua khỏi, ông ta đề nghị: Nếu chị chịu làm vợ ông ta sau khi bà vợ kia qua đời, thì ông ta sẽ đưa tiền để in sách. Ngót 9 năm sống cuộc sống vợ chồng không tình yêu, chị ngán ngẩm lắm rồi. Nhưng để in cho được quyển tiểu thuyết, đành phải dùng “mẹo”. Chị đưa ra điều kiện: 6 tháng sau khi sách được công bố, nếu vợ ông ta chết thì chị lấy ông ta, bằng không thì trả lại cho ông ta một nửa số tiền. Người đàn ông đó đồng ý và đưa cho chị 3 triệu.
Hợp đồng in sách đã ký, mọi chuyện tưởng xong xuôi. Đến ngày đi nhận sách, người ta mới nói với chị rằng: Giấy phép xuất bản do tỉnh Quảng Trị cấp, không in được ở Quảng Bình. Cầm tiền, chị vào Quảng Trị, dọc đường bị móc túi mất 1 triệu. May là ở đây, chi phí in chỉ 5 triệu đồng. Chị làm quen với một đầu nậu, họ đồng ý bỏ vào 3 triệu cho chị đủ tiền in và lấy sách bán.
Sau khi quyển tiểu thuyết 220 trang được tung ra, người đàn bà gàn dở viết văn nhận gần 300 bức thư của độc giả gởi về. Chị xúc động đến trào nước mắt. Chị thấy mình như đi trên mây. Người đàn bà ấy được cảm thông, chia sẻ và quan trọng hơn cả là được bạn đọc chấp nhận. Điều may mắn nữa là vợ của người đàn ông kia không chết. Chị trả tiền cho ông ta và thở thào. Thoát nạn.
Viết tiểu thuyết mãi rồi cũng hết vốn, chị xoay ra viết truyện ngắn. Bản thảo đầu tiên gởi đi, không báo nào đăng. Các con chị năn nỉ: “Mạ ơi, đừng viết nữa! Tiền mua giấy bút mạ mua cá về ăn”. Thương con đứt ruột, nhưng đầu chị cứ đầy ắp chi tiết, cần phải khơi thông ra trang giấy. Không viết thì không chịu được. Cái nghiệp đã vận vào rồi, làm sao mà dứt ra đây?
Không lâu sau, truyện ngắn của chị xuất hiện trên mặt báo. Nhận nhuận bút 2 truyện, được 600 ngàn đồng, chị mua cái ti-vi nội địa.
Tối nọ, ngồi xem một bộ phim truyền hình, chị nghĩ: Nhân vật chính trong phim khổ… thua mình. Thế là nảy ra ý định: viết kịch bản! Cứ viết lời kể rồi đến lời thoại, chắc là được. Nhưng viết rồi gởi cho ai?
Nhờ chiếc ti-vi, chị “gặp” thiếu tướng Phạm Hồng Thanh ở Tổng cục Chính trị trong một chương trình Văn nghệ quân đội. Nghe giọng nói miền Trung, chị nghĩ: “A, có khi người này giúp mình được.” Thế là lấy giấy bút ghi ngay địa chỉ của ông. Rồi chị viết một lá thư đầy tâm huyết gởi cho ông kèm theo bản thảo. Gần 3 tháng sau thì nhận được thư trả lời cùng những lời khen ngợi. Rồi giấy mời dự trại sáng tác kịch bản phim của quân đội đến tay. Chị mừng lắm, nhưng canh cánh câu hỏi: Tiền mô mà đi? Đành kêu bán cái ti-vi, bán thêm cái máy bơm được tổng cộng 800 ngàn.
Năm 2002, lần đầu ra Hà Nội, người đàn bà quê mùa ngơ ngác. 5 ngày liền chị không viết được chữ nào. Chẳng biết thể hiện ra làm sao. Sau đó, chị qua phòng của một nhà biên kịch, giả vờ hỏi han, kỳ thực là “ăn cắp nghề”. Kết thúc trại sáng tác, chị hoàn thành kịch bản phim Sóng nước sông Loan. Kịch bản được khen vì có nhiều chi tiết chân thực và sống động, song khó dựng phim vì đòi hỏi phải có tàu chiến Mỹ, máy bay trực thăng…, kinh phí quá lớn.
Không bỏ sót bất cứ cơ hội nào để học hỏi và được các nhà biên kịch nhiệt tình hướng dẫn nên sau Sóng nước sông Loan, chị tiếp tục viết kịch bản. Tác phẩm Miền quê thức tỉnh của chị được dựng thành phim truyền hình (18 tập), chiếu trên VTV1 vào trung tuần tháng 6 năm 2006. Người ta nói đến chị như một hiện tượng. Họ xúc động. Và thán phục.
Tôi hỏi: Gia đình chị vẫn ở dưới chân đèo Ngang, trong ngôi nhà xây bằng đá tap-lô? Đậu Nữ Vệ gật đầu, cười: “Ừ, chứ còn ở mô?” Vậy là cái nghèo vẫn còn đi theo người đàn bà 51 tuổi này. Nhưng cũng mừng là các con chị đã lớn và tìm được việc làm, đã hiểu vì sao mạ mình không an phận mà dứt ra khỏi cây bút và những trang giấy…
Đậu Nữ Vệ không nghĩ mình nghèo. Gia tài của chị - ngoài 1 tiểu thuyết, 1 truyện phim và 1 tập thơ bỏ túi đã ra mắt công chúng - còn một chồng bản thảo của 16 tiểu thuyết, 11 kịch bản phim, 89 bài thơ và 28 truyện ngắn. Đó là chưa kể 3 bản thảo tiểu thuyết đã hoàn tất đâu vào đó, chỉ còn chờ tìm được người đầu tư, hợp tác là đưa vào in. Xét về một khía cạnh khác, chị là người giàu có.
Tôi tin như thế, ngay cả khi vô tình bắt gặp một vết sờn rách nho nhỏ trên vai áo chị.
Theo lethieunhon.com