Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.147.840
 
Sao gọi là Nguỵ Quân tử?
K.Nguyên

Tôi đã đọc rất kỹ, rất nhiều lần và bạn bè tôi cũng đã đọc và bàn thảo sâu về bài “Phiếm luận về Nguỵ Quân tử” của ông (hay bà?) Thí Chủ mới đăng trên VCV, xét thấy tác giả có cách nhìn rất cực đoan, không đúng bản chất vấn đề, thậm chí đánh tráo khái niệm nên tôi xin Ban biên tập VCV cho phép đăng phần tranh luận của tôi để rộng đường dư luận.

 

Thực ra, theo Khổng Tử luận ngữ thiên thứ 6 thì “Người quân tử là người biết làm việc nên làm, và phải biết tránh việc nên tránh”. Nếu xét trên góc độ đó thì nhân vật “Thủ trưởng cũ” trong bài viết của ông rõ ràng là một người quân tử, chứ không phải dạng Nguỵ quân tử như ông Thí Chủ đã cố tình lập luận quy chụp để viết. Vì sao:

 

1. Việc một người lãnh đạo mới về nhậm chức ở một cơ quan mới thì chuyện họ dùng các biện pháp mà pháp luật và đạo đức cho phép để nắm bắt tâm tư, tình cảm của cán bộ, công nhân viên trong đơn vị như: mời anh em đi nhậu, đi ăn, mình trả tiền, hỏi han, tỉ tê tâm sự, cảm hoá, nâng lương...là việc làm đúng và tuyệt nhiên không có gì sai. Trong nhiệm vụ và chức trách mà Đảng và Nhà nước giao cho họ, họ có quyềnđược phép làm như vậy. Chẳng lẽ thăm dò tâm tư tình cảm của CB-CNV là chuyện cần được thực hiện kín đáo, tế nhị...lại phải tuyên bố công khai lên là “tôi đang thăm dò anh em đây” sao?. Và trên hết, việc này là có lợi cho công việc chung mà Đảng và Nhà nước đã giao phó. Ông ta đã làm việc mà mình biết là phải làm, vậy ông ta xứng đáng là Người quân tử như Khổng Tử luận ngữ đã viết.

 

2. Chuyện ăn mặc, trang phục bình dân hay cầu kỳ là sở thích riêng của mỗi người, nó không đại diện cho bất kỳ khuynh hướng nào để người ta có thể, như ông Thí Chủ, dựa vào đó mà phê phán, đánh giá, vì như vậy sẽ rất phiến diện và bảo thủ. Tôi giàu có, nhưng tôi thích ăn mặc bình dân, tềnh toàng, đi xe cũ, ngồi nhậu quán cóc là...chuyện riêng của cá nhân tôi, sao lại phê phán?. Đó là chưa kể chuyện ăn mặc bình dân của ông Thủ trưởng nọ cũng rất tốt, rất phù hợp với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước là tiết kiệm. Hơn nữa, điều đó cũng tránh bao con mắt dị nghị của những người đời, tránh chuyện bị phê phán là quan chức nhà giàu, chơi trội, xa xỉ...Vậy, nếu xét theo Khổng Tử luận ngữ thì ông ta cũng là người quân tử, vì đã “ biết tránh việc nên tránh”.

 

3. Còn chuyện nói là người có chuyên môn giỏi, nhưng lại “ra đòn” để hạ người muốn chiếm đoạt ghế của mình, thì lại càng cho thấy ông Thí Chủ rất bảo thủ. Vì trên đời này thử hỏi có ai tha thứ cho kẻ sắp chiếm giữ cái mà mình đang có không? Không có ai như vậy cả. Và chuyện ấy cũng là “chuyện biết mình phải làm” của người quân tử vậy!

 

4. Chuyện “quá chén” rồi dẫn đến có mỹ nữ như ông viết, theo tôi, ông thủ trưởng nọ cũng không có gì sai. Thử hỏi ai trong chúng ta, những người đàn ông, những bậc quân tử, dám tự nhận là mình chưa bao giờ “quá chén” không? Đó là chuyện hết sức bình thường, đã cùng đi ăn nhậu, cùng ngồi vui vẻ với nhau, sao lại dùng chính điều đó để phê phán người ta được? Và cũng không thể dựa vào chuyện này mà phê phán người khác là Nguỵ quân tử được!

 

Mới hay, trong văn chương, chỉ nên nói những điều mình biết, và hẳn phải biết rõ về những điều mình sắp nói, thì mới là bậc thức giả! Có đôi lời xin bàn lại với ông Thí Chủ, mong ông cẩn trọng hơn về sau khi viết. Bản thân tôi là người từng đọc nhiều sách thánh hiền nên hiểu rõ về Lão tử, Khổng Tử, Mạnh Tử, về Nho học... nên không bao giờ dám luận bàn về những điều mà mình không hiểu.

 

Mong nhận được sự “chỉ giáo” thêm, tôi xin được rửa tai mà lắng nghe nếu quý bạn nào cảm thấy chưa quán triệt với quan điểm này của tôi, cũng là quan điểm chung của những ai am tường đạo Nho!

K.Nguyên
Số lần đọc: 3184
Ngày đăng: 01.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phiếm luận về Ngụy quân tử - Thí Chủ
Phần thêm của Người không mang họ - Nguyễn Hùng
Về BLao - Minh Nguyễn
Chắt chắt - ngọt ngào và cay đắng - Minh Tứ
Đà Lạt trong tôi và những điều đã mất - Đinh Thị Như Thuý
Thú câu cá lóc miền quê - Xuân Sắc
Lòng tốt của Thiên Chúa : CN 25 A - Nguyễn Hữu An
Văn hoá cốc chén - Ngô Phan Lưu
Nghề văn sĩ - Thiếu Sơn
Cám cảnh nhà văn ! - Trần Nhương
Cùng một tác giả