Nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng Thư ký Hội Nhà văn VN: “Cần có một phụ bản Báo Văn nghệ dành cho ĐBSCL”. Hôm qua, 24-9, “Bàn tròn thơ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Ban Liên lạc Hội Nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL tổ chức đã diễn ra tại TP Cần Thơ. Về dự có các nhà văn, nhà thơ: Hữu Thỉnh, Chim Trắng, Lê Chí, Lê Văn Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Trọng Tín, nhà lý luận phê bình Phạm Quang Trung, TS Nguyễn Hoa Bằng, TS Tào Văn Ân; các hội viên Hội Nhà văn công tác tại ĐBSCL.
Thơ đồng bằng hay thơ phương Nam?
Nhà thơ Lê Chí - Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Liên lạc Hội Nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL - đã đưa ra ý kiến đánh giá khái quát về tình hình thơ ca ĐBSCL, qua đó lên tiếng báo động rằng: Mặc dù số lượng người làm thơ ở khu vực khá đông, thơ được in nhiều trên báo và xuất bản thành sách, nhưng “nhìn chung, tính sáng tạo trong thơ ĐBSCL còn ít và có phần rời rạc; chất rung động và tư duy chưa được mở rộng”, hiện thực “còn mờ nhạt, chưa gây được ấn tượng cho người đọc”, “sự khai thác đề tài còn khá đơn điệu”, “tính ngẫu hứng còn nhiều”, “giản đơn trong cảm xúc, dễ dãi trong khai thác tứ thơ và sử dụng ngôn từ”. Nhà thơ Lê Chí đề nghị Hội Nhà văn nên chú ý đến việc phát triển đội ngũ hội viên trong khu vực 26 hội viên là con số quá ít ỏi so với tiềm lực ở ĐBSCL. Hội Nhà văn cũng cần quan tâm, tạo điều kiện để Tạp chí Văn nghệ ĐBSCL sớm ra đời.
Nhà văn Ngô Khắc Tài không tán thành khái niệm “Thơ ĐBSCL”. Theo anh, khái niệm này còn mang tính khu biệt hành chánh, phải gọi là “thơ phương Nam, thơ ca Nam Bộ” mới đúng. Bởi vì, đã có nhiều cây bút tên tuổi xuất thân từ ĐBSCL, nhưng nay đã chuyển đến nơi khác như TPHCM, Hà Nội... Phải tính đến đội ngũ này mới có được cái nhìn tổng quát về thơ ĐBSCL. Nhà văn Ngô Khắc Tài cũng lưu ý đến tình trạng thiếu lực lượng lý luận phê bình ở đây, nên thơ ĐBSCL chưa được giới thiệu rộng rãi ra cả nước.
Phải thoát cảnh “ngủ gà ngủ gật”...
Vốn trưởng thành từ ĐBSCL, nhà thơ Nguyễn Trọng Tín đã tỏ rõ tâm huyết của anh khi khơi sâu một số vấn đề cần được quan tâm để thơ ĐBSCL có sức sống trong lòng người đọc. Theo anh, mặc dù 12 tỉnh đồng bằng có 12 hội VHNT, ra 12 tờ tạp chí văn nghệ, nhưng các tạp chí này “ngủ gà ngủ gật trong giấc mơ bao cấp”, in ra vài trăm bản phát không cho hội viên, vài tháng mới xuất bản một kỳ, nhưng không hề quan tâm rồi ai sẽ đọc. Vì thế, thơ của các cây bút ở đây không đến được với công chúng. Để thoát khỏi tình trạng “tự cấp tự túc” ấy, anh đề nghị phải có một tờ báo văn nghệ cho cả khu vực, cùng với việc lập website văn học ĐBSCL.
Một số tham luận khác tập trung vào việc giới thiệu những nét đặc sắc của thơ đồng bằng qua một số tác phẩm cụ thể (Hồ Tĩnh Tâm) hay cố gắng “nhận diện” thơ đồng bằng qua bản sắc riêng (TS Phạm Quang Trung). Theo ông, thơ đồng bằng không chỉ mang tính thuần phác như một số ý kiến đã nói, mà còn chất chứa nhiều chất suy tưởng triết lý, thể hiện đậm nét qua một số tác phẩm của Lê Chí, Trang Thế Hy, Nguyễn Trọng Tín, Đinh Thị Thu Vân, Kim Ba...
Không có tranh luận gay gắt mà bao trùm là không khí đầm ấm nhưng một số vấn đề có liên quan đến sự nghiệp văn học ĐBSCL, trong đó có thơ, đã được hội thảo đặt ra nghiêm túc, cần được Hội Nhà văn và giới lãnh đạo văn nghệ trong khu vực quan tâm.
Phát biểu tổng kết hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng Thư ký Hội Nhà văn VN, đưa ra cái nhìn hết sức lạc quan về văn học ĐBSCL. Ông nói: So với 10 năm trước, tình hình sáng tác văn học ở đây có bước phát triển khá mạnh, cả về đội ngũ lẫn tác phẩm. Ông cho biết, sắp tới, Hội Nhà văn sẽ thuyết phục các cơ quan chức năng để có một phụ bản Báo Văn nghệ dành riêng cho khu vực ĐBSCL, do chính những nhà văn, nhà thơ trong khu vực tổ chức thực hiện...
Báo NLĐ