VCV: Tiểu thuyết “Chuyện tình mùa tạp kỹ” bao gồm 49 hồi và một vở kịch phi lý mang tên "Tìh êu". Tháng 12/2007, vở kịch này đã được đọc (một hình thức trình diễn trong không gian nhỏ với đầu tư thấp, đơn giản hơn diễn trên sân khấu lớn) tại Hội đồng Anh tại Hà Nội, với sự tham gia của các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ.
Sau đây là bài viết của Lê Anh Hoài xung quanh những ý kiến, tranh luận về tác phẩm này nói riêng và kịch phi lý nói chung.
Vở kịch có tên "Tìh êu" - dễ nhận ra qua những con chữ, nó là Tình yêu bị khuyết, thiếu, bị lấy đi, bị rơi rụng. Các nhân vật của tôi trò chuyện, đùa cợt... và hành động xung quanh chủ đề này. Nhưng ở đây không có một câu chuyện thật rõ nét theo kiểu cổ điển có mở đầu và kết thúc. Không phát triển xung đột, không giải quyết mâu thuẫn. Tóm lại, không có "kịch tính" thông thường. Không gian và thời gian trong vở kịch rất ước lệ. Các nhân vật cũng rất ước lệ, như đã biết, như không biết. Chúng có những cái tên nghe như một biểu tượng, một điển hình, nhưng kỳ thực nhân vật hoạt động với nét riêng, không đại diện cho ai cả.
Nếu ai đi tìm một kết luận sau khi đọc "Tìh êu", tôi sợ sẽ hoài công, vì chính tác giả không định kết luận gì qua vở kịch này. Một bài học có tính luân lý? Càng không! Ngay việc phân định ai xấu ai tốt (địch - ta? Phe nào?) tôi ngại rằng cũng rất mong manh!
Nhưng tôi cho rằng, đó chính là hình chiếu khá toàn diện của cuộc đời và của tình cảm lớn nhất của con người: tình yêu. Không phải vô nghĩa, mà vì quá nhiều ý nghĩa. Không phải không hiểu nổi, mà có thể có (rất) nhiều cách hiểu.
Dostoevski (1821-1881) trong "Anh em Karamazov" đã cho nhân vật Ivan phát biểu: "Thế giới được dựa trên những điều phi lý, và không biết chuyện gì xảy ra nếu không có những điều phi lý đó".
Nói một cách khác, những gì là "có lý" dường như chỉ là một bộ phận nhỏ trong đời sống con người. Cái ngẫu nhiên, cái tự nhiên chi phối đời sống con người mà con người thì, tiếc thay vẫn chưa/không nắm bắt, quán xuyến được những lực lượng này.
Ở một khía cạnh khác, hiểu biết của nhân loại về tự nhiên và xã hội tăng tiến cực mạnh trong những thập kỷ gần đây, tri thức - ngay trong một ngành khoa học - trở nên quá nhiều, cập nhật quá nhanh. Điều này khiến bất cứ một cá nhân đơn lẻ nào cũng có thể bị lạc lối trong khu rừng kiến thức. Và tri thức, thay cho soi sáng thì lại gây nhiễu.
Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ngày càng mạnh mẽ, sinh ra rất nhiều vật chất và phương tiện, kể cả phương tiện phục vụ giao tiếp, nhưng con người càng cảm thấy cô đơn vì bị đồ vật hoá. Xã hội văn minh, thay cho nâng đỡ cá nhân, thì lại nhấn chìm.
Đến lúc con người nhận ra rất nhiều vấn nạn mà không trật tự nào có sẵn có thể vãn hồi, rất nhiều câu hỏi mà không một tín điều có sẵn nào có thể giải đáp.
Tôi đang trình bày những gì tôi cảm nhận được chính từ thực tại sống của bản thân và thực tại xã hội gần gũi xung quanh, chứ không phải thực tại chung chung, và càng không phải thực tại phương Tây! Con người Việt Nam, sống trong một xã hội giao thời hiện phát triển rất nóng đang phải đối mặt với những vấn đề của nó. Xã hội ngày càng văn minh nhưng xuất hiện càng nhiều những vấn đề ngay trong lòng xã hội văn minh ấy, mà vấn đề lớn nhất là phân rã xã hội.
Theo tôi, đó là đất sống của kịch phi lý. Và kịch phi lý có đất sống như vậy, sẽ mọc lên. Nó có đời sống của nó, không toa rập với những hình mẫu trong quá khứ.
Nhân đây cũng phải nói, có một lối "biện luận", trong văn học nghệ thuật, cứ cái gì có nguốn gốc nước ngoài, nhất là của phương Tây là bị chụp vào cái mũ có mấy chữ: "suy đồi", "bế tắc", "cạn kiệt" thậm chí có người còn lớn tiếng "rác rưởi", "học đòi", "lai căng"....
Với những phát biểu có định kiến và được định hướng sẵn như thế, có lẽ chẳng cần đáp lại.
Kịch phi lý nằm trong dòng văn học - nghệ thuật phi lý. Nó ra đời từ sự hoang mang với thân phận con người, thậm chí, với thân phận loài người, bất tín với cái logic phi nhân và những tín điều, những chân lý độc tôn lỗi thời. Những tín điều này, có cái tồn tại qua nhiều thế kỷ vốn được coi là chân lý không cần chứng minh, có cái từng được hàng tỷ người đi theo...
E. Ionesco, nhà viết kịch phi lý - Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp đã nói: "cái phi lý là sự tồn tại vô nghĩa của con người, là sự suy giảm giá trị của mọi lý tưởng của con người". Kịch phi lý chống lại những cái đó. Nó không phải là sự phủ nhận và đập phá một cách tiêu cực. Nó tuyên chiến với sự thoả mãn dễ dãi. Nó giễu nhại lối sống bầy đàn. Nó đưa ra phản đề để chính đề sáng rõ hơn. Nói đến cái phi lý, đầu tiên, chính là chỉ nó ra, với cái nhìn nhân đạo; và tiếp theo, không phải để đầu hàng mà để chống lại nó, vì cuộc sống thực của con người.