Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.234
123.153.843
 
Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên
Vũ Ngọc Tiến

Nằm cách không xa thủ đô Hà Nội về phía Bắc là ngọn núi thiêng Tam Đảo. Từ thủa các vua Hùng dựng nước, cùng với núi Ba Vì ở phía Tây, hai ngọn núi Tam Đảo- Ba Vì đã  trở thành biểu tượng linh thiêng cho sự trường tồn của dân tộc Việt. Phải chăng vì thế nên vào đời Hùng Duệ Vương, khoảng hơn 200 năm trước công lịch, các nhà sư Ấn Độ đến nước Văn Lang hoằng dương Phật pháp đã chọn núi thiêng Tam Đảo làm nơi xây cất những ngôi chùa đầu tiên. Tam Đảo vì thế là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, chứa đựng trong lòng nó một địa danh Tây Thiên, lưu truyền suốt hơn hai ngàn năm qua cho phật tử người Việt thành kính hướng tâm về nước Phật. Làm sống lại cái nôi Phật giáo của dân tộc đã bị phong hóa của thời gian và lịch sử nghiệt ngã biến thành phế tích bằng một công trình kiến trúc văn hóa Phật giáo mang tầm thế kỷ, tôn vinh giá trị dòng Thiền Trúc Lâm đặc sắc của Việt Nam là nguyện vọng tha thiết của hàng triệu tăng ni, phật tử cả nước…

 

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được khởi công từ ngày 4/4/2004 (15/2 âm lịch) với tổng số vốn ban đầu rất khiêm tốn, cỡ 30 tỷ đồng, có diện tích rộng 4,5ha, rừng ngoại vi rộng 50ha. Ai cũng hiểu số vốn đầu tư ban đầu ấy chưa đủ làm đường từ chân núi lên sân Thiền viện, vậy mà chỉ sau 15 tháng khẩn trương xây dựng, công trình kiến trúc hoành tráng, nguy nga, tinh xảo từng đường nét hoa văn đến bố cục tổng thể hoàn mỹ đã được khánh thành ngày 25/11/2005 giữa bốn bề cây cỏ dâng hương, núi non kỳ vĩ. Du khách đến nơi đây không khỏi ngỡ ngàng trước tiến độ thi công thần tốc, chất lượng công trình tuyệt hảo nhờ một chữ tâm được khai mở thành mối nhân duyên gắn kết chủ trương xây dựng của chính quyền địa phương tỉnh Vĩnh Phúc với lý tưởng chấn hưng Phật giáo Thiền tông của tăng ni, phật tử cả nước, làm nên sc mạnh khai sơn phá thạch, thu hút mọi nguồn vốn thiện tâm đóng góp và sự kết đọng tinh hoa nghệ nhân các làng nghề, kiến trúc sư nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc. Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên gồm chính giữa là toà Chánh Điện, bên trái là nhà trưng bày các hiện vật có niên hiệu Lý, Trần, Lê, Nguyễn…. Ngoài ra còn có cổng Tam Quan, Lầu Chuông, Lầu Trống, Nhà Tổ, Nội Viện.... Mỗi đơn nguyên kiến trúc ở đây đều xứng tầm một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc vừa mang đậm tính dân tộc lại vừa hiện đại. Đứng trên cao nhìn xuống, thung lũng mờ xanh, xóm làng san sát. Tất cả hút vào tầm mắt một cảm giác thư thái, khiến lòng người trở nên thanh tịnh, chợt nhớ câu thơ của thi sĩ Cao Bá Quát từng viếng thăm, vịnh cảnh nơi này: “Địa khống tam biên, hoành nhất đái- Sơn liên thất điện, uất thiên bàn”. Nghĩa là: “Đất trống ba bề, một dải ngang - Núi liền bảy điện, ngàn u tịch”…

 

Trung tâm của công trình kiến trúc là tòa Chánh Điện cao 17m, diện tích 673,2 m2, 4 trụ đỡ có đường kính gần 1m, ở giữa là 3 tượng phật nói lên đường lối tu thiền: Phật tại tâm, cứu cánh của sự tu hành là khai mở tuệ giác, phát triển tâm tử, đi đến giác ngộ phật pháp…. Ngôi Chính Điện này có thể dành cho 600 phật tử, du khách viếng chùa vào những ngày lễ hội. Hàng tháng có ngày đầu của tuần thứ 2 sẽ diễn ra các buổi giảng Phật pháp và ngồi Thiền tĩnh tâm tu đức.  Thiền viện Trúc Lâm là “viện nghiên cứu” về Thiền thuộc phái Trúc Lâm, một hình thức tu hành đã vắng bóng ở Việt Nam gần 100 năm nay. Thiền học Việt Nam được khởi đầu với hòa thượng Khương Tăng Hội. Ông là đệ tử đầu tiên của 2 nhà truyền giáo Sona và Uttara (những người đầu tiên truyền bá Phật giáo vào Việt Nam). Không chỉ là người sáng lập ra Thiền học Việt Nam, Khương Tăng Hội đã từng đem Thiền học sang truyền bá ở Trung Quốc tại đất Kiến Nghiệp của nước Ngô thời Tôn Quyền. Dòng Thiền có 3 tông là: Thiền tông, Tịnh Độ tông (tu theo pháp môn niệm Phật) và Mật tông (tu theo phái bùa chú). Thiền tông Trung Hoa là trực chỉ phân tâm, tích tâm tích Phật; Thiền tông Nhật Bản có kiếm đạo, trà đạo…; còn Thiền tông Việt Nam tu theo cách riêng, mang bản sắc của phái Trúc Lâm Yên Tử.  Khảo sát, khai quật xung quanh khu vực thắng cảnh Tây Thiên, người ta đã phát hiện 3 bia đá ở Đền Thượng Tây Thiên có ghi: Võng Sơn Thiền Sư, Cúc Khê Thiền Sư, Giác Linh Ngã…là các vị sư Thiền. Điều đó cho thấy từ thời Hùng Vương nơi đây cũng đã xuất hiện các vị Thiền sư truyền Thiền. Phần lớn các ý kiến cho rằng núi thiêng Tam Đảo là một trong những nơi được phái Trúc Lâm Yên Tử chọn điểm truyền bá Thiền tự.

Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên nằm trong Khu danh thắng Tây Thiên của tỉnh Vĩnh Phúc, có diện tích khoảng 148ha, nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn, thuộc địa phận xã Đại Đình, huyện Tam Đảo. Nơi đây không chỉ là một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo lâu đời, một điểm hành hương nổi tiếng từ xa xưa trong lịch sử mà còn là một nơi có cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ với hệ động thực vật phong phú gần 800 loài, những cây thông hàng ngàn năm tuổi hay những động vật nằm trong sách đỏ của thế giới. Du khách có thể đi bộ men theo dòng suối trong vắt để đến với những bãi đá Liền, suối Tối, thác Chòi Tre, thác Bạc 5 tầng, suối Bạc, suối Vàng, suối Giải Oan, đền Cô, đền Cậu, đền Thượng…Công trình xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên với nhiều bức tranh tượng hoành tráng và tuyệt mỹ còn như muốn nhắc nhở với cộng đồng phật tử trong nước và trên thế giới rằng nơi đây đã từng có đoàn cao tăng Ấn Độ cùng công chúa Ấn, con vua Asoka, đến truyền đạo, xây tháp và lập chùa từ trước công lịch, không phải gián tiếp truyền qua Trung Quốc như nhiều người, nhất là các học giả phương Tây từng ngộ nhận. Dưới con mắt Đại Hán của những kẻ thống trị phương Bắc, mọi quốc gia khác đều là Phiên Quốc, mọi dân tộc khác đều là Phiên Di, Man Di nên muốn xoá nhoà ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, tô đậm và áp đặt mọi ảnh hưởng của họ ở Việt Nam. Quá trình khai quật di tích văn hóa Phật giáo quanh các nền chùa cổ trên núi Tam Đảo đã góp phần làm sáng tỏ sự thật lịch sử Phật giáo nước ta. Thật ra, ngay trong thư tịch cổ ở Trung Quốc cũng đã từng có người ghi nhận rằng đạo Phật ở Việt Nam có trước Trung Quốc. Pháp sư Đàm Thiên trả lời vua Cao Tổ nhà Tuỳ rằng: "Cõi Giao Châu có đường thông sang Tây Trúc gần hơn ta. Khi Phật giáo chưa du nhập vào đất Giang Đông vùng Hoa Hạ, thì ở cõi ấy đã xây được 20 ngọn tháp, độ hơn 500 tăng sĩ, dịch được 15 bộ kinh rồi." Thời Bắc thuộc, nhà Đường đô hộ nước ta, đã có nhiều vị sư tăng từ Giao Châu sang tận cung vua nhà Đường giảng dạy kinh Phật. Lê Quí Đôn trong sách Thiền Dật có ghi lại bài thơ của thi sĩ đời Đường là Dương Cự Nguyên viết khi tiễn biệt nhà sư Phụng Đình rời Tràng An trở về quê Nam Việt. Học giả Nguyễn Đăng Thục trong cuốn lịch sử tư tưởng phương Đông đã dịch bài thơ này ra tiếng Việt:

 

Quê nhà ngoài Nam Việt

Muôn dặm núi trắng mây

Kinh luân rời Trung Quốc

Hương hoa nhập biển khơi

Sóng biếc còn in dấu

Lầu trai lại hoá thành

Trường An mạch sầu nặng

Giao Châu chuông đêm thâu

 

Thiền Viện, bản thân tên gọi ấy đã toát lên sự thâm viễn, nét độc đáo trong phép tu hành của dòng Thiền Trúc Lâm Việt Nam gói gọn trong ba chữ Phật tức tâm hay Phật tại tâm. Người tu hành xuất thế đốn ngộ thành Phật bằng cái tâm tu dưỡng các Hạnh vô ngã, Hạnh tinh tấn, Hạnh tự giác- giác tha… để rồi sau đó lại nhập thế giúp đời theo cách riêng của nhà tu hành là gỡ bỏ cái vô minh cho chúng sinh khỏi vòng Tham- Sân- Si, chung tay kiến tạo một thế giới đại đồng, kiêm ái tương lợi. Ra đời từ cuối thế kỷ XIII, trải bao thăng trầm của lịch sử, dòng Thiền Trúc Lâm đang trong quá trình hồi sinh và phát triển. Những năm gần đây, với lòng thành kính hướng về Trúc Lâm tam tổ, ôm ấp lý tưởng, hoài bão chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Từ cùng các học trò đã từ Nam ra Bắc, dốc lòng động viên tăng ni, phật tử cả nước góp sức xây dựng nên Thiền Viện Yên Tử năm 2003, Thiền Viện Tây Thiên năm 2005 và đang gấp rút xây dựng thêm Thiền Viện Vân Đồn bên vịnh Bái Tử Long. Giờ đây, Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên đã thành một trong ba thiền Viện lớn nhất của cả nước, một trung tâm tu Thiền nổi tiếng thu hút đông đảo tăng ni, phật tử và du khách thập phương đến với núi thiêng Tam Đảo. Theo giáo lý của dòng thiền Trúc Lâm, phật tử khắp nơi đến đây không để cầu danh hay cầu tài, cầu lộc mà đến đến để tận hưởng khí thiêng Tam Đảo, nghiên cứu kinh sách, tu tâm rèn tính theo giáo lý của Phật tổ, Bồ tát. Trong cái thâm nghiêm của “Đại hùng bửu điện”, giữa khung cảnh bao la, mỹ lệ của núi rừng Tam Đảo ta như vẳng nghe từ thẳm sâu cõi Phật 10 điều răn của Thiền tổ Trần Nhân Tông cho người tu Thiền và tất thảy chúng sinh:

 

Lấy bệnh khổ làm thuốc hay

Lấy họan nạn làm tiêu dao

Lấy chướng ngại làm giải thoát

Lấy chúng ma làm bạn pháp

Lấy khó khăn làm thành công

Lấy kẻ giao hữu tệ bạc làm sự giúp ích

Lấy người nghịch làm vườn đẹp

Lấy bố đức làm dép rách

Lấy sự sơ sài làm giàu sang

Lấy oan ức làm cửa hạnh.

 

Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên sẽ còn tiếp tục được hoàn thiện bởi nhiều hạng mục kiến trúc khác nữa để phục vụ tốt nhất việc học tập, nghiên cứu và tu dưỡng của các tăng ni, phật tử và khách thập phương đến đây thanh thản thả hồn vào cõi Phật. Theo những tài liệu ít ỏi lưu giữ đến nay, bên cạnh Thiền Viện vừa xây dựng còn có những công trình kiến trúc tôn giáo truyền thống trải suốt từ chân lên đỉnh núi dựa vào thiên nhiên, góp phần tăng thêm vẻ hoành tráng quyến rũ của cảnh vật nên thơ ở chốn này. Đó là: chùa Đồng Cổ, chùa Phù Nghì, am Lưỡng Phong, am Song Tuyền, đền Thượng, cầu Đái Tuyết… Tất cả  đều sẽ được trùng tu, tôn tạo. Đặc biệt, trong phạm vi khu vực danh thắng Tây Thiên cổ tự, cách không xa Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên lại đang xây dựng thêm một công trình lớn và độc đáo mang tên “Việt Nam Hộ Quốc Phật Đài”, tượng trưng cho khát vọng muôn đời được sống trong hòa bình, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, dưới vòng tay che chở của Phật tổ, Bồ tát. Khi ấy, khu vực Tây Thiên trên núi Tam Đảo sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái- văn hóa tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần làm giàu cho tỉnh Vĩnh Phúc trên bước đường hội nhập và phát triển. Từ ngày khánh thành, mỗi ngày Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên đón hàng trăm phật tử, du khách trong và ngoài nước hành hương về “cội nguồn Phật giáo Việt Nam“, thắp hương khấn phật và thưởng ngoạn cảnh đẹp rừng núi Tây Thiên. Mờ sáng, khi cây cỏ còn đẫm sương đêm, du khách đã bắt đầu cuộc hành hương về Thiền Viện. Đường lên khúc khuỷu, quanh co, sương sớm phủ mờ từng khóm lau, ngọn thông bên dốc. Họ bước đi, trong lòng hướng Phật, chợt thấy cảnh vật xung quanh bỗng thanh tịnh đến lạ lùng, chỉ nghe tiếng suối Tây Thiên róc rách, tiếng thông reo và tiếng chuông Thiền ngân nga, vang vọng. Vào lúc hoàng hôn người ta chợt bắt gặp khoảnh khắc ánh chiều chiếu chếch xuống mái ngôi Thiền Viện như tỏa hào quang giữa rừng thông già ngàn tuổi. Tiếng thông reo vi vút, ru ta vào giấc mộng thần tiên, tâm hồn được siêu thoát, ngộ ra cái lẽ vô thường của tạo hóa và cõi nhân sinh, rũ bỏ mọi ưu tư, phiền muộn cho lòng hướng thiện...

 

“Mai sau dù có bao giờ…”, các thế hệ tăng ni, phật tử nước nhà vẫn sẽ ghi nhớ công lao của những người đã dày công nghiên cứu, vất vả khảo sát, dồn hết tâm huyết xây dựng nên công trình kiến trúc tuyệt tác này trên đất tổ Tây Thiên. Chính quyền và nhân dân huyện Tam Đảo vẫn thường xúc động nhắc lại hình ảnh thầy Kiến Nguyệt cùng nhiều phật tử, cư sĩ học giả lặn lội suốt 3 tháng ròng leo dốc, ngủ rừng tìm kiếm nền cũ của chùa Thiên Ân năm xưa bị giặc Minh tàn phá làm cơ sở đặt móng xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên. Hàng nghìn con người miệt mài làm việc không kể ngày đêm, quên trời mưa nắng, không nhận tiền công mà vẫn sung sướng tự hào vì được góp phần vào công cuộc chấn hưng Phật giáo. Mới hay khi cái tâm đã hướng Phật, con người ta trở nên có sức mạnh diệu kỳ và niềm hoan lạc vô bờ… Tu Thiền là phương pháp giúp chúng sinh an định cái tâm. Khi tâm an định thì trí tuệ sáng suốt, khi tâm bất an thì trí tuệ mờ tối. Các vua đầu của triều Trần đều là những bậc Thiền giả đạt đến an định sâu nên mới chứng ngộ, thấu suốt lý Thiền lẽ Đạo, từ đó trí tuệ phát sáng, dẫn dắt cả dân tộc ba lần chiến thắng đế quốc Nguyên- Mông hung bạo. Thời bình các ngài thi triển những chính sách ôn hòa, giản dị, lấy tâm tu Thiền để thu phục nhân tâm, lấy đức để cảm hóa đức nên “Xã tắc đôi phen chồn ngựa đá- Non sông nghìn thủa vững âu vàng”. Trải qua hơn 7 thế kỷ thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, giờ đất nước đã thanh bình và phát triển. Việc khôi phục lại đường lối tu hành của thiền phái Trúc Lâm là việc làm rất đáng trân trọng. Từ Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, các Thiền tăng, Thiền ni đang say mê nghiên cứu, giảng dịch trước tác của tiền nhân để cho hàng hậu học thấy được cái tinh hoa của Phật giáo Việt Nam âu cũng là việc làm “tùy duyên nhi bất biến”. Trong tinh thần đó, họ tỏa về bốn phương hướng dẫn chúng sinh, phật tử tu tâm rèn đức bằng phương pháp của tổ Thiền và tinh hoa tri thức của nhân loại trong thế kỷ XXI, thế kỷ hậu công nghiệp và văn minh tin học…

 

Hà Nội 21/9/2008

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 4194
Ngày đăng: 09.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cụ Phan Khôi qua hồi nhớ của con gái một người bạn thơ - Lâm Bích Thủy
Chiều chiều mây kéo về kinh - Yến Lan
Ăn cơm mới nhớ chuyện xưa - Lâm Bích Thủy
Ký sự những cây cầu hát - Vũ Trọng Quang
Du nam - Xuân Sách
Nôn nao Quảng Trị - Nguyễn Đức Thiện
Ca dao, dân ca ở thị xã ngã ba sông - Phạm Thanh Phúc
Những niềm đau khuất lấp - Nguyễn Hoàn
Quê hương là cánh diều biếc... - Phạm Minh Hoàng
Lãng đãng Phước Yên - Ngô Thiên Thu
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)