Hồi tôi còn nhỏ, xong bữa cơm mà vét không sạch chén là má tôi rầy. Mỗi lần làm đổ cơm, nếu là chỗ sạch thì má tôi bắt nhặt lên ăn cho kỳ hết mới thôi; còn nếu cơm rớt xuống đất thì bà lấy đồ gom lại mang đi cho gia súc ăn. Không bao giờ má tôi dùng chổi quét cơm. Má tôi làm công việc ấy bằng động thái thận trọng đến thành kính, miệng bà lẩm bẩm "Tội chết con ơi…". Cho đến khi đầu có vài sợi tóc pha sương tôi mới nhận thức một cách đầy đủ cái lý do mà má tôi tôn trọng hạt cơm đến mê tín đó.
Thời chúng tôi làm ruộng, khoa học kỹ thuật chưa cung cấp cho người nông dân những giải pháp và công cụ tiện lợi như bây giờ, cứ theo kinh nghiệm cổ truyền của nền văn minh lúa nước bốn ngàn năm cộng lại cũng chỉ là "con trâu đi trước cái cày đi sau". Làng tôi nằm ven sông Bạc Liêu và rẻo đất của gia đình tôi cũng nằm cặp con sông đó. Sông Bạc Liêu dẫn ra cửa biển Mỹ Thanh rất gần, cho nên nước biển được dẫn vào quanh năm. Chỉ đến khi mùa mưa thật "già", nước ngọt trên đồng đổ xuống thì sông Bạc Liêu mới chuyển dần sang ngọt. Thời gian ngọt của nó suýt soát 5 - 6 tháng trong năm. Chính vì thế mà vạt đồng ở ven con sông Bạc Liêu luôn chực chờ bị nước mặn xâm thực vào mùa hạn. Hàng năm, vào tháng 10 - 11 âm lịch, ba tôi be bờ đắp đập rất kỹ. Có những năm nước rong 30 Tết dâng cao quá, cả làng phải bỏ ăn Tết để trầm mình đắp đê. Ấy vậy mà rồi có những năm không ngăn được, nước mặn tràn vào nuốt chửng cánh đồng, thế là cái quê nghèo tăm tối của tôi lại một mùa xuân nữa bị đánh mất. Trong làng, mấy lão ông ngồi bó gối thở dài, mắt đăm đăm nhìn về phía cuối cánh đồng, trông xót xa đến ứa nước mắt. Mùa lúa tới sẽ là một mùa lúa trổ cờ (chín háp). Đó cũng là một mùa của đói nghèo ấp Lẩm
Đất cuả làng tôi là đất nhiễm mặn nên đến mùa sa mưa là các loại cỏ như cỏ nước mặn, cỏ năn, cỏ lát… thi nhau mọc lên xanh thẳm cả cánh đồng và cao dày đến cở, các loại chim cò, trích, le le… vào làm tổ đầy ruộng. Thời đó (khoảng thập kỷ 70 của thế kỷ 20 trở về trước), đất cỏ chiếm đại bộ phận đồng đất miệt Hậu Giang. Chỉ có đất đồng hay còn gọi là đất thuộc đã làm ruộng nhiều năm thì mới là đất tốt. Đất cỏ là đất xấu nên rất khó làm và tốn nhiều công sức. Đầu mùa vụ, trước một cánh đồng cỏ mọc cao như thế, không cày được, nông dân của vùng đất cỏ phải dùng phảng phát cỏ đi rồi sau đó mới cày. Cũng có nơi có tập quán canh tác không cày mà phát cỏ xong thì dùng "nọc" cấy lúa (do đất cứng). Tập quán phát cỏ cấy lúa là một kỹ thuật được phát minh ở Nam bộ và có từ thế kỷ 17, trong sách Gia Định Thành Thông Chí gọi là "đất Trảm Thảo".
Khi ngồi viết những dòng này tôi vẫn còn nghe rõ mồn một cái âm thanh ngày mùa của một thời đã thật là xa xôi. Đó là tiếng gà nhà ai cất lên lảnh lót báo hiệu một ngày mùa bắt đầu khi đêm hãy còn thật sâu và nhiều người vẫn còn say nồng trong giấc ngu. Gần như toàn gia quyến nhà nông lại thức dậy. Má tôi lui cui nấu cơm cho gia đình ăn vào lúc 4 giờ sáng và gói cơm theo cho con ăn để đi cày trên đồng xa. Cơm được bỏ trong chiếc giỏ lá dừa nước và chỉ vỏn vẹn có cơm vắt mắm đồng nuôi nấng đời thợ cày vô cùng cực nhọc. Anh em chúng tôi, 10 tuổi đã tập cầm cày. Bốn giờ sáng là phải dẫn trâu đi tắm, sau đó lùa trâu lên đồng để cày bừa. Đồng vẫn còn tối đen nhưng lại bị đánh thức bởi những tiếng "ví, thá" của thợ cày, tiếng chân trâu quẫy nước chen lẫn với tiếng gà gáy rạng đông. Rồi một cơn mưa cuối hạ bất thần chụp xuống, mưa gió quất ràn rạt vào thợ cày, đồng đất như ngập chìm trong nước, thợ cày chỉ còn điều chỉnh luống cày theo quán tính. Môi anh ta xám ngắt vì nước, tay chân anh ta tê cóng và răng đánh vào nhau côm cốp, tạnh mưa thì mũi mòng, đĩa vắt bu lấy anh ta… Cực khổ đến không còn có thể cực khổ hơn.
Mùng 5 tháng 5 âl, đến Tết Đoan Ngọ, cũng là ngày cúng xuống mùa của nhà nông, họ đồng loạt gieo mạ. Thế nhưng đất cỏ thì không thể gieo mạ được, ba tôi phải mượn đất đồng của cậu Hai Bền tận bên Thào Lạng, cách nhà tôi 3 cây số để gieo mạ. Hai tháng sau thì nhổ mạ. Cánh đàn ông nhổ mạ vạn dần đổi công, cánh phụ nữ và trẻ con thì lùa trâu vào để kéo mạ, chỗ nào không kéo được phải "lòi", phải gánh… để mang về đất chờ cấy "dăm mạ". Mãi đến bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn thấy lạnh sóng lưng. 12, 13 tuổi tôi đã gánh đến 4 bó mạ đi "dăm" cách hàng mấy công đất, vai bị "đòn xóc" cứa đến chai sần.
Thời bây giờ tháng 8 âl là gặt lúa hè thu chứ ngày xưa là thời điểm bước vào mùa cấy. Đó là tháng mưa thu giăng mờ trên đồng. Nam phụ lão ấu của làng bước vào mùa "cấy vạn". Nước lụt ngập đến bụng người, phải cấy những loại mạ cao đến cả thước và cấy rất thưa, mỗi tầm (3m) chỉ có 7-8 cây lúa, bằng các loại giống: Nàng thơm, Nàng ráo, Trắng lùn… 3-4 giờ sáng là rủ nhau ra đồng lặn ngụp dưới nước. Vạn cấy xóm đàng Đông hò đối đáp với vạn cấy xóm đàng Tây… hò riết rồi hình thành một loại hình văn nghệ dân gian, đó là hò vạn cấy. Các nhà thơ dân gian lẫn những nhà thơ chuyên nghiệp đã cố tình thi vị hóa một cách quá đáng cái không gian của ngày mùa, chớ thực tế người ta hò hát là để cố quên đi cái cực nhọc của một kiếp đời thợ cấy trầm nửa thân mình dưới nước suốt ngày. Trong hoài niệm của tôi vẫn còn bồi bồi hồi hồi một hình ảnh xót xa: tháng 8 mưa dầm thúi đất, má tôi trên lưng là tấm lá chằm dầm mưa cấy lúa đến đỏ đèn, bàn tay bàn chân thúi móng. Hình ảnh của má tôi là hình ảnh trong câu ca dao: Con cò lặn lội đồng sâu/ Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.
Cấy xong 2 công cấy má tôi về nhà là trời đã tối mịt, trên tay sách lọn bông súng đồng, mình mẩy ướt sủng, không kịp thay đồ đã phải đi đốt rơm thổi lửa nấu cơm vì trong căn nhà lá nhỏ xíu nổi trôi giữa đồng trong mùa nước lụt các con bà nhao nháo chờ cơm. Mùa nước lụt rất khó bắt cá, thế là bữa cơm dọn ra chỉ với nồi mắm kho với mấy con cá "hủn hỉn" lễnh loõng nước, mẹ con chúng tôi vừa chan vừa húp soàn soạt. Mắt má tôi sáng lên, cháy bỏng niềm khát vọng, bà bảo: "Năm nay trúng mùa, má sẽ dẫn mấy đứa bây ra chợ Bạc Liêu chơi và sắm cho mỗi đứa một bộ đồ vải sọc". Niềm hy vọng đơn sơ mà mắt mẹ, mắt con long lanh niềm vui.
Hồi đó, lúa cấy không cần bón phân, loại phân hữu cơ do cỏ hoại ra hồi đầu vụ khiến lúa nở rất nhanh, mới tháng 10 mà lúa nở to bằng cái tô con gà (khoảng 30cm đường kính). Người nông dân quê tôi thuở ấy hay nói rằng "đêm nằm nghe lúa nở". Nói thế là nói đến trạng thái của những người gởi gắm hết những hy vọng vào vụ mùa, mơ màng một vụ mùa bội thu đến nhập tâm nên đêm nằm cứ tưởng nghe lúa nở đó thôi. Khi gió chướng sòng tràn về làm mát mẻ đất trời là lúa bắt đầu trổ (khoảng đầu tháng 11âm lịch). Mấy con cá rô mập ú nhảy lên đớp những bông lúa dưới bờ kinh. Cái hương lúa mới nồng đượm cứ dậy lên ngập ngụa cả cánh đồng, đưa người nông dân vào cõi mộng về một cái tết đủ đầy, có áo mới, pháo nổ; một mối tình quê nên giai ngẫu nhờ lúa trúng có tiền làm đám cưới…
Hồi đó, vụ mùa kéo thật dài, năm nào trúng mùa năng suất cũng chỉ đạt 10-12 giạ lúa một công tầm cấy là cùng. Đến tháng Chạp (tháng 12 âl) lúa mới chín rộ. Nhiều gia đình gặt không rồi phải để lúa chín ngoài đồng ăn Tết xong ra Giêng gặt tiếp. Hồi xưa, gặt lúa xong là bó lại để trên "cò", chờ lúa khô thì gom lại chất cao lên thành ngố, đến ra Giêng mới bắt trâu cộ lúa về sân. Tháng 2-3 âl là tháng đạp rơm. Trong những đêm đồng khô, trăng sáng vằng vặc, trai gái làng vừa đạp vừa hẹn hò tình tự. Khi lúa vô bồ xong cũng là trời gầm gừ xa xa và sấm chớp nhì nhằng báo hiệu một mùa mưa sắp đến nữa rồi. Nghĩa là một vụ lúa thôi thời gian đã kéo dài gần hết một năm trời.
Thế rồi có những năm mưa dứt sớm, nước biển mặn chát từ cửa Mỹ Thanh tràn vào đồng ruộng làm cho những bông lúa bắt đầu "cong trái me" sang màu trắng như dựng cờ tang. Cả cánh đồng lúa bị háp trắng (không kết gạo được) như một đồng lau sậy. Những bụi lúa to bằng cái tô con gà tàn lụn dần cho đến khi khô cháy.
Khát vọng vụ mùa của người nông dân cũng tàn lụi theo bụi lúa. Tết nhứt đã gần kề, mấy ngọn gió Đông kéo về thổi hây hẫy trên cánh đồng mang theo dăm con én chao lượn dệt nên một mùa xuân tẻ nhạt trên quê nghèo. Thế là lại một cái Tết nữa không có áo mới… Má tôi, sáng tinh mơ đã cắp thúng ra đồng hướng đôi mắt đỏ quạch đầy uẩn ức lục lọi trong đám cỏ nước mặn, cỏ năn… để tìm những bông lúa chắc còn sót lại. Má tôi đi suốt một ngày trời cũng chỉ mót được "lùm lùm" một thúng táo. Đó là những hạt lúa lem luốc như không phải mọc ra từ đất, khi ăn những hạt cơm hiếm hoi đó người ta cảm được cái vị mằn mặn của mồ hôi và nước mắt và nhưng hạt lúa đó đã nuôi tôi lớn lên phỏng phao, thành người.
Ba má tôi, những người nông dân quê tôi đời nghèo tả tơi manh áo, làm ra hạt lúa bằng mồ hôi và nước mắt nên họ quí trọng hạt cơm đến mê tín. Suốt mùa giáp hạt cứ nơm nớp lo thiếu lúa ăn. Chính vì lẽ đó mà gần như 100% gia đình nông dân thời đó đều làm bồ ví lúa trong nhà. Bồ lúa càng to thì trong lòng càng vững và vị thế của gia đình cũng được xóm làng nhìn nhận qua cái bồ lúa trong nhà. Hiện tượng ví lúa trong nhà mãi đến thập kỷ 90 của thế kỷ 20 mới chấm dứt trong nông thôn Bạc Liêu.
Một hiện tượng mang tính giáo dục sâu sắc là một câu chuyện về hạt lúa được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác ở quê tôi là: "Ngày xưa, hạt lúa to bằng trái dừa khô, đến mùa lúa chín là lúa tự lăn vào nhà. Người nông dân cứ thế mà mang bỏ vào bồ lúa. Một bữa nọ, một người đàn bà vì ham mê cờ bạc khi lúa lăn vào nhà, bà ta bực dọc và phũ phàng dùng chổi quét, đập những hạt lúa sang một bên để tiếp tục đi bài bạc… chẳng may đã làm bể những hạt lúa ấy. Thế là từ đó lúa không còn to bằng trái dừa khô mà nhỏ xíu như bây giờ, và khi lúa chín rồi thì không còn tự lăn vào nữa". Câu chuyện cứ thế đã in sâu vào tâm thức của thế hệ này qua thế hệ khác về thái độ đối với hạt lúa, hay nói một cách khác là đối với giá trị lao động làm ra hạt lúa.
Mỗi thời đại, giá trị tiền bạc của hạt gạo không thay đổi nhưng nó thay đổi rất lớn cái giá trị lao động của con người. Ngày nay, với sự tham gia của khoa học kỹ thuật, một vụ mùa có thể gói ghém trong vòng 3 tháng và máy móc làm thay người nông dân một nửa công suất chứ không phải như ngày xưa.
Làm ra hạt lúa cực khổ như thế vậy mà ba tôi thường hay nói với con cái sau những buổi cơm ngoài đồng: "Làm ruộng bây giờ sướng lắm, chứ thời ông nội bây còn cực hơn nhiều". Tôi nghe xong thì nổi da gà rồi hỏi: "Cực cỡ nào hả ba?" và ba tôi kể: Hồi đó ông bà nội chở ba đến lúc đó ba mới lên năm tuổi. Rừng bạt ngàn, những cây mắm to cả ôm người lớn và rừng rậm hoang vu, thú rừng rất dữ, đi trên sông nghe cọp rầm cà um… cà um… Ông bà nội là người bồng bế nhau chạy loạn từ miệt Tiền Giang về đây đã là bước đường cùng nên đành phải lên rừng khai phá. Ông nội phải đóng cái chòi trên trảng ba cây mắm rồi để ba trên đó vì sợ cọp tha, phía dưới sông xa xa người ta treo một cái áo đen báo hiệu rằng nơi đây cọp vừa ăn thịt người. Ông nội bà nội dọn rừng hoang để khẩn đất. Lao động vô cùng cật lực, bàn tay bàn chân tứa máu để đốn cây, chặt dây… Lúc đó muỗi mòng, đĩa vắt vô số kể vừa chống thú dữ vừa bị bệnh tật hoành hành, đói khát vì cướp bóc loạn lạc triền miên… Vậy mà rồi mảnh đất 12 công cũng được thành khảnh, cây lúa bắt đầu mọc lên. Chỗ cao cạnh bờ sông Bạc Liêu thì ông nội tôi trồng rẫy, bà nội tôi chở rau cải ra chợ Bạc Liêu bán. Và từ đó, mảnh đất 12 công truyền lại cho ba, má tôi lẫn cả nghề trồng rẫy. Ba tôi lại trồng rẫy và má tôi lại chở rau cải ra chợ Bạc Liêu bán…
Thuở sinh tiền ông nội tôihay kể: "Hồi tao về đây khẩn đất, chợ Bạc Liêu chỉ bằng nắm tay…", vậy mà giờ đây chợ Bạc Liêu phồn thịnh đến nhường ấy. và tôi có suy nghĩ rằng chợ Bạc Liêu lớn lên cũng nhờ những người như ông bà nội tôi góp một phần không nhỏ, cũng như xóm làng, đồng ruộng, phố xá hôm nay được những người chạy loạn từ miệt Tiền Giang đến đây đặt nền móng đầu tiên.
Tôi có thói quen suy nghĩ đa đoan nên có khi tự làm khổ mình. Mỗi lần nghe các con tôi và đám bạn nói chơi với nhau bằng những câu: "Mầy là dân ruộng", "dân Hai Lúa", "mầy quê quá"… thế là tôi buồn - một nỗi buồn máu thịt. Đó là những câu nói vô tư nhưng hẳn rằng nó được xuất phát từ ý thức giai cấp của ai đó đang tồn tại trong đời sống chúng ta. Mỗi lần như thế tôi kêu các con mình lại bảo: "Ông nội là dân ruộng, thời trẻ cha là dân quê… các con ăn nói như thế cha thấy buồn lắm, giống như là vô đạo…".
Và nỗi buồn man mác ấy cứ ở lại trong tôi rất lâu. Tôi nghĩ rằng tại sao Bảo tàng Nam bộ không đề xuất một dự án tái tạo một vùng đất cách đây 100 năm với sinh thái cũ, cách trồng lúa cũ, sinh hoạt cũ… để cho lớp trẻ ngày nay hiểu đúng giai cấp nông dân, đặc biệt là nông dân miền Hậu Gianh - những người có công đi mở đất.