(Nhặt được tại Buôn Ma thuột 1983)
Con yêu quý,
Ngay mở đầu danh xưng của bức thư đã sai lạc. Nhưng xin con hãy tạm nhận vì lý do tuổi đời hay vì thâm tình đùa cợt cũng được, bởi lẽ giới nữ lưu trẻ trong cơ quan tai thành phố vẫn kêu Ba là Bố hay Bố già. Ba phải cố gắng lắm mới đủ sức viết bức thư này – đáng lẽ ra nên chôn chặt trong tâm tư. Nhưng không viết ra được thì trong lòng cứ nôn nao dằn vặt làm sao ấy. Với lại Ba nghĩ rằng, viết là một phương thế nói gián tiếp, mà nói gián tiếp là xem như không nói, hoặc tiếng nói đã trở nên thi vị, tiểu thuyết hóa rồi. Nói chung. sự vật một khi đã nghệ thuật hóa thì dù có hiện thực mấy đi nữa cũng không còn là sự vật tự thân, nó không còn là nó mà là một cái gì khác.
Vậy thì những gì Ba viết ra đây, đã hay Ba không cố tình làm nghê thuật, thi vị hay tiểu thuyết hóa gì cả, con cũng cứ xem như là đã nghệ thuật hóa rồi. Bởi mọi việc mọi sự đã bị bao lớp sóng thời gian xoi mòn, biến đổi không còn tìm đâu ra chứng tích. Tất cả dĩ vãng đã đi vào hư không. Và Ba cũng bắt đầu đã tự huyễn hoặc mình, ít ra trong tư tưởng để rồi sự huyễn hoặc ấy có thể lan truyền sang con. Nghĩa là bây giờ Ba đang ở trong trạng thái nửa hư nửa thực, hay thực là hư, hư là thực lẫn lộn. Con đã từng đi đứng tìm kiếm một vật gì trong bóng tối đêm đen rồi chứ, lúc bấy giờ chắc là mắt con không thấy, nhưng tri giác hay linh cảm của Con vẫn như thấy rõ nhận biết được. Ấy tâm trạng của Ba cũng đang ở trong khung cảnh đêm đen đó. Từ lâu Ba đã nuôi dưỡng ý tưởng – chắc thời nay cho là lạc hậu – là cái Đẹp luôn luôn đượm màu huyễn hoặc hư ảo – đã đành vẻ hư ảo ấy bắt nguồn từ sự thật. Nhưng thôi càng biện minh, càng lý giải nhiều càng rơi vào trừu tượng phù phiếm, càng làm cho con không hiểu gì cả, chi bằng hãy đi ngay vào sự việc.
…….
Hồi ấy, cách đây hơn ba mươi năm rồi có lẽ, có một thanh niên vốn là sinh viên năm thứ hai trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, sống đời nghệ sĩ kiêm nhà thơ, nhà văn, mà tên tuổi chưa có gì rạng rỡ; bởi tuổi đời còn măng non lang thang đây đó. Do cơ hội hay hoàn cảnh nào chàng lưu lạc đến thành phố V. xứ Ng. và lưu ngụ tại đất này một thời gian không dài gì cho lắm. Nhưng trong ba bốn tháng trời gì đó, tình cớ hay duyên nợ, chàng nghệ sĩ non nớt này quen biết một thiếu phụ. Và từ sự quen biết đưa đến một gắn bó yêu thương thì cũng chẳng có gí là lạ, vì một bên là nghệ sĩ lang thang, một bên là thiếu phụ trẻ đẹp. Cuộc tình duyên dù ngang trái nhưng ngắn ngủi thì cũng là lẽ thường dễ xảy ra thì cũng dễ biến mất, dù có mang tính chất rạt rào dũng mãnh của sóng thần tàn phá. Họ yêu nhau trong thầm kín nên tuyệt nhiên không gây nên một mảy may tai tiếng cho phía người thiếu phụ. Có điều trong khi hiến dâng thể xác cho nhau, thiếu phụ đã có một linh cảm lạ lùng, hỏi nhỏ người mình yêu rằng; nếu kết quả em có con với anh đi nữa thì cũng chẳng ai biết nào, mà chỉ có mình em biết thôi. Nhưng đời anh chả có gì cố định, nay đây mai đó, thì rồi biết tính sao đây? Thoạt nghe câu hỏi ấy chàng hơi sững sờ, nhưng rồi cũng giải đáp lấy lệ, vì nghĩ rằng người yêu quá lo xa, nên bảo rằng: Nếu có trường hợp như em vừa nói xảy ra, nghĩa là có con với anh thì cũng dễ quá mà, lúc đặt tên con hãy lấy chữ lót của tên anh làm tên con dù nó là trai hay gái.
Và cuộc tình nào chẳng giống nhau. Khắn khít khi sum họp để đảm nhận những đắng cay lúc chia ly. Nói rằng thơ – theo chủ quan của người trong cuộc – thì không có mối tình nào thơ bằng, nói rằng tiểu thuyết thì cũng không có mối tình nào trong tiểu thuyết đẹp bằng. Khốn nổi bây giờ đâu phải là lúc để mô tả những cái lằng nhằng vô ích ấy. Đó là chưa kể về phương diện tâm tư phán xét cũng như thành kiến của cuộc đời, ngoại trừ tình vợ chồng ra thì tình nào dù có đẹp đến đâu cũng là tội lỗi. Vả lại đến tuổi con bây giờ thì cũng thừa kinh nghiệm, thừa tưởng tượng ….
Cái đẹp của không gian là phải đóng khung trong một tầm nhìn, thì cái đẹp của tình yêu thường là chia ly. tất nhiên cũng có nhiều hứa hẹn để mà hứa hẹn. Rồi bao nhiêu biến thiên của thời cuộc, của cảnh huống, lửa chiến tranh bùng nổ khắp nơi, sự giao thông liên lạc trên đất nước cơ hồ bị bế tắc. Người thiếu phụ phải gắn liền với quê hương, với chồng con; trong khi chàng nghệ sĩ thì tha hồ trôi dạt, vào Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi rồi vào Nam. Cuộc chia ly với năm tháng đã đẩy xa mỗi người một phương, rồi theo thông lệ chàng cũng lập gia đình. Thời gian với bao gánh nặng trên vai đã khiến người trai quên đi tất cả. Và cũng phải thú nhận tội lỗi, là sau mối tình gắn bó ngắn ngủi trên đất Ngh. cũng còn bao mối tình khác chồng chất lên trên tâm hồn nhiều đam mê mà lắm biến đổi, khắp những nơi có dâu chân người, dù rằng tất cả đều chỉ là những ngọn gió thoáng qua trên đại dương không lưu lại vết tích gì.
Thế nhưng giờ đây, sau hơn ba mươi năm….
Chiến tranh đã tàn phá đất nước thì cũng tàn phá bao con người.
Đất nước đã trở lại thống nhất hòa bình, mọi con người cũng như nếp đời đều thay đổi trong khí thế của cuộc cách mạng thành công. Người nghệ sĩ của thuở nào đã mất để bắt đầu đi vào tuổi già nua. Và bánh xe xã hội đã lăn người qua nhiều nơi chốn, mà xứ Hồ… là chỗ dừng chân giây lát. Giờ đây người lại gặp một điều đã mấy mươi năm không hề gặp, đã mắt thấy tai nghe, tay chân có thể va chạm, nhận thức tri giác còn vững chắc. Thế nhưng cũng có gì vững chắc đâu, dầu là sự thật nó vẫn ẩn tàng bao nhiêu huyền hoặc mơ hồ. Ô hay, sao lại như một niềm tin, ở đây tình cảm đã ngự trị hay cũng chỉ là ảo ảnh do trí óc cuồng loạn tạo nên. Ba nghĩ, thôi thì muốn thế nào cũng được, Rằng Ba đang đối diện với đứa con của mình, vì rõ ràng có sự trùng hợp danh xưng: Tên con là chữ lót của tên Ba, cũng là người xứ Ngh.
Vừa gặp con lần đầu Ba đã sợ. Một hình ảnh xa xưa nào đó sống dậy trong tâm tư như một linh hồn tái sinh. Phút đầu ba cố tình trốn tránh không cho trí óc mình quay về với dĩ vãng. Nhưng rồi mọi chống trả của tri thức đều vô ích, tiềm thức vẫn dấy lên với những nét hình hiện hữu. Hình dáng con ngồi đó, con đứng đi là thấm nhuần từ máu huyết của mẹ con, nó giống y như đúc là chắc rồi; nhưng có cái gì giống ba không? Bấy giờ trên phương diện pháp lý cũng như khoa học không hề cho phép ba được tìm một chứng tích, mà chỉ được dùng cảm quan thôi, thì có gì chắc chắn là con có mang ít nhiều gióng máu của ba, giòng máu của một nghệ sĩ lạc loài. Hay chỉ là một trò chơi khăm, để trả thù ai đó mà mẹ con cố tạo ra sự trùng hợp tên tuổi này. Thói thường con người dễ hoài nghi, đối với trường hợp này sự hoài nghi lại càng to lớn; và càng hoài nghi càng tự dàn vặt lấy mình.Ba không dám hỏi kỷ về tuổi tác của con, lịch sự xã giao cấm kỵ, hơn nữa, trước mặt bây giờ con là chủ, giám đốc của một cơ quan, trong khi Ba chỉ là khách hàng, nên cũng không dám hỏi gì về các đấng sinh thành ra con.
Thế nhưng …Ba cứ nghĩ là Má con đã mất rồi, hay cứ kể như đã mất cũng thuận lợi biết bao. Người đời hay chuộng tuổi thơ, trong khi Ba cho rằng tuổi thọ không quan thiết khi mà cuộc đời còn nhiều khổ đau. Hơn nữa Ba muốn đặt ra cái tình huống khuất mặt thì khuất lời, tất không có tội lỗi nào cả. Một điều mà kẻ làm con không bao giờ muốn bôi bác người mình thương kính, nhất là đấng sinh thành.. Vậy thì bao nhiêu tội lỗi hãy đổ dồn về phía người còn sống là Ba. Nhưng tại sao ba lại phát giác một việc quá kỳ lạ, ngoài sức tưởng tượng của con, một sự việc mà mỗi khi nhắc đến cũng khiến cho con đỏ mặt tự cảm thấy xấu hổ. Vì dẫu sao con cũng đã là người trưởng thành, có gia đình có con cái, có địa vị trong xã hội. Dĩ vãng của con phải là trong sáng để hướng về một tương lai tốt đẹp. Đấng sinh thành luôn luôn là người con thờ kính. Không phải là ba không nghĩ đến thân thế của con, Ba không nên kể lể những sự việc đã qua, cố tình giả lờ đi, đừng nói gì cả… Thế mà Ba cứ viết thư này, nghĩa là ba chấp nhận mọi tội lỗi.. Nhưng trước khi phán xét, con hay bất cứ ai hãy bình tĩnh mà đặt mình vào trường hợp của người trong cảnh. Chính Ba cũng còn chẳng biết tâm trạng mình ra làm sao,, tự mình không tìm ra một giải đáp. Phải chăng chỉ còn là một hiện tượng sững sờ, chết liệm từng tế bào, từng thớ thịt, một sự ớn lạnh, một nỗi sợ hải xâm chiếm toàn thân, không có một lời, một câu nào diễn tả được.
Môt phút chợt vui khi thấy con trưởng thành trong nề nép; nhưng sau đó là một nỗi buồn dài dằng đặc, một nỗi đau ray rứt như xé tâm can. Sao ba lại cứ mãi còn là người để đón nhận một sự thật quá phũ phàng trớ trêu? Sao ba không như má con chết sớm đi có phải hay hơn không ? Sao ba không sớm biết tội lỗi của mình mà lui về một miền núi rừng thâm sâu nào ẩn dật đừng ló mặt với đời thì đâu có sự việc thấy con mà chẳng dám nhìn, dám hỏi? Đối với người xưa lại càng tệ hơn chẳng dám nhắc một lời, lại còn cầu mong cho người ấy qua đời.. Một khi còn phơi mặt ra với đời thì phải có một công nghiệp hay sự nghiệp gì gọi là đủ hảnh diện. Hãy tưởng tượng nếu ba giàu có hay đương kim có uy quyền, thì việc phát giác gặp được con hay con tìm được ba là một sự đáng mừng, hay ít ra cũng không gây ra điều gì tủi hận cho người quá cố. Đằng này Ba chỉ là một công dân quèn, dù có mang trong người bao nhiêu tri thức, thứ tri thức của sách vở văn bằng cũ mềm của chế độ cũ không còn chút tác dụng gì trong chế độ mới này nữa. Thật là đáng tội, nhưng kết tội sao đây? Cái tội đã dám thú những lỗi lầm, hay là cái tội của một đầu óc cuồng loạn bệnh hoạn, đã tự vẽ vời bịa đặt ra những chuyện không đâu để gây tổn hại đến thanh danh, gia phong của con, đã tiểu thuyết hóa một thiên tình sử. nếu phải kết tội thì ba lấy lý lẽ gì để mà biện hộ. Và ba có nên biện hộ để chạy tội không? Chắc chắn các vị pháp quan sẽ đòi hỏi ba, trước tiên phải đưa ra những chứng cứ gọi là bằng cớ để chứng minh rằng có một mối tình xa xưa. Thì sự thật chẳng có gì cả, chứng tích ấy nếu có chỉ còn trong tim. Lại mơ hồ này đến mơ hồ khác. Nhưng nếu trường hợp ba là triệu phú có một gia tài để lại cho con cháu, thì bức thư này có đủ là chứng cứ để nhìn con không? Tiếc rằng ba không phải là một luật gia, vã lại sự việc cũng đã có gì đâu mà phải lý luận lôi thôi. Bây giờ trên phương diện tinh thần, mà cũng chỉ là tinh thần thôi, Ba tự nhận là kẻ có tội đối với người xưa cũng như đối với con. Chừng ấy sự kiện cũng đủ dày xéo những ngày tàn của đời Ba rồi cân chi đến pháp luật.
Ba phải viết thư này cho con là chỉ mong có một điều, mà ba không dám hỏi ở trước mặt con, là con hãy kể cho Ba nghe những gì con biết về má con trong tuổi già của người về tinh thần cũng như về thể chất. Và đến bây giờ, sau bao cơn biến loạn con có còn giữ được hình ảnh hay kỷ niệm gì về người không ? Nếu có thì chia xẻ cho ba chút gia tài vô giá ấy để trong những ngày cuối của đời, Ba có gì để bám víu hầu hồi hướng cầu nguyện cho Người mà cũng cho Ba , thế thôi.
Ba,