Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.072
123.164.535
 
Hát xẩm giữa đêm thơ Trương Đạm Thủy
Nguyễn Quốc Nam

Khi tôi còn là một cậu học sinh trung học thì Trương Đạm Thủy đã là một nhà văn, nhà báo thành danh giữa trung tâm thành phố Sài Gòn. Những thập niên 60 của thế kỷ 20 anh đã cho ra đời các tập truyện ,tiểu thuyết như: Cành cây nước lũ - Chuyện những dòng sông, - Miền đất hồi sinh và thập niên 90 tiếp tục các tập tiểu thuyết: -Không có tình yêu.- Bên kia bờ cỏ xanh.- Như lá vàng bay…Phải nói trước năm 1975 anh ít làm thơ, nhưng với anh sáng tác như là nghiệp dĩ . Lúc nào, hoàn cảnh nào anh cũng viết, phải nói Trương Đạm Thủy đã sống chết với ngòi bút từ năm 1960 đến nay.

 

Mặc dù nổi danh như thế nhưng anh bản chất bình dân , hiền từ,chân thật như một người nông dân. Sau nầy tôi thường gặp anh có khi uống ly cà phê, hoặc mời anh uống vài ly bia. Đặc biệt anh chỉ uống bia Tiger và hút thuốc Bastos chứ không dùng loại khác dù được mời. Cách đây hơn một năm anh nói riêng với tôi trong lúc ngồi nhâm nhi tâm sự.-Mình cố gắng sẽ ra một tập thơ. Tôi tiếp lời.- thấy anh làm thơ lai rai đăng các báo tập hơp lại là làm được chớ gì. Anh nói tựa tập thơ là: HÁT XẨM GIỮA ĐÊM. Tôi nghe cái tựa hơi lạ, hát xẩm là lối hát của người mù đi hát dạo theo kiểu kể chuyện điệu huê tình. Lại còn hát giữa đêm nữa thì buồn biết dường nào. Anh cười nói- À ai nghe thì nghe, không nghe cũng chả sao, cứ để mặc mưa gió cuốn bay đi về phương trời nào cũng được.

 

Hôm nay cầm tập thơ HÁT XẨM GIỮA ĐÊM do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành vào quý III năm 2008, tôi thành thật chúc mừng anh.

 

Trương Đạm Thủy có thói quen ngồi lặng lẽ một mình. Anh nhìn cảnh vật, trời mây, mưa gió, lá rơi… như chiêm nghiệm hay chiêm ngưởng một điều gì và những hình ảnh ấy trở thành hình tượng hiện rõ trong thơ anh. Với anh “ Lá rơi đâu phải vì lá/ Lá rơi để chạm vào bước chân người “ (KHÔNG ĐỀ). Những chiếc lá rơi như mỗi đời người, mỗi kỷ niệm,mỗi dấu chân xưa. Những chiếc lá rơi cho mỗi ngày qua, một sợi tóc bạc thêm, một phận người rong ruổi, những xót xa cho cuộc tình và những hạnh phúc, khổ đau, gian truân trong cuộc sống. Cứ thế trong cái nhìn đăm chiêu của Trương Đạm Thủy. Còn lại vài chiếc lá/ khô vàng/ đong đưa gió./Mai giã từ cành xưa/ rơi tản mạn/ trải thảm lối đi/ lá ôm dấu chân em/ ôm chiếc bóng nhỏ/ ấp ủ/ nồng nàn/ lặng lẽ…/ những chiếc lá/ la đà chạm nỗi đau/ vết thương thời gian mưng mủ/ mang theo dấu máu/ rơi…/ rơi…/ từng giọt lá rơi…rơi…/ dưới ánh hoàng hôn nắng quái/ rơi trên dấu chân em/ chạm vào chiếc bóng cũ ngày ấy/ con mắt lá/ bỗng dưng/ ngấn lệ ( MẮT LÁ) Những chiếc lá rơi là những thân phận,niềm đau, nỗi buồn đọng lại trong tâm hồn Trương Đạm Thủy. Rơi xuống những chiếc lá/ rơi xuống những giọt lệ/ rơi xuống bóng ngày mệt lả/ rơi xuống tình yêu…/rơi xuống…/ rơi xuống chiều…/ mé đìu hiu…( RƠI XUỐNG).

 

Với mưa thì trong thơ Trương Đạm Thủy đầy ắp những cơn mưa, mỗi cơn mưa có cảnh ngộ khác nhau, xao động tâm hồn, lắng sâu, gợi nhớ, tràn ngập kỷ niệm và niềm đau. Anh có rất nhiều bài thơ về mưa; Đà Lạt mưa, Tháng năm mưa, Trong phòng ngủ nghe mưa,Buổi sáng mưa, Mưa về sáng, mưa ngâu , Tam tấu mưa I , II…Mỗi cơn mưa là một mảnh đời, một kỷ niệm hay một số phận của đời người..Một buổi sáng chờ nhà thơ THIÊN HÀ  người bạn thâm giao, có lúc trọ ở Chợ Lớn ,khi thì về nhà ở Thủ Đức, đi lên đi xuống làm báo. Trời chuyển mưa, Trương Đạm Thủy biết bạn mình không đến được nhưng vẫn ngồi chờ uống rượu một mình và nghĩ đến bạn với biết bao kỷ niệm , trải qua bao thời gian thăng trầm với cuộc đời. Bạn không về được sáng nay/ Mưa mịt mù giăng bên chợ Nhỏ/ thôi ta ngồi độc ẩm rượu Hồng Đào/ lắng nghe mưa xa về tự sự/ Rượu uống một mình làm sao vui/ Đám lá cuối mùa bay theo mưa/ ánh chớp xé lòng ta buổi ấy/ bây giờ mọc lại nhánh tương tư…và biết bao lần hai người ngồi uống rượu bên cột cờ Thủ Ngữ rồi mua bong bóng bay cột vào chai bia thả trôi trên sông để mang thơ về bến bãi bờ xa. Nhớ nhung chi những chiều say bên cột cờ Thủ Ngữ/ Thả chai xuôi dòng sông cuồn cuộn phù sa /Những chiếc bong bóng dập dềnh trôi cuối sóng/ mang thơ về phía bãi bồi xa.

 

Và Trương Đạm Thủy vẫn ngồi đó nhìn mưa tự sự chờ bạn. Mưa rất xa phía ấy/ Trời xám màu tro bên chợ Nhỏ/ Thôi, một chén gởi về Tăng Nhơn Phú/ Để ấm lòng nhau buổi sáng mưa giăng (BUỔI SÁNG MƯA). Đúng là như Thiên Hà đã nói trong buổi tiệc sinh nhật của mình: Tôi và Trương Đạm Thủy chơi với nhau gần 50 năm mà tình không cũ vẫn còn mới tinh>. Thật là một tình bạn cao quý và đáng trân trọng.Những tiếng hát xẩm của anh không phải là vô lý, làn điệu huê tình kể từ chuyện nầy đến chuyện khác, từ kỷ niệm nầy đến kỷ niệm khác. Anh không quên ngày sinh nhật của sư huynh nhà thơ KIÊN GIANG- HÀ HUY HÀ lúc đó ẩn dật trên đồi Tăng Nhơn Phú -Thủ Đức. Buổi sáng ngày bảy tháng bảy/ Có cơn áp thấp kéo những áng mây về/ ở xa kia nơi căn lều gỗ trên đồi Tăng Nhơn Phú/ Anh đón cơn mưa và sinh nhật lần thứ tám mươi/ Tám mươi năm là bao nhiêu ngày/ một đời thóang qua khi nào chẳng biết/ Ai ngồi đọc thơ dưới trời sướt mướt……/ Hoa trắng thôi cài lên áo tím*/ Sông Kiên dật dờ nhánh lục bình trôi/ Giang hồ lỡ ôm mộng phiêu bạt/ Đất khách nào hay tóc bạc rồi.(SINH NHẬT MƯA).Tôi hiểu và thấm thía điều đó vì có đôi lần ngồi nghe nhà thơ KIÊN GIANG tâm sự.

 

Trong những bài thơ viết về mưa của Trương Đạm Thủy đặc biệt tôi lưu ý hai bài Tam tấu mưa I và II có phong cách mới. Mưa làm ta nhớ người/ nhớ Mưa xưa trên thềm quán nhỏ/ lạnh con mắt đỏ/ Mưa ngày xưa…mưa bây giờ/ Gió nhẹ tênh không vội vã/ Cây bồ đề rụng hai chiếc lá/ Sáng nay trời lao xao/ Khuấy ly cà phê buồn bã/ Ai lăn trong hồn tảng đá/ Gía ngày xưa giữ lấy tay người/và thôi đừng buông- một đời đi mãi…/hoa trong vườn hẳn nở (TAM TẤU MƯA I ). Nỗi buồn nào cũng phải có lối thóat. Nếu có chia tay nhau cuối đường/ Xin anh đừng khóc/ ngày mai mặt trời vẫn mọc/ Nếu có cuộc phân ly đầm đìa nước mắt/ Xin anh hãy lấy khăn lau lệ/ Trong vườn vẫn còn mãi hương nguyệt quế ( TAM TẤU MƯA II ). Nhưng phải nói có một bài thơ không viết về mưa mà tôi cảm thấy mưa đầm đìa trong tâm hồn và trào dâng ướt đẫm trên tay. Đó là bài thơ viết sau khi tiển đưa người bạn chí cốt nhà văn DƯƠNG TRỮ LA đến nhà thiêu Bình Hưng Hòa. Một cuộc tiển đưa người ra đi vĩnh viễn. Trương Đạm Thủy là người chứng kiến mối tình của  Dương Trữ La từ đầu đến cuối, bao thăng trầm, sóng gió, biến cố trong cuộc đời vinh nhục, đắng cay. Có lẽ đối với Dương Trữ La nhắm mắt xuôi tay thong dong trở về cõi vĩnh hằng tan thành tro bụi là hết. Nhưng Trương Đạm Thủy thì sao !? Đưa bạn xong anh trở về chiếc quán mà xưa hai người thường hò hẹn, anh ngồi uống rượu một mình và nước mắt đầm đìa đẫm ướt

trên tay. Một sáng mù sương/ xe đưa qua ngõ/ chập chờn nến đỏ/ rơi rắc tàn hương/ xe đi lắc lư/ lá vàng tơi tả/ ngày xưa là thơ/ sáng nay vàng mã/đưa nhau một dặm/ trường đình phố xá/lệ ai ướt đẫm/ cõi về bao la/ xe đi chông chênh/ qua bờ hiu quạnh/ ma phong thổi lạnh/ ngọn đèn buồn tênh/ bờ xa đã đến/ tiễn nhau chốn nầy/bạn theo ngọn nến/ dật dờ chân mây/ tôi về quán cũ/ rót một chén đầy/ rượu không có bạn/ ướt dầm trên tay ( TIỄN NHAU ). Mỗi người đọc thơ có thể cảm nhận khác nhau. Riêng tôi thơ Trương Đạm Thủy buồn man mác, thấm đẫm và da diết quá..! Nhưng  ông bạn nhạc sỹ Ngô Tùng Văn ngồi kế bên đọc thơ Trương Đạm Thủy lại nhảy dựng lên thích thú.

 

- Đã quá! Và đọc cho tôi cùng nghe. Mai mốt cũng tiêu điều quán nhỏ/ đâu rồi những bữa chạm ly/ bàn ghế chắc sầu ngàn trùng bụi/ linh hồn nào về thăm những hạt mưa……Sao tôi vẫn chưa nói lời trái tim mách bảo/ để mùa đông tràn qua kẽ tay/những chiếc lá rơi uổng mùa xanh thẳm/ ly rượu chông chênh uổng phía cuối ngày. ( MAI MỐT ). Ngô Tùng Văn nói - buồn thì ai không  buồn nhưng “bàn ghế chắc sầu ngàn trùng bụi “ câu thơ đã biết dường nào và chữ uổng trong hai câu thơ  Uổng màu xanh thẳm, uổng phía cuối ngày đọc nghe sướng làm sao! Âu đó cũng là những cảm nhận văn chương nghệ thuật thi ca. Còn tiếng hát xẩm giữa đêm có người nghe hay không cứ mặc. Hãy để dòng đời cuốn trôi giữa đêm dài,giữa trời đất, giữa tiếng dế… như lời kết đầy tự sự của tác giả :

 

dế ơi ! lát cỏ non vẫn xanh

trời vẫn xanh

biển vẫn xanh

xanh lắm

thôi thì hãy vắt vai với mảnh tình có màu xanh

rồi mai mốt ai có kể câu chuyện đời dâu bể

xin nhớ cho ta đã từ xưa hát khúc yêu người.

 

Vâng tôi sẽ nhớ điều đó với nhà văn, nhà thơ Trương Đạm Thủy.

 

06- 10- 2008-Sài-Gòn một ngày mưa.

*Thơ Kiên Giang                                               

 

Nguyễn Quốc Nam
Số lần đọc: 2489
Ngày đăng: 15.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vũ Trọng Phụng và vụ án văn chương - Lại Nguyên Ân
Về nhà văn Vũ Trọng Phụng (20 tháng 10, 1912 - 12 tháng 10, 1939) nhân 27 năm ngày mất của ông - Hoàng Minh Tường
Yến Lan – Trên Bến My Lăng - Trần Ngọc Tuấn
Tiếng gọi thầm Mẹ ơi ! - Mai Văn Sang
Đọc thơ Quách Tấn - Khổng Ðức
Thư gửi “ngài Quân tử” - Thí Chủ
Yến Lan là ba tôi - Lâm Bích Thủy
Cuối năm nhớ Yến Lan qua một bài thơ - Mang Viên Long
Một kỷ niệm nhỏ về nhà thơ Yến Lan - Vũ Ngọc Tiến
Thư Yến Lan gửi Anh Khổng Đức Đinh Tấn Dung - Yến Lan