Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.205
123.161.954
 
Bàn tay lạ
Nguyễn Thúy Ái

Sau Tết, trong dịp họp mặt bạn bè, có một người bạn trai cũ chúc Phương hạnh phúc, Phương bảo cái đó có rồi chúc cái khác đi. Anh ta chúc cô trẻ đẹp mãi. Lời chúc này không thực tế vì nhan sắc là thứ rất mau phai tàn, nhiều khi chỉ một lần sinh nở, một cơn bệnh, một cú sốc hay một biến động nào đó trong cuộc sống là lập tức người ta xuống sắc ngay. Thêm nữa, thời gian bao giờ cũng là kẻ thù của sắc đẹp. Có người chúc cô phát tài. Phương nghĩ, vài năm gần đây mọi người giàu lên, hay mua sắm nên tiền vô nhà cô như nước, không cần phải chúc. Cơ sở sản xuất của chồng cô cứ như diều gặp gió. Còn cô, làm việc ở một cơ quan nhà nước nhưng tiền lương, tiền thưởng cũng tăng cao. Phương không nghĩ rằng có ngày mình giàu như vậy, cô có giỏi giang gì đâu, lại sống như trên mây trên gió, cũng thành tỷ phú như ai.

 

Giàu có kể ra cũng vui. Toàn từng bảo, muốn khỏi nô lệ tiền bạc thì phải gắng làm để có thật nhiều tiền. Nhưng có lúc nào Phương thấy mình nghèo đâu, kể cả lúc đi học phải mặc áo vá, đi xe đạp… Lúc nào cô cũng rộn rã cười vui khiến có người ngạc nhiên, sự nghèo khổ về vật chất không kéo được tâm hồn bay bổng của cô xuống. Bây giờ Phương đã nhận ra mình là kẻ bất thường về tâm hồn. Con gái đầu lòng của họ đã mười lăm tuổi, bạn bè nó tới chơi gọi Phương bằng “bác” khiến cô giật mình. Mới đây thôi, những cô gái trẻ cỡ đó vẫn gọi Phương bằng chị, bằng cô… Phương biết mình đang già, sắp già… Nhưng tự trong lòng lúc nào Phương cũng thấy mình rất trẻ, hay ấu trĩ thì đúng hơn. Tâm hồn cô đã dừng lại từ lâu ở tuổi mười tám đôi mươi. Toàn bảo cũng còn may, có người còn dừng lại ở tuổi lên tám kìa! Nhìn bên ngoài người ta có thể đoán được tuổi tác, những người cùng tuổi thì mức độ già trẻ gần như nhau nhưng mức độ trưởng thành bên trong thì rất khác nhau. Nếu không kiềm chế, suy nghĩ, nhiều lúc cô sẽ hành xử như một cô gái ở lứa tuổi mới lớn. Trong giấc mơ lúc nào Phương cũng thấy mình là một cô bé. Toàn cùng cư xử với vợ như vậy. Biết Phương không lớn được, anh thấy vui vui và cũng lo sợ vu vơ điều gì đó.

 

*

Mấy ngày nay đến cơ quan, các chị đồng nghiệp cứ nhìn mặt Phương là quở:

- Chồng về có một tuần mà sao hốc hác thế kia?

Phương không thể giấu được sự hốc hác ấy dưới lớp son phấn. Mấy bà ở đây đều thuộc lớp đàn chị, từ bốn mươi trở lên, tuổi đó mấy bà tinh lắm, sắc lắm. Nhìn thoáng qua một cái là biết hết. Phương muốn kể cho họ nghe mọi chuyện nhưng kể ra thì kỳ.

 

Suốt đêm qua giấc ngủ chập chờn của cô đầy ác mộng. Sau một tháng đi xa về, đêm nào Toàn cũng yêu vợ, vuốt ve vợ một cách nồng nhiệt hơn bao giờ. Có lẽ anh tìm cảm giác ôm vợ trong vòng tay lành lặn… Trước đây việc yêu đương dày đặc ấy khiến cô dã dượi, mệt mỏi nhưng hạnh phúc. Còn bây giờ thì khác, cái bàn tay lạ có lông lá nhiều hơn mà Toàn mới “tậu” về, như lời nói đùa của một số bạn bè làm Phương co rúm khi nó bắt đầu đặt lên bụng cô. Mọi háo hức chờ đợi của cô bỗng dưng tan biến, nhưng sợ chồng thất vọng, mất vui nên cô vẫn để bàn tay lạ ấy lướt trên thân thể mình và sau đó khi chồng ngủ say cô lại nằm thao thức và len lén ngó xuống bàn tay mà Toàn đang duỗi ra thoải mái trên chăn nệm. Hẳn đó là bàn tay của một người đàn ông có dáng người thô đậm, da ngăm đen… Bàn tay ấy không thích hợp với dáng người cao ráo, trắng trẻo của Toàn. Phương nghiệm ra rằng hầu hết hình dáng, cốt cách bàn tay của mỗi người đều tương ứng với vóc dáng, tính cách của họ. Bàn tay nói rất nhiều về chủ nhân của nó nên thuật xem chỉ tay, tướng tay vẫn cứ tồn tại. Hồi mới ra trường được phân công về một cơ quan đóng xa thành phố, chưa hiểu hết môi trường mới, cô có một vài lỗi nhỏ trong sinh hoạt, và được gọi lên gặp một phụ nữ trong ban lãnh đạo, một phụ nữ lớn hơn Phương khá nhiều tuổi. Cô ngồi cúi gằm nghe chị ta kiểm điểm mình với giọng nói tình nghĩa ngọt ngào theo cách giấm được pha rất nhiều đường. Phương không dám nhìn vào khuôn mặt đẹp mà theo cô, khá phúc hậu và trắng trẻo. Thế nhưng, nhìn đôi tay của cô gái lớn tuổi ấy khi đặt trên bàn, Phương thấy lạ lùng làm sao: So với thân hình đầy đặn hấp dẫn, đôi tay ấy như của một người khác gắn vào, nó đen đúa, gầy quắt queo như những cành củi khô, móng tay để dài, chải chuốt nhưng cúp vào như những cái vuốt cú vọ hung hiểm khiến cô liên tưởng đến bàn tay của một mụ phù thủy… Sau này trong chuyên môn, Phương khá có uy tín, Thủy, tên người phụ nữ ấy mà không ít đồng nghiệp vẫn lén gọi sau lưng là “Phù Thủy”, tìm cách làm thân với cô, lôi kéo cô về cùng phe nhưng cô vẫn cứ sợ… Cho đến khi mọi việc bị đổ bể, Thủy bị kỷ luật, phơi bày ra bao nhiêu âm mưu ghê gớm để có một vị trí cao hơn trong cơ quan lẫn mưu kế cướp chồng của một người đàn bà khác…

 

Sau những suy nghĩ miên man cô thiếp đi. Trong giấc ngủ, bàn tay lạ ấy lại tiếp tục lần mò trên thân thể cô với những động tác ham hố thô bạo mà chưa bao giờ Toàn có. Cô hoảng sợ ú ớ khiến Toàn thức giấc, cô bảo em nằm mơ… Để khỏi bị ám ảnh bởi bàn tay lạ, ban ngày Phương tránh nhìn vào bàn tay trái của chồng, cô cố mường tượng lại cánh tay bị cụt ngày xưa của anh, một bàn tay không có ngón bị đứt hơn nửa vì tai nạn lao động. Toàn luôn mặc áo tay dài để che phủ bàn tay bị mất.

 

Khi nhận lời lấy Toàn, Phương bị mẹ cật vấn:

 - Sao có người lành lặn đẹp trai theo đuổi không lấy lại đi lấy một thằng cụt tay?

Phương đáp:

 - Mẹ ơi, người ta yêu đâu phải sự hoàn hảo mà còn vì cả sự khiếm khuyết.

 - Lãng mạn, lý thuyết… giống cha mày y hệt!

Nhưng cha Phương cũng không ủng hộ, bạn bè xì xầm, xem đó như là một sự thất bại của Phương. Thậm chí họ ác ý, tọc mạch cho rằng Phương bị “sao đó” nên mới lấy người chồng như vậy. Vì trước đây Phương có một mối tình với một người rất đẹp trai, có học vấn cao nhưng Phương đã chủ động chia tay và sau đó gặp Toàn. Người đàn ông lầm lì bí ẩn, ốm đến vêu vao đó đã cuốn hút cô. Nhưng hình như không phải chỉ có bấy nhiêu, mà còn vì Toàn thật cô đơn, khốn khó và thất nghiệp nữa. Cô nghĩ một người như vậy sẽ dành hết trái tim cho mình và những gì cô làm cho Toàn sẽ có ý nghĩa biết bao… Còn bạn bè Toàn thì lo ngại cho anh. Giữa lúc sa cơ, mất việc, mất tay lại cưới được một cô vợ trẻ măng, thân hình gợi cảm và duyên dáng đến mức bất cứ đàn ông nào cũng cảm thấy sẽ rất hạnh phúc khi được sống với cô. Phương vượt qua dư luận để lấy Toàn không mấy khó khăn. Nhưng cô lại thấy không phải dễ dàng khi sống với người đàn ông chỉ có một bàn tay, được âu yếm ôm ấp và dắt đi chơi chỉ bằng một tay. Dù được chồng yêu đương nồng nhiệt nhưng lúc nào cô cũng thấy thiếu. Có đủ hai bàn tay không chỉ là sự tiện lợi mà còn là vẻ đẹp hài hòa của con người, nhất là những khi cùng chồng đi ra ngoài. Mỗi khi gặp người quen, họ chào Phương mà mắt thì liếc vào nơi cổ tay áo trống của Toàn. Hoặc trong những cuộc gặp gỡ tiệc tùng, nhiều người đàn ông ghen tỵ với Toàn đã cố ý khoe khoang sự lành lặn khéo léo của đôi tay mình. Toàn không phải không nhận ra điều đó, anh đã bù đắp cho vợ bằng cách dồn tất cả sự trìu mến đắm say của mình vào bàn tay còn lại. Và dần dần Phương cũng quen với sự thiếu hụt ấy, bởi đó là một bàn tay ấm áp và rất mẫn cảm, mê say, biết dò tìm những kho báu cảm xúc trên thân thể vợ, lắng nghe được những nỗi ấm lạnh thầm kín nơi cô. Với một bàn tay, Toàn cũng làm nên cơ nghiệp. Từ thất nghiệp, ở nhà thuê, họ đã có nhà cửa đất đai… Nhưng cũng có lúc người ta nhắc đến cô, người phụ nữ có chồng cụt tay với sự ái ngại, vết thương ấy ở Toàn đã lành lặn từ lâu nhưng lại nhói đau trong cô. Giá mà Toàn có đủ hai tay, hạnh phúc của cô thật viên mãn. Có lần Toàn cũng lắp một bàn tay giả cho có vẻ thẩm mỹ hơn nhưng chỉ thấy nó vướng víu và Phương thì ác cảm với cái bàn tay bằng chất dẻo không cử động được và vô cảm ấy. Mỗi khi lỡ đụng vào nó là cô cứ giật thót người. Rồi chính Toàn cũng thấy nó vô dụng nên tự tháo ra.

 

Cơ sở sản xuất của Toàn ngày càng phát triển. Những món đồ gỗ trong nhà họ do Toàn thiết kế và làm bằng gỗ quý với những kiểu dáng độc đáo khiến nhiều người đến nhà chơi đòi mua với giá cao hoặc đặt làm cho họ một món khác tương tự. Mấy năm học ở trường mỹ thuật của Toàn cũng không đến nỗi hoang phí. Không đồng hành với cọ, với bố, với màu, anh đồng hành với gỗ, cưa, đục… Mỗi đêm nằm ngủ trong căn phòng có nhiều vật dụng bằng gỗ, Phương lắng nghe hơi thở của từng thớ gỗ, nghe cả hương thơm của đại ngàn còn vương vấn đâu đây. Cách đây hơn mười năm Toàn vay mượn và gom góp tiền lên Lâm Đồng mua một vạt đất lởm chởm sỏi đá gần núi để trồng rừng, nhờ gia đình một người anh họ sống trên đó coi ngó. Bây giờ mỗi lần lên thăm, cột võng nằm đung đưa và nghêu ngao hát giữa những tán lá mát rượi, Phương bảo chồng: “Ít nhất anh cũng đã trả lại cho rừng phần nào anh đã lấy đi của nó”.

 

Đi lại, giao thiệp nhiều, thiếu một bàn tay thật bất tiện, có vẻ giảm đi những giá trị đang có nên ai cũng khuyên Toàn nên đến bệnh viện nối một bàn tay khác, dư tiền tội gì phải để thiếu một bàn tay. Toàn nghe lời đến bệnh viện dò hỏi. Bác sĩ khám, làm thủ tục nhưng phải chờ đến lúc có ai chịu hiến bàn tay. Toàn chờ khá lâu. Người tự nguyện hiến chi rất hiếm, hoặc có thì người hiến già quá hay cơ địa không hợp với anh sao đó. Còn những người bị tai nạn biết không  thể qua được nhưng mấy ai chịu hiến một phần thân thể người thân của mình. Bảo vệ thân thể lành lặn ngay cả khi đã chết là một quan niệm đã ăn sâu vào tâm thức của khá nhiều người. Ngày xưa có những người dám cắt phần thân thể đàn ông của mình để trở thành hoạn quan, vào cung cấm làm những công việc dở hơi nhưng phần cơ thể bỏ đi ấy vẫn là “của quý”, được giữ gìn cẩn thận, ghi tên hẳn hoi để lỡ khi kinh thành có biến, họ nháo nhào tìm đến lấy lại để chết mang theo cho toàn thây. Sống không tiếc mà chết lại tiếc, thật quái gở. Chờ mãi vẫn không tìm được bàn tay thích hợp, có lần bệnh viện gọi anh đến làm thủ tục ghép chi nhưng đó là một bàn tay phụ nữ nên Phương không chịu. Cô rất ghét những người đàn ông có bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại như tay phụ nữ. Tưởng tượng đến bàn tay phụ nữ ấy vuốt ve mình cô nổi da gà. Một người bạn làm ăn của Toàn đi Trung Quốc thay thận về bảo bên ấy có thể thay bàn tay cho anh nhanh hơn. Toàn liên hệ được với bệnh viện bên ấy, anh làm một chuyến du lịch và nhân thể nối lại bàn tay… Một tháng sau Toàn về nhà với một bàn tay mới, trông anh hồng hào phương phi hẳn ra. Phương ngỡ ngàng nhìn bàn tay của chồng. Cô quan sát rất kỹ. Tất nhiên, tay của chồng mình mà. Các chuyên gia phẫu thuật đã cắt thêm một đoạn ngắn đến tận cổ tay rồi mới nối, vết nối rất khéo chỉ một vết sẹo mờ quanh cổ tay, Toàn đeo một cái đồng hồ che đi là xong. Thế nhưng không cần nhìn kỹ người ta cũng thấy nó khác bàn tay kia của Toàn, vốn gân guốc với những ngón dài hơi gầy. Bàn tay ấy của một người trẻ hơn Toàn hay ít ra mập hơn vì nó đầy đặn, da căng nhưng ngón tay ngắn hơn, thô và nhiều lông lá với những cái móng ngắn lồi lõm, đầu ngón tay nở to… Cô hình dung đó là bàn tay của một người đàn ông ít học, xấu xí khá thô lỗ, bàn tay ấy chắc từng đánh đấm người khác hoặc làm những việc mờ ám…

 

Bây giờ mỗi khi ra ngoài cùng chồng, Phương thoải mái hơn vì ít ai để ý đến bàn tay cụt của anh. Toàn lái xe chở cô đi, tự tin, trông Toàn cân đối, đẹp trai hơn. Nhưng khi đi sóng đôi, Phương luôn tránh đi phía có bàn tay ấy, nằm ngủ trên giường cũng vậy. Nhưng dù tránh gì cô cũng luôn bị ám ảnh rằng bên cạnh vợ chồng cô có bàn tay của một người lạ. Những lúc vợ chồng thân mật, say đắm nhất, quên thì thôi chứ nhớ thì cô ngượng nghịu vì có bàn tay lạ chứng kiến, tệ hơn nó cũng tham gia tích cực vào chuyện  ân ái của vợ chồng của cô. Dần dần Phương ghét nó, mỗi lần Toàn dùng bàn tay ấy chạm vào người cô là cô hất, phủi đi… Nhưng Toàn là người thuận tay trái, bao nhiêu năm giờ mới được dùng lại tay thuận theo bản năng, nhưng lại chưa quen nên còn vụng về. Phương cứ nghĩ, giá đừng có còn hơn, vì nó không phải là của Toàn, không hợp với Toàn chút nào. Tuy cũng bằng xương bằng thịt con người và được nuôi sống bằng máu của anh nhưng Phương thấy nó là một bàn tay giả, tệ hơn đó là bàn tay của người khác, từng có một đời sống khác với những hành vi mà cô không biết được. Cô thấy xa cách với chồng vì Toàn mang thêm một phần thân thể lạ, vá víu, gượng ép, giả tạo… Mỗi lần được Toàn ôm cô là Phương co rúm, thủ thế, đề phòng và muốn thoát ra. Tâm trí cô cũng căng thẳng để đừng nghĩ tới bàn tay đang vồ vập, vuốt ve lùng sục trên thân thể mình như một gã thợ săn ham hố, bạo liệt. Rồi Phương cay đắng nhận ra rằng những rung cảm say đắm giữa cô và chồng cũng giảm đi.

 

Nhưng gần đây mọi chuyện lại khác, Phương có lúc hoảng hốt như bắt quả tang mình đang ngoại tình. Thôi chết rồi, cô thấy mình cũng tò mò, hồi hộp, đợi chờ nó tìm đến. Bàn tay ấy mang đến cho cô một cảm giác là lạ, rung động bất ngờ, xao xuyến nhưng không kém phần mãnh liệt của một người đàn ông khác mang lại …

 

Một lần cô làm món mì xào giòn với các thứ gan, tim, cật, lá lách mua ở gian hàng thịt heo ngoài chợ, những thứ Toàn vẫn thích… Anh ăn và bị dị ứng ngứa ngáy toàn thân, đặc biệt là bàn tay ráp nối ấy, nó sưng phù lên phải đi bác sĩ khám và điều trị. Các phần khác trên người Toàn khỏi nhanh, riêng bàn tay ấy lâu hơn, nổi đầy mẩn đỏ trông rất ghê sợ. Sau đó trong một lần đi nhậu với bạn, ăn đặc sản gì đó Toàn bị lại. Lần này anh còn bị nặng hơn. Chữa khỏi rồi anh kiêng khem đủ thứ, cũng không biết phải kiêng gì, chỉ ăn những món ăn không thấy phản ứng cho yên tâm. Nhưng bàn tay đó vẫn hay bị bệnh hay gặp tai nạn. Trời nóng nó cũng nóng hơn, trời lạnh nó cũng lạnh hơn, hay bị tê cứng, bị kẹp, bị đứt tay, hay lóng ngóng làm vỡ đồ. Có lần nửa đêm thức dậy, Phương thấy chồng ngồi gãi điên cuồng bàn tay ấy đến chảy máu, bàn tay nổi đầy những cục đỏ. Cô vội lấy kem Phénergan ra thoa cho Toàn nhưng cũng không bớt ngứa, nó cứ nóng bừng lên, anh chịu không nổi đòi nhúng vào nước sôi cho tuột da ra. Cô phải dùng cái nhíp nhổ lông mày của mình kẹp từng miếng bông gòn nhúng nước thật nóng chà lên. Toàn cáu bảo hôm sau sẽ đến bệnh viện tháo nó ra. Tưởng vợ sẽ an ủi, phản đối để anh dịu bớt bực dọc, nào ngờ Phương thủng thẳng nói: “Em thấy vậy còn hay hơn!”

        

Nguyễn Thúy Ái
Số lần đọc: 2499
Ngày đăng: 16.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuộc đời trên lưng núi - Hoa Ngõ Hạnh
Bằng di tích - Trần Kỳ Trung
Gã ngố ! - Nguyễn Vĩnh Căn
Bức thư rơi… - Khổng Ðức
Giã từ bóng đêm tội lỗi - Minh Tứ
Đuốc sậy - Y Uyên
Còn đâu bóng mẹ yêu - Nguyễn Vĩnh Căn
Những con đom đóm - Khuất Đẩu
Hòm thư ảo mị - Trương Thái Du
Bến sông xưa - Đậu Nữ Vệ
Cùng một tác giả
Mẹ và Con trai (truyện ngắn)
Bàn tay lạ (truyện ngắn)
Sống cùng hoa (tạp văn)
Người trong mộng (truyện ngắn)
Hồn Tết (tạp văn)
Vườn xưa (truyện ngắn)
Cơn giông (truyện ngắn)