Tùng Thiện Vương để lại một sự nghiệp văn chương đáng kể, nếu không muốn nói là đồ sộ. Hơn 18 tập kể cả thơ và văn. Riêng bộ “Thương sơn thi tập” đã có trên 2.200 bài thơ.Tùng Thiện Vương sáng tác bằng chữ Hán, viết theo nhiều thể loại: Hành, dao, thán, từ…thể hiện nội dung cảm hoài, ngôn chí…bút pháp giản dị, ý tứ thâm sâu, mang tính hiện thực cao, thể hiện tinh thần yêu nước, thương dân, hết lòng vì bạn bè.
Người cùng thời đánh giá cao về thơ văn của Tùng Thiện Vương. Lê Tân- một sứ thần nhà Thanh ( Trung Quốc) đã ca ngợi:
Giáng tác thi ca khấp quỷ thần
( Thi, ca linh động làm cho quỷ thần cũng phải khóc. )
Diễm như hà sa mạt
Tinh tự kiền tần trừu
( Đẹp như ráng trời giăng. Khéo như tơ tằm bủa)
Lao Sùng Quang- một sứ thần nhà Thanh ( Trung Quốc) cũng phải thốt lên :
Độc đáo bạch âu hoàng diệp cú
Mãn hoài tiêu sắc đái thu hàn
( Đọc đến câu “ Bạch âu hoàng diệp”, cả người ớn lạnh với hơi thu. )
Riêng nhà thơ Tuy Lý Vương đã có nhận xét: “ Thi văn của Tùng Thiện Vương như cỏ hoa giữa núi, như mây mỏng trên trời. Vẻ đẹp ở tinh thần. Mỗi câu có một hoạ ý, mỗi chữ có một nhạc âm (Cú tất hữu sắc, tự tất hữu thanh)”.
Cao Bá Quát trong bài đề tựa giới thiệu Thương sơn thi tập của Tùng Thiện Vương đã viết: “ …Tôi theo Quốc công chơi đã lâu. Thơ của Quốc công đâu phải đợi đến ngày nay mới nói đến? Và cũng đâu phải đợi đến Quát này mới có thể nói được? Sáng ngày mai, đứng ở ngoài cầu Đốc Sơ trông về phía nam… đó chẳng phải là núi Thương Sơn ư? Mua rượu uống rồi, cởi áo ở nơi bắc trường đình, bồi hồi ngâm vịnh các bài thơ Hà thượng của Quốc công, lòng khách càng cảm thấy xa xăm man mác…”.
Nhà Thơ Ngô Văn Phú và Ngô Linh Ngọc đã có cùng nhận xét khi tuyển chọn và dịch thơ Tùng Thiện Vương: “ Thơ của Tùng Thiện Vương điêu luyện, hàm súc. Những điều học được ở thơ Đường, Kinh thi, Từ khúc của hành, Miên Thẩm vận dụng khá tài tình, sáng tạo. Thơ ông gắn với thời cuộc, nhờ thời cuộc làm cho tài thơ bỗng trở thành sắc sảo, trầm thống, khác hẳn với các bài thơ buổi đầu của ông.”
Từ hậu bán thế kỷ 20 đến nay, gia tài thơ của Tùng Thiện Vương chưa được khai thác, phổ biến một cách đúng mức. Điều này có nhiều nguyên nhân. Do trải qua chiến tranh, loạn lạc nhiều thời kỳ và theo dòng thời gian, việc bảo quản di sản thơ văn Tùng Thiện Vương gặp nhiều khó khăn, chưa quản lý tốt, nên bị thất thoát rất nhiều. Vấn đề dịch thơ chữ Hán cũng là một công việc đầy khó khăn. Thực tế cho chúng ta thấy những bài thơ chữ Hán khi được dịch và lưu truyền rộng rãi, đi vào lòng người đọc, người yêu thơ đều nhờ những thi sĩ tài hoa, nổi danh chuyển dịch. Chúng ta vô cùng biết ơn và khâm phục những nhà thơ đã dịch những bài thơ của những nhà thơ viết bằng chữ Hán.
Mong sao trong thời gian đến, những giá trị của tài sản văn chương Miên Thẩm Tùng Thiện Vương để lại được phổ biến rộng rãi và có những đánh giá đúng mức về ông.
(Miên Thẩm Tùng Thiện Vương - Nhất đại thi ông NXB Văn Nghệ 2008)