Không là gió mây là lời khẳng quyết, là khát vọng tình yêu vĩnh cửu được tác giả kí thác vào câu chữ? Hay là sự bất lực của niềm tin trước vô thường bất khả giải? Là nỗi đau kết tinh thành viên ngọc từ vết thương trong lòng con trai biển? Không có câu trả lời nào thấu đáo hơn chính những câu thơ tự trả lời với con chữ, với cuộc đời và với cả chính người đã phôi sinh nó…
(…)
Và cũng đến hôm nay
Cũng ngày này của bao năm trước
Ngọn nến màu bập bùng
…soi hàng mi ngấn nước
Chút lửa hồng đâu ấm nỗi trái tim em
Thời gian đi qua
Vẽ nét ưu phiền…
(Trích Sinh nhật, tr.24 – Không là gió mây)
Có nhiều “con đường” để đi đến với thơ. Với người này, là cuộc thử nghiệm độ rung ngân tâm hồn phối kết khả năng biểu cảm ngôn từ cùng những chiều kích ý niệm; với người khác có thể là một cuộc chơi ngôn ngữ đơn thuần dựa vào khả thể văn bản... Chị làm thơ như đang giải bày với chính mình, với những hệ lụy mà mỗi người phải đón nhận, cưu mang như một bạn thiết khi đi qua mặt đất, làm kẻ hành giả tự nguyện rao giảng những vui buồn riêng chung. Cũng chính vì lẽ đó mà khi đọc thơ chị, người đọc có cảm giác mình đang trò chuyện với tác giả nhiều hơn là đang dấn vào cuộc chơi đánh đố chữ nghĩa. Với một tập thơ xinh xắn vừa đủ kích cỡ trong ngăn cặp để mang ra đọc mỗi khi cần sự bầu bạn, Không là gió mây của Phạm Phương Lan đã để lại những ấn tượng thú vị bởi những câu chuyện vừa mang dấu ấn đời tư vừa có chút gì đó của bản thể cát bụi...
(…)
Đôi ta chỉ là đất thôi
Chỉ là đất mặn hạt mồ hôi.
Trên cánh đồng phù sa bồi – lở.
Tháng tư về rắc nắng vàng mọi nẻo,
Cạn mạch nước ngầm, nứt nẻ ruộng khô.
Mỗi chúng ta chơ chỏng, bơ vơ
Xây xướt mẩy mình – cọ xát.
Còn lại rát đau, chua xót…
Gió bụi đồng hoang phủ cát
Mờ mịt, tăm tối mặt mày…
(Trích Chuyện chúng mình, tr.08 – Không là gió mây)
Bắt đầu từ những va đập thực tế đời sống để chiêm nghiệm, suy tư, kí thác lên câu chữ rồi thông qua âm vang của nó, người thơ tiếp tục cuộc dấn vào chân trời tâm thức bằng những sắc màu, âm thanh khác nhau, đa thoại. Những câu thơ của chị không lắc léo thủ pháp, không cố gắng làm mới lớp áo chữ nghĩa, đúng hơn là chị đang chuyện trò bằng thơ, không vì điều gì cả, đơn giản viết là viết, viết tự nhiên như con chim cất tiếng giữa vòm lá trưa hè đổi gió. Nhưng trong tiếng hót của nó ẩn chứa hạt bụi từ tâm và nỗi buồn nhân thế, ẩn chứa hạnh phúc và khổ đau của một sinh linh bé bỏng, nhỏ nhoi nơi đất trời vô tận…
(…)
Em vụng về yêu…
… yêu đến đê mê.
Đâu biết một ngày anh theo gió thoảng bay đi
Để mặc em – kẻ tình si ngốc nghếch,
Tựa bóng chiều đợi tình yêu…
… vụt tắt…
(Trích Kẻ tình si ngốc nghếch, tr.10 – Không là gió mây)
Xuyên suốt tập thơ là lời tình tự của trái tim tha thiết yêu, tha thiết hạnh phúc và cả tha thiết đau, của thứ ánh sáng lung linh huyền nhiệm sương sớm nắng chiều cùng những vết thương vô thường, của nhiều cảm thức, cung bậc khác nhau – tình yêu đôi lứa, quê hương, thiên nhiên cỏ cây, gia đình, mối tương cảm mẹ - con… Với Không là gió mây, tình yêu quê hương, gia đình được chiết rót từ kí ức cô cặn, sâu lắng, từ góc nhìn hồn hậu, chân chất như chính đời sống...
(…)
Sông La mải mê năm tháng vỗ về
Tắm mát chân đê trưa hè nắng đỏ
Ngàn Phố, Lam Giang nỗi niềm bồi lở
Hồng Lĩnh ngút ngàn thương nhớ khôn nguôi.
Nhớ thuở còn thơ theo mẹ lên đồi
Cào lá thông rơi những ngày nắng hạ
Gom lửa vàng sưởi mùa đông lạnh giá
Ngắt cánh hoa rừng thả suối trôi xa.
Thảng thốt giật mình mười mấy năm qua
Con cứ hứa, mẹ cứ mong, cứ đợi
Cơm áo bộn bề, đường xa dịu vợi
Thèm lắm ngày về…
(Trích Hà Tĩnh dấu yêu, tr.66 – Không là gió mây)
Tập thơ được chia hai phần, phần 1: Con đường và dấu chân yêu mang tâm trạng, trải nghiệm tình yêu đôi lứa nhiều hơn so với phần 2: Sau những ngày xa giàu tính suy tư, phản tỉnh trước đời sống, trước những giao lộ heo hút bất định của nó. Nếu nói phần 1 là một chuỗi cảm xúc xốc nổi, vụng về, bồng bột tuổi trẻ thì phần 2 tập hợp cảm xúc chín muồi, sâu lắng … Đặc biệt, kiểu trình bày chân dung tác giả đậm nét nghệ thật sắp đặt đã tạo ra hiệu ứng thị giác khá mạnh, hàm chứa, chuyển tải mối tương quan đa phức giữa tác phẩm – tác giả và văn bản. Đây cũng là điểm nhấn để chuyển cảm xúc độc giả sang tầng bậc khác.
À ơi nào ngủ đi ngoan
Đôi mi mỏng khép đa đoan cuộc đời
Bao nhiêu sóng gió buông trôi
Chất chứa rối bời nhẹ bởi lời ru.
Đêm khuya đợi ánh trăng lu
Nắng cháy cạn hè đợi gió thu sang
Lá xanh đợi… nhuốm sắc vàng
Mi gầy mòn mõi đôi hàng sương rơi
Ngoan nào, chợp mắt đi thôi
Để thấy nụ cười từ giấc mơ xinh
(Ru mình, tr.60 – Không là gió mây)
Xét về mặt cấu trúc và thi pháp thì tập thơ không có nhiều mới lạ. Kĩ thuật giáng giòng, tạo độ chuồi ý niệm không phải là một đặc thù của tác phẩm. Nhưng thi thoảng vẫn có những câu thơ có sức nặng cảm giác từ, đẹp về hình tượng và sâu về ý niệm như: … Nắng gọi về tìm nhau/ Vàng phai òa tóc trắng… (Nhớ, tr.36); Phượng già vặn mình tóc rối…(Muôn trùng sóng vỗ, tr.27)
Nhìn chung, tác phẩm thơ Không là gió mây có hình thức trình bày khá đẹp, mỗi minh họa trong tập cũng mang hơi hướm, dáng dấp thơ, hàm chứa nội dung vừa gần gụi đời thường vừa mang sắc thái trữ tình, lãng mạn, giàu tính nhạc vừa đậm nét chiêm nghiệm, suy tư. Và trên hết, tập thơ là một tổng thể cảm xúc, cảm giác, tâm lý, thời đại được tạo tác từ một người quen đứng trên bục giảng* hơn là “đánh vật” với ngôn từ. Chính điều này tạo ra nét duyên ngầm cho tác phẩm. Và, Không là gió mây còn nhiều điều lý thú khi đọc, bài viết này chỉ giới hạn trong vài ý rời cảm nhận được cũng rất riêng tư. Mọi khả thể đang còn ở phía trước.
- Chú giải: *Nhà thơ Phạm Phương Lan ( Ảnh ) hiện đang công tác tại Khoa Kinh Tế - Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh.