Chiếc xe tốc hành lao vun vút qua phố thị rực rỡ ánh đèn, đi thẳng về hướng Gia-Lai. Tôi có linh cảm bất an nên hỏi tài xế: "Chưa đến Kon-Tum hả nhà xe?". Lái xe phanh gấp lại, hành khách chúi cả về phía trước! Lập tức hành lý của tôi được vứt xuống khỏi xe, một người nữa đẩy nhanh tôi xuống mặt đường, chiếc xe chồm lên rồi mất hút trong đêm yên tĩnh, một mình tôi ngơ ngác trên đường nhựa, tự nói một mình: "Đã dặn kỹ tài xế rồi, đến Kon-Tum là xuống? sao lại để quá đường chứ?". Không ai trả lời tôi, tiếng gió hun hút thổi, những giọt mưa mập ú, ngắn, tròn, lao thẳng vào mặt tôi trong đêm thanh vắng của đất trời Tây Nguyên.
Lần đầu tiên tôi đến đất này theo tiếng gọi của người yêu tôi: "Em lên anh đi, anh nhớ em lắm rồi, đủ tiền xe đi thôi, mọi chi phí khác, ăn uống, tiền tàu xe đi lại anh lo chu đáo". Tôi tin anh, chúng tôi đã sống bên nhau gần nửa năm trời ở Hà Nội, một tình yêu đẹp. Tôi quê Hà Tĩnh, làm thuê tại Hà Nội, anh gốc Huế lập nghiệp ở Kon-Tum.
Đêm Tây Nguyên lặng lẽ như tờ, giờ này chắc anh đang ngủ say, tôi không muốn làm hỏng giấc ngủ của anh, tôi đi vào ngôi nhà gần nhất định bụng xin ngủ nhờ. Trong nhà có tiếng nói ra: "Đêm khuya gọi gì? Hù chó ra cắn chết bây giờ?. Lập tức hai con chó lao ra, sủa vang dữ dội. Tôi hoảng sợ bước nhanh ra đường, bật máy gọi điện cho anh. Đầu dây bên kia, giọng nói của người ngái ngủ: "Em ở đâu, cái gì chứ, bắt xe về quán cà phê… tút … tút … tút …". Tôi gọi lại, tiếng chuông uể oải reo lên từng hồi, không ai cầm máy. Tôi bối rối và tự hỏi lòng: "Sao lại thế chứ, trước khi lên xe tôi đã báo cho anh rồi mà". Tôi đưa tay nhìn đồng hồ: 1 giờ 15 phút. Tôi quyết định đi bộ quay về hướng Kon-Tum. Sau hai tiếng đồng hồ, đôi chân tôi rã rời mệt mỏi. Tôi ngồi xuống lề đường, tiếng con chim quốc rũ kêu lên thảm thiết, thê lương: "quốc, quốc". Giá như tôi có một thêm một người quen nữa ở Kon-Tum thì hay biết chừng nào?. Đang suy nghĩ mông lung thì ánh đèn xe ô tô từ hướng Gia-Lai chạy đến. Tôi mừng rỡ đứng bật dậy đưa tay ra đón. Chiếc xe ô tô mang biển số 77 dừng hẳn lại, cho tôi lên ngồi ở cabin. Người chủ hàng ngồi bên ghế phụ cho tôi biết xe họ chở cá từ Quy Nhơn lên, giao cho Gia-Lai xong về Kon-Tum giao tiếp cho bạn hàng bán vào sáng sớm. Tài xế nhìn trộm tôi, anh nói rằng tôi đã đi bộ được 14 cây số, còn 10 cây nữa là đến Kon-Tum. Con đường này ban đêm không có phương tiện nào qua lại ngoài xe cá. Ban ngày có tuyến xe buýt từ Gia Lai đến Kon-Tum và ngược lại. tài xế hứa trả hàng xong là vừa sáng, họ sẽ cho tôi đi nhờ về Quy Nhơn, ở đó có nhiều luồng xe vào Nam, ra Bắc. Tôi nghĩ đến sáng mà anh không đến đón, tôi xin xe cá về lại Quy Nhơn.
Chiếc xe chở cá dừng hẳn lại ở góc khuất chợ cá Kon-Tum, ánh sáng nhạt của các vì sao soi xuống lờ mờ, người đến nhận cá mỗi lúc một đông, chủ hàng cá bắt đầu giao nhận. Anh tài xế nói riêng với tôi: "Đi uống cà phê cho tỉnh, giao cá xong, em đưa chị về Quy Nhơn". Tôi lưỡng lự, tài xế nắm tay tôi kéo đi.
Hết con đường phố đến khoảng đất trống, biển báo đường Ngô Quyền và hẻm 94/1 hiện ra, tôi hỏi tài xế: "Quán cà phê ở đâu thế cậu?". Tài xế chỉ tay về phía trước trả lời: "Trong kia kìa, chất lượng nhất thị xã Kon-Tum này đấy, vào uống sẽ biết". Tôi nhìn vào phía trong, bức tường gạch đỏ chưa hom tô nằm sát đường hiện lên lờ nhờ, nhoè nhoẹt, một vài cây hoang dại khẽ chao động, tài xế sợ tôi quay về bèn nắm tay tôi kéo mạnh đi, ấn người tôi vào bức tường loang lổ ấy, mùi nước tiểu bốc lên nồng nặc, xú uế. Tài xế kéo vội cái "dùi cui" ra, cứng đơ, đen sì như củ sắn nướng, láng bóng. Tôi nghĩ "Nó được bọc nhiều lớp vải thì trắng mới đúng, sao nó đen sì thế nhỉ". Tài xế nói chắc chắn: "Cho em làm đứng một tý, sáng sớm em sẽ đưa chị về Quy Nhơn". Tôi nghĩ: "Thôi chết, cái "dùi cui" đã nổi loạn rồi, và tôi không đồng ý, cuộc chiến diễn ra quyết liệt, tài xế vẫn để cái "dùi cui" ấy ngoài quần. Cuối cùng cậu ta thất bại, còn tôi rách hẳn một mảng áo và đôi dép đứt quai. Tôi đi cà nhắc trở lại xe, không quên nhìn lại cậu tài xế đang đứng sát vào bờ tường để làm gì đó. Khinh bỉ, tức giận và tự hỏi mình: "Sao không kêu to lên nhỉ", tôi lại tự trả lời cho chính tôi: "Nếu tôi kêu lên, mọi người chạy đến thì anh ta còn mặt mũi nào đến Kon-Tum để bán cá, vợ con anh ta sẽ thế nào khi không còn thu nhập?". Tôi gọi xe ôm về bến xe liên tỉnh Kon-Tum. Đứng ngoài bến xe nhìn vào mấy cái ghế đá, tôi ước gì được ngả lưng trên đó. Một vài anh xe ôm đến hỏi tôi đi đâu? Về đâu ?. Tôi lắc đầu từ chối. Một cậu xe ôm đến sát bên tôi nói giọng dỗ dành: "Em thuê nhà trọ, em trả tiền trọ, chị ngủ với em là được, ba mươi tuổi rồi chưa biết chuyện tình ái chị ơi, chị mở lòng từ bi giúp em, em xin chị". Tôi lại nghĩ " Mở lòng từ bi hay mở cửa lòng ở ngã ba phần dưới của phụ nữ đây ?". Chiếc xe chở khách vào bến, cánh cửa mở ra, tôi đi sát vào bánh xe, trốn bảo vệ, vào được trong bến xe, nghĩ rằng mình thoát nạn. Tôi uể oải nằm xuống ghế đá, những tiếng chào mời chân tình tha thiết, vây quanh người tôi: "O…o…o, gặp được o rồi", "các cháu" tiến sát vào, vây kín, de cái vòi để hút máu. Muỗi ở bến xe nhiều thật!.
Bảo vệ bến xe dứt khoát không cho tôi ở lại trong bến xe, quy định thế. Tôi đưa giấy tờ tuỳ thân trình báo vào năn nỉ rồi nằm xuống ghế đá với các "cháu muỗi" của mình.
Trời sáng hẳn, tôi gọi điện cho anh, phía bên kia vẫn đổ những tiếng chuông dài, trâng tráo và lì lợm. Tôi quyết định mua vé rời khỏi Kon-Tum. Về Hà Tĩnh: hết vé; luồng Nha Trang: vé hết từ chiều hôm qua; đi Quy Nhơn: không còn chỗ. Tôi lê đôi chân nặng nề trên mặt đất với khuôn mặt méo xệch. Có người nói nhỏ với tôi: " Ra khỏi Thị xã may ra mới đón được xe ". Tôi đón xe ôm ra khỏi Kon-Tum như người trốn chạy khi trời đã quá trưa. Một phút, hai phút và một tiếng đồng hồ trôi qua, tôi không đón được xe, cái ví tiền của tôi không cánh mà bay đi từ lúc nào. Một vài chiếc xe ô tô dừng lại, họ không đồng ý lấy điện thoại để thay thế tiền xe… Hàng chục chiếc xe lướt qua tôi không để lại dấu vết.
"Bầy kiến đỏ" lao đến, bò lổm ngổm trong cái dạ dày của tôi, nó cắn, nó rứt. Tôi lại gọi điện cho anh, đầu dây bên kia anh trả lời: "Em về gốc cây đối diện bến xe Kon-Tum, anh đến đón".
Tôi phải gặp anh, đó là giải pháp cuối cùng. Đưa cái máy điện thoại cho người xe ôm để làm lộ phí, tôi quay lại bến xe Kon-Tum. Người xe ôm dặn tôi: "Có tiền rồi thì gọi vào máy, anh đưa máy đến cho chuộc lại".
Tôi khấp khởi mừng thầm chờ anh và nhớ lại những ngày sống bên nhau, nên thơ và lãng mạn biết chừng nào. Ba mươi tuổi, đời tôi mới bước vào yêu. Tôi yêu anh tha thiết, yêu những vần thơ khắc khoải, da diết, lãng mạn mang dấu ấn của người bất hạnh. Hai người vợ trước đã bỏ anh.
Bất giác, cái cần "tăng dân số" của anh tài xế 77 lại hiển hiện trước mắt tôi. Tôi thấy lợm giọng và nhớ lại câu chuyện lúc mẹ tôi còn sống đã kể cho tôi nghe. Ngày ấy mẹ tôi còn trẻ, 18 tuổi, chưa biết chuyện yêu đương, đất nước vừa giải phòng, xe hiếm lắm, khách bộ hành dồn hết vào tàu chợ Huế đi Vinh. Trong toa không có đèn điện, không có cả ghế ngồi, mọi người dựa lưng vào nhau dưới sàn tàu. mẹ tôi ngồi trên cái túi du lịch ở cửa toa. Có tiếng sột soạt phía sau lưng, tiếp đến là cảm giác bờ vai trái của mình hơi nóng, mẹ tôi lé mắt nhìn sang và hoảng hốt, cái cần tăng dân số gác hẳn trên vai như nòng pháo 12 ly 7, hai quả cà áp sát vào lưng, vai mẹ. Vừa tởm lợm, vừa sợ hãi vì lần đầu tiên trong đời nhìn thấy nó, chưa biết tính với nó thế nào, mẹ nín thở cố tình quên nó đi nhưng không thể, lâu lâu mẹ lại nhìn sang nó, nó vẫn nằm ở vai, rất trâng tráo và lì lợm, nó còn chạm vào má mẹ như là thách thức, bởi cái "nòng pháo" ấy hơi cong, vừa tức giận và cái gì đó dâng lên nơi cổ họng đến độ ghê người, đưa tay đẩy nó đi thì lại càng không dám, mẹ bắt đầu nôn oẹ, nó vẫn không tha, anh ta nhún lên nhún xuống theo chiều lắc lư chuyển động của con tàu, nó không rời bờ vai mẹ dù là phút giây ngắn ngủi. Một phút, hai phút rồi mười phút trôi qua, sự tức giận dường như đã lên tới đỉnh điểm, mẹ nhớ đến cái kim găm ở thắt lưng quần, mẹ lần mò, kéo căng nó ra, tay nép sát vào người, đưa dần lên, chầm chậm, từ từ rồi đâm mạnh vào đầu "nòng pháo", hắn giật thột, mẹ nói: "Nếu còn gác nó lên vai tôi, tôi đâm nữa".
Mẹ tôi bảo: "đàn ông là thế đấy con à, họ có hai chân để đi và một cái chân giữa, còn gọi là "chân tình", đúng ra là chân giả, nó sẽ nổi loạn khi gặp người phụ nữ nó thích, phải cảnh giác con à".
Tôi tỉnh lại, trời đã gần chiều, và anh không đến.
Tôi oà khóc nức nở. Một người phụ nữ chạy xe máy qua như hiểu được nỗi thống khổ của tôi, chị dừng xe, hỏi han rồi cho tôi mượn máy để gọi. Đầu dây bên kia anh trả lời: "Anh đến ngay bây giờ".
Trời Tây Nguyên trong xanh, những chiếc xe hối hả về các ngả, tôi nhìn vào ánh dương hiu hắt của buổi chiều tà, ánh mặt trời chuyển động dần sau dãy núi xa xa. Cảm nhận phải đón thêm một đêm tây Nguyên thứ hai lặp lại. Ôi! Lòng vị tha của tôi đã đặt không đúng chỗ, đúng nơi. Người tôi bỗng run lên, tiếng nấc của tôi làm lay lắt những chuyến xe chiều, tôi thấy tâm hồn mình hoảng loạn. Miệng tôi dẻo quẹo, đắng ngắt. Người phụ nữ ban chiều cho tôi mượn điện thoại chạy xe máy đến nhìn thấy tôi, chị dừng lại. Trên xe máy có đủ mắm, muối, thịt, cá cho bữa ăn của gia đình, chị ái ngại nhìn tôi rồi hỏi: "Anh ta không đến đón em à? Hết xe rồi, về nhà chị nghỉ, sáng mai chị cho em tiền để mua vé xe. Đàn ông lắm kẻ vô tình em à.
Tôi ngoan ngoãn lên sau xe máy của chị. chị chở tôi đi dọc các con phố. chị ghé chỗ này trao đổi, mua bán chỗ kia rất vội vàng, chị lao qua, đi lại như con sóc nhỏ bởi tiết kiệm thời gian. Những gì tôi chứng kiến khác hẳn với dáng người hơi mập mạp của chị. Đến một cái quán bên đường, chị bảo tôi xuống xe đứng đó chờ chị. Tôi đưa mắt nhìn theo chiếc xe máy của chị luồn lách vào ngõ hẻm bên trong để giao hàng cho khách. Sau này tôi mới biết chị buôn bán cả Mỹ kim, chị đúng là người phụ nữ đảm đang, đức độ, có độ dày đạo lý.
Đang suy nghĩ miên man, tự đặt cho mình câu hỏi vì sao anh không đến đón tôi, bỗng chiếc xe tốc hành chạy qua và tiếng bịch rõ ta phát ra, cùng lúc chiếc bao bóng đầy nước rơi trúng đầu tôi, vỡ tung toé, dòng nước lòng thòng, nhớt nhát chảy từ đầu xuống mặt tôi, mùi chua ói bốc lên nồng nặc, tôi đưa tay vuốt mặt và nôn mửa bởi đó là thức ăn của hành khách say xe nôn ra vứt xuống. Chị Lê chạy ra nhìn tôi ngán ngẩm, vội vã đưa tôi về nhà.
Căn nhà chị Lê nằm phía sau phố mang sắc thái nông thôn chen lẫn thị thành. Vườn cây dùng bán cà phê cho khách. Trong phòng chồng chị đang ngáy khò khò như thợ rèn kéo bễ. Cô gái lớn mười lăm tuổi đang chơi điện tử, cô gái sau mười ba tuổi nằm ở ghế sa lông nơi phòng khách xem tivi. Tôi đi thẳng vào nhà tắm. Chị Lê qúet nhà, lau nhà, nấu cơm, rửa bát đũa, nấu nước sôi, ém cà phê để tối bán cho khách, tiếp đến là chậu áo quần rõ to và đống ly, phin cà phê để ngổn ngang, tất cả như đang nhìn vào đôi bàn tay của chị. Chị tất bật, lao qua lao lại như con thoi trong khung cửi ngày xưa. Tôi hỏi sao chồng và con không giúp đỡ chị, chị trả lời: "Bố nó bảo con ông ấy không phải nhúng tay vào việc gì ngoài học tập". Tôi nói với chị: "học ở trường lớp là học chữ, học ở trường đời là học cách sống, nữ công gia chánh rất cần cho một tổ ấm gia đình. Chị không bảo ban cho các con ngay từ bây giờ, sau này làm vợ, làm mẹ, chúng sẽ lúng túng thì làm sao có được hạnh phúc". Chị buồn hẳn và trả lời tôi, hai cô con gái của chị đã xem thường chị bởi chị nói nhẹ chúng không nghe, nói nặng thì bố nó đập phá đồ đạc, làm ăn khó khăn, tiếc của chị đành câm lặng, hai đứa con cứ thế được đà, quyền làm mẹ của chị dần dần mất hẳn. Tôi thấy xót xa thay cho chị, vừa làm kinh tế, vừa tất bật cả ngày với xà phòng, bếp núc, nồi niêu soong chảo phục vụ cho cả bốn người. Tôi có cảm giác chị là một con tằm cố gắng thả những sơi tơ cuối cùng, chồng và các con chị tận dụng hết sức lực của chị. Tôi hỏi chị: "Chồng chị có hiểu ra cốt lõi vấn đề này không?". Chị trả lời chua chát: "Có đấy, ông ấy làm thơ tặng chị với lời an ủi rằng: cố gắng chịu đựng nghe em(!)". Tôi vô cùng ngạc nhiên bởi câu thơ ấy, tại sao phải chịu đựng. Chịu đựng một ngày, hai ngày, không lẽ chịu đựng suốt cả cuộc đời như thế ư?. Tại sao ông ta hiểu được thế mà không thay đổi để gíup đỡ chị mà lại là "chịu đựng nghe em…". Nếu như chồng chị và hai cô con gái giúp chị quét nhà, rửa bát đũa hoặc li, cốc thì có lẽ chị đỡ tất bật hơn. Không lẽ chồng và hai cô con gái của chị không thương chị, họ chỉ biết có bản thân mình, nên giao trắng cho chị. họ đang sống nhờ vào đôi tay chị như cây tầm gửi, họ nhàn tản, riêng chị lam lũ, vừa kiếm tiền vừa phục vụ như một người giúp việc không lương?. Phải kiếm tiền cung phụng họ, thật là phi lý. Chừng như tìm được sự đồng cảm, chị cởi mở với tôi: "Ngày ba bốn cuộc nhậu, nhậu xong say bí tỉ, đi ngủ, chị phải dọn dẹp chứ ai vào đây". Chị tiết lộ thêm: "Chồng trước của chị đã chia tay, để lại cho chị một trai, một gái, hai đứa con riêng của chị đã trưởng thành, nhưng chúng vẫn ghen tị, so sánh rồi hằn học với ông chồng và cùng hai đứa em gái khác cha, sống no đủ nhờ vào đôi tay chị. Tại sao chúng thì phải đi làm, mà ông ấy và hai đứa em gái ngồi mát ăn bát vàng. Vì thế chúng lao vào đào bới, làm tiền chị bằng mọi cách. Một mình ông chồng say và hai cô con gái ấy là quá đủ rồi. Hai đứa con riêng không hiểu được nỗi đau của chị đang gồng người lên để gánh. Giá như chúng nó hiểu chị hơn, đừng gây áp lực cho chị thì hay biết mấy. Tại sao chúng chỉ nghĩ cho bản thân chúng thôi chứ…
Chuông điện thoại trong phòng ông chồng chị lại reo, chị chua chát: "đêm qua đến giờ chuông điện thoại reo liên hồi mà có nhấc máy đâu, say thế là cùng".
Tôi hỏi chị sao không xem thử, lỡ chồng chị có bồ bịch thì sao. chị trả lời đau đớn: "Xem mà làm gì hở em, để thời gian kiếm tiền cung phụng cha con ông ấy. Bồ bịch à, ông ta đã moi móc tiền của chị bằng mọi cách để nuôi tình nhân, nào là đi học viết văn xong xin vào cơ quan sẽ có lương tháng. Học xong thì tiền xin việc, nhậu nhẹt người ta mới giúp cho. Mấy tháng trời chị lo đều, sau đó phát hiện ông ta nuôi con bồ trẻ, em thấy có đau không?. Bây giờ chỉ có tiền nhụân bút thôi, say xỉn như thế viết lách thế nào được, thời gian đâu để viết, sống nhờ vào tay chị đấy thôi. Em xem, gần chiều dắt xe đi ra đến cổng nhà, gặp bạn nhậu lại quay vào, chết dí trên giường đấy". Tôi hỏi chị sao biết ông ta say xỉn còn kết hôn làm gì?. Chị trả lời: "Trước đây say ít, sau khi đi học viết văn ở Hà Nội về, đòi ly hôn, chia tài sản không được nên say nhiều hơn. Ông ta làm gì ra tiền mà đòi chia chứ, họ thủ đoạn thì mình thủ thuật, chứ còn tình yêu à? Tất cả là lỗi của chị, chị đã yêu những vần thơ đa sầu, đa cảm, trách thân, trách phận của kẻ bạc tình, những câu thơ bay bổng theo áng mây để rồi vần vũ, bao bọc, trói buộc cuộc đời chị như thể nợ đời từ tiền kiếp phải trả". Ôi! Thơ khác xa với đời thường. Tình yêu cần thơ, cuộc sống cần rau, cơm gạo mắm muối, nó dung tục nhưng thực tế. tôi cũng có cái chung với chị, yêu thơ và tìm đến Kon-Tum, một đêm Tây Nguyên không thể nào quên. Ôi! Thi sĩ của tôi và ông chồng thơ của chị, "Chàng thơ đã đùa giỡn khách thơ". Tôi đặt ra vô số câu hỏi:
Nếu như chị không mê thơ, cuộc đời chị đã khác rồi.
Nếu như tôi không yêu thơ, tôi sẽ không yêu anh ấy để rồi băng rừng vượt bụi đến với Tây Nguyên.
Nếu như chiếc xe tốc hành đừng vô trách nhiệm đuổi tôi xuống khỏi xe cho rảnh, chỉ bày cho tôi đến Gia-Lai, ngày mai đi xe buýt xuống Kon-Tum thì hay biết chứng nào?.
Nếu như tài xế xe 77 đừng giở trò bỉ ổi thì họ là ân nhân của tôi.
Nếu như hành khách trên xe tốc hành đừng vứt rác bừa bãi xuống mặt đường…
Nếu như các ông chồng biết kiềm chế, lượng sức mình, có trách nhiệm với vợ thì người phụ nữ hiền thục hơn họ không trang bị cho mình những nanh vuốt để tự vệ. Ôi! Còn biết bao chữ "nếu như"…
Trong phòng ngủ, chồng chị đã no giấc, nói vọng ra ngoài như mệnh lệnh: "Dọn cơm ăn, đói rồi". Tôi thấy chất giọng hơi quen. Chị Lê đứng dậy như một cái máy, chị đi thẳng xuống bếp dọn cơm.
Mấy cặp tình nhân chạy xe máy vào vườn nhà chị, họ gọi cà phê và nước uống, chị Lê bỏ lại mâm cơm đang dọn dở đi pha cà phê cho khách.
Chồng chị Lê bước ra, tôi kêu lên không thành tiếng: "Trời ơi! Chàng thơ của tôi". Tôi đau đớn và thất vọng, chàng thơ lãnh mạn, ga lăng chết thật rồi.
Chị Lê vào bếp bê mâm cơm lên, chị gọi to: "Hai đứa đâu, ra ăn cơm để mẹ còn dọn dẹp bán cà phê".
Hai cô gái đi ra ngồi xuống cạnh bố, chị Lê tất bật xới cơm ra bát, thuần thục như rô-bốt.
Thưa các bạn: tôi, chị Lê và chàng thơ kia, ai là người đáng thương và ai là người đáng trách?.