Tiếng chân đội cấm vệ tuần tra dứt hẳn, trả lại cho hoàng thành sự im ắng vốn có. Mạc Tông cầm chiếc que đồng khều bỏ đoạn bấc đã cháy rụi. Ánh sáng rực lên hơn in rõ bóng của ông lên vách. Cái bóng đen to lớn, khom khom như muốn trùm kín cả chủ nhân. Mạc Tông thở dài. Chòm râu đẹp rung rung khiến cho cái bóng lay động theo. Một chuổi âm thanh bật ra như tiếng than :
- Phải chăng Mạc Tông(1) đã đến đường cùng !
Không ai đáp lại. Ở bên ngoài kia vài bước có đến trăm quân cấm vệ đứng canh. Đám người kia đứng im như những pho tượng gỗ. Ngoài ý nghĩ phải canh giữ không cho Mạc Tông rời khỏi phòng ra họ chẳng còn gì để nhớ cả. Dù không có đám quân kia Mạc Tông cũng không thể đi được. Hoàng tử Xuân con của chúa Định Vương được ông phò tá đến Vọng Các mưu chuyện lâu dài đã bị Xiêm Vương Trịnh Tân vu cáo, đánh đập dã man, giam cầm trong ngục thất. Năm mươi ba gia tướng trong đó có con cháu của ông tuy không bị tống ngục nhưng cảnh cá chậu chim lồng khác gì tù ngục. Đau lòng hơn Tử Dung nằm trong tử ngục chờ giờ xử trảm. Và nếu như không có những người đó ông cũng không thể đi. Từ ngày đặt chân lên đất Xiêm ông đâu còn đường để quay về. Phương Thành giờ đã dậy lửa binh. Quân Tây Sơn truy đuổi đến cùng, vì lòng trung thành với Nguyễn chúa mà ông đem gia tướng, quyến thuộc xuống thuyền đến xứ người. Xưa kia Hà Tiên trấn với Xiêm La là kình địch truyền kiếp từ việc binh đao, đến ảnh hưởng thương trường, vị thế mở mang. Khi tiên công(2) dựng nghiệp, Xiêm vương đã bao phen đưa quân sang đánh phá. Đến khi kế nghiệp, Hà Tiên phồn thịnh nức tiếng, có lần Mạc Tông cho quân sang đánh Xiêm quốc trả thù nhưng không thành. Nhớ lại thời Hà Tiên trấn danh vang khắp vịnh Xiêm La, Mạc đại đô đốc oai hùng cầm quân hộ tống Nặc Ông Tôn lên ngôi vua Cao Man, đánh dẹp Nặc Bồn, mở rộng Thủy Chân Lạp ra tận Đông Hải. Từ nhỏ dưới sự rèn dạy nghiêm khắc của mẹ, thêm tư chất thông minh trời phú, mười tám tuổi Mạc Tông đã nổi tiếng văn võ song toàn. Ngày ông theo cha đến ty sở học việc khẩn hoang, mở mang thương mãi. Đêm về theo mẹ luyện tập võ công, đến thư phòng nghe gia sư luận bàn kinh sử. Mẹ của ông gốc người Biên Hòa ngoài tài buôn bán còn giỏi võ, kiến thức uyên bác không kém gì Mạc Cửu hầu gia. Lúc chưa xuất giá Bùi thị một mình cai quản thương điếm lớn của Bùi gia tại Lũng Kỳ. Khi trở thành dâu họ Mạc, phu nhân chỉ ở sau rèm quản lý gia sản, nuôi dạy con cái. Dưới sự giáo huấn của mẹ dù mang nửa dòng máu Minh Hương nhưng cách sống và tâm linh của Mạc Tông hoàn toàn là người An Nam. Tiên công chẳng những không ngăn cản mà còn khuyến khích phu nhân dạy dỗ con cái hòa hợp với "thiên, địa, nhân" nơi chúng được sinh ra và lớn lên. Phu nhân là chỗ dựa vững chãi trong đại nghiệp gầy dựng trấn Hà Tiên của Mạc gia. Phu nhân đã chọn cho Mạc Tông một người vợ đảm đang, tài mạo song toàn. Hiếu Túc (3) là con của một gia tộc lớn đất Biên Hòa, từ nhỏ đã được truyền dạy cách quản lý, mưu lược mở mang sản nghiệp của gia tộc. Tất cả người của Nguyễn tộc đều phải luyện võ từ lúc lên năm. Bởi do phải theo những thương thuyền buôn bán khắp nơi, họ phải rèn luyện võ nghệ để phòng thân, chống lại bọn hải tặc bảo vệ gia sản.
Nhớ đến Hiếu Túc, lòng Mạc Tông lâng lâng thương cảm. Nơi chiến trận Hiếu Túc can đảm dõng lược, nơi dinh nội cai quản gia tộc càng nề nếp ít ai bì được. Bà gánh vác cho ông nhiều gian lao và cũng là người gây cho ông không ít khổ sở. Năm Kỷ Mùi(4) nếu không có bà đích thân chỉ huy đội nữ binh coi sóc việc lương thảo, chăm sóc ủy lạo tướng sĩ thì ông không dễ dàng đánh thắng giặc Nặc Bồn. Dân Phương Thành ca ngợi bà như một thần nữ tái thế. Mọi việc Hiếu Túc luôn lấy lợi ích của Mạc gia làm trọng nên khi xử lý việc nhà có phần khắc khe, chỉ xét lý ít khi trọng tình phần do bản tính cương trực, quyết đoán phần vì bà khắc sâu giáo huấn của mẹ chồng từ ngày về làm dâu họ Mạc. Cũng năm Kỷ Mùi đó, Hiếu Túc đã buộc ông phải đưa người thiếp yêu lên am Phù Dung. Bởi lẽ ông hay cùng người thiếp này họa thơ, đánh đàn, uống rượu thâu đêm. Hai người cùng đám khách các Chiêu Anh du ngoại, ngâm vịnh khắp nơi đôi khi quên cả việc quân cơ. Người ái thiếp văn hay chữ tốt, giỏi cầm kỳ, tâm đầu ý hợp khiến ông yêu quí vô cùng. Mạc Tông không thể cãi vào đâu được trước lý lẽ của bà đưa ra. Xiêm vương luôn có ý dòm ngó Phương Thành, nếu ông không chú tâm lo chuyện mở mang thế lực, luyện quân phòng thủ cơ nghiệp tiên công để lại sợ không thể giữ nổi. Nguyễn chúa ở xa, triều chính đang rối loạn, nếu ỉ lại chắc sẽ gặp họa diệt vong. Người thiếp kia cứ quanh quẩn bên chân thì ông khó lòng mà rứt ra khỏi nghiệp thi văn để lo việc lớn. Sự suy thịnh của trấn liên quan đến hàng vạn sinh linh chứ không chỉ riêng dòng họ Mạc. Ông là người cai quản cả trấn phải lấy việc chung làm trọng. Là người hiểu nghĩa lớn, người thứ thiếp tự nguyện lánh thân lên am tự tu thân, cầu nguyện quốc thái dân an và không làm vướng bận Mạc Tông. Ông có xót dạ, đau lòng mấy cũng phải nghe theo. Tiễn nàng ái thiếp đi rồi, ông thấy Hiếu Túc lén đưa tay áo lau nước mắt. Đêm đêm nằm nghe tiếng chuông chùa Tiêu vọng theo gió, Mạc Tông nhớ người tri kỷ không kể xiết.
Mờ mịt gẫm đường say mới tỉnh
Phù sanh trong một giấc chiêm bao.
Hiếu Túc tính toán chi ly việc Mạc Tông xây cất thêm lầu đài để thưởng ngoạn, làm nơi tụ hội chiêu anh, sắm sửa trang hoàng phủ đệ. Ông thích dùng đồ sứ Giang Nam nên đặt mua một thuyền. Bà cứ cằn nhằn mãi, nào là bảo không cần thiết, nào là số tiền ấy quá lớn để dùng vào việc đóng một chiến tàu còn có ích hơn. Mạc Tông nổi giận mắng át đi. Phủ đệ nguy nga như vậy phải vật dụng phải xứng mới đáng dùng. Hà Tiên trấn giàu có, phồn vinh bậc nhất xá gì ít tiền tiêu vặt đó. Bà im lặng quay đi. Vợ chồng thường cắn đắn, ông ít mặn nồng với bà hơn. Đến khi Hiếu Túc qua đời, Mạc công mới nhận ra bà quan trọng biết chừng nào đối với ông và Mạc gia. Suốt đời làm vợ của một trấn quan giàu có, khi mất đi bà chỉ có dăm bảy bộ đồ gấm giản dị, chỉ giữ đôi vòng bảo ngọc mẹ chồng tặng, một chiếc trâm cẩn ngọc mẫu thân cho làm của hồi môn. Hiếu Túc cần kiệm giữ gìn từng nén bạc của Mạc gia. Tư trang phu nhân đều đem đổi bạc, góp vào việc xây cầu, dựng xá, cứu khổ người lỡ vận. Tất cả những việc làm đó đều do người khác đứng tên. Trong sổ ghi còn có một khoản chi hàng tháng phúng cúng cho am Phù Dung. Trước khi mất bà không một lời than thở, trách hờn. Nhìn các con trưởng thành, đỡ đần được cho cha, bà mãn nguyện mỉm cười. Hiếu Túc qua đời, ông không tìm được ai có thể cai quản nội gia nề nếp như trước. Cai quản dân sinh đã khó, cai quản gia tộc còn khó hơn. Rồi biến loạn, sản nghiệp tiêu tan, Mạc gia mất dần danh thế. Mạc Tông nhiều lúc phải cất tiếng than sao trời cao không để cho Hiếu Túc ở bên ông mươi năm nữa.
Đã canh ba rồi thì phải. Thật xa có tiếng gà vọng vào hoàng cung nghe í i như tiếng rên cô độc. Mạc Tông khều bỏ đoạn bấc đã lụn lấy thêm ánh sáng cho căn phòng. Tài an bang tế thế thì sao ? Thượng mã anh hùng thì sao ? Văn hay chữ tốt, xuất khẩu thành thi há có cứu được Phương Thành trước cảnh dầu sôi lửa bỏng ? Anh hùng lỡ vận sa cơ, trăm nỗi tơ lòng dò xé. Mạc Tông đang đứng trước một ngã ba đường không biết sẽ về đâu ? Ngọn gió khuya lạnh lẽo thổi qua cửa sổ, thấm vào da thịt khiến ông rùng mình.
Giữa chính điện hoàng cung Vọng Các, Trịnh Tân sắc mặt đen sầm ngự trên ngai vàng. Đám võ sĩ cận vệ lạnh như đồng, tay lăm gươm giáo. Văn võ bá quan Xiêm triều như nín thở khi Mạc Tử Dung ngạo nghễ chỉ mặt tên lực sĩ cận vệ thân tín của Xiêm vương Trịnh Tân thách đấu.
- Ngươi không được sỉ nhục người An Nam ! - Mạc Tử Dung gầm lên. Chàng quay sang cha xá dài - Phụ thân, Tử Dung bất hiếu cải lời cha. Quân tử có thể chết nhưng không thể chịu nhục !
Mạc Tông biết con mình đã sa vào bẫy của Trịnh Tân. Xiêm vương đang tìm cách khiêu khích để nắm cán ông. Dẫu biết thế nhưng ông làm sao lên tiếng ngăn con được. Máu trong người, tâm linh của Tử Dung là bản sao của Hiếu Túc. Bảo nó nhịn nhục chẳng bằng để nó tự sát trước mặt triều thần Xiêm La. Mạc Tông nghiến chặt răng gật đầu. Tên lực sĩ ném phăng chiếc áo xuống đất. Hắn to lớn, bắp thịt cuồn cuộn như một pho tượng kim cang. Tử Dung thong thả bước ra, giữ lễ cúi chào cha và Xiêm vương. Cả thượng điện sôi lên theo từng đường vờn, cú quật của hai đối thủ. Tử Dung thật nhỏ bé trước tên lực sĩ Xiêm người đang đẫm mồ hôi bóng nhẫy. Mạc Tông đăm đắm nhìn trận chiến. Ai có biết lòng ông đang bị từng nhát dao cắt. Không phải ông lo Tử Dung bại trận mà lo hậu quả sẽ ập xuống đầu chàng. Trịnh Tân vốn tráo trở, hung hãn không biết hắn sẽ ghép Tử Dung vào tội gì đây. Chưa xong một tuần trà, bằng một thế võ gia truyền hiểm hóc, không ai thấy Tử Dung bằng cách nào đã quật ngã tên lực sĩ nằm sấp xuống nền điện. Chàng khóa chặt tay hắn, gối tì lên cổ hắn. "Rắc !", tên lực sĩ ực lên, giẫy đành đạch. Máu từ miệng hắn chảy tràn ra nền. Trịnh Tân gầm lên một tiếng. Đám giáp sĩ xông vào gươm giáo tuốt trần vây chặt Tử Dung. Không tên nào dám đến gần, dường như chúng sợ phải nhận lãnh kết cuộc như tên lực sĩ kia. Trịnh Tân phẩy tay ra hiệu. Đám giáp sĩ đứng ở phía ngoài gươm kề gươm vào cổ những người của Mạc gia có mặt trong điện. Cả điện bỗng im phăng phắt. Mạc Tông giương mắt nhìn thẳng Trịnh Tân. Ông hiểu rõ tất cả ý đồ của hắn và đang chờ đợi chuyện xấu nhất. Trịnh Tân mắt dằn đỏ, nhìn ông hằn hộc, rít lên :
- Sát nhân đền mạng ! Giải hắn vào tử ngục, canh năm ba khắc trảm !
Đám giáp sĩ vây Tử Dung nhích động. Chúng vẫn không dám tiến. Tử Dung bật cười ha hả. Tiếng cười của chàng như tiếng trống thúc quân vang vang trên Giang Thành nào. Tiếng cười của chàng dội vào ngực của tất cả những người có mặt khiến cho họ tim như loạn nhịp. Tử Dung buông xuôi hai tay. Đám giáp sĩ nhanh như cắt kề mười mấy lưỡi gươm vào cổ, lôi chàng đi. Mạc Tông cắn chặt môi đón nhận ánh mắt thỏa nguyện, yêu kính của con gởi lại.
- Tử Dung, cha có lỗi với con. Phu nhân ơi… ! - Mạc Tông lẫm bẩm.
Tiếng bước chân của đội cấm vê tuần tra quay trở lại. Đội quân đi ngang phòng, Mạc Tông lắng tai nghe một chút là biết đội này vừa đổi phiên trực. Bước chân mạnh mẽ hơn, đều đặn hơn. Đổi phiên là đã vào canh tư. Thời khắc trôi đi thật nhanh. Bóng đêm không kéo dài cho ông thêm chút nữa. Đội quân tuần qua rồi, có tiếng bước chân khác đến. Họ có ba người thì phải, dừng trước cửa phòng của Mạc Tông. Ông thở dài, vuốt lại đầu tóc.
Người ngoài cửa :
- Mạc đại đô đốc, Thượng đại phu Xiêm quốc xin cầu kiến !
- Mời vào !
Người ngoài bên ngoài đẩy cửa bước vào. Thượng đại phu Xiêm quốc là người Minh Hương, tuổi chạc ngũ tuần, tướng mạo phương phi, râu năm chòm còn đen nhánh. Thượng đại phu cúi chào, ngẩn lên ông ta lắp bắp :
- Mạc đại đô đốc… ngài…. Không sao chứ ? Sao hốc hác quá đỗi !
Mạc Tông điềm nhiên, đưa tay mời Thượng đại phu ngồi. Vị quan Xiêm quốc ngập ngừng rồi vào chuyện :
- Hạ quan vốn biết ngài là bậc anh tài, trí dõng hơn người nên không dám làm thuyết khách.
Nhưng vì phụng mệnh Quốc vương nên đành mang ba tấc lưỡi múa may trước mặt ngài. Xin lượng thứ !
Mạc Tông gật đầu ra hiệu ông ta cứ nói. Vị quan hắng giọng :
- Ngài đã có quyết định gì về lời mời của Quốc vương chưa ?
- Ta giờ như cá nằm trên thớt. Trịnh Tân muốn xử sao chẳng được cần gì giở trò khuyến dụ ?
Mạc Tông cười mỉa. Vị quan Xiêm điềm đạm phân trần :
- Ngài sai rồi ! Quốc vương mến tài nên thật lòng muốn mời ngài về với Xiêm quốc. Chỉ cần ngài ưng thuận, trấn Hà Tiên sẽ vẫn là của ngài. Xưa kia tiên công của ngài từng làm quan dưới triều Cao Man, sau về đầu phục An Nam. Nếu ngài về với Xiêm triều đâu có gì khác biệt.
Mạc Tông nhíu mày :
- Sao lại không ? Mạc gia đã xưng thần với Nguyễn vương, được phong tước, chịu ân tập ấm bảy đời, Hà Tiên trấn giờ đã thuộc An Nam thiên hạ đều biết. Ta đã đem thân phò hoàng tử Xuân lánh nạn là tỏ dạ trung thành với chúa cho bốn bể biết. Đại phu bảo ta bán nước cầu vinh, phản chúa để mưu sự tồn sinh cho riêng Mạc gia thì nghe sao được. Ngài không thể so sánh việc làm của tiên công xưa với việc hàng phục Xiêm quốc bây giờ.
- Anh hùng phải biết phân biệt việc nặng nhẹ. - Thượng đại phu vẫn ôn tồn - Ngài nên xét kỹ.
Thần phục Xiêm vương ngài sẽ giữ được chữ trung, hiếu, nghĩa.
Tên quân hầu rón rén mang trà vào. Thượng đại phu ngưng nói, ra hiệu cho tên quân lui ra. Với tay cầm bình, ông cẩn thận rót trà ra hai chiếc chung. Đợi một chốc, đổ bỏ nước trong chung vào cái lọ đựng xác trà, ông rót nước trong chiếc ấm lớn vào ấm trà. Đại phu dùng chiếc kẹp bằng bạc gắp bỏ vào mỗi chiếc chung hai trái hồng táo được ngâm tẩm ánh sắc mật vàng óng. Sau đó lại thêm vào một ít cánh bạch cúc đã phơi khô, cẩn thận châm trà vào. Nước trà có sắc xanh trong vắt, tỏa ra một mùi thơm thật dịu. Mạc Tông chăm chú nhìn Thượng đại phu pha trà. Làn khói mỏng manh từ miệng chung tan bớt, đại phu đạy nắp chung lại. Ông ta ngẩn lên cười vui vẻ :
- Đây là cách pha trà của mẫu thân truyền lại, mong ngài đừng chê bai.
Mạc Tông bật cười, chấp tay xá Thượng đại phu một cái :
- Mạc Tông được một cao thủ trà đạo như ngài trổ tài pha cho thưởng thức, quả là phúc lớn. Kính đại phu cùng dùng !
Mạc Tông bưng chung lên, cẩn thận dùng nắp gạt phần xác nổi bên trên, hớp một ngụm. Nước trà vừa ngọt, vừa hơi chan chát, mùi thơm của hoa cúc quyện mùi mật của táo hồng tạo một hương vị thật đặc biệt. Ông uống liền mấy ngụm. Chất nước ấy thấm vào huyết quản khiến ông cảm thấy tinh thần sảng khoái, mệt mõi của một đêm dài suy tư như biến mất. Ông gật gù tán thưởng. Thương đại phu mỉm cười hài lòng. Cả hai đồng lúc đặt chung xuống bàn.
- Được tự tay pha trà cho Chủ súy Chiêu Anh Các thưởng lãm là dịp may của hạ quan. Xin ngài đừng mở lời tán thưởng, kẻo hạ quan hổ thẹn !
Mạc Tông lại cười, hào sảng chấp tay xá Thượng đại phu thay lời cảm tạ. Ông vuốt râu, nghiêm mặt đăm chiêu :
- Khi nãy, Thượng đại phu bảo ta sẽ giữ được chữ "trung, hiếu, nghĩa" là sao ?
Thượng đại phu khoan thai vuốt chòm râu suông đuộc :
- Nếu Mac đại đô đốc chịu đầu phục Xiêm vương, ngài sẽ được thống lĩnh đại quân Xiêm La hộ tống hoàng tử Xuân về giành lại ngôi vị từ tay Nguyễn Ánh. Sau đó Xiêm quân sẽ giúp Nguyễn vương khôi phục quyền lực, giúp ngài dựng lại Phương Thành. Đó là tận trung với chúa. Ngài giành lại được Hà Tiên trấn, mở mang thêm đất đai khiến cho cơ nghiệp của Mạc gia trở lại thời hoàng kim xưa, dòng họ Mạc quyền uy một cõi, đời đời hưởng phúc. Đó là hiếu với với Mạc gia. - Thượng đại phu dừng lại dò xét phản ứng của Mạc Tông. Thấy Mạc Tông gật gù không nói gì, ông ta tiếp - Nếu ngài ưng thuận điều kiện trên, Quốc vương lập tức thả hoàng tử Xuân, tha cho công tử Dung, gia tướng và quyến thuộc của ngài cũng được bình an. Ngài sẽ trọn nghĩa với chủ, tròn bổn phận làm cha, tận nghĩa với thuộc hạ. Đó là chữ nghĩa. Vã lại chúng ta đều là người Minh Hương, ngài về với Trịnh quốc vương là đã giúp cho người đồng bào mở mang đại nghiệp. Đó cũng là nghĩa lớn đồng tộc.
Mạc Tông ngẫn đầu lên trời cười dài. Chòm râu đẹp của ông rung theo. Thượng đại phu ngơ ngác. Mạc Tông cười xong, xá Thượng đại phu, nói :
- Ngài nói thật là hay ! Bái phục ! Bái phục ! Nhưng mà chỉ tiếc ta và ngài không cùng chí hướng, tâm đạo không giống nhau.
- Thế gì sao ngài lại cười ?
- Ta cười vì Trịnh Tân đánh giá ta quá thấp. Hắn cho là ta sẽ vì ba chữ "trung, hiếu, nghĩa" đó mà đầu phục Xiêm La sao ? Nếu làm như vậy Mạc Tông ta đã bất trung, bất hiếu và bất nghĩa rồi.
Thượng đại phu ngạc nhiên, vuốt râu nghĩ ngợi. Một lúc sau, ông ta chấp tay xá Mạc Tông, từ tốn :
- Xin được nghe kiến giải của ngài !
Mạc Tông đứng vậy, khoai thai hít thở mấy hơi dài. Dõng dạc :
- Đối với ta chữ trung không phải chỉ nhỏ nhoi ở lòng thành với Nguyễn vương. Trung của Mạc gia là trung với Nam quốc, với dân Phương Thành, với toàn dân chúng An Nam. Nay Trịnh Tân bảo ta vì trung với chúa mà cầm quân về đánh phá quốc thổ. Đầu phục Trịnh Tân, dâng Phương Thành cho Xiêm La, dẫn quân tàn hại quốc dân, đó là đại bất trung. - Ánh mắt Mạc công ngời tia sáng kiêu hãnh - Tiên công ta tạo dựng Hà Tiên trấn là để cho muôn dân tứ phương đói khổ có nơi sinh cơ lập nghiệp. Sự phồn vinh của Phương Thành là mồ hôi và nước mắt của bao người khai hoang lập địa, cỡi đầu sóng dữ mở đường thương mãi đến tận Phù Tang mà có. Mạc Tông được kế tục giữ gìn sự nghiệp của tiền nhân. Hơn bốn mươi năm qua ta đã cùng tướng sĩ, chúng dân Hà Tiên trấn đổ bao máu xương đối đầu với giặc dữ Nặc Bồn, chống trả những cuộc xâm lăng tàn khốc của Xiêm La. Nay lực đã tận, thế đã cùng không có gì hối tiếc. Chỉ trách Mạc Tông bất tài không thể giữ được sự phồn thịnh cho Phương Thành. Nếu mai này không có Mạc gia thì sẽ có người khác dẫn dắt chúng dân Phương Thành đến bờ an lạc.
Mạc Tông ngừng nói, bùi ngùi thở dài. Thượng đại phu bưng chung trà lên uống như muốn che giấu cảm xúc. Mạc Tông nhìn ra cửa sổ. Trời bắt đầu lờ mờ sáng. Ông hít một hơi dài nói tiếp :
- Mạc gia dựng nghiệp không phải chỉ vì riêng phần lợi cho mình. Nay lẽ đâu vì cái lợi riêng của gia tộc mà dẫn quân về tàn hại con dân của mình ? Quân Xiêm La, bản tính vốn hung tàn.
Những lần giao tranh trước nam, phụ, lão, ấu của Phương Thành chúng chẳng tha thì xá gì lầu đài, của cải vô tri mà không tàn hại ? Dựng lại Phương Thành, nghe thật trái tai ! Trịnh Tân giao cho ta cầm quân chẳng qua chỉ là cớ để mang quân sang đánh Nam quốc cho thỏa lòng tham. Hắn xá gì một thứ hàng thần lơ láo mà giả đò mến tiếc anh tài. Đem Phương Thành nhập vào quốc đồ của Xiêm La là đem công lao của Mạc gia đổ xuống biển. Đó chính là bất hiếu với tiên phụ, bất hiếu với nơi sinh ra ta, nuôi ta lớn. - Ông càng nói bầu nhiệt huyết càng sôi lên - Thật là không thể nào làm được ! Nay Nguyễn Ánh đã giữ ngôi Nhiếp Chánh Vương thì cũng là chúa của ta. Hà cớ gì vì hoàng tử này mà tàn hại hoàng tử khác ? Họ đều là dòng tộc của chúa thượng, ai lên ngôi cũng thế thôi. Trịnh Tân định dùng từ đồng bào Minh Hương để khuyến dụ ta ư ? Thật là nực cười ! Người Minh Hương ly xứ, tứ tán bốn bể tìm đất sống. Nếu hắn nghĩ nghĩa đồng bào thì đã không đem quân tàn hại Phương Thành, nơi đó có bao nhiêu người Minh Hương sinh sống. Vã lại Mạc Tông được sinh ra từ một người mẹ An Nam, ăn hạt gạo của đất này mà lớn. Ta đã xem An Nam là quốc thổ thì lý nào vì người Minh Hương mà bỏ Nam quốc ? Ta vì người Nam quốc mà không đầu phục Xiêm vương đó chính là đại nghĩa.
Thượng đại phu thần người, ngồi im. Mạc Tông đến bàn, ngồi xuống, chậm rãi uống chung trà đã nguội. Hồi lâu, Thượng đại phu nói như cố nén lo âu :
- Nếu Mạc đại đô đốc không nhận lời, với bản tính của Quốc vương, hạ quan e tính mạng của công tử và những người khác khó bảo toàn… kể cả ngài.
- Cái chết nặng như Thái Sơn hay nhẹ tợ lông hồng là do tâm đạo của mỗi người. - Mạc công uống nốt ngụm trà trong chung - Đa tạ ngài quan tâm ! Nếu ta trở thành kẻ bất trung, bất hiếu, bất nghĩa thì Thượng đại phu nghĩ gia tướng, quyến thuộc còn kính trọng ta không ? Nếu mà như vậy… - Mạc công giọng trầm hẳn - Tử Dung thà chết còn hơn. Không ai hiểu con bằng cha đâu, thưa ngài.
Tiếng gà đã rộ dồn, vọng vào hoàng cung í i mỗi lúc nhặt dần. Canh năm đã điểm. Phía trời đông ửng một vệt hồng. Mạc Tông giọng nhỏ dần như nói với chính mình :
- Tử Dung nó sẽ hiểu. Nó sẽ không trách ta đâu. Họ sẽ trách không ta đâu… Không trách ta.
Ông bước dần đến cửa sổ phía đông đứng nhìn ra ngoài. Cả hai không ai nói gì. Không gian tĩnh mịch, im lặng đến nghe được cả tiếng giọt sương rụng. Rất lâu sau, Thượng đại phu đứng dậy, kính cẩn xá dài, khóe mắt như có nước, nói :
- Hạ quan, thật lòng kính phục ngài. Chỉ tiếc chúng ta đạo bất đồng, hai phương đối nghịch. Ngài hãy đi tiễn công tử Dung lần cuối và cho hạ quan gởi lời từ biệt. Khí phách của công tử, hạ quan sẽ lấy làm gương răn dạy con cháu sau này. Nếu hạ quan có thể giúp gì được cho Mạc gia, xin nguyện hết lòng.
- Ta không dám làm liên lụy đến ngài. Chỉ thương Tử Sanh, Tử Tuấn, Tử Thiêm, đám tử tôn còn quá nhỏ. Hài nhi vô tội… - Mạc Tông không quay lại. Tiếng nói như nghẹn lại trong cổ.
Thượng đại phu gật đầu, xá dài. Ông ta quay lưng đi thật nhanh ra cửa.
Thuyết khách đi rồi, Mạc Tông vẫn đứng im nhìn ra ngoài trời. Vầng dương đang trồi lên, vạn vật rõ nét dần. Ông không thấy cảnh vật trước mặt mà chỉ thấy lầu đài, thành quách, phố thị Phương Thành nhộn nhịp chuẩn bị vào phiên. Bến Cảng Khẩu thuyền chen đông cứng, đủ loại âm thanh vang động. Tất cả sinh cảnh ấy lung linh soi bóng xuống Đông Hồ. Một ngọn lửa hung tàn bốc cao ngất trời, liến rất nhanh, phủ màu hoang tàn trơ trụ lên tất cả mọi thứ. Lầu đài nghiêng đổ. Người dân Phương Thành nháo nhác kinh hoàng. Tiếng trống từ pháp trường vọng lại báo canh năm ba khắc. Mạc Tông không nghe thấy tiếng trống dồn dập giận dữ. Ông chỉ nghe tiếng trống oai hùng khơi dậy hào khí tướng sĩ vang động Giang Thành.
Mùng năm tháng mười năm Canh Tý (1780), Mạc Tông nuốt vàng lá tự vận tại Xiêm La.
---------------------------------------------------------
1- Tên tộc của Mạc Thiên Tích -Tổng binh Đại đô đốc trấn Hà Tiên.
2 - Mạc Cửu - cha của Mạc Thiên Tích - người có công khai lập trấn Hà Tiên được Chúa Nguyễn sắc phong "Trấn Quốc Nghị Võ Công Cửu Lộc Hầu", bảy đời hưởng tập ấm.
3 - Nguyễn Thị Hiếu Túc - chánh thê của Mạc Thiên Tích được Chúa Nguyễn gia phong "Đệ Nhất phu nhân"
4 - Năm 1739, giặc Nặc Bồn theo đường Sài Mạt xâm lấn trấn Hà Tiên. Mạc Thiên Tích đem quân chống lại mấy ngày đêm. Quân Nặc Bồn thua to bỏ chạy về Sài Mạt.