“Chú về gấp. Bà ốm nặng”
Cháu: Võ Đăng Hùng
Cầm bức điện trên tay mà ruột tôi rối như tơ vò. Đêm ấy tôi không ngủ được cứ vào ra hút thuốc chờ nghe tiếng chuông điện thoại, khổ nỗi đường sá xa xôi nơi tận cùng của mảnh đất Tây Nguyên này đâu dễ gì tìm ra một chuyến xe liên tỉnh vào lúc ban đêm. Ông Tiến nói như để giải bày về hoàn cảnh của mình, rồi tịnh không rút gói 3 số ra mời tôi, pha thêm trà vào 2 cốc nước. Rít một hơi thuốc ông nói tiếp:
- Tôi rối là rối thế này (tôi ngồi im lặng nghe ông tiếp tục câu chuyện), tôi nhận điện mẹ tôi ốm nặng thì ngày hôm sau cơ quan tôi có cuộc họp quan trọng mà tôi không thể thiếu mặt. Ngả người ra ghế sa lông, phà khói thuốc vòng vèo lên trần nhà, giọng ông trở nên thủ thỉ: Cái nghề làm quản lý nó khổ thế đó ông ạ! Khi có việc riêng cần kíp cũng không rứt ra được. Nhưng lúc đó tôi chợt nhớ ra chiếc điện thoại tôi lắp cho cụ ở nhà hình như từ lâu nó trở thành vô tác dụng. Không bao giờ cụ gọi điện thoại cho tôi. Chỉ có tôi gọi về cho cụ thôi. Không phải cụ sợ tốn tiền đâu nhé! ở quê cụ cũng thuộc diện khá giả, mà hàng tháng tôi đều gởi tiền về cho cụ thanh toán tiền thuê bao.
- Anh không hỏi cụ xem thử vì sao vậy à! Tôi xen vào.
Khổ nỗi là chỗ ấy, tôi cứ nghĩ lắp điện thoại cho cụ để có gì tiện liên lạc, nói chuyện. Thời buổi hiện đại mà, không giấu gì chú, ra trường mới 7 năm, tuổi tôi bằng tuổi chú bây giờ đã là giám đốc một công ty cao su, tiền vào như nước có thiếu gì đâu.
Ngày ấy ra trường với tấm bằng kỹ sư loại giỏi nhưng không thân thế kiếm việc làm ở đồng bằng đâu phải là dễ, hơn nữa với nhiệt huyết tuổi trẻ ông Tiến quyết định lên Tây Nguyên tìm việc làm. Lúc bấy giờ ở đây tấm bằng của ông là của quý hiếm. Ông được nhận vào làm việc ở một công ty cao su. Lương ba cọc ba đồng, nhưng với năng lực và say mê trong công việc, tính tình lại vui vẻ chất phác, sau 2 năm ông đã leo lên cái ghế trưởng phòng kỹ thuật rồi phó giám đốc, giám đốc công ty. Thời kỳ mở cửa với tư duy nhanh nhạy, ông đã bắt được luồng gió mới của đổi mới, công ty ông phất lên, ăn nên làm ra. Bây giờ trong tay ông có hàng ngàn mẫu cà phê, cao su.
Nhưng cũng từ ngày ngoi lên cái ghế giám đốc, sự bận bịu của công việc, khát vọng công danh đã chiếm hết thời gian vàng ngọc của ông. Những bức thư gửi về cho mẹ thay vì trước đây mỗi tháng 1 lá thư thì nay dăm ba tháng 1 lá. Cứ thế, những lá thư ông Tiến gửi về cho mẹ cứ thưa dần, thưa dần...Tình cảm thể hiện trong mỗi lá thư cũng nhạt dần. Đến một lúc nó chỉ đơn thuần là những thông tin cô đọng nhất như những bức công văn mà cấp dưới của ông trình ông ký trước khi gửi đi. Rồi ông cũng bẵng luôn.
Kinh tế thị trường đã tạo điều kiện cho con người tiếp cận những phương tiện tinh vi của nhân loại. Đời sống khấn khá lên hẳn. Ông Tiến có vợ rồi sinh con đẻ cái. Trong nhà ông không thiếu một thứ gì từ ti vi, tủ lạnh đến xe Dream II. Trước đây với việc công ông đã bận rộn, nay lại thêm lo việc gia đình vợ con, ông càng bận rộn hơn, chẳng còn thời gian để nghĩ đến họ hàng, quê hương.
Một hôm ông Tiến chợt nghĩ ra bàn với cô Thơ-vợ ông, rằng lắp cho bà cụ dưới nhà một máy điện thoại để có gì cụ gọi lên cho tiện. Nghĩ là làm.. Nhân chuyến công tác ông ghé về quê lắp điện thoại cho bà cụ. Bà cụ Huân càm ràm: “Điện thoại làm gì cho tốn kém con, có gì mẹ viết thư lên cho con là được rồi”. Ông Tiến cười tươi rói rồi phất tay nói: “Thời buổi thông tin mà mẹ. Có gì mẹ chỉ cần nhấc máy lên là con biết được rồi. Con cũng tiện khi muốn biết tin tức gia đình quê hương. Tiền nong thì mẹ khỏi lo. Với con chừng đó chẳng đến đâu cả”. Hôm sau ông lắp cho bà cụ Huân một máy điện thoại loại xịn. Hướng dẫn cho cụ cách sử dụng. Bà con chòm xóm xầm xì: “Cụ Huân sướng thật, có con làm giám đốc mở mày mở mặt, về quê lại lắp điện thoại cho gia đình”. Bà cụ tuy có hãnh diện về con trước chòm xóm nhưng xem chừng không ưng ý.
Từ ngày bà cụ có máy điện thoại, Tiến sử dụng hết lợi thế của nó. Dăm bữa, nửa tháng ông lại gọi điện về cho mẹ hỏi thăm sức khoẻ gia đình, họ hàng. Nhưng chỉ đơn thuần là những câu hỏi như phóng viên gọi đến các cơ quan nắm bắt thông tin. Những câu hỏi kiểu như “mẹ và gia đình có khoẻ không? Chú Năm, Bác Ba làm ăn ra sao? Vụ này quê ta có được mùa không?” cứ lặp đi, lặp lại mỗi lần bà cụ nghe điện thoại.
Về phần mình, cụ Huân ít gọi điện thoại cho con mà dăm ba tháng lại viết một lá thư dài 3 trang giấy kể chuyện nhà, chuyện xóm, hỏi thăm sức khoẻ con cháu.
Ông Tiến châm tiếp điếu thuốc nhả khói lên trần nhà ra chiều suy tư, chợt nhớ ra điều gì ông quay lại nói: Chú có biết sau 5 năm (Kể từ ngày tôi lắp điện thoại cho cụ đến lúc cụ qua đời) cụ gọi cho tôi mấy lần không? Hỏi xong ông cười chua chát rồi trả lời tiếp: “Đó là lúc cụ nhắn tôi về gấp vì Bác Ba tôi mất. Kế tiếp là chuyện thằng cu Tý con anh Hai tôi té gãy chân. Rồi chuyện ở quê có lụt lớn. Tổng cộng là 3 lần?” ông Tiến đưa 3 ngón tay lên là nhắc lại: “chỉ có 3 lần thôi”.
Lặng im một lúc, ông Tiến pha thêm nước vào bình và rót đầy 2 cốc. Ngoài trời lất phất những giọt mưa, tiếng một con mang tát nơi xa vọng lại làm tăng thêm vẻ huyền bí của núi rừng.
Ông Tiến tiếp tục câu chuyện. Sáng hôm sau gọi điện thoại về cho gia đình hỏi thăm sức khoẻ của cụ và báo rằng chiều tôi mới có thể về quê được. Nhận điện thoại của tôi, chú Năm lưỡng lự nói: Nhưng mà sợ chị không qua được con ơi. Con gắng về càng sớm càng tốt nhé!
Tôi ngồi họp mà lòng dạ như muối xát kim châm. Vé máy bay văn phòng đã đặt sẵn. Mười một giờ, xong họp là tôi lên đường về quê. Ngồi trên máy bay tôi có linh cảm rằng mình sẽ không kịp gặp mặt cụ trước giờ cụ nhắm mắt. Lạy trời cho điều ấy đừng xảy ra.
Con đê dẫn vào làng, lúc bây giờ đang là mùa hạ, nước đã cạn. Cỏ trên triền đê không còn xanh như độ giêng hai. Tôi lội tắt qua bên tả bờ đê, băng qua cánh đồng để về làng cho nhanh. Bước chân như nhẹ hẫng, những căng thẳng trong cuộc họp ban sáng bỗng tan biến. Mà thật, với tôi bây giờ mọi vật đều vô nghĩa, bước chân càng vội vã thì càng như bị ríu lại.
Tôi bước vào sân nhà, chú Năm tôi lên tiếng: “Tiến hả cháu. Cụ đi rồi”. Tiếng nói của chú tôi chìm xuống. Bỗng đâu đó oà lên những tiếng khóc, tiếng nấc nghẹn ngào. Không. Tôi không tin vào tai mình. Tôi bước vội vào nhà, đến bên giường cụ nằm. Cụ nằm đó đôi mắt vẫn hé mở như chờ đợi, như chất chứa một điều gì chưa nói. Tôi giơ tay vuốt nhẹ mắt cụ. Đôi chân tôi khuỵu xuống. Tôi ôm thi thể cụ gào khóc.
Đôi mắt ông Tiến đỏ hoe, li ti những ngấn lệ. Ông lấy khăn mùi xoa lau mắt. Tôi không ngờ con người vốn rắn rỏi tài ba trên thương trường lại dễ xúc động đến thế.
Một lúc sau ông Tiến lên tiếng: “Hôm sau tôi tìm thấy trên đầu nằm của cụ có một lá thư để lại”. Ông đi lại kệ sách lấy ra một bức thư đã vàng ố đưa tôi và nói: “Nó là gia tài vô giá cụ để lại cho tôi và cũng là bài học vô giá đối với tôi. Mai sau tôi sẽ nói lại với các con tôi”.
Tôi đọc xong bức thư ông Tiến lại tiếp lời: Về cái máy điện thoại anh có biết sao không? Cụ cho người đóng hộp kín khoá lại chỉ chừa lấy ống nghe. Cu Tý con anh Hai tôi trọ trẹ kể lại: Nội không cho ai dùng điện thoại cả. Nội bảo Nội ghét nó cơ mà! Tôi điếng người trước câu nói ngây ngô của cháu tôi. Tôi nuốt hận vào trong và nói với cháu mà như nói với chính mình: “không phải lỗi tại điện thoại đâu cháu ạ mà lỗi tại nơi chú đây”. Cháu tôi tròn xoe mắt ngơ ngác nhìn tôi.
Các bạn biết không, câu chuyện trên đây tôi được nghe ông bạn vong niên lối xóm kể lại. Cái tên Tiến là tôi đã đặt lại cho ông ta trong câu chuyện để đưa lên trang giấy. Tôi cũng xin mạn phép vong hồn người đã khuất và thân nhân của cụ chép lại nguyên văn bức thư mà ông bạn hàng xóm đã cho ghi lại:
“QN, ngày 7 tháng 6 năm 1990
Con yêu quý của mẹ!
Gần đây mẹ thấy trong người không được khoẻ lắm. Mẹ sợ mẹ con ta không được gặp nhau trước lúc lâm chung. âu đó cũng là mệnh trời thôi con ạ! Nhưng trước lúc ra đi, mẹ nhắn lại con đôi điều sợ nhỡ không gặp được con. Cái máy điện thoại con đặt cho, mẹ không bao giờ sử dụng. Không phải mẹ tiếc tiền đâu mà mẹ ghét nó. Con ạ! Máy móc có tân kỳ đến đâu cũng chỉ là phương tiện sử dụng, nó không thay thế được tình cảm con người đâu con. Con hãy nhớ điều này. Mẹ không trách con nhưng mẹ mong con hiểu để sau này đối nhân xử thế.
Thôi mẹ đã mệt, mẹ dừng bút. Mong con và các cháu mạnh khoẻ.”
Bức thư có nét chữ run run của cụ Huân tôi đã đọc đi đọc lại bao nhiêu lần, tôi chợt nhận ra một điều rất đổi đơn sơ mà vô cùng quý giá, nhưng khi rơi vào cơn lốc thị trường có mấy ai nghĩ ra, để đến khi nhận ra thì phải trả giá.