Xong ca mổ, tôi thay quần áo đi ra phòng trực. Một phụ nữ chừng bốn mươi gầy gò, đen đúa, tôi chưa từng gặp bao giờ đang ngồi đợi. Khi gật đầu chào, sự lo sợ in trên gương mặt, người phụ nữ rụt rè, khều tay tôi chỉ về phía khoa Nội I. Tôi đang vội về nên nói ngang :
- Tôi là bác sĩ ngoại khoa, không giúp gì được cho chị đâu.
Người phụ nữ ú ớ chỉ vào miệng, lắt đầu lia lịa, rồi đưa cho tôi một cái bọc ni-long đen nhàu nhĩ. Tôi sợ dơ tay không cầm. Ánh van nài của người phụ nữ khiến tôi không đành lòng. Lấy cái túi để lên bàn tôi cẩn thận mở ra, càng ít tiếp xúc càng tốt. Một cái áo võ phục màu đen viền vàng ở nẹp, một cái quần đáy lá nem lộ ra. Người tôi run lên khi nhìn thấy vòng huy hiệu tròn thêu chữ đỏ.
- Đại ca… Bầu.. ! - Tôi lắp bắp - Chị… Bầu đang ở đâu ?
Nhìn thái độ, người phụ nữ đoán tôi muốn gì nên gật đầu, ra hiệu tôi đi theo. Tôi như trôi theo người đàn bà xa lạ trên đoạn hành lang dẫn sang Nội I. Tay ôm khư khư cái bọc. Chuỗi ký ức tuổi thơ khua loảng xoảng với âm thanh mơ hồ. Nó tuột đi nhanh lắm, chỉ còn vài mắt xích đọng lại bằng hình ảnh. Đậm đặc nhất là Bầu. Một vết thẹo. Một chiếc áo nồng mùi mồ hôi.
Bộ khung xương hình người cồng kềnh, nửa nằm, nửa ngồi mệt mi đang ngủ lịm. Lưỡng quyền như trồi ra khỏi da. Đôi mày lưỡi mác xưa rậm đen giờ nhạt hẳn màu. Tiếng rít khót khét phát ra từ lồng ngực in hẳn vết xương sườn trên mặt vải áo. Tôi chăm chăm nhìn vết thẹo chạy vắt từ đuôi mày xuống gần nửa má trái. Vệt xám đen đó dao động theo từng hơi thở. Người phụ nữ khều tay ra hiệu tôi đưa cái bọc ni-long cho chị ta. Tôi lắc đầu ôm sát cái bọc vào lòng hơn. Tiếng sột soạt từ cái bọc phát ra khiến người nằm trên giường giật mình tỉnh giấc. Đôi mắt lá răm lờ đờ chiếu về hướng tôi, vụt sáng lên.
- Thuận ! Thuận hả ?
Bàn tay to bè, đốt xương nổi cục, đưa về phía tôi. Tôi nắm lấy, áp cả hai tay vào xiết chặt. Nước mắt chảy thành dòng, tôi cười méo xệch:
- Tôi tìm Bầu. Mười mấy năm rồi đó.
Bầu cười làm sáng hẳn khuôn mặt xanh tái. Tôi cười theo. Người đàn bà ngơ ngác nhìn hai đứa cười cười khóc khóc. Chị ta ngơ ngác cũng phải. Cái thời tôi kêu Bầu bằng "đại ca", chị còn ở tít mù đâu đó. Đến khi tôi chia tay Bầu đi theo con đường ba tôi vạch sẵn, chị vẫn chưa hiện diện.
Thời ấy, tôi mười sáu mà vẫn quắt queo. Ba đưa tôi đến lò của võ sư Minh Thành để rèn sức khỏe. Khi tôi vào học, Bầu đã có mặt trước đó năm năm. Đám võ sinh học trước tôi đều kêu Bầu bằng "đại ca". Vì quen biết với ba tôi nên thầy Thành đặc cách cử Bầu huấn luyện riêng cho tôi. Lúc đầu tôi không thích. Người gì đâu tóc tém cao, mắt xếch ngược, tướng tá kịch cợm, trai không ra trai, gái không gái. Bầu nói chuyện cộc lốc, ít cười đùa, khi tập võ cho tôi khó khăn đến từng động tác. Sau buổi tập tôi đau hết cả mình mẩy. Chủ nhật nọ, ba kêu tôi đem bao thuốc lên nhà thầy. Vợ chồng thầy Thành đi đâu vắng. Vào nhà để bao thuốc lên bàn, nghe có tiếng con nít đùa giởn ỏm tỏi phía sàn lảng nước. Bầu đang tắm cho ba đứa con của thầy Thành. Bầu nhìn tôi một cái, chẳng nói năng gì. Bàn tay ô dề kia lại khéo léo lau khô, mặc quần áo cho đám nhỏ. Gương mặt của Bầu giản ra, hiền dịu như "bà chị" thật sự. Thật không giống chút nào với Bầu trong bộ võ phục đen sì trên sân tập. Xong việc, Bầu quay sang tôi cộc lốc:
- Coi chừng tụi nó ! Tui ra chợ.
Không cần coi tôi có đồng ý không, Bầu leo lên chiếc xe đạp cà tàng của thầy Thành đi thẳng. Bầu lại hiện nguyên hình là Bầu. Vợ chồng thầy về tới. Tôi hỏi thầy Bầu làm gì ở chợ. Thầy Thành nói đi vác đồ mướn. Bầu mồ côi cha mẹ từ năm tám tuổi, sống nhờ bên chái nhà của tiệm tạp hóa, ai mướn gì làm nấy sống qua ngày. Lúc mới xuống Rạch Giá, thầy tình cờ gặp Bầu đang bị đám lưu manh xúm lại đánh. Mặt mũi, chân tay Bầu sưng từng cục bự. Thầy ra tay can thiệp, đuổi bọn kia đi. Thầy chở Bầu về nhà, xoa rượu thuốc cho. Bầu mím chặt môi không hề kêu rên một tiếng. Thương quá thầy kêu Bầu tối đến chỗ thầy học võ để phòng thân. Từ đó Bầu trở thành thành viên trong gia đình thầy. Ngày làm mướn kiếm cơm, tối tập võ xong ở lại chờ thầy dạy học chữ, rồi trở về mái chái ngủ một giấc đến sáng. Về nhà đầu óc tôi cứ vởn vơ chuyện một đứa con gái mười mấy tuổi đầu đã trôi nổi như một dề lục bình, tấp đâu cũng sống được. Tự nhiên tôi mủi lòng thương Bầu. Quyết tâm làm bạn thân của Bầu thật không dễ chút nào. Tôi càng tỏ ra thân thiện, Bầu càng dè dặt né tránh. Đến khi tôi gần bỏ cuộc thì Bầu như nhận ra tôi thật tình và vô hại nên bắt đầu chịu chơi với tôi. Hai đứa tôi trở thành một cặp đi đâu cũng có nhau. Tôi thay thầy sau giờ tập võ dạy cho Bầu học chữ. Phải công nhận là Bầu rất tối dạ, dạy đi dạy lại mãi, đến phát khóc lên Bầu mới thuộc được một bài. Một tối nọ, tôi ngồi ở quán nước đầu đường chờ Bầu. Đức "đầu bò" cùng mấy thằng trong lò võ vốn không ưa Bầu ngồi ở bàn bên kia. Thấy tôi ngồi một mình, Đức "đầu bò" xán lại, kéo ghế ngồi sát. Tôi nhích ghế ngồi xa ra. Bản mặt câng câng của nó rề sát lại gần tôi :
- Thuận đẹp như công chúa, sao lại theo con Bầu hoài vậy ? Nó bê-đê đó.
- Bê-đê là gì ? - Tôi thật thà.
Cả đám cười rộ lên. Mặt tôi nóng bừng vừa tức và mắc cở. Đức "đầu bò" xích lại gần hơn, nhăn nhở :
- Xích lại gần, anh nói cho nghe ! Bê-đê là bóng đực, bán nam bán nữ đó.
Cả đám lại rần lên. Tôi đứng phắt dậy. Cái tát tức giận của tôi giáng thẳng vào cái mặt đang cười đắc chí. Đức "đầu bò" chỉ cần gạt nhẹ đã túm gọn tay tôi, xiết mạnh. Tay kia nó túm cổ áo, gần như nhấc bổng tôi lên. "Bốp !", một cú đấm móc trúng ngay cạnh hàm khiến Đức "đầu bò" buông tôi, bụm lấy cằm. Bầu đứng chắn ngang tôi, lừ lừ gằn từng tiếng:
- Không được đụng đến nó. Tao cấm !
Đức "đầu bò" vớ vỏ chai nước ngọt, đập bốp vào cạnh bàn. Nó cầm cái chai gãy cổ tua tủa miểng nhọn tấn công Bầu. Tất cả đứng hết cả dậy. Bầu gạt nhẹ tôi sang bên, thản nhiên chờ. Cái vỏ chai bể trên tay Đức "đầu bò" nhá lên. Tôi kêu rú kinh hoàng. Đức "đầu bò" ực lên, ngục xuống, cổ tay trái chảy máu đầm đìa. Cái vỏ chai văng lông lốc trên nền. Trên mặt Bầu có một vết rách dài chạy từ đuôi mày xuống đến nửa gò má. Một tay Bầu vịn vết thương cho máu đừng chảy, tay kia chỉ vào Đức "đầu bò":
- Nhìn nó đó ! Đứa nào còn chọc đến con Thuận, tao cho ăn đòn.
Và từ đó Bầu mang một vết thẹo không lầm với ai được.
Những năm đó đấu võ đài là môn thể thao được ưa chuộng. Thầy Thành thường dẫn đám võ sinh đi tham dự nhiều nơi. Kỳ nào cũng có Bầu, có kỳ đánh tới hai, ba trận. Lúc đầu thì đánh với nữ, sau thì đánh với nam, càng thượng đài nhiều Bầu càng "lì đòn", cộc tính hơn. Tóc húi cua cao sát ót, bắp thịt nổi vồng dữ dằn hơn cả đám nam sinh. Tôi không thích, mỗi khi xoa thuốc rượu vào những chỗ bầm trên người Bầu. Nước mắt vòng vo, tôi khóc :
- Đánh đấm gì, tiền không đủ uống thuốc. Mai mốt bịnh hậu cho coi.
- Đánh đài dễ kiếm tiền hơn. Có tay công chúa bóp thuốc là hết đau liền.
Bầu cười, đưa tay quẹt nước mắt cho tôi. Mỗi lần tôi khóc Bầu lúng túng, khổ sở hơn cả khi bị người ta đánh cho rớt khỏi đài.
Tốt nghiệp mười hai xong, ba bắt tôi phải ở nhà để thầy giáo luyện thi vào Đại Học. Biết tôi không được gặp Bầu sẽ rất buồn, ba cho phép tối thứ bảy được đi chơi với Bầu một lúc. Bầu không bao giờ nói nhưng tôi biết Bầu nhớ tôi lắm. Dù đánh đài ở xa mấy tối thứ bảy Bầu vẫn tìm mọi cách để về đón tôi đi chơi. Tuần sau phải lên Sài Gòn thi, nài nỉ mãi ba mới đồng ý cho tôi đi xem Bầu đấu đài ở Minh Lương. Nơi tổ chức võ đài cách nhà hơn chục cây số. Đêm đó Bầu đánh thắng luôn hai trận. Tan cuộc đã quá mười giờ đêm hai đứa túc tắc đạp xe về. Vừa qua khỏi thị trấn, xe cán đinh xì hết hơi. Giữa đường khuya không có chỗ vá hai đứa đành chui vào chòi vịt bỏ hoang bên lề đường ngủ tạm. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa từng ngủ ở đâu ngoài nhà của mình. Cái chòi trống hoác ba bên. Xung quanh cây cối lờ nhờ dưới ánh trăng mười chín ma ma quái quái. Tôi rùng mình mỗi lần gió lùa vào chòi. Bầu ôm tôi vỗ về mãi. Thấy tôi co ro, Bầu lấy cái áo võ còn ướt mồ khoác lên lưng tôi. Tôi nhăn mũi kêu lên vì mùi chua mốc xộc vào mũi không chịu nổi. Bầu ấp úng :
- Ráng chịu cho đỡ lạnh, mai lãnh tiền đấu đài sẽ may áo võ mới.
Tôi phì cười, làm sao có lại một lần như đêm nầy để được đắp áo mới của Bầu. Bầu dựa lưng vào vách, dựng một chân để tôi gác đầu ngủ. Bầu đan tay vào tay tôi để tôi đỡ sợ và một phần cũng vì Bầu thích đôi tay ngòi viết nuột nà, mười móng trắng hồng để dài trau chuốt.
Bầu kéo tay tôi áp vào má mình, cười:
- Tay công chúa đẹp lắm !
- Mai mốt tôi học làm bác sĩ, lấy bàn tay nầy mổ Bầu cho coi.
Tôi trêu. Bầu không nói gì, đỡ đầu tôi cao hơn chút nữa. Tôi tựa má vào ngực Bầu. Khuôn ngực của một thiếu nữ thật rắn, thật ấm. Tôi thiếp đi với một giấc mơ dễ chịu.
Thi đại học y xong, tôi được tuyển thẳng đi tu nghiệp ở Liên Xô. Tận bảy năm sau mới được quay trở về nhà. Bầu đã đi đâu không ai biết.
Y tá trực mang thuốc đến. Tôi đưa tiền ra hiệu cho người phụ nữ kia đi mua gì cho Bầu ăn. Chị ta lắc đầu không nhận, cầm cặp lồng đi ngay. Thấy tôi có vẻ không vui, Bầu vỗ vỗ lên tay tôi :
- Tính Liễu vậy mà. Không có gì đâu.
Tôi cười cho Bầu yên tâm. Bầu nhếch cười, khẻ lắc cái đầu rối bù, kể. Thuận đi rồi, năm sau thầy Thành chết. Người ta nói thầy chết vì "bịnh hậu", vết tích của những trận đấu võ đài thời trai trẻ. Trước khi chết thầy ói máu đen kịt và phải chịu đựng nhiều trận đau đến oằn cả người. Ba Thuận kêu về phụ việc ở tiệm thuốc, Bầu từ chối, vẫn tiếp tục sống ở mái chái chờ Thuận về. Ngày làm mướn, tối về dưới ánh đèn đường heo hắt Bầu giở tập sách học cũ lẫm nhẩm để khỏi quên chữ. Mấy ông võ sư tỉnh khác tiếng tăm của Bầu khi đến Rạch Giá tổ chức võ đài thường tìm đến mời Bầu đi đấu. Bầu cứ sống như vậy và đợi.
Xéo bên đường chợ có một cô gái câm được bà Chín Quắm lượm về nuôi từ nhỏ. Cô câm vừa là con ở, vừa là chỗ kiếm tiền cho gia đình bà bằng đôi thùng nước gánh mướn quằn trên vai. Mỗi ngày gánh vài chục đôi cho các sạp trong chợ, cô câm không sao lớn nổi dưới sức nặng của đôi thùng nước. Chiều chợ tan, được bao nhiều tiền đưa hết cho bà Chín để đổi lại hai bữa cơm nhà bà ăn dư và một chỗ ngủ tối tăm dưới chân cầu thang. Đám con bà Chín lúc nào cũng sẵn sàng kiếm cớ để đánh chửi cô câm. Cô câm nhẫn nại ghì tay lên đòn gánh, bám chặt bàn chân trần trên mặt đường chợ nhớp nhúa, im lặng chịu đựng những cái tát, ngắt, nhéo, mưa cán chổi vãi lên người. Cho đến một ngày Bầu đến đặt trước mặt bà Chín gói tiền hai triệu đồng đủ để mua một miếng đất bên kia sông. Bà Chín mắt dán chặt, thè lưỡi chấm nước miếng cẩn thận đếm từng tờ. Tay miết trên giấy bạc, miệng bà Chín xoe xoé:
- Mày đổi lấy con câm làm gì ? Có làm vợ được đâu ?
- Làm vợ. Mắc mớ gì bà ? - Bầu cộc lốc. Với tay giúp cô câm gói mấy bộ quần áo không còn màu sắc gì vào cái khăn rằn tắm - Bầu nắm tay cô câm dắt ra cửa, quay lại - Chỉ có bao nhiêu đó. Sòng phẳng rồi, muốn gì nữa?
Bà Chín không dám hó hé nửa lời. Ở chợ nầy ai không biết tiếng đại ca Bầu. Xong chuyện rồi còn ọ ẹ là dễ bị ăn đấm lắm.
Dẫn cô câm về cùng ở chung trong mái chái, Bầu đặt cho cô cái tên mới "Liễu". Tuy không hiểu nhưng mỗi lần miệng Bầu mấp máy từ đó, cô câm tỏ vẻ vui ra mặt. Liễu không gánh nước nữa, ở "nhà" cơm nước. Bầu làm nhiều việc hơn để cả hai có đủ cơm ăn, áo mặc. Sống như vậy được hai năm, không chịu nổi tiếng xầm xì của kẻ chợ, Bầu dắt Liễu bỏ mái chái theo gánh mãi võ Sơn Đông của võ sư Phi Long sống lang bạt. Đến chỗ nào tổ chức đấu võ đài được thì đấu, không được thì tìm chỗ đông người biểu diễn công phu bán cao đơn, hoàn tán, rượu thuốc kiếm cơm. Trong khi người rao bán thuốc lanh lảnh quảng cáo, Bầu lặng lẽ dùng cùi chỏ đánh bể trái dừa khô đã lột vỏ, chặt cạnh bàn tay lên ba viên gạch thẻ chất thành chồng hay dùng lực bẻ cong thanh sắt tám li để mua vui cho khách. Võ sư Phi Long chỉ cho Bầu mánh lới bôi ê-te lên cạnh bàn tay, cùi chỏ để khi đánh đỡ đau. Vài lần đầu Liễu xoa thuốc rượu lên chỗ sưng mà nước mắt rớt từng giọt. Bầu ôm đầu cô vỗ vỗ, rồi cười, lắc đầu ra hiệu không sao. Sau dần cùi chỏi và cạnh bàn tay chai dày lên không cần bôi ê-te nữa. Gánh Phi Long rã đám. Bầu dắt Liễu qua gánh xổ số lô tô lậu của Dũng "gà" kiếm sống. Hết đoàn nầy, đến gánh khác. Hầu như phố chợ, vùng biên, nơi hẻo lánh nào trong mười hai tỉnh miễn có người là có dấu chân của Bầu và Liễu. Dù ở đâu, làm gì Liễu vẫn quấn lấy Bầu như cái bóng. Bầu chăm chút cho Liễu từng xô nước tắm, đến cái áo đứt nút. Trừ Liễu ra, trong mắt người xung quanh, hai người là đôi vợ chồng keo sơn hiếm có.
Cách đây nửa tháng, cơ thể Bầu không chịu đựng được nữa. Máu trào ra khỏi miệng từng bụm đen kịt như thầy Thành. Bầu ngục xuống bởi từng cơn đau đứt ruột nối tiếp nhau. Mấy người trong gánh góp được ít tiền, đưa cho Liễu để lo cho Bầu lúc nằm bệnh viện. Họ lại lên đường trôi nổi vì cuộc mưu sinh. Ngày hôm qua, Bầu thấy tôi đi ngang phòng bệnh. Bầu chỉ tôi, đưa bô võ phục ra hiệu cho Liễu đi theo trao cho tôi.
Liễu mang cặp lồng cháo về. Tôi đút cháo cho Bầu. Liễu đứng sau lưng im lặng nhìn. Ăn uống xong, lúc sau Bầu thấm thuốc ngủ êm.
Đầu giờ làm việc chiều, tôi đi gặp trưởng khoa Nội I. Ông cho tôi biết Bầu đã bị xuất huyết dạ dày nặng, cơ thể quá suy nhược, nguy hiểm nhất là khối u ác tính nằm chèn lên động mạch phổi sẵn sàng vỡ bất cứ lúc nào. Thấy tôi nước mắt lưng tròng, ông ta thương tình đưa ra hạ sách: bồi dưỡng tối đa để cắt bỏ khối u với tỉ lệ chưa đến một phần trăm thành công. Tôi thất thểu trở lại chỗ Bầu nằm. Bầu đã thức. Liễu nhường ghế cho tôi ngồi xuống. Tôi ngồi xuống, nắm tay Bầu cố gắng nở một nụ cười lạc quan để đủ dũng khí hỏi Bầu có đồng ý giải phẩu không. Tôi cười chưa tròn miệng đã bật khóc. Người cười tươi lại là Bầu. Cầm tay tôi áp vào má mình, đặt lên đôi môi khô ráp, cười :
- Tay công chúa vẫn mềm, vẫn đẹp. Móng tay dài đâu hết rồi ?
- Bác sĩ không được để móng tay dài. - Tôi cố ghìm cho tiếng khóc để không ảnh hưởng đến người khác.
- Uổng quá ! - Bầu nheo nheo đôi mắt lá răm - Mặc áo bác sĩ hợp hơn áo võ. Chừng nào công chúa mổ thịt tui đây ? Mà thôi, đừng mổ. Đau nhau lắm. Thầy đã nói với tui sanh nghề tử nghiệp. Có gì đâu mà khóc. - Bầu với tay lau giọt nước mắt lăn tròn trên má tôi. - Gặp lại được công chúa chết thì chết. Bất quá giống thầy thôi.
Tôi thút thít. Liễu đứng phía sau như hiểu được tất cả. Đôi mắt buồn thăm thẳm không có nước đau hút đến tận cùng. Bầu nhìn Liễu. Nhìn tôi. Thở dài nhìn lên trần nhà.
- Bầu muốn nói gì ?
- Chỉ còn Liễu.
- Tôi lo cho Liễu. Bác sĩ trưởng khoa nói nếu mổ có một...
Bầu đưa tay bịt ngang miệng tôi :
- Để làm gì. Lo cho Liễu hé ? - Tôi gật đầu. Bầu cười rạng rỡ - Cám ơn! - Cụm từ chưa bao giờ xuất hiện trong vốn từ vựng của Bầu.
Ba đứa tôi, Liễu đứng, tôi ngồi, Bầu nằm im.
Sáng hôm sau Bầu ra đi nhẹ nhàng như đang chìm vào một giấc ngủ say.
Tôi thiêu xác Bầu, đem bình đựng tro cốt về nhà để nơi bàn làm việc. Chồng tôi vui vẻ đón nhận Liễu như một người chị của tôi. Anh sốt sắng dọn cái phòng nhỏ ở lầu trái cho Liễu. Liễu ở suốt ngày trong phòng. Sáng ra thấy Liễu đã nằm co ôm cái bộ đựng bộ võ phục của Bầu ngủ ngon lành dưới hốc chân cầu thang. Tôi lo ngay ngáy. Liễu như cái bóng ngẩn ngơ lang thang trong nhà tôi, không thân thiện với bất cứ ai. Chồng tôi kêu cứ để mặc Liễu sống theo cách của mình, thời gian sau sẽ quen với nếp mới thôi.
Chiều nay tôi mua đồ về làm mâm cơm cúng giỗ bảy ngày của Bầu. Về đến nhà, chị giúp việc hớt hải báo Liễu đi đâu mất, kiếm suốt từ trưa tới giờ không được. Tôi bỏ đại túi thức ăn xuống sàn chạy vào phòng làm việc. Bình đựng tro cốt của Bầu mất tiêu. Lên phòng, đồ đạc của Liễu vẫn còn nguyên chỉ mất cái bọc ni-long đựng bộ võ phục. Nước mắt ứa ra, tôi ngẩn mặt lên trời:
- Xin lỗi đại ca !