(Tiếp theo Cuộc đời trên lưng núi)
Ba ngày liền, thời tiết oi nồng. Ruồi vàng, bọ chó, ve sầu quay mòng mòng dưới những tán lá âm u. Đám thợ rừng trẻ im lìm đi theo chân Ngài qua gành đá cheo leo. Dưới chân họ, sương mù tổ mối đùn lên từng chặp. Sương ban ngày, giữa hạ, chỉ có ở thung lũng dã nhân.
Ngài dẫn đầu, đi chậm đều hình chữ chi, mắt lim dim mộng du. Những cơn mộng như vậy thường đến với Ngài trong những buổi trưa đi rừng. Hai bên gành, đầy những con sói mõm đã hóa đá thập thò trong những bụi ngũ gia bì gai góc. Một con cọp mù nghe hơi người vồ một cú cực nhanh nhưng động tác né mình của Ngài còn nhanh hơn một trăm bảy mươi bảy lần.
Đám thợ trẻ đi sau, thấy Ngài hụp xuống, trồi lên, né qua né lại liên tục trong khi miệng vẫn ngậm điếu thuốc lá nhả khói đều đều. Đứng trưa, họ rớt xuống một đầm lầy chằng chịt những bụi mây trâu đan xen những giàn giang lâu đời dài vô tận không biết đâu là ngọn đâu là gốc. Mùi lá mục hóa sình tanh tưởi khuyến dụ ruồi vàng bay nhặng xị. Một đàn bướm xanh kết thành tấm thảm, nghe tiếng động vụt bay chấp chới.
Thung lũng dã nhân! – Ngài lẩm bẩm trong khi chưa dứt cơn mộng du ban ngày. Trong cơn mộng lạ lùng đó, Ngài vẫn nhận biết thế giới xung quanh một cách tỉnh táo bình thường nhưng kỳ dị nhất là thế giới đó được bổ sung bằng vô số thú dữ chỉ có một mình Ngài nhìn thấy. Những con thú trong vùng đầm lầy thung lũng dã nhân, vì một lời nguyền cách thời điểm đoàn người đi tìm gỗ quí của Ngài tới hai trăm ba mươi bảy năm đã bị dị dạng làm mất gần như hoàn toàn sức mạnh của loài thú dữ. Đàn sói đỏ mõm hóa đá, đàn cọp mù, beo gấm mọc răng bằng gỗ, gấu có móng vuốt bằng thịt… chậm chạp di chuyển như những oan hồn của rừng xanh núi đỏ.
Ngài nằm dài trên giàn giang bềnh bồng trong sương mù đặc quánh. Một con sóc nâu trèo từ chân lên đến đỉnh đầu Ngài, thè chiếc lưỡi đỏ chót liếm sương mù trên tóc. Nó cất tiếng kêu chậc chậc làm đám thợ rừng trẻ đang nấu cơm bằng những ống giang khổng lồ giật mình. Quá trưa, Ngài bừng tỉnh dậy kêu đói và hối thúc đám thợ trẻ ăn cơm. Bữa cơm trưa có ốc đá nấu canh cọng tầm phục, ếch gai kho lá bứa và môn dắp nướng xua ngay cái tật háu đói bẩm sinh của Ngài.
Buổi chiều thung lũng dã nhân im lìm. Lâu lâu, trên sườn núi xa vọng xuống một tiếng hú dài rùng rợn. Ba ngày leo rừng triền miên, bỏ lại sau lưng mười tám thung lũng, ba mươi sáu ngọn núi lớn nhỏ, mười bảy khe nước và ghềnh đá miệt mài đã làm đoàn người kiệt sức. Ngài quyết định hạ trại ở thung lũng dã nhân nghỉ ngơi sau khi ngài bắt đám thợ chặt những ống giang to rồi đút tay mình vào đó.
Như các bạn đã biết, vì một lời nguyền, nanh vuốt của loài thú dữ trong vùng đầm lấy nhiệt đới giữa khu rừng già này đã bị vô hiệu. Mảnh đất đó trở thành lãnh địa của những con dã nhân khổng lồ cao gấp đôi con người, biết đi bằng hai chân lừng lững. Cách săn mồi của loài thú này hết sức kỳ lạ. Bằng bước nhảy gấp đôi loài hổ, những con dã nhân vồ mồi một cách đơn giản. Nó không cần biết con mồi của nó là gì. Đôi bàn tay như gọng kiềm sắt nắm chặt lấy hay tay hoặc hai chân con mồi. Đó là thời điểm khủng khiếp nhất. Có mồi trong tay, ngay lập tức con dã nhân nhắm mắt, cười sằng sặc. Tiếng cười nó kéo dài, mỗi lúc mỗi to mặc cho nạn nhân vùng vẫy. Thường thì con mồi vỡ tim chết ngay lập tức, không cần đến tràng cười rùng rợn kéo dài cả một ngày. Khi nó mở mắt ra, con mồi ngã bịch, lạnh tanh bởi quả tim vụn vỡ.
Dã nhân sống cô độc trọn đời. Mỗi năm, mùa hè, con đực và con cái tìm gặp nhau chỉ chừng mười ngày. Trong khoảng thời gian đó, trên lãnh địa dã nhân không một con thú mô dám xuất hiện. Chúng ân ái triền miên mười ngày với những tràng cười sằng sặc.
Năm xưa, đoàn người đi lượm trái ươi bay của Ngài đã từng bỏ mạng lại thung lũng dã nhân này. Đó là thằng bé nhỏ tuổi nhất, con của ông Sáu Bé ở làng Ngài. Ngay trong buổi chiều đầu tiên đi lượm ươi bay tản mát, đứa trẻ thất lạc. Ngài cất tiếng hù dài, báo động cho cả đoàn tập trung đi tìm kiếm đứa bé. Những ngọn đuốc bằng nhựa cây dầu rái đốt luôn đêm, soi sáng cả một cánh rừng nhưng không cách nào thấy một dấu vết gì. Trong vùng đầm lầy của thung lũng dã nhân, có một khu vực cực kỳ bí hiểm. Chỉ rộng bằng khoảng cái sân đá bóng thôi nhưng bất cứ ai rơi vào đó đều không bao giờ quay lại. Lá rừng lâu niên biến thành sình lút đầu người công với những bụi lau bà lông cứng như cây kim sắt luôn làm mất phương hướng đối với cả những bộ óc tỉnh táo như Ngài. Lần nào tới đây, ngài cũng dặn dò kỹ từng người cách thức nhận biết khu vực mê lộ làm đầu óc lú lẫn qua các loại cây rừng. Chỉ cần phát hiện một cây rau đá màu xanh ngọc, lập tức phải quay lui. Ngài dạy cho họ rời xa khu vực nguy hiểm bằng cách nối những đoạn dây mấu lại buộc vào thân cân rồi lần theo đó trở ra. Ngài còn dạy cho họ cách đối phó với loài dã nhân khổng lồ. Chỉ có một cách duy nhất là đút hai cánh tay vào ống giang. Khi gặp dã nhân, vừa lúc nó còn mở mắt nhe hàm răng trắn nhỡn ra, lập tức đưa hai cánh tay cho nó. Khi nó tóm được cánh tay, cất tràng cười sằng sặc thì phải bình tĩnh đứng chịu trận cho tới khi nó say mồi, nhắm mắt hả hê. Lúc đó, cứ nhẹ nhàng rút tay ra khỏi hai ông giang để chạy trốn. Với hai ông giang trên tay, con dã nhân có thể cười đến nửa đêm mới bừng tỉnh.
Ký ức đau buồn về thằng nhỏ con ông Sáu Bé còn ám ảnh Ngài cho tới hết cuộc đời đi rừng và nó lại có dịp bùng lên mỗi khi Ngài đi qua thung lũng dã nhân.
Nửa đêm năm xưa, trong mùi đuốc dầu rái thơm lừng dễ chịu, đoàn người rũ rượi ngủ ngồi ngay dưới gốc cây. Trong cơn mộng du, Ngài đã tận mắt nhìn thấy con dã nhân khổng lồ biết đi bằng hai chân đứng đưa hai bàn tay sắt nắm chặt thằng nhỏ lên cười sằng sặc. Tiếng cười trong đêm thê thiết không tả hết. Khuôn mặt thằng bé méo hẳn đi vì nỗi sợ hãi. Tim nó đã vỡ vụn trước những tràng cười kinh dị.
Tỉnh giấc mộng, ngài lay mọi người dậy, khuyên nhủ họ chấm dứt cuộc kiếm tìm bởi loài dã nhân đã đưa thằng nhỏ chết điếng vào khu vực rừng có những cây rau đá màu xanh ngọc.