Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.268
123.156.295
 
40 năm ấy …
Nguyễn Khắc Phê

(Tưởng nhớ bạn Trần Nhật Thu)

                                                                                            

Từ ngày ấy, vậy mà đã tròn 40 năm qua!

Đó là những ngày dải đất hẹp Quảng Bình không ngớt tiếng bom Mỹ, tôi và Trần Nhật Thu không hẹn mà cùng có những bước chập chững đầu tiên vào làng văn. Trần Nhật Thu, với một số bài thơ viết trong thời gian tham gia đội TNXP của Thị đội Đồng Hới, đã được nhà thơ Xuân Hoàng mời vào công tác tại Hội Văn nghệ Quảng Bình; còn tôi tuy đang là cán bộ ngành giao thông, nhưng đã in được cuốn sách đầu tay - tập ký sự “Vì sự sống con đường”. Nhờ đó, tháng 9/1968, cả hai đứa “khăn gói” cùng vượt sông Gianh ra dự lớp học “Bồi dưỡng những người viết văn trẻ” khóa 3 của Hội Nhà văn Việt Nam (1968-1969). Hà Nội đang sơ tán, tôi và Thu lại được ở cùng một nhà dân ở làng Hương Canh (Vĩnh Phúc). Thu thuộc nhóm học viên trẻ nhất lớp, thân hình nhỏ nhắn mảnh dẻ, tính tình, giọng  nói dịu nhẹ như con gái, chùm thơ “tốt nghiệp” khóa học của anh (về sau được giải B cuộc thi thơ 1988-1989 của báo “Văn nghệ”) tuy viết về cuộc chiến đấu khốc liệt nóng bỏng tại Quảng Bình nhưng vẫn tràn đầy “bóng mát” của tình người:

 

“Một bức tường vỡ đôi / Mùa xuân đã lên xanh dây bầu dây bí / Từng vòi hoa níu chặt vôi tường…/ Bóng mát bức tường ùa xuống chỗ con chơi / Bàn tay chồng còn in trên nền vôi…/ Đêm nay trong lửa chớp sáng trời / Chị đập nốt bức tường lát cho con đường ra trận.” (Trích “Một bức tường vỡ đôi”) Trong chùm được giải thưởng còn bài “Em sẽ gọi tên ai đầu tiên”: “Thân mẹ thành chiếc hầm thứ hai che chở cho em / Và đêm ấy mẹ không về nữa…/ Cuộc họp đêm nay chỉ bàn đến việc nuôi em / Có người chưa làm mẹ đã thành mẹ / Những bàn tay vụng về đẩy tao nôi nhè nhẹ / Ru em trong bài ca của sóng …”

 

Có lẽ vì thế mà nhà thơ Chế Lan Viên khi nhận xét về thơ Trần Nhật Thu đã viết: “…Ở Trần Nhật Thu đó là sự êm dịu, hiền hòa. Và ai bảo với phong cách đó, anh không nói được những điều dữ dội về chiến tranh!”

 

Cùng trong mái nhà ở làng Hương Canh, trong khi Thu viết “Một bức tường vỡ đôi” thì tôi khởi thảo tiểu thuyết “Đường qua làng Hạ”, cũng là câu chuyện người dân đã đập nhà của mình lát đường cho xe ra trận. Chẳng phải chúng tôi “cóp” bài nhau mà vì trước đó, tôi đã đưa Thu ra xem công trình ngầm Lý Hòa, cả hai đứa đã cùng rơi nước mắt trước cảnh những người dân ở đây đã hy sinh cả ngôi làng xinh đẹp bên sông vì cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc.

 

Mấy năm sau, đến lượt nhà thơ Xuân Hoàng, nhà văn Trần Công Tấn và Thu sang ngành giao thông “rủ rê” tôi về Hội Văn nghệ Quảng Bình. Chúng tôi cùng góp sức xây dựng Hội, giúp đỡ những cây bút mới, xuất bản đều đặn tập san “Văn nghệ Quảng Bình” - Thu biên tập thơ, tôi lo phần văn xuôi. Vùng đồi Phú Vinh - Mỹ Cương, nơi Hội Văn nghệ sơ tán đã ghi dấu biết bao kỷ niệm của Thu và bạn bè. Sau này, mỗi khi gặp lại anh Trần Công Tấn, anh vẫn thường kể những câu chuyện vui về Thu khiến cả bọn cười đến chảy nước mắt…

 

Từ ngày Thu chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi ít có dịp gặp nhau nhưng vẫn dõi theo công việc và những trang viết của nhau. Trong khi phải lo việc biên tập ở báo “Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh” và cuộc mưu sinh không dễ dàng chút nào nơi “đất chật người đông”, mười mấy tập sách đã xuất bản chứng tỏ niềm đam mê và sức lao động bền bỉ của Thu đối với sự nghiệp văn học. Tôi được biết Thu còn cộng tác, giúp đỡ tích cực và có hiệu quả cho NXB Thuận Hóa một thời gian dài, giúp trình bày bìa sách cho rất nhiều bạn bè, tham gia làm báo “Sức khỏe & Đời sống”…

 

Trong cuộc đời riêng-chung, ai chẳng có những nỗi buồn vui, những bước thăng trầm.  Còn nhớ một lần gặp Thu mấy năm trước - khi đó Thu đang có nỗi buồn riêng và hình như bệnh thấp khớp cùng bệnh “gút” đã hành hạ Thu khá nhiều, đến mức Thu nói với tôi: “Chắc là mình gặp Phê lần cuối cùng đây. Mình sắp chết rồi!...” Vậy mà đến kỳ Đại hội Nhà văn, lại thấy Thu ra họp, dù chân phải đi cà nhắc; và năm 2006, Thu còn công bố tiếp một tác phẩm mới: “Nằm trên đá ngủ dưới hoa”

 

Bây giờ thì người bạn thơ thân hình nhỏ nhắn và như yếu mềm ấy đã không cưỡng được số mệnh, mặc cho tình yêu cuộc sống và nghị lực vẫn cháy sáng cho đến phút cuối. Tưởng nhớ bạn, tôi bỗng nghĩ đến bài thơ Thu viết về cây “chạc chìu” mọc trên những vùng đồi khô cằn ở Quảng Bình, từ lá đến dây đều thô ráp nhưng những nụ hoa trắng khiêm tốn “chắt chiu đưa hương dịu ngọt” mỗi chiều làm ta ngỡ ngàng; nên Thu đã gọi đó là “hoa chắt chiu”: “…Hoa như em chắt chiu niềm tin / …Hoa như em chắt chiu tình yêu…” 

 

Thu ơi! Dù ở phương trời nào, chúng ta hãy cùng “giữ lấy những gì mà ta yêu quý” - như câu hát của Hoàng Vân mà Thu đã mượn làm lời kết cho bài viết mở đầu một cuốn sách của mình…

 

Ảnh Trần Nhật Thu

Trường An-Huế ngày 2/11/2008-Bản của tác giả gửi

Nguyễn Khắc Phê
Số lần đọc: 3197
Ngày đăng: 05.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tấm lòng của Nhất Đại Thi Ông - Lê Ngọc Trác
Thử nhận diện: Chân Dung Nhà Văn - 02 - Lê Xuân Quang
Nhớ về người cha là thi sĩ - Lâm Bích Thủy
Thử nhận diện . Chân Dung Nhà Văn 85 - Lê Xuân Quang
Người đàn bà viết văn để trả nợ áo cơm - PHƯƠNG TRÀ
Phan Thanh Giản đã được giải oan sau 150 năm - Ngô Minh
Nhớ một gã giang hồ từ tâm - Trọng Thịnh
Những đóng góp về thiên văn và toán học của thượng thư Nguyễn Hữu Thận - Nguyễn Hùng
Vàng Lạnh Câu Thơ - Nguyễn Lệ Uyên
Vũ Hữu Định, người lang thang với thơ trên đôi dép cỏ. - Nguyễn Lệ Uyên
Cùng một tác giả
40 năm ấy … (chân dung)