Tính đến ngày hôm nay, Nguyễn làm nghề “sửa khóa, làm chìa” đã hơn hai mươi năm. Nhiều lúc ngồi mà nghĩ lại, Nguyễn đều cảm thấy có cái gì vừa lạ lùng, vừa buồn cười. Chính anh cũng không thể hiểu hết được sự đổi thay kỳ quặc của cuộc đời mình: Khổ công mười bảy năm đèn sách, đầu tư biết bao sức lực và tiền bạc, chỉ nuôi sống anh có năm năm trong lúc chỉ học vài ngày…
Nguyễn tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Saigon khoa Anh Văn năm 1970- ra trường, được bổ về dạy tại một trường Trung học ở thị xã miền duyên hải. Căn nhà nhỏ anh thuê trong khu vườn của một gia đình chỉ còn đôi vợ chồng già ; không bao giờ có khóa. Người chủ đã cẩn thận làm cho anh hai cái khuy khóa chắc chắn, nhưng thay vì móc khóa , anh chỉ dùng sợi dây nhựa cột lại mỗi lúc đi dạy, hay có việc cần ra khỏi nhà… Bạn bè anh ở xa có dịp tìm đến thăm, anh đi vắng- tự nhiên mở dây, đẩy cửa vào, có thể nằm ngủ một giấc chờ anh về… Anh không hề để ý tới ổ khóa là gì, đời anh không cần tới ổ khóa- anh nghĩ vậy.
Ba năm sau anh lập gia đình với một cô giáo vừa tốt nghiệp từ trường Sư phạm Qui Nhơn, họ đã yêu nhau từ nhiều năm trước, khi nàng vừa thi xong Trung học đệ nhất cấp ; ở vào tuổi mười bảy.
Họ đã chung sống với nhau thật hạnh phúc, như bất kỳ đôi uyên ương nào, trong mấy năm đầu. Đứa con gái đầu lòng kháu khỉnh, thông minh, giống mẹ đã chào đời vào đầu năm 1975.
Sau 1975, anh tiếp tục dạy học ở trường cũ một niên khóa, rồi xin chuyển về quê nhà. Vợ anh vẫn còn ở lại, tính là sẽ chuyển dần về quê vài niên khóa sau. Lý do : Nhà thuê phải trả, tiền “bồi dưỡng” hằng tháng không đủ chi tiêu cho hai tuần lễ, không có bà con ở gần để vay mượn.
Nguyễn đem con về gởi cho bà Ngoại. Anh sốt sắn mang cả tập hồ sơ dày đến nộp cho Ty Giáo dục mới.
Bà Trưởng phòng trong bộ áo quần bà ba đen mới cầm tập hồ sơ lật qua lại, rồi thảy xuống mặt bàn- đáp lạnh lùng :
- Ở đây chưa cần “loại” giáo viên này !
Nguyễn hỏi :
-Thưa bà , là “loại” giáo viên gì ?
- Là “loại” giáo viên dạy Văn, dạy tiếng Anh, tiếng Mỹ… chúng tôi không cần.
- Bà chịu khó đọc giúp tôi giấy giới thiệu của ông Hiệu trưởng ở khu về- Nguyễn đề nghị :
- Không cần phải đọc- bà để dẹp tập hồ sơ về phía góc bàn- anh cứ về chờ, lúc nào cần, chúng tôi sẽ gọi…
Nguyễn đã chờ đợi ba năm- trong thời gan ấy, anh đã làm đủ thứ việc : Tiểu công, làm vườn, thợ điện, sửa chữa xe gắn máy, xe đạp. Tóm lại là ai có nhu cầu thuê mướn lao động, là anh nhận làm ngay…
Một hôm, lọc cọc đạp xe về thị xã thăm con, anh ghé lại góc đường có một người thợ đang sửa khóa… Anh kiếm chuyện hỏi han, làm quen- biết được cậu ta cũng chỉ mới hành nghề hai ba năm nay thôi. Nguyễn trước kia học ở trường Luật, đã lấy xong cử nhân, nhưng không làm gì được vì mảnh bằng không được công nhận.
Nguyễn la cà chơi với cậu ta hết một ngày- được tận tình chỉ bày cách thức làm chìa khóa ; chỗ mua lại chìa, và được cậu ta hứa hẹn sẽ giúp đỡ tiếp khi nào cần. Lúc Nguyễn từ giã ra về, cậu ta còn cho mấy chiếc que, một đoạn dây nhôm, gần chục chiếc lò xo và một số bi khóa. Cậu ta nói : “Ngoài các khoan tay, chiếc cưa, cái êtô nhỏ, cây kiềm bấm cũ… em cũng đã khởi đầu với bấy nhiêu đó thôi ! Mà em đã sống đàng hoàng !”
Được sự giúp đỡ và động viên chân tình của người bạn sửa khóa ở thị xã ; chưa đầy một tuần, Nguyễn đã kê tủ, treo bảng, khai trương hiệu sửa khóa, làm chìa của anh phía trước hiên nhà. Ở thị trấn nhỏ bé này, chưa có nơi nào chuyên làm dịch vụ sửa khóa nên chỉ ngay hôm đầu, Nguyễn nhận đến cả chục ổ khóa làm chìa. Anh làm luôn tay mà không kịp.
Những tháng kế tiếp, đủ các loại ổ khóa lớn nhỏ được các bà moi móc ở các xó xỉnh, ngăn kéo , bị mất chìa bỏ đó đã bao lâu rồi; mang tới cho Nguyễn sửa lại, làm chìa. Có người đi đào hố rác, nhặt lên cả bao khóa Mỹ, cũng đem đến thương lượng bán lại cho anh, chỉ dành lại làm chìa vài ba ổ để dùng trong gia đình, hay biếu tặng con cháu.
Nguyễn chịu khó lọc cọc đẹp xe về thị xã gặp người bạn trẻ đồng nghiệp, hỏi thêm về các loại khóa mới- nhất là các loại khóa Mỹ. Thiết- tên người bạn trẻ sửa khóa- làm chìa, giới thiệu cho Nguyễn đến gặp “sư phụ” của cậu ta. Theo lời Thiết kể, cũng do một nhân duyên rất tình cờ, vào bệnh viện, cậu ta nằm cạnh giường người đàn ông đứng tuổi nọ ; chuyện trò thăm hỏi dần, biết trước kia nhà ông bán két sắt, sửa và tân trang két sắt cũ ; làm nghề này đã nhiều năm. Thu nhập hằng tháng cũng khá . Đủ nuôi sống gia đình bốn con. Khi nghe Thiết kể rõ hoàn cảnh, ông đề nghị cậu ta đến nhà, nếu muốn làm nghề này. Thế là sau khi cả hai được xuất viện, Thiết tìm đến nhà ông, được ông chỉ bày rất tận tình- lại nhận Thiết làm “em nuôi” nữa.
Nhờ ông Đường- tên “sư phụ” của Thiết hướng dẫn, Nguyễn đã sớm trở nên tay thợ chuyên nghiệp, có thể sửa các loại khóa khó, khóa số, két sắt, khóa xe hơi… Ra nghề vào thời điểm khó khăn, các loại khóa tốt khan hiếm, khóa mới rất ít ; phần đông bà con chỉ tận dụng các loại khóa cũ đã mất chìa, hỏng hóc từ lâu- mang đến cho Nguyễn sửa, làm chìa, nếu cần thì “tân trang” lại cho sáng lán một chút. Vì vậy, thu nhập hằng tháng của anh, gấp hai lần lương giáo viên của vợ. Và cũng hơn lương giáo viên của anh, nếu còn đi dạy. Anh vừa kiếm tiền, vừa chăm sóc dạy con học thêm…
Chị Lệ- vợ anh, cũng đã được thuyên chuyển về quê sau bao năm chạy lui chạy tới. Chị được về dạy ngay trường cấp I, II thị trấn – cách nhà vài trăm mét. Nguyễn vừa làm, vừa trông con ; nếu cần thì kiêm luôn việc đi chợ, nấu ăn nữa. Anh luôn tự nhủ : “Đã sa cơ rồi, làm được gì giúp đỡ cho vợ con, thì cứ việc làm…”. Cuối năm đầu về lại quê, chị Lệ sinh thêm một bé trai : Đủ tiêu chẩun quy định rồi ! Và không ai dại gì sinh thêm nhiều con, trong thời buổi gạo châu củi quế này ! “Cha mẹ cực khổ thì còn cam chịu được, chứ con cái nheo nhóc thì không ai đành!”- Nguyễn thường nói với vợ như vậy.
Một buổi sáng sớm Nguyễn đang dọn tủ đồ nghề để chuẩn bị cho một ngày mới, thì có một anh Công an bước vào.
Anh ta nghiêm nét mặt, hỏi :
- Làm nghề này có giấy phép không ? Anh đưa cho tôi xem…
Sau phút ngạc nhiên, Nguyễn đáp :
- Chỉ có giấy đăng ký kinh doanh hành nghề, biên nhận thuế môn bài, thuế hằng tháng… chứ giấy phép thì chưa !
- Vậy thì anh hãy dẹp đi, không được hành nghề nữa- Giọng anh ta rắn rỏi.
- Tôi đã làm quen rồi, nay bảo dẹp, tôi còn biết làm gì ? – Nguyễn phân trần.
- Đi học nghề khác….
-Tôi đã lớn tuổi, lại hoàn cảnh không đủ điều kiện chuyển nghề ; tôi có nộp hồ sơ cho Công an huyện để xin rồi- nhưng chưa thấy trả lời… Tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có gì sai trái sau này…
- Vậy ở trong thị trấn này có xảy ra vụ trộm cắp nào, thì anh phải chịu trách nhiệm – nghe chưa ?
- Anh nói như vậy thì hơi ép tôi, lại vô lý ; tôi có làm thì tôi mới chịu chứ- Nguyễn nói giọng cương quyết.
Sau phút do dự, anh Công an vẫn giữ nét mặt nghiêm nghị- nói tiếp :
- Được rồi ! Tôi sẽ về hỏi lại, nếu anh chưa nộp lý lịch hồ sơ xin phép mà nói nộp rồi, thì anh sẽ… chết với tôi !
Vài ba tháng sau, lại có một anh Công an khác đến gặp Nguyễn, yêu cầu anh làm một quyển sổ, ghi rõ họ tên , địa chỉ của tất cả những ai đến làm chìa khóa ; hằng tháng anh ta sẽ quay lại kiểm tra. Nguyễn làm y lời dặn, nhưng đã mấy tháng qua, chẳng thấy anh ta quay lại…
Khách hàng của Nguyễn gồm đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi- trong thị trấn và cả các xã lân cận trong huyện. Có lần, một ông già trạc bảy mươi, râu tóc bạc phơ, quắt thước- đến nhờ Nguyễn làm chìa cho một khóa tủ mất chìa đã gần mười năm.
Ngồi xuống ghế, nhìn Nguyễn- Ông bỗng nói :
- Chà, tôi xem tướng ông không phải làm mấy chuyện này !
Nghe lạ, Nguyễn ngước lên nhìn ông :
- Chứ bác kêu tôi làm gì nữa ? Anh cười , -Bác không thấy tôi đang làm nghề gì đây sao ?
- Thấy chứ sao không – Ông lại cười, nhưng thấy tướng mạo, phong cách ông làm mấy việc này thì uổng…
- Bác thử đoán xem, tôi có thể làm được chuyện vặt gì nữa ?
-Tướng ông thì cũng phải là Giám đốc, chủ sự, hay thầy giáo…
- Bác lầm rồi- Nguyễn cười lớn, cái bề ngoài đâu phải là cái bên trong, có lắm kẻ có hình thức sang trọng, mà có cái tâm xấu ác, thủ đoan, hẹp hòi… thì có đáng cho ta tin tưởng không ? Nguyễn gợi chuyện.
- Đã đành như vậy- ông già chống chế, nhưng cũng có câu “Tâm thiện sinh hảo tướng” đó sao ? Tâm tướng đều có liên quan với nhau…
Nói chuyện đủ thứ trên trời dưới đất với khách hàng, là để cho vui, cũng để làm ngắn bớt thời gian chờ đợi. Có một cô bé trạc hai mươi, đến nhờ Nguyễn làm thêm một chiếc chìa khóa xe. Cô ta hỏi :
- Chú làm nghề này lâu chưa, chú :
- Từ lúc ba má cháu mới gặp nhau- Nguyễn đáp .
- Sao chú biết được ba má cháu ? Cô bé ngạc nhiên.
- Chú không biết, nhưng tuổi cháu nhiều lắm, cũng bằng thời gian chú làm nghề này thôi !
- Lâu dữ vậy sao ? – Cô bé cười, chắc là chú làm được chìa của tất cả các loại khóa chứ ?
- Làm được, nhưng không tất cả. Có một loại ổ khóa chú không làm được…
- Khóa gì vậy ? Cô bé ngạc nhiên, chờ đợi .
Nguyễn ngước nhìn lên khuôn mặt bầu bĩnh, xinh xắn của cô bé- cười :
- Khóa tâm hồn…
Cô bé tròn xoe đôi mắt, “ồ” lên một tiếng, rồi cười thoải mái : “Sao chú lại làm không được?”.
- Khó lắm- Nguyễn cười, gần hai mươi năm rồi, chú vẫn chưa làm được, cháu à ! Có lẽ suốt đời chú, vẫn chưa làm được…
Im lặng một lát, Nguyễn nói tiếp :
- Cháu biết tại sao không ?
- Thưa, không…
- Có gì lạ đâu ? Chỉ vì chiếc chìa khóa ấy phải làm bằng vàng y, 24 kara, có nạm kim cương… mà chú chỉ có toàn đồng và sắt ! Nguyễn lại nhìn cô bé, cười lớn. Tự nhiên . Cả hai cùng cười.
Được nói chuyện, hỏi han về gia đình, công việc làm ăn, các sinh hoạt thường ngày với khách hàng, là một niềm vui với Nguyễn. Tuy vậy, không phải vị khách nào cũng vui tính, cởi mở, thâm tình cả. Có vị đến với vẻ trịnh trọng, xa lạ, nhìn ngó Nguyễn với nửa con mắt. Có vị hạch sát, bắt bẻ nọ kia từng tý chút, dầu điều ấy rất nhỏ nhặt hoặc không đúng. Họ tiết kiệm lời nói với Nguyễn như những ông bà chủ khó tính. Gặp quý vị này, Nguyễn thường im lặng ; chăm chỉ cắm cúi làm ; anh cũng tỏ ra rất tiết kiệm lời nói với họ. Không có tình thân và sự cảm thông thì mọi lời lẽ đều trở nên vô ích cả.
Một người đàn bà, dáng quê mùa, đến nhận một ổ khóa đã gởi làm sáng hôm trước- sau khi tra chìa mở thử khóa vài ba lần ; bà lẩm bẩm : “Thật là bậc kỳ tài!”.
Đang lúi cúi làm việc, nghe hai tiếng “Kỳ tài” vừa thốt ra từ miệng của một người đàn bà lam lũ ; Nguyễn ngước nhìn bà ta. Anh cười : “Chị vừa nói cái gì là kỳ tài ?”.
-Tôi nói anh làm được chìa cho ổ khóa này là bậc kỳ tài ?
- Chị nói giỡn hay thiệt ?
-Tôi nói thiệt. Tôi đã đưa cho ba bốn nơi rồi, họ đều lắc đầu, bảo không làm được…
-Tôi làm được vì có chút tài vặt thôi, có gì mà “Kỳ tài” ? Nguyễn cười, phản đối.
Nguyễn tâm sự :
-Tôi mà là “Bậc kỳ tài” thì tôi làm những việc lớn lao nữa kia, chứ đâu phải suốt ngày ngồi đây mài dũa ba cái chìa khóa, kiếm từng đồng bạc lẻ… Phải không ? chị nên dành hai tiếng ấy cho người khác, chứ rủi có ai nghe được, họ cười tôi thì khổ !
Thỉnh thoảng, Nguyễn cũng phải rời nhà đạp xe đến tận các cơ quan, hay nhà riêng bị mất chìa khóa, hay bị hỏng- để làm chỉa hay sửa chữa tại chỗ, vì khóa chìm trong tủ hay không thể mở tháo huy ra được. Có hôm anh đạp xe bảy tám cây số, đến nơi, chị chủ nhà mới chạy ra giơ xâu chìa khóa vừa tìm lại được – cười : “Có lại rồi anh à !”.
- Sao chị không trở lại báo tin cho tôi biết? Nguyễn cự nự.
- Tôi lo làm, quên mất…
- Vậy là khi “không” thì nhớ, thì kêu, thì năn nỉ- còn “có” thì quên phải không? -Nguyễn trách.
Người đàn bà chỉ cười . Và Nguyễn cũng chỉ biết cười, mà quay xe trở về nhà. Anh tự nhủ : “Ở đời, thường là đầu vậy cả !”.
Bù lại, nhiều nơi, khi thấy anh mang xách đồ nghề đến, họ rất vui. Tiếp đón như quý khách : Nước trà, thuốc lá, lại có cả trái cây. Có người còn mời giữ anh ở lại ăn cơm . Nguyễn thường thành thật cám ơn nhưng tấm chân tình mộc mạc ấy, mà không dám làm phiền. Có năm, đã tối ba mươi Tết, còn có người đến nài nỉ anh đi mở giúp hai khóa tủ. Chị ta cho biết, tất cả áo quần mới, bánh mức, trà thuốc… đều nằm trong hai chiếc tủ ấy. Nếu không mở được, gia đình chị sẽ không ăn Tết, mấy đứa con không có áo quần Tết để mặc, chúng sẽ khóc la… Tuy đang bế bộn việc nhà, Nguyễn cũng vội vàng theo chị, bởi vì đây là một trường hợp đáng “cấp cứu”.
Cơ quan X. có một két sắt bị hỏng, không mở được, đã ba hôm không lấy được tiền và giấy tờ; đến gọi Nguyễn . Sau khi hỏi thăm sơ lược tình trạng tủ két, anh làm “hợp đồng miệng” với khách : “Mở và sửa lại hoàn chỉnh, với giá ba chục ngàn đồng”. Khi đến, mở tủ và sửa xong; vị thủ trưởng lại không đồng ý. Ông ta nói : “Người ta cuốc đất một ngày chỉ có mười lăm ngàn, đồng chí mở tủ sửa chỉ trong một giờ, nhanh quá, sao lại lấy đắt thế? “. Một trạm kiểm lâm ở huyện Y. vừa mua về một két sắc mới, không rõ chuyên chở thế nào, đến nơi không mở tủ để sử dụng được. Nhờ người mời Nguyễn đến với lời hứa sẽ cho mua một xe củi, không đánh thuế. Người tài xế xe đò liên huyện thú thật với Nguyễn như vậy, để anh “thông cảm nhận lời”. Đường xa phải đi mất một buổi , nhưng đến nơi làm anh chỉ mất hơn một giờ. Ông Trưởng trạm vui vẻ trả đủ số tiền Nguyễn nói- còn “tặng” thêm cho anh một bao than lớn. Ông bảo : “Trước anh, đã có hai người thợ đến, nhưng không mở được. Họ lại đòi số tiền gần gấp hai số tiền trả cho anh…”. Tại Hợp tác xã Z. ? cô thủ quỹ lần đầu tiên sử dụng két sắt, vội vàng đổi số vì sợ mất tiền ; sau lúc đi ngân hàng về, không mở được tủ. Cũng chẳng còn nhớ mã số nào. Vì tủ mới mua, cô yêu cầu Nguyễn không khoan, đừng làm trầy sơn của tủ- ông chủ nhiệm sẽ “bắt đền” tủ khác ; mà cô thì nghèo. Trước yêu cầu gắt gao và hoàn cảnh đáng thương của cô thủ quỹ. Nguyễn đã nhận lời. Gắng dò tìm bốn chữ số mới được đổi của tủ. Gần hết một buổi, anh mở được tủ nhẹ nhàng. Dặn dò cẩn thẩn từng trường hợp lúc sử dụng. Nguyễn mới cho cô ta biết giá tiền công một buổi của mình. Cô gái ngạc nhiên, giọng thành khẩn : “Sao anh lấy ít vậy ? em cứ tưởng… thôi, anh cầm hết chỗ này đi, em hết sức cám ơn anh !”.
-Tôi chỉ nhận đúng số tiền công của tôi thôi- Nguyễn cười, trao lại phần tiền còn thừa cho cô gái- Tôi cũng phải cám ơn cô mới đúng… Biết đủ, thì bấy nhiêu đây cũng đủ rồi ! Nếu không, biết bao nhiêu cho vừa- phải không ?
Gặp những khách hàng keo kiệt ; coi tiền lớn công nhỏ- ưa kèo nài trả treo như việc bán buôn ở chợ ; Nguyễn thường trả lời họ dứt khoát : “Tôi chỉ lấy đủ tiền công của tôi- đưa thừa không nhận, đưa thiếu không chịu; vui vẻ thì làm, không vui thì cứ xin tùy ý…”. Anh cũng thường nói đùa : “tôi không xem khách hàng là Thượng đế đâu, mà xem khách hàng là những người thân. Người ta thường đánh lừa Thượng đế, nhưng với người thân thì không !”.
Có những khách hàng cũng đã xem anh như người thân thật tình. Họ đem chuyện riêng của chính mình, của gia đình ra tâm sự, hỏi ý kiến anh, Nguyễn đã vui vẻ, chân tình góp ý thẳng thắn, khách quan, xây dựng. Một người đàn bà trạc trên bốn mươi tuổi đến nhờ Nguyễn làm thêm một chìa khóa cửa sắt ; đột nhiên hỏi :
-Tuổi Thân có hợp với tuổi Sửu không anh ?
- Rất hợp, Nguyễn đáp – con khỉ và con trâu không có vấn đề gì cả đâu ! Anh cười :
- Chỉ có con người là bày ra lắm chuyện…
Người đàn bà kể lại, giọng lo lắng :
-Tại sao ra chợ, gặp ai cũng bảo “Tuổi tụi nó xung khắc, không hợp, mày cho làm đám cưới làm gì ?”
Nguyễn ngước nhìn bà, dừng tay – cười :
- Ở ngoài chợ, có mấy bà ăn không ngồi rồi- chuyên bới móc đủ chuyện người khác mà bàn bạc, bình phẩm, thêu dệt… Chị hơi đâu mà nghe tin vào những lời lẽ vô trách nhiệm ấy ?
- Nhà tôi cũng nói vật- Chị thở dài. Nói thì dễ, mà làm mới khó !
- Điều quan trọng là hai đứa có thật lòng yêu thương nhau hay không- Nguyễn nói, sau đó nhân cách tính tình của cô gái thế nào, gia đình có vấn đề gì không- thế là đủ. Còn tuổi tác, chắc chị cũng đã hiểu, có biết bao cặp vợ chồng xem tuổi thì rất tốt, mà sống với nhau vài ba năm, phải tan rã… Sống ở đời, biết lấy nhân đức mà cư xử, thì kết quả luôn luôn tốt…
Nét bình thản, yên vui đã trở lại trên gương mặt người đàn bà nhẹ dạ, quá lo- Bà nói khẽ : “Tháng tới đây, sẽ làm đám cưới cho tùi nó rồi !”.
- Chị cứ yên tâm đi, hai đứ nó đã yêu nhau thật lòng rồi, thì có khó khăn gì cũng vượt qua được hết- Nguyễn quả quyết- Ở đời, có mấy ai không gặp khó khăn, thử thách đâu ? Tự nghĩ lại mình cũng thừa biết như vậy rồi !
Một bữa nọ, trong lúc vợ chồng Nguyễn đang lo sắp sửa bàn thờ để dọn thứa ăn giỗ mẹ anh, thì Thiết bước vào.
Nguyễn lên tiếng trước :
- Chà, cậu “bắt hơi” tài thật !
Lệ trách :
- Anh nói đùa gì lạ vậy ?
- Anh em tôi lâu ngày mới gặp, giỡn chơi một chút không được sao cô giáo ? – Nguyễn cười.
-Thiết tự kéo ghế đến gần vách tường, ngồi xuống; mắt đăm đăm nhìn Nguyễn : “Anh chị đang bận… à? “.
- Hôm nay là ngày giỗ mẹ anh- Nguyễn nói, gia đình cũng sắm mâm cơm, hoa quả… chút ít để nhớ… vậy mà ! Cậu ở lại chơi với tụi tôi nhé, chiều hãy về…
- Có lẽ ghé thăm anh chị một chút, rồi em về , lo thu xếp đồ đạc- Thiết nói giọng buồn buồn.
- Cậu dự định đi xa à ? Nguyễn ngạc nhiên.
- Chắc vậy ! Thiết buông thõng, vẻ mỏi mệt.
- Nếu đúng vậy thì cậu càng phải ở lại chơi với tụi tôi lâu hơn ; một ngày, hai ngày…
Thiết im lặng.
Nguyễn nhìn bạn, lo lắng hỏi :
-Vợ chồng cậu đã… làm hòa lại chưa ?
Thiết bỗng cười :
- Có “chiến tranh” gì đâu mà hòa anh ?
Thiết lấy gói thuốc Basto đỏ trong túi áo ra mời Nguyễn một điếu ; châm lửa cho Nguyễn. Cậu ta đốt cho mình một điều. Thở dài : “Em đã nộp đơn xin ly hôn rồi ! Thúy đã viết đơn sẵn, hối thúc, hằn học với em gần cả năm trời…”.
Ở phòng khách, Thiết kể lại cho vợ chồng Nguyễn đầu đuôi cuộc tình của anh : “Tụi em đã yêu nhau từ hồi em vào học năm thứ nhất, trường Luật. Nàng thi xong Tú Tài một, hỏng Tú Tài hai; ở nhà làm việc… Cha Thúy là Phó Ty Ngân khố- dầu chưa có bằng chuyên môn, Thúy đã vào làm ở đó… Lấy xong cử nhân Luật, em về lại quê với Thúy ; đang chuẩn bị cho ngày đám cưới, thì 30.4… Ba em mất, ba Thúy đi học tập ; đám cưới đành hoãn lại. Chờ dịp thuận tiện hơn cho cả hai gia đình- nhất là em phải mãn tang… Học tập về, ba Thúy nghỉ việc, nhưng nàng vẫn còn được “lưu dụng”. Em xoay xở tìm một việc làm, nhưng tấm bằng cử nhân Luật không được chấp nhận.
Em đã làm đủ mọi việc, mọi nghề phụ, trong thời gian mấy năm, mới chuyển sang nghề làm chìa khóa như anh biết. Cậu của em đang làm Chủ nhiệm một Hợp tác xã xây dựng ở Biên Hòa rất phát đạt ; vài lần đề nghị với em vào vừa làm vừa học việc với ông; nhưng em không thể bỏ Thúy mà đi được. Ông bảo : “Cháu vào phụ giúp cho cậu, học việc, rồi sau đó cậu sẽ giúp đỡ cho cháu đứng ra làm riêng, chứ có phải làm công cho cậu suốt đời đâu ?”.
Sau đó, tụi em quyết định làm đám cưới. Tụi em sống trong căn nhà riêng của Thúy do cha mẹ nàng cho lại. Cuộc sống tuy có vài điều như ý, nhưng em luôn lấy tình yêu thương mà vui bỏ tất cả. Em tự an ủi mình : ở đời, có nơi nào hoàn toàn được như ý của mình đâu ?
Khi Thúy sinh đứa con đầu lòng được sáu tháng, nàng càng tỏ ra khinh thường em- nhiều lúc thật quá đáng : Luôn đi chơi, hẹn hò, tiệc tùng với đám bạn trai trong Sở, hay bạn học cũ… mà không cho em biết ! Nàng ngồi sau xe nhiều đứa, chạy ngang qua chỗ em làm; em trông thấy nhưng vẫn im lặng ! Một người đàn bà đã có chồng con, ngồi sau xe của bạn trai để đi chơi, là điều đồng lõa với sự ngoại tình đáng ghê tởm !
Tuy vậy, em vẫn nghĩ tới con, tới những năm tháng đầu đời đã yêu nhau – mà bỏ qua. Một hôm, Thúy đi chơi về hơi khuya, em hỏi :
-Em bỏ con mà đi như vậy thì coi có được không ?
Nàng trả lời – lạnh lùng :
-Sao lại không được ? tôi có quyền sống cho tôi nữa chứ ?
-Sống cho con, cho gia đình, cũng là sống cho mình rồi còn gì ? – Em nói :
-Sống với anh, tôi mỗi ngày mỗi tàn tạ- Thúy cãi, vợ con người ta xe Dream mới toanh; còn tôi, chỉ với chiếc Chaly cũ mèm. Anh không nuôi nổi tôi, còn muốn giữ tôi lại làm gì ?
Trước đây, em đã mơ hồ thấy rõ sự thật như vậy, nhưng đêm đó- Thúy đã cho em thấy rõ hơn về nhân cách của nàng, ước muốn của nàng ; cùng nỗi bất hạnh lớn nhất của đời mình…
Từ đó về sau, mặc cho nàng đi- về, tùy ý. Nàng chẳng hề cho em biết là sẽ đi đâu, bao giờ mới trở về nhà ! Có một thằng bạn trai của nàng tìm đến nhà thăm ; ngồi nói ba hoa đủ chuyện về cái chức Giám đốc của Công ty tư nhân hắn mới thành lập, rồi hỏi nàng : “Anh ở nhà hiện công tác ở đâu?”- Nàng im lặng…
Tối hôm ấy- em hỏi Thúy :
-Em không dám trả lời về anh cho hắn biết hay sao ?
-Tốt đẹp, quý giá gì cái nghề của anh mà nói !- Nàng đáp :
-Cô nên hiểu rằng, tiền tôi làm ra không thua lương “giám đốc tự phong” của hắn, nhưng nhờ “ăn” chỗ này, “xén” chỗ nọ- hắn mới được nhiều như thế… Đồng tiền chính đáng, thanh tịnh- mới không làm hư hỏng con người ; mới được bền lâu, giá trị…
Thế là sau đó không lâu, đi làm về, ghé lại chỗ em ; Thúy đưa cho em ba tờ giấy “Đơn xin ly hôn” đã biết, có ký tên sẵn “ Nhìn tờ giấy đoạn tình ấy, em sửng sốt, lặng người ! Nàng đã tự kết thúc tình nghĩa một cách nhanh chóng như thế sao ? Cuộc đời còn có những thứ gì khác cao quý hơn, thiêng liêng hơn, để nàng thèm khát, ước mở ? Em tự hỏi mà chẳng dám trả lời .
Tuy đã ký tên vào đơn, nhưng em chưa trao lại cho nàng vội. Ngày nào bước chân ra khỏi nhà đi làm, nàng cũng hằn học : “Anh đã đi nộp đơn cho Tòa án chưa ?”.
-Trước khi tôi quyết định đi nộp, cô phải cho tôi biết thằng nào đã bày kế cho cô làm như vậy !
-Tự ý tôi làm, không ai bày cả !
-Trước mắt, cô đòi ly dị với tôi và sau nữa, cô sẽ đòi ly hôn với người khác… cuộc đời sẽ là những cuộc ly hôn kéo dài – Cô đã nói tự ý mình làm, thì cô cũng sẽ tự mình nhận lấy mọi hậu quả! Đừng có oán trách ai cả …
- Anh đừng hòng đe dọa tôi…
- Đó là sự thật, đến lúc này rồi, tôi còn thù oán, đe dọa cô để làm gì ?
Em đã chịu đựng cuộc chung sống kéo dài hơn ba năm- con em được ba tuổi ; một hôm Thúy đến trước mặt em, gay gắt – hỏi :
- Nếu tôi đề nghị anh đi ra khỏi nhà, anh có đồng ý không ?
- Dĩ nhiên là tôi đồng ý rồi ! Căn nhà này là của cô, tôi đâu có dính dấp gì ?
Tuần trước, em đã đến Tòa án xin nộp đơn, mang con về gởi cho bà nội nó. Em cố tình dấu mẹ em về việc này ; nói là sẽ vào làm việc ở Biên Hòa với cậu, như vậy có tương lai hơn. Việc đến với Thúy là do em lựa chọn, quyết định ; thì nay, em không thể làm cho bà phiền muộn, khổ đau thêm nữa. Em sẽ nhận lấy tất cả, một mình…”.
- Đỡ ly nước ngọt trên tay Lệ, Thiết uống một hơi dài – giọng từ tốn :
- Anh chị là người thân đầu tiên, và cũng là cuối cùng, em đem chuyện riêng của mình ra kể lại…
Nguyễn hít một hơi thuốc- nhả khói ra từ từ- vui vẻ nói :
- Cậu cứ yên chí ! Chúng tôi không phải là người không biết điều đâu ! – Im lặng một phút, anh tiếp- Việc của cậu đã như thế, tôi không biết phải nói với cậu những gì ? Chỉ còn biết cầu nguyện cho cậu…
Lệ nhìn Thiết, an ủi :
- Cậu còn trẻ quá, mong cậu ra đi bình an, sớm làm lại cuộc đời tốt đẹp … Chúng tôi luôn chờ tin tức của cậu !
Thời gian sau này, có dịp về thị xã thăm ông bà Ngoại các cháu, vợ chồng Nguyễn đều ghé thăm mẹ và con Thiết ở xóm Tấn. Bẵng đi một thời gian khoảng gần hai tháng Nguyễn ghé lại, thì đứa bé gái trạc mười tuổi nói với anh : “Bà Ngoại và bé Ngân đã vào Biên Hòa với cậu cháu rồi !”. Nghe nói, Nguyễn mừng thầm, từ nay cậu ấy sẽ bớt cô độc, bớt buồn rồi !
Nguyễn vẫn miệt mài, chăm chỉ với cái nghề có tính định mệnh của mình, không muốn đổi thay nữa. Đứa con đầu của anh đã tốt nghiệp đại đại học Tổng hợp Anh văn, đang làm việc cho Samsung Mobile Showroom. Đứa con trai út đang học năm thứ ba, Đại học Bách khoa, ngành điện tử viễn thông. Tiền lương của đứa con gái đầu, đủ nuôi sống hai chị em, và còn dành dụm mua sắm xe cho cả hai đi làm, đi học. Một nguời bạn của Nguyễn lúc ở Đại học Sư phạm có liên lạc với anh, gọi anh vào làm thông dịch, thư ký cho một Công ty sản phẩm điện công nghiệp và máy lạnh Setsugo Astec Corp nhưng anh từ chối. Rồi người học trò năm xưa nay đã là phó tổng biên tập báo Saigon Times đề nghị Nguyễn vào làm hợp đồng, nhưng anh vẫn im lặng : Anh rất e ngại sự bon chen, gấp gáp của cuộc sống ở Saigon. Hình như ở vào cái tuổi trên năm mươi, mọi nhịp sống ồn ào, vội vã, đều không còn thích hợp nữa ? Anh yêu nếp sống bình lặng, điều độ, thanh nhàn ở quê. Ở nơi này thì ngưỡng vọng về nơi khác ; trong lúc ở nơi khác, lại ngưỡng vọng về nơi này. Cuộc đời mà cứ tiếp nối mãi như thế, thì chẳng có lúc nào được yên vui cả ! Ngược lại, đôi lúc, Lệ cũng mong muốn anh vào Saigon. Đàn bà thì luôn muốn có sự thay đổi, cho dầu, chẳng rõ sự thay đổi ấy, sẽ như thế nào. Nguyễn đã nói với vợ : “Em có muốn vào Saigon sống thì cứ việc đi, anh sẽ sống ở đây một mình cũng được… Lệ lườm chồng : “anh sống ở đây với cô nào nữa vậy ?”. Nguyễn cười : “Chỉ có một cô mà còn bể mình, huống hồ là hai !
Cậu đưa thư quen thuộc dừng xe trước nhà, chạy vào trao cho Nguyễn hai tấm giấy : Một giấy gọi nhận thư bảo đảm, và một nhận bưu phiếu . Nhìn kỹ, Nguyễn cũng không đoán ra là của ai gửi, của một người hay hai? Số tiền ghi trên giấy gói quá lớn, con anh không thể gửi được mà không báo trước.
Lệ nói : “Thì anh cứ việc đến bưu điện thì biết ngay, suy nghĩ làm gì cho mệt ? “. Và Nguyễn phải hẹn với bà khách đang ngồi chờ nhận mấy ổ khóa làm chìa- vội và đến bưu điện.
Cô nhân viên cầm giấy CMND của Nguyễn và hai giấy báo ; nhìn lướt qua- hỏi :
- Chú có biết ai đã gửi thư, gửi tiền cho chú không?
-Tôi chịu thua ! – Nguyễn cười.
- Sao lại không biết ?- Cô gái hỏi vặn .
-Thì tôi không biết nên trả lời “không biết” chứ sao? Cô hỏi câu hóc búa quá !
-Vậy chú chưa nhận được đâu ! Cô nhân viên để giấy gọi, thẻ CMND của Nguyễn sang một bên- cắm cúi làm việc khác.
- Nè cô, cô giải quyết cho tôi về chứ ? Có luật lệ nào buộc người nhận thư, nhận tiền, phải biết tên họ, địa chỉ của người gửi đâu ? – Anh phản đối.
Cô nhân viên vẫn im lặng, lạnh lùng. Nguyễn nói lớn :
- Cô xem đúng tên, địa chỉ người nhận thì cho tôi nhận, nếu không thì cô trả hết giấy tờ cho tôi…
Nguyễn cầm nắm giấy đi thẳng lên lầu, gõ cửa phòng ông Giám đốc. Có lẽ vì gương mặt tức bực đỏ ngầu của Nguyễn nên ông Giám đốc vừa nghe Nguyễn trình bày mấy câu, đã vội nói :
- Anh hãy xuống mà nhận đi, tôi sẽ phone cho cô ta…
Ra khỏi phòng, Nguyễn càu nhàu : “Lại một luật lệ mới được đặt ra, không biết để làm gì ?”
Đó là thư và tiền của Thiết gửi về cho vợ chồng anh từ Biên Hòa.
Nguyên văn là thư của Thiết :
Saigon ngày…
“Kính thăm anh chị ,”
Lâu nay em không có dịp viết thư về thăm anh chị và các cháu ; em xin lỗi vậy !
Lý do em không viết thư là không muốn anh chị phải buồn vì em, chứ không phải quên, hay không có thời gian…
Em mong anh chị thông cảm và tha thứ.
Bù lại cái lỗi ấy, thư này, em xin “báo cáo” với anh chị những gì anh chị cần biết về em : Sau ngày nộp đơn, lên thăm anh chị, trở về- ngày hôm sau em đón xe đò vào Biên Hòa. Ngày tòa án mở phiên xử, em cũng không về. Nghe nói Thúy đã nhờ đài, báo loan nhắn tin- nếu không về đúng ngày hẹn, Tòa sẽ “chiếu theo luật hiện hành” mà xử ly hôn vắng mặt. Em có ý để cho như thế vì có mặt để mà làm gì nữa ? Để tranh cãi dành ưu điểm, phần tốt về mình ư ? Đã nộp đơn rồi, là em nhận tất cả lỗi lầm về mình. Em có lỗi là không hái ra được nhiều tiền, và không có địa vị sang trọng !
Ba năm sau, nhân lúc nhận thầu xây dựng khu chợ mới Biên Hòa; cậu em đã sang tên cho em một căn phố lầu trừ dần vào lương hằng tháng. Thế là em vội vàng mang mẹ và con em vào chung sống. Có được ít vốn, cậu em bảo em đã sành nghề, có thể ra làm riêng được. Ông nhận thầu, về giao lại cho em thi công thực hiện. Thời gian này em đã mua được một căn nhà ở quận ba, và hai lô đất ở khu dân cư Nam Saigon. Năm 98, theo quyết định của Nhà nước, cho phép ai có văn bằng cử nhân Luật trước 75, sẽ được theo học khóa bổ túc, để được công nhận hành nghề. Vì đang bận thi công một công trình tương đối lớn, em trễ học khóa mở ở Saigon, phải xuống tận Cần Thơ theo học một năm. Dịp này, may mắn là em gặp lại một người bạn cũ, là kỷ sư Xây dựng, thay em quán xuyến công việc trong những ngày em vắng mặt.
Em đã kết thúc khóa học tốt đẹp và được đăng ký vào Luật sư Đoàn Tp Biên Hòa. Tuy vậy, em ít khi hành nghề Luật, mà vẫn theo đuổi ngành xây dựng. Em và người bạn thành lập công ty xây dựng Thiết Kế Vinh Thiết (Vinh là tên của bạn em), có trụ sở chính ở Saigon…
Có lẽ điều anh chị muốn biết hơn là em đã “đi bước nữa” chưa, phải không ? Em lại có ý nghĩ, giá như ngày trước Thúy chịu nghe lời em ; vợ chồng cùng vào Biên Hòa sớm, thì thật là hoàn toàn. Hồi ấy, nàng khinh thường em đến nỗi chẳng bao giờ nghe em nói cho hết câu, hết ý ! Chỉ một mực làm, sống theo ý mình- luôn đòi hỏi phải ly hôn. Thử hỏi, lúc nào cũng nghe vợ đòi ly hôn, thì còn đầu óc nào mà làm việc được nữa ? Nàng lập lại mãi câu này:“Xa anh ngày nào,tội sung sướng ngày ấy !”.
Nay thì mọi việc đã đổi khác, đã an bài – nhưng em chưa hề nghĩ là mình cần “đi thêm bước nữa”, mặc dù mẹ em luôn nhắc nhở. Ở đây không thiếu đàn bà, con gái- nhưng em vẫn còn cảm thấy rất e ngại, có chút sợ hãi : Đi một bước đã khổ đau dường ấy, đi thêm bước nữa, rồi sẽ ra sao?
Bạn em- Vinh, có cô em gái giữa, tốt nghiệp trường Đại học Y Dược- khoa dược, đã bốn năm ; có ý giới thiệu cho em ? nhưng bao giờ tình yêu đến, thì nó sẽ đến. .. Ngày mai- duyên số, làm sao mà biết trước được phải không anh chị Em cứ mặc cho dòng nhân duyên của đời mình trôi chảy…
Gởi kèm theo thư này, em có gửi biếu các cháu một ít tiền, mong anh chị vui lòng nhận cho em vui nhé ! Anh chị đừng bao giờ nghĩ rằng, em “trả nợ” cho anh chị. Nếu nói “nợ” thì em sẽ trả suốt đời không thể hết. Sau bữa ăn no nê, ngon lành ; ra về lại có bao thư của chị nhét vào túi áo ; nghĩa cử ấy, làm sao em quên được. Hằng tháng, anh chị lại ghé thăm con em và mẹ em… Em đã nhờ sự giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất của anh chị ; để gắng vươn lên, gắng sống đàng hoàng, như lời chị nhắn nhủ : “Cậu còn trẻ quá, mong cậu ra đi bình an, sớm làm lại cuộc đời tốt đẹp !”.
Mãi nói chuyện “người lớn”, quên bẵng bé Hoài Ngân của em “ Nó rất xinh, giống Thúy; yêu bà, thương ba, và nhất là học rất giỏi. Năm đến, cháu sẽ vào lớp sáu ; như vậy mà đã gần mười ba năm trôi qua rồi nhỉ- nhanh thật ! đời người chóng vánh, ngắn ngủi là thế, mà còn tạo thêm phiền não, khổ đau cho nhau để làm gì ? Em thật không thể hiểu nổi.
Viết thư cho anh chị, em cứ muốn viết mãi- nhưng lại thoáng nghĩ, em có làm phiền thời gian của anh chị không ? Gởi cho anh chị tấm danh thiếp , lúc nào có dịp vào Saigon thăm các cháu, mời anh chị ghé lại nhà em chơi nhé ! anh chị nhắn với các cháu, hãy đến chơi với bé Ngân, nó rất tội nghiệp !
Xin mượn lời nói của người xưa–“Giấy ngắn, tình dài”- để “tạm kết thúc” lá thư tràng giang đại hải này… Mong anh chị niệm tình tha thứ, nếu có điều chi còn thiếu sót…
Kính chúc anh chị và các cháu mạnh giỏi, an vui, hạnh phúc…”
Đọc xong lá thư của Thiết cho vợ nghe, Nguyễn bỏ thư lại vào phong bì, xếp thư bỏ vào túi áo. Nguyễn nhìn thấy đôi mắt Lệ rươm rướm nước mắt, đỏ hoe. Nàng lại cảm thương cho hoàn cảnh ngang trái đau thương của Thiết ? “Đàn bà rất dễ bị kích động, rất yếu đuối, và sau cùng là cũng dễ quên mình để chỉ nhìn sang kẻ khác”- Nguyễn nghĩ thầm .
Nguyễn nói với vợ :
-Người có tâm chí thành như Thiết không thể khổ lâu đâu ! Ở đời này, tìm được một người như cậu ta, quả thật là hiếm, phải không em ?
Lệ nhìn chồng, dè dặt :
-Em nghe nói sau khi giảm biên chế bị cho nghỉ việc, Thúy đi buôn thua lỗ, rồi về mở quán cà phê ; thế chấp nhà để vay tiền ngân hàng…
Nguyễn đứng dậy, bước lại bàn làm việc- nói với vợ:
-Thôi, em hãy quên đi ! Em bỏ công tìm hiểu làm gì về một con người như vậy chứ ?
Th 6 năm 2000