Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.244
123.161.302
 
Lầm lẫn
Trần Kỳ Trung

Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa

Ông anh hùng, ông cứu được quê hương

Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo

Lùa cả nước vào học tập yêu đương

Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp

Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm

Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy

Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng

 

Thơ CAO TẦN

 

Bây giờ ngồi hồi tưởng lại, ông Tâm thấy cuộc đời mình như một cuốn phim quay chậm đầy đau xót và lầm lẫn.

...Khi tập kết ra bắc, thấy ông vòi või một mình, một người bạn trong cơ quan rất chân tình, nói với ông Tâm :

-Trong cơ quan mình, Phượng muốn yêu anh. Nếu anh đồng ý xây dựng với Phượng, tôi sẽ giúp.

Ông Tâm cảm ơn lòng tốt của người bạn, nhưng nói ông lấy vợ, cụ thể ở đây là lấy Phượng thì ông lại từ chối. Ông Tâm không hề chê Phượng một điểm nào. Phượng làm cùng phòng với ông, tính tình thuỳ mị, dáng cân đối. Qua quan sát, nói chuyện, ông Tâm hiểu, Phượng có vẻ mến ông. Nhiều tối thứ bảy, Phượng không về nhà, ngồi nói chuyện với ông tới tận khuya. Có những lúc Phượng ngồi gần ông Tâm lắm, phả hơi thở nóng hổi, thơm mùi phụ nữ. Ông Tâm phải kìm lòng né tránh, mở toang cửa sổ, vặn rõ ngọn đèn dầu, nói chuyện giọng cố thật to, để phòng khi có người đi bên ngoài cửa, họ cũng nghe rõ... Ông Tâm muốn như thế để ngầm chứng minh với Tổ chức, với mọi người trong cơ quan cũng như Chi bộ Đảng là  quan hệ giữa ông và Phượng rất trong sáng, "không có vấn đề". Một lý lẽ ngấm ngầm trong đầu mà ông Tâm thấy có lý, mình phải chấp nhận : Ông Tâm không muốn Tổ chức và Chi bộ đánh giá xấu tư tưởng của ông. Vả lại dù non cao, sông sâu cách trở, ông Tâm tin rằng ở miền nam, vợ ông cùng đứa con chưa biết mặt thấu hiểu tình cảm của ông mà giữ đạo chung thuỷ.

 

Mấy lần đến nói chuyện, thấy thái độ của ông Tâm như vậy, Phượng cũng buồn. Một tối thứ bảy, như mọi lần, Phượng đến thăm ông Tâm sớm hơn. Đang nói chuyện thì Phượng xem đồng hồ. Gần tám giờ, Phuợng xin phép ông Tâm ra về. Ông Tâm ngạc nhiên giữ tay cô ấy lại:

- Em không thể ngồi nói chuyện với anh như mọi lần ?

Phượng khẽ lắc đầu, rồi rút nhẹ tay ra khỏi tay của ông Tâm, quay mặt đi hướng khác, nói nhỏ:

- Không được anh à ! Tối nay, anh Minh mời em đi xem phim lúc tám giờ, em đã nhận lời với anh ấy.

Minh là người trong cơ quan, cùng quê, khác phòng với ông. Minh cũng đang theo đuổi Phượng bấy lâu nay. Phượng nói như vậy làm ông Tâm ngạc nhiên:

- Em không biết rằng  anh Minh đã có vợ trong nam, hiện nay anh ấy dấu Tổ chức?

- Em biết chứ, vì anh Minh cũng nói hết với em rồi. Giữa hoàn cảnh của đất nứơc chia đôi như thế này, biết bao giờ anh ấy mới về lại quê. Người phụ nữ có thì, liệu vợ anh ấy trong nam có chờ đợi anh ấy không? Em không muốn những người như anh ấy khổ.

- Sao lần trước Phượng nói với tôi giữa Phượng và anh Minh chỉ có quan hệ anh em, đồng nghiệp?

- Đúng là lần trước em nói với anh là như thế - Phượng gật đầu thừa nhận, tay vân vê tà áo. Phượng đắn đo một lúc rồi nói tiếp - Nhưng bây giờ khác rồi anh Tâm ạ!

 

Nói xong câu nói đó, Phượng chào khẽ, rồi đi ra. Ông Tâm nhìn theo, tự nhiên thấy nuối tiếc như mình đánh mất một vật gì đó, quý lắm. Ông muốn gọi Phượng quay lại. Nhưng, cũng chính lúc đó, lý trí đã bảo ông: Muộn rồi.

 

Hình ảnh vợ con ông trong nam lại hiện lên chập chờn.

Với chiếc giường cá nhân, một bếp dầu, một hòm gỗ chia hai ngăn đựng gạo, mỳ, một chiếc xe đạp mua theo giá cung cấp (1) đạp mòn vẹt cả lốp, ông Tâm trở nên khắc kỷ với chính mình. Những đêm đông mưa phùn rả rích, bên ngoài gió đánh vào tàu lá chuối nghe phần phật, ông Tâm nằm co ro trong chiếc chăn bông mỏng, không thể nào ngủ được, thấy cô đơn một cách lạ lùng. Cũng lúc ấy, bên kia, phòng đối diện, ánh đèn dầu hắt ra soi rõ bóng vợ chồng Minh, Phượng đang đùa với con, tiếng cười ấm cúng. Nhìn lén cảnh đó, ông Tâm buồn nẫu ruột, tự oán trách mình, hai hàng nước mắt chảy dài trên gò má héo hon. Cũng còn may cho ông Tâm, lúc đó cơ quan như một gia đình lớn giúp ông tựa sức, qua được những lúc cam co nhất của cuộc đời.

 

Sau tháng tư, năm một chín bảy lăm. Ông Tâm như người trẻ lại lúc mười chín, đôi mươi. Ngày xa quê hương là một chàng trai hơn ba mươi tuổi, ngày về ông Tâm đã là người sắp sáu mươi. Niềm vui sướng đoàn tụ gia đình, sắp gặp vợ con làm cho ông Tâm như quên tuổi tác, hát ê a cả ngày, làm việc gì vừa đó lại quên ngay. Trong tâm trí, ông Tâm nhớ như in nét mặt người vợ thân yêu . Ông sẽ gặp lại thằng con trai, dẫu chưa biết mặt. Ông Tâm mường tượng đến một người thanh niên dáng cường tráng, có nét mặt giống ông như tạc, đầu đội mũ tai bèo,vai đeo khẩu AK, oai nghiêm trong bộ quân phục, đứng dậm gót khi gặp ông :" Con chào Ba !". Chỉ mới nghĩ đến như thế thôi, trong người ông Tâm đã sướng run lên.

 

Điều ông Tâm ao ước là thế, nhưng sự thật không hẳn là như vậy. Nếu có đúng, chỉ đúng một phần.

 

Ông Tâm về lại ngôi nhà cũ. Ngôi nhà còn nguyên từ chái nhà đến cây cột, thậm chí đến lu nước sau bếp vẫn vậy. Đón ông Tâm là một người thanh niên. Mới gặp ông Tâm bán tín, bán nghi: Chẳng lẽ đây là con ông? Hình hài của nó đến là kỳ quặc. Hồi còn ở ngoài miền bắc ông chưa từng thấy một người thanh niên nào từ hình dáng đến cách ăn mặc như nó.  Nó mặc một cái quần loe to gấu, thắt lưng to bản ôm chít lấy eo lưng, gầy nhom, cái áo sơ mi màu trắng mặc chật cứng căng ngang hai vai, đầu tóc rậm rì như tóc con gái phủ lấy khuôn mặt có nước da tai tái. Gặp ông, nó nhìn ông như thôi miên, nói lắp bắp:

- Bác...bác là ba Tâm ?

 

Ông Tâm gật đầu nhẹ, nó reo lên một tiếng: "Ba ", rồi lao vào ôm chầm lấy ông. Lúc này ông Tâm mới thực sự tin rằng, đây đúng là thằng con trai của ông, suốt bao nhiêu năm, kể từ ngày nó sinh ra, bây giờ ông mới thấy mặt. Cả hai cha con cùng rưng rưng nước mắt. Mãi một lúc sau ông mới nói được với với thằng Thanh, con của ông mấy tiếng:

- Con ngồi xuống đây, kể cho ba nghe tình hình gia đình của mình đi !

 

Thằng Thanh ngồi xuống, nhìn ông Tâm ngạc nhiên:

- Con tưởng ba biết rồi ? Nội đã mất...

Ông Tâm gật đầu :

- Ba đã ra viếng mộ  của nội. Thế chuyện của má con? Ba muốn nghe con kể chi tiết. Về đây ba có gặp một số người, họ không nói...

Thằng Thanh im lặng, nhìn ông Tâm một cách cân nhắc. Một lúc sau như lấy bình tĩnh, nó mới nói:

- Má đã đi lấy chồng, lấy một ông trung tá phía bên kia...

 

Nghe thằng Thanh nói như vậy, mới đầu ông Tâm tưởng mình nghe lầm, hỏi lại. Thằng Thanh phải nhắc đi, nhắc lại chi tiết ấy một cách rành rọt từng tiếng một. Buông hai bàn tay, ông Tâm thả người ngồi bịch ngay xuống giường. Hèn chi khi mới trở về quê hương, gặp ngươì làng ông Tâm muốn hỏi chuyện gia đình, ai cũng lảng tránh. Cũng có người nói, ông nên gặp người trong gia đình hỏi thì hay hơn. Bây giờ nghe thằng Thanh nói vậy, ông Tâm hiểu, người làng không muốn chạm vào nỗi đau của gia đình ông. Trời ạ!  Suốt bao nhiêu năm ở ngoài bắc, ông Tâm cứ tưởng vợ sẽ hành động và suy nghĩ như ông. Không ngờ ! Đó chỉ là niềm tin phù phiếm. Cái nắng miền trung như dội lửa làm cho nỗi lòng của ông Tâm thêm bức bách. Thằng Thanh giọng vẫn  rủ rỉ kể lại chuyện của mẹ nó :

- Hồi ba đi tập kết ra bắc, cứ tưởng hai năm sau sẽ có tổng tuyển cử, ba lại về. Nhưng rồi không có chuyện đó, chiến tranh xảy ra, ngày càng khốc liệt, tin tức của hai miền đứt đoạn. Má cũng như con không hề biết một chút gì về tin tức của ba ngoài đó.Trong này lúc ấy, Má cũng cần một chỗ dựa, ông trung tá hay đến nhà mình chơi, tâm sự nhiều với má. Phần ông ấy cũng có vợ chết trong chiến tranh, còn má...

 

Nghe chuyện của thằng con kể, mắt ông Tâm như dại hẳn đi. Ông Tâm hỏi Thanh, giọng đứt quãng :

- Má đã như vậy, còn con sống thế nào ?

- Trước khi về đi lấy chồng, má có đến lạy nội. Sau đó má có nói, con nên ở với nội, hàng tháng má có đến thăm.

Nghe con nói vậy, tự nhiên ông Tâm thấy trong dạ sôi lên,  giận tím người:

- Trời ơi! Một người mẹ có đạo đức xấu như thế mà con và cả nội con nữa còn cho bà ta đến thăm.

 

Thằng Thanh nghe ông Tâm nói vậy, ngạc nhiên:

- Con hỏi ba, ngày ấy nếu không má, lúc nội bị đau, lấy ai chăm sóc ? Lúc đầu khi má đến, nội cũng giận lắm. Về sau thấy má đi lại quá tội, thương nội thật tình, nội không giận nữa. Lúc nội mất, chính má đứng ra lo đám tang, trong khi bà con, họ hàng nhà mình ly tán hết. Còn con , cũng nhờ má và dượng không phải đi lính .

 

Ông Tâm nhìn thằng con với ánh mắt lạ lẫm. Những lời nó đang nói ông nghe như mông lung, câu được, câu mất. Cái gì ? Nó đang nói cái gì ? Sao nó lại gọi cái thằng đứng bên kia chiến tuyến với ông là " dượng " một cách ngọt sớt. Hai hàm răng ông nghiến kèn kẹt, quá uất người, ông Tâm quát to:

- Thanh ! má mày như thế, thằng trung tá ngụy khốn nạn phá vỡ hạnh phúc gia đình này như thế, thế mà mày gọi thằng chó chết ấy là " dượng" - Ông Tâm chỉ tay ra cửa - Mày cút khỏi nhà này !

Thằng Thanh không hề tỏ ra bối rối trước cơn thịnh nộ của ba nó. Nó tiếp tục nói, vẫn cái giọng nhỏ nhẹ, nhẫn nhục:

- Ba đừng gọi dượng như thế. Phía bên kia cũng có trăm loại người, có phải ai cũng ác ôn hết đâu ba. Dượng chỉ làm công binh, không bắn ai cả. Đã thế dượng còn tìm cách cho con trốn lính, khỏi đi bắn nhau.

- Mày nói như thế, có nghĩa là mày biết ơn ông dượng ấy, đúng không ? - Ông Tâm nói chì chiết.

- Cái gì đúng thì con theo. Con vẫn nhớ lời dặn của nội trước khi mất, nếu không có sự giúp đỡ của dượng, con cũng không cầm súng đứng về phía bên kia.Có điều con cũng nghĩ như ba, giá như má đừng đi lấy chồng thì tốt hơn -  Nói vậy thằng Thanh lại thở dài - Nhưng... nếu như ba ở vào hoàn cảnh của má, ba sẽ hiểu việc làm của má, không trách má.

 

Ông Tâm nghe con nói, ông im lặng. Không khí trong nhà thật não nề. Cứ như những ngày ở miền bắc lại hay hơn! Đoàn tụ mà như thế này thì "đoàn tụ" làm gì ! Biết vậy, những ngày đầu tập kết ra bắc, ông Tâm đừng quá tin tưởng vào lòng chung thuỷ của người vợ trong này, cứ chấp nhận tình yêu với Phượng, có khi bây giờ lại dễ thở. Đời người tưởng dài chứ thực ra rất ngắn ! Sự nuối tiếc bao giờ cũng muộn mằn.

Đời ông thế là một lần lầm lẫn.

 

Thanh thấy ông Tâm khóc, những giọt nước mắt đặc quánh vẽ thành vệt trên gò má già nua, nó cũng mủi lòng. Thương ba, thằng Thanh hỏi ông Tâm :

- Bây giờ má muốn gặp ba, ba có đồng ý không ? - Thấy ông Tâm vẫn im lặng, thằng Thanh nói mạnh dạn -Con cũng muốn vậy để ba hiểu má hơn...

- Má mày gặp tao để làm gì !- ông Tâm lừ mắt nhìn con. Tự nhiên ông Tâm gào lên, hai tay cào cấu trước ngực, cái áo ông Tâm đang mặc trên người bị giật tung - Tao không muốn... không muốn !Thanh ơi, nếu con còn coi ba là ba của con thì con đừng đưa má đến gặp ba. Nhất là lúc này, ba không muốn ...

 

Thằng Thanh cố thuyết phục ông Tâm:

- Má muốn gặp ba, con mong ba đừng giận má. Gia đình mình phải đoàn tụ, ba ơi ! Ba nghe con, ba gặp má, nghe ba.

Ông Tâm đuối sức sau những phút nóng giận, không thể nói thêm với con câu nào, đầu gục xuống. Thằng Thanh tưởng ba của nó đồng ý, trước khi đi ra khỏi cửa, nó còn ngoái đầu lại, nhắc thêm một lần nữa :

- Con sẽ đưa má đến gặp ba nhé !

 

Thằng Thanh đi khuất, còn lại một mình ông Tâm trong căn nhà. Đêm ấy, sau hơn hai mươi năm ông Tâm mới ngủ lại trên chiếc giường tre cũ. Cả đêm ông trằn trọc. Vẫn cảnh quê hương nơi ông sinh thành, ánh trăng ấy, mênh mang trải dài trên những bãi cát trắng, tiếng sóng ngoài khơi vỗ rì rầm, hàng dừa nước lay động theo từng cơn gió... Cảnh ấy giờ đây không gợi trong lòng ông Tâm một chút xao động. Ông thấy dửng dưng một cách xa lạ.

 

Hai ngày sau, thằng Thanh dẫn mẹ của nó về. Từ xa ông Tâm đã nhận ra vợ ông. Hơn hai mươi năm vẫn vậy, vẫn những bước chân  đi uyển chuyển nhắc lại một thời xuân sắc. Bà mặc một chiếc áo dài nền nã, lịch thiệp. Vợ, chồng gặp nhau, người nào cũng đợi người kia lên tiếng trước.Vợ ông như biết mình có lỗi không dám nhìn thẳng. Ông Tâm nhìn vợ, cố trấn tĩnh, nhưng cả người vẫn cứ run lên.Vợ ông nói, nước mắt chảy giàn giụa:

- Em biết, em có lỗi với anh, nhưng cũng mong anh hiểu cho. Sáu, bảy năm em ở trong này không có tin tức của anh, phần em vòi või đợi, chiến tranh, giặc giã, mẹ đau, con còn nhỏ. Sức chịu đựng con người chỉ có hạn, mà anh ấy lại tốt với em, với mẹ, với cả thằng Thanh. Hơn nữa, cũng vì gia đình mình, anh ấy không làm điều gì để mọi người, chòm xóm trách cứ anh ấy.

- Thôi đi, cô đừng nguỵ biện - Ông Tâm nói tức giận - Cô đã nhìn thấy bom Mỹ rải khắp miền nam chưa ? Cô đã nhìn thấy bao đồng bào, đồng chí của chồng cô ngã xuống vì ai chưa? Sao lúc này cô còn nói với tôi như vậy!

 

Vợ và con ông đứng nép vào góc nhà. Ông Tâm đi đi, lại lại trong nhà vò đầu, bứt tai. Mặt ông đỏ dần như uống rượu. Ông Tâm cố kìm cơn nóng, nhưng hoả cứ bốc trong đầu. Ông Tâm gườm gườm nhìn vợ, nói dằn từng tiếng :

- Cô và thằng Thanh cút khỏi nhà này. Đi đi ! Mẹ con cô đi với thằng chồng khốn nạn, giết người của cô đi .

Vợ ông nghe vậy  vội quỳ thụp xuống :

- Em van anh, anh đừng nói với em như vậy. Cũng đừng nói với anh ấy như vậy. Anh ấy chỉ làm công binh, có bắn ai đâu. Anh ấy sống tốt với mẹ, con em, với mọi người, ai cũng quý.

 

Vợ ông nói thế, lúc này khác chi " đổ thêm dầu vào lửa". Đã tưởng cô ấy đến đây để xin lỗi, mong ông Tâm tha thứ nối lại tình xưa. Té ra không phải ! Cô ấy đến đây biện minh cho việc làm của mình, lại còn " khen ' thằng chồng sau của cô ta. Đến nước này ông Tâm thấy chẳng còn gì phải hối tiếc. Ông giật tay vợ đang níu gấu áo của mình :

- Thôi, tôi không muốn nghe cô nói nữa. Cô và thằng Thanh phải đi ngay ra khỏi nhà này !

 

Ông Tâm lấy tay đẩy mạnh vào ngực vợ, vợ ông ngã ra đất. Thằng Thanh  đứng cạnh vội đỡ mẹ nó. Nó nhìn ông ông Tâm với ánh mắt  đau khổ. Thanh nói nghẹn ngào :

- Con đưa má đến gặp ba, với một ước muốn, ba và má sẽ về lại với nhau vì dượng đã đi cải tạo. Hơn nữa, giữa dượng với má không có con, nên dượng khuyên má nên trở lại với ba là hợp lý - Thanh đi đến nắm tay ông Tâm, cầu khẩn - Con mong ba tha thứ mọi lỗi lầm của má. Chung quy  trong chuyện này cũng tại chiến tranh.

Ông Tâm gạt mạnh tay của thằng con, quay mặt đi chỗ khác, nói một cách cương quyết:

- Các ngươi không nói nữa! Mẹ con các ngươi đi đi... đi đi..

Nói xong câu nói đó, ông Tâm phải dồn hết cả trí lực để giữ thân khỏi ngã.

 

Thấy không thể chuyển lay được ý kiến của ông Tâm, mẹ con thằng Thanh sụt sùi dìu nhau đi ra khỏi cửa. Ông Tâm vẫn đứng chết trân giữa nhà, bàn tay nắm đanh lại. Mẹ con thằng Thanh đi một quãng rất xa vẫn không dám quay đầu nhìn lại. Đến lúc đó ông Tâm mới lết người, đi đến gần cửa ra vào, cố nhìn theo. Thấy bóng vợ con xiêu vẹo trên con đường cát nắng gắt, trong lòng ông trào lên sự thương hại. Ông gục đầu vào bậu cửa, ngực tự nhiên nhói lên một cơn đau. Đuối sức...

 

Tạm biệt quê hương lần thứ hai, ông Tâm lại ra miền bắc. Miền bắc đã cưu mang ông suốt mấy chục năm qua, ông quen hơi, quen tiếng. Lúc này ở miền bắc, sống trong tình cảm anh em của cơ quan ông Tâm thấy hay hơn. Gia đình Minh, Phượng đã dọn về nam. Ông Tâm đựơc ban Giám đốc cơ quan cho ở chính căn phòng của vợ chồng Minh, Phượng đã ở. Ngày làm việc, tối về lại căn phòng đó, hình ảnh đầm ấm của gia đình Minh, Phượng cứ  như ẩn, hiện làm cho ông Tâm không ngủ được. Có đêm thức trắng, ông Tâm dạo khắp sân rộng trong khuôn viên cơ quan như một người bảo vệ mẫn cán. Ông  Tâm đi tha thẩn bên mấy gốc sấu cổ thụ, gió heo may bắt đầu thổi, lá sấu vàng rơi lả tả xuống sân. Một mình, một bóng dưới ánh đèn  điện vàng vọt, ông Tâm thèm cảnh đoàn viên gia đình. Ông lại nhớ da diết tiếng gõ " lộp bộp" vào mạn ghe đuổi cá, nhớ bóng trăng ẩn hiện dưới tàu dừa ở trong kia. Ông lại mong ngôi nhà trống lạnh ở quê hương có người trông nom. Ngồi nghĩ kỹ, có lúc ông Tâm lại ân hận về những suy nghĩ và hành động của mình đối với vợ con. Ánh mắt cầu xin của vợ cứ làm ông day dứt mãi. Những bức thư đẫm nước mắt của vợ gửi ra, vẫn một lời xin ông tha lỗi và bà rất mong ông trở về. Tuy không viết thư trả lời cho vợ, cũng có lúc ông Tâm định thu xếp đồ đạc để về lại trong đó. Cũng chính lúc đó máu tự ái trong người ông nổi dậy. Cứ thử so sánh cảnh của ông ngồi lụi cụi nấu cơm  trong góc nhà với cái bếp dầu phả khói mù mịt, còn trong kia một gia đình có những người là nguồn ông hy vọng, giờ phản bội ông, họ lại quây quần bên một mâm cơm ấm cúng, gần như quên ông. Chẳng lẽ hy sinh cả đời cho họ, bây giờ lại van xin khi trở về, như một người xin của bố thí. Không thể như thế được! Quẳng chiếc ba lô vào góc giường, ông Tâm tự đấm lưng thùm thụp, đi ra cửa...

 

Rồi một lần thằng Thanh ra bắc thăm ông Tâm. Thanh nhìn ba của nó mà sững người. Nào có xa xôi gì cho cam, gần chục năm mà ba của nó thay đổi một cách ghê gớm. Tóc bạc trắng, nét mặt già nua đến khắc khổ, ánh mắt đờ đẫn, mệt mỏi như quá sức chịu đựng của một con người vừa vượt qua một dốc cao. Ông Tâm thấy thằng Thanh ra thăm, không như lúc đầu, ông ngồi nói chuyện với nó, giọng từ tốn :

- Con ra thăm ba có việc chi? Sức khoẻ của má con dạo này ra sao ?

Thằng Thanh nhìn ông có vẻ phân vân, nói qua tình hình gia đình trong kia cho ông biết :

- Má vẫn khoẻ,  má nói với con ra thăm ba.

 

Bàn tay gầy guộc của ông xoa xoa lưng áo của thằng Thanh. Đã lâu lắm rồi ông Tâm mới thấy hơi ấm của con người. Bàn tay ông cứ muốn miết  mãi sống lưng của thằng con. Ông Tâm cảm nhận được độ lớn của tuổi thanh niên. Giọng nói của nó cũng đã khác, trưởng thành, không yếu ớt như dạo nào. Ánh mắt của con ông nhìn có vẻ tự tin lắm, như tính được từng bước đi của mình. Thằng Thanh rút trong túi ra một gói nhỏ để bên cạnh. Thấy vậy, ông Tâm, hỏi :

- Gói gì đó con ?

 

Thanh không trả lời câu hỏi của ông mà nó lại nói :

- Con muốn nói với ba điều này nhưng sợ ba ...

Linh tính làm ông Tâm sợ. Ông vội giục :

- Điều gì ? Hay má con bị làm sao?  Con muốn dấu ba.

- Má con không làm sao, vẫn khoẻ... Có một điều...

- Điều gì ? Con nói đi sao cứ ấp úng thế ?

Thấy nét mặt đau khổ của ông Tâm, thằng Thanh không nỡ dấu :

- Má và con cùng dượng sẽ đi sang Mỹ theo diện HO. (2)

- Con nói lại cho ba nghe - Giọng ông Tâm run run.

- Má và con được dượng bảo lãnh sang Mỹ theo diện HO. Trước khi đi sang đó, má muốn con ra thăm ba.

 

Lần này có thể mất hết, ông Tâm muốn níu kéo trở lại:

- Ba muốn về với má, trở về với con.

Thằng Thanh thoáng ngỡ ngàng, rồi lắc đầu :

- Không được ba ạ! Tất cả đã muộn rồi. Má viết cho ba bao nhiêu lá thư, trong những lá thư ấy chỉ có một điều là má xin ba tha lỗi và dượng con khi ở trong trại cải tạo cũng chỉ mong ba một điều như vậy. Rất nhiều lần má gặp dượng, dượng cũng khuyên má hãy trở về với ba, dượng muốn gặp ba xin lỗi. Nhưng cả má và con đợi hoài không thấy thư ba trả lời, thế là má quyết định trở lại với dượng. - Thanh nói xong câu đó im lặng. Một lúc sau nó nói tiếp - Lúc đầu con với má cũng nghĩ, gia đình ta sau bao nhiêu năm ly tán nên đoàn tụ. Bây giờ... thì không nên. Tuy ba có công cùng má sinh thành ra con, nhưng thực tế ba với má gắn bó có hơn năm vì thế thời gian để ba hiểu má và con không nhiều. Còn con cùng má gắn bó với dượng cho đến ngày hôm nay gần ba chục năm. Ngọt bùi, đắng cay má với dượng đều trải qua - Bàn tay nóng hổi của thằng Thanh áp lên bàn tay lạnh giá của ông, giọng nó đều đều rõ từng tiếng một - Con có ở lại, vì trong lý lịch trước đây, có ghi dượng là " Cha " nên chính quyền không cho đi học, tương lai con không biết về đâu. Còn má trở lại với ba, má cũng mặc cảm những chuyện mình đã làm, rồi tính ba nóng và cố chấp như vậy, liệu gia đình mình có hạnh phúc không ?

 

Nói xong thằng Thanh đưa ông ông gói vải nhỏ, lúc nãy nó để bên cạnh:

- Má muốn đưa cho ba một ít vàng và tiền để ba phòng lúc tuổi già...

Ông Tâm vẫn im lặng, hình như ông không để ý chuyện đó.

Cầm gói vải trên tay, luỡng lự thằng Thanh hỏi ba :

- Con đã nói hết rồi...Con nghĩ, chắc ba giận. Ba có giận má và con không ?

Thằng Thanh chờ đón cơn thịnh nộ của ông Tâm, nhưng ba của nó vẫn im lặng. Phải mãi một lúc, ông Tâm mới gặng gượng đứng lên, kéo tay thằng Thanh đứng lên theo :

- Con đứng dậy đi. Suốt cuộc đời của ba chỉ là sự lầm lẫn - Bàn tay ông Tâm run rẩy đặt lên vai của thằng Thanh - Con và má con đi theo dượng của con là đúng - Giọng ông Tâm lúc này nghẹn ngào, đứt quãng - Lỗi này tại ba. Dù sao việc ra đi của con và má cũng là nỗi buồn của ba. Tất cả...đúng như con nói, đã muộn rồi... Giá mà hôm nay có cả má con nữa.

Nói xong câu nói đó, ông Tâm phải dựa hẳn vào tường để khỏi ngã.

 

Thằng Thanh ôm lấy ba của nó, nó khóc nức nở. Ông Tâm cứ để cho con khóc. Lúc này ông Tâm đã lấy được bình tĩnh. Ông nói :

- Đừng khóc nữa con ạ! Ba, con mình còn được gặp nhau trước lúc chia tay như thế này cũng là mừng. Còn có gia đình  cũng vì hoàn cảnh, vì chiến tranh chẳng bao giờ còn gặp lại cha con, vợ chồng. Gia đình mình còn hạnh phúc hơn họ. Mà có phải đây là cuộc chia tay vĩnh viễn đâu. Còn có ngày gia đình mình gặp lại nhau. Ba tin thế ! Thế bao giờ má và con cùng dượng sẽ đi?

- Hai tuần nữa, ba ạ!

- Mọi thủ tục dượng đã lo xong rồi chứ ?

- Dượng lo hết rồi. Ba sẽ vào tiễn má và con? - Thằng Thanh hỏi ông Tâm.

Ông Tâm khẽ lắc đầu :

- Không, con ạ ! Trước lúc chia tay, con ra gặp ba thế này là được rồi và ba tin khi con vào gặp má, con nói lại buổi gặp mặt của cha con mình ngày hôm nay,  má sẽ hiểu ba. Đến giờ ba vẫn yêu má con -Ông Tâm đưa lại cho thằng Thanh gói tiền và vàng - Con nói với má, ba sống ngoài này được anh em trong cơ quan, nhà nước chăm sóc đầy đủ, chu đáo.  Ba không cần số tiền, vàng này. Má của con cứ yên tâm, không phải lo lắng gì cho ba. Ba chỉ mong má và con dù có ở đâu thì thư về cho ba biết. Cho ba gửi lời thăm và cảm ơn dượng của con. Mãi mãi ...- Ông Tâm ôm  thằng Thanh vào lòng - Ba vẫn là ba của con, là chồng của má con./.

 

Chú thích :

(1) - Xe đạp mua được giá rẻ hơn bên ngoài, do nhà nước phân phối

(2)  -Đi theo diện nhập cư được chính phủ Mỹ cho phép.

Trần Kỳ Trung
Số lần đọc: 2408
Ngày đăng: 06.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người sợ đàn bà - Nguyễn Minh Phúc
Thung lũng dã nhân - Hoa Ngõ Hạnh
Tiểu công chúa - Khuất Đẩu
Thứ sáu 13 - Minh Thuỳ
Chim bay về đâu - Mang Viên Long
Tội sống ! - Trần Huy Thuận
Khói trong sương - Minh Nguyễn
Thư gửi người tình trăm tuổi - Khuất Đẩu
Bóng Nắng - Nguyễn Lệ Uyên
Thằng đổ vỏ - Trần Huy Thuận
Cùng một tác giả
Người đánh trống (truyện ngắn)
Bằng di tích (truyện ngắn)
Đọp-nhà thơ (truyện ngắn)
Lầm lẫn (truyện ngắn)
Chỉ tại con ruồi (truyện ngắn)
Chuyện của Cậu tôi (truyện ngắn)
Lõm to (truyện ngắn)
Mẹ (truyện ngắn)
Hương hoa móng rồng (truyện ngắn)
Bài văn tả…! (truyện ngắn)