Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.259
123.156.023
 
Huyền Trân Công Chúa - 3
Khuất Đẩu

Đêm yên lặng. Nước sông chảy êm như ru. Cả đoàn sau những ngày căng thẳng mệt mỏi lăn ra ngủ như chết. Chỉ có bọn voi nhà cảm nhận được bao nỗi hiểm nguy đang chực chờ. Chúng cứ dùng vòi tung cát lên cao, thỉnh thoảng lại thét lên những tiếng kêu đây hoang mang lo sợ.

 

Va, đúng như linh tính đã báo trước cho chúng, khi trăng hạ huyền vừa rải ánh sáng yếu ớt xuống mặt sông thì đột nhiên bỗng ào ào như thác đổ với hàng trăm con voi rừng băng băng lội qua sông. Con voi một ngà cuồng điên lao lên phía trước. Những tiếng té tát vang rền. Cái bãi cát êm đềm chỉ trong chớp mắt đã bị lũ voi rừng tràn ngập. Những bàn chân to lớn thi nhau giẫm đạp, những xác người mỏng manh bị tung lên. Một cuộc giải cứu và trả thù chấn động đất trời. Con voi trắng vua của loài voi đã được đưa về đại ngàn, còn vua của người Chăm chỉ còn  là một cái xác nhàu nát đầy máu me!

 

Tin dữ đưa về giữa lúc Huyền Trân đang ngắm những con thú cưng. Con chim trĩ vẫn nghiêng cái đuôi dài thướt tha chào nàng. Con công vẫn giương cái quạt nhiều sắc màu đỏm đáng. Con đười ươi vãn cứ nhe răng ra cười dù không bị ai cù. Con rùa mai trắng vẫn trầm tĩnh nhai từng cọng rau. Nàng đang tự hỏi không biết cái con voi be bé mà Chiêm vương sắp đem về tặng con không biết nhốt ở đâu. Nhất định không phải ở trong chuồng này. Nó nhỏ quá và cái con đười ươi ngu ngốc kia chắc chắn sẽ làm cho nó bực mình. Cái vòi của nó mà tóm được thì dù có muốn cười cũng phải khóc thôi con ạ!

     

Đầu tiên nàng nghe rào rào như gió đuổi nhau chạy trên những lùm cây, rồi tiếp theo những tiếng đâm ngực, tiếng kêu gào, tiếng thét hoảng sợ như thể cái tháp đồ sộ kia đang ngiêng và sắp đổ nhào. Thế rồi tất cả đột nhiên nín lặng. Mọi người mọi vật như bị đông cứng. Tháp vẫn đang nghiêng nhưng không đổ. Ai đang há họng ra vẫn cứ há, ai đang giơ tay vẫn cứ giơ tay, ai đang chạy vẫn giữ thế co chân đang chạy. Cả kinh thành chết lặng ít ra trong vài mươi giây khi những con voi phờ phạc vì chưa hết hoảng sợ đem cái xác mềm  oặt nhàu nát như vừa bị cán qua che mía đi vào cổng thành.

    

Huyền Trân cũng chết lặng không chỉ cả xác mà chết cả hồn. Nàng cứ mở mắt trừng trừng, mở to đến hết cỡ nhưng chẳng thấy gì ngoài cái màu đỏ như ngập lụt cả kinh thành và cả đất trời. Nàng cứ đứng mãi như thế cho dù trời nắng hay trời mưa, cho dù hết đêm sang ngày nếu người ta không đưa nàng vào một ngôi nhà xây toàn gạch chỉ có một cửa ra vào như nhà ngục.

 

Bên ngoài triều thần vội vã tôn Chế Chí lên ngôi. Việc đầu tiên của tân vương là hoả thiêu cho cựu vương. Các thầy tư tế và ngự y phải mất cả ngày băng bó sao cho ra hình hài để đem đi xông trầm và ướp hương. Ba ngày sau  khi đã được hong khô, người ta mặc áo đội mũ cho vương uy nghi như đang ngự trên ngai. Trước ngôi tháp thiêng người ta chất củi thành một cái tháp đủ rộng để thiêu xác của Chiêm vương, vương hậu và vương phi.

 

Thế đấy, cái ngôi vương hậu vàng son lộng lẫy bỗng chốc hoá ra cái miệng đỏ lòm của lửa! Huyền Trân, Huyền Trân ơi, cây quế giữa rừng giờ chỉ còn là một cây củi mà thôi!

     

Cùng chung số phận với nàng còn có bốn vương phi người nào cũng đẹp như thần Shiva. Họ cũng được nhốt chung với nàng để chờ ngày thiêu sống. Ai cũng rũ xuống như những cành lan héo. Không ngờ những ngày tươi đẹp ở thế giới này quá ngắn ngủi.

     

Tuy không phải là người Chiêm, nhưng Huyền Trân cũng biết quá rõ những gì đang chờ đợi nàng. Ơ nước Việt thì chôn sống, ở đây thì hoả thiêu ! Tất cả chỉ là một cái chết bắt buộc để trả giá cho giấc mộng huy hoàng. Những vương phi tuy vậy vẫn còn chút an ủi là được chết cùng với Chiêm vương tức là cùng được đi về nước Trời. Còn nàng, nàng không tin như thế. Cái chết như thổi tắt một ngọn đèn. Phụt một cái, đang sáng bỗng trở thành tối om. Nàng chỉ tiếc cho đứa bé chưa được sinh ra, tiếc là không được cùng nó về thăm quê ngoại.

 

Ngày thứ năm sau cái chết của Chiêm vương, người ta tiến hành lễ hoả thiêu. Xác Chiêm vương được các thầy tư tế rảy nước thơm và đọc kinh cầu hồn. Sau đó bọn thị vệ khiêng xác lên đặt trên tháp củi giữa bốn vương phi đã được cho uống thuốc mê và bị trói cả chân tay. Huyền Trân chưa phải chết theo chồng vì hãy còn cái mầm sống trong lòng. Nàng mặc đồ tang, mặt che mạng, được phép chiêm bái như mọi thần dân.

      

Khi ngọn lửa bốc lên cao thè những chiếc lưỡi dài liếm vào người các vương phi, bọn họ rùng mình tỉnh dậy. Họ không kêu la được vì mồm bị nhét đầy giẻ. Họ cong người lên dãy dụa như tôm cá bị nướng. Nhưng chỉ trong chớp mắt tất cả đều lặng im, chỉ còn nghe tiếng cười khành khạch của lửa gặp gió.

      

Cả người chết và người chưa chết đem thiêu cũng đều được lửa hào phóng giải thoát. Bỡi lửa đời đời là sự sống ngay cả trong cái chết. Lửa là thần của các vị thần nên các ngọn tháp đều mang dáng hình ngọn lửa.

 

Ngay khi chuẩn bị hoả thiêu tân vương Chế Chí đã cho sứ thần ra Thăng Long báo tin. Ngoài ra còn bóng gió rằng người dâng nộp hai châu Ô Rí đã chết thì lời ước cũng đã hoá thành tro.

      

Cả triều đình sửng sốt và nổi giận. Thái hậu thì chết điếng vì đau buồn. Bà buộc đức vua phải tìm mọi cách cứu cho bằng được công chúa, nếu không bà sẽ gieo mình xuống hồ Tây. Cái ngọn lửa từ kinh thành Đồ Bàn xa là thế mà ngày đêm vẫn như đang thiêu đốt bà. Khi đức vua đem nỗi lo ấy ra bàn bạc với triều đình, các quan ai cũng thuận theo thánh ý. Chỉ có một người sau này dâng sớ xin chém đầu bảy nịnh thần là tướng quân Phạm Ngũ Lão dám đứng ra bộc bạch. Ong nói :

- Muôn tâu thánh thượng, thần trộm nghĩ nước lớn phải giữ nghĩa lớn. Cái đức của người quân tử là giữ chữ tín. Ta đã gả công chúa cho người thì sống chết gì cũng phải theo tục lệ của họ. Công chúa dù có phải hoả thiêu cũng là để trọn đạo làm người. Còn như muốn cứu công chúa thì chỉ có mỗi một cách là đem hai châu Ô Rí trả lại. Họ được đất, ta được người. Như thế là vẫn giữ được tình hoà hiếu như Thái thượng hoàng mong muốn.

    

Nhưng Trần Khắc Chung, một tướng quân trẻ tuổi mộng lớn thì quyết liệt chống đối:

- Việc gì phải trả lại đất. Thần xin đưa công chúa về bảo đảm không mất đi một sợi tóc.

    

Thế là Trần Khắc Chung được cử làm chánh sứ  đi viếng tang. Sứ bộ đi trên một chiến thuyền có cả súng đại bác và những con ngựa nòi chạy tuyệt nhanh. Trời yên biển lặng nên chỉ trong năm ngày thuyền đã cập bến ở đầm Thị Nại.

     

Khắc Chung cùng với bốn quân kỵ tiến thẳng lên thành Đồ Bàn. Tân vương tiếp sứ thần theo đúng cách một nước nhỏ tiếp nước lớn: hết lời cảm ơn sứ thần đã ngàn trùng vượt biển đến viếng và xin tạ ơn bằng một mâm vàng. Nhưng khi sứ thần xin bái kiến vương hậu thì tân vương dứt khoát chối từ. Chẳng những thế, ngay sau đó Huyền Trân còn được canh giữ nghiêm nhặt hơn. Túc trực quanh nàng không phải những ngự y mà là những tên lính ngự lâm lăm lăm gươm giáo trong tay.

     

Khắc Chung cũng không vừa, ngay trong đêm đó đã mật lệnh cho bọn quân kỵ tìm ra chỗ giam giữ nàng. Nhìn lướt qua thành quách không được xây bằng gạch đá mà chỉ đắp bằng đất đỏ, tướng quân cười thầm vì việc cứu công chúa dễ như lấy đồ trong túi.

     

Sáng hôm sau, Khắc Chung đến chào từ biệt tân vương, xin gửi lại mâm vàng để tặng cho những người sẽ chăm sóc công chúa từ đây cho đến ngày nàng bị đem đi thiêu. Tuyệt nhiên không hề đá động gì đến chuyện trả lại đất để đổi lấy công chúa như tân vương dự tính. Tân vương đành tiễn họ ra khỏi thành. Dù sao thì cũng còn mấy tháng nữa nàng mới sinh, lúc ấy bàn chuyện đổi chác vẫn chưa muộn. Đối với tân vương, việc nàng có chết theo Chế Mân hay không, chẳng có gì là hệ trọng. Cái chính là hai châu Ô Rí đã phải mất vào tay người vì sự mê muội của ông anh dại gái! Giờ phải bằng mọi giá lấy lại cho bằng được. Mà cũng dễ thôi, cứ việc giữ nàng như một con tin, thỉnh thoảng doạ đem đi thiêu thì đất nào mà lấy lại chẳng được.

      

Ra khỏi thành, năm con ngựa Hồ chạy như bay trong gió. Loáng cái đã mất hút trong bụi đỏ mịt mù. Ai cũng đinh ninh bọn họ cố phi nhanh cho kịp xuống thuyền. Nhưng khi đến ngã rẽ xuống đầm Thị Nại, Khắc Chung và cả bọn bất ngờ rẽ ngược lên đường thượng đạo. Chẳng mấy chốc họ lại biến mất trong rừng sâu.

     

Ngựa buộc hàm, người ngậm tăm, bọn họ lặng lẽ tiếp cận những ngọn đồi vắng sau lưng thành Đồ Bàn. Chờ đêm tối, họ leo vào thành thẳng đến chỗ công chúa đang bị giam giữ. Nàng vẫn không hề biết có sứ thần Đại Việt đến viếng tang. Sau những ngày dài mỏi mệt không biết đên giấc ngủ là gì, nàng chỉ nằm  thở dốc như một con cá mắc cạn. Đang lơ mơ bỗng nàng bị nhét giẻ vào miệng, bị bế thốc đưa qua khỏi thành. Khắc Chung đã chờ sẵn. Tướng quân ôm nàng phi nước đại. Chỉ ít lâu cả bọn đã xuống được thuyền.

     

Khi biết được  Huyền Trân đã bị cướp, Chế Chí vội cho quân kỵ đuổi theo. Đuốc sáng ngời. Ngựa rầm rập. Cả kinh thành như được dựng dậy. Nhưng xuống tới bến thì bọn họ đã dong thuyền ra khỏi đầm Thị Nại. Khắc Chung còn cho nổ mấy phát thần công để thị uy.

    

Biển êm. Thuyền căng buồm no gió lướt trên sóng như bay. Khắc Chung đứng ở mũi thuyền khoan khoái ưỡn ngực ra thở. Chưa có trận chiến nào chớp nhoáng như cuôc đột kích vừa rồi. Nó rất thầm lặng nhưng hiển hách làm sao! Còn hơn cả Trần Quang Khải đoạt giáo Chương Dương độ. Thật là sảng khoái khi đoạt được một giai nhân. Bảo lính đem rượu ra uống, tướng quân cũng muốn mượn hơi men để làm một bài thơ, nhưng nghĩ mãi không ra đành chui vào trong khoang đánh một giấc tới sáng.

      

Huyền Trân cũng nằm trong khoang. Những sự việc vừa rồi diễn ra quá nhanh cứ tưởng như trong mơ. Không biết ai đã cướp nàng và cướp để làm gì. Nhưng khi được quăng lên lưng ngựa và nghe tiếng Đi ! nàng mới biết là được quân Đại Việt cứu thoát. Chắc là mẫu hậu đã cho người làm việc ấy. Có người mẹ nào trên đời này lại để con  gái mình  bị đem đi thiêu sống mà không tìm cách giải cứu. Nhưng đem nàng về để chết già trong thành Thăng Long thì thà chết trong ngọn lửa còn dễ chịu hơn!

      

Mãi đến khi mặt biển chói ngời vì ánh mặt trời, Khắc Chung mớí thức dậy. Tướng quân giả cách ngơ ngác hỏi :

-  Ua, công chúa sao lại ở đây ?

-  Ta  là vương hậu.

-  Thì vâng. Nhưng sao vương hậu lại ở trên thuyền của tại hạ

-  Ngươi đừng có ỡm ờ nữa được không ?

-  Thưa được, tại hạ xin bái kiến vương hậu.

 -  Ta muốn biết ai đã khiến ngươi làm cái việc cướp giật này ?

 -  Chính tại hạ. Vương hậu không thấy vui sao?

 - Ta vui thế nào được khi chỗ của ta không phải ở trên chiếc thuyền này.

 -  Thế vương hậu muốn ở đâu, trên cái giàn hoả ấy chăng ?

 -  Đúng, đó là chỗ của ta!

-  Nhưng tại hạ không muốn và cả triều đình cũng không muốn thì sao ? Mạt tướng đã làm hết sức để đưa công chúa về. Sao công chúa không có được một lời cảm ơn ?

 -  Ta rất bực mình vì cái sự phá bỉnh của ngươi, sao ta lại cảm ơn ?

-  Không cảm ơn cũng được, nhưng hãy nhớ là công chúa đang ở trong tay của tại hạ.

-   Thế ngươi định làm gì ta ?

-  Chẳng làm gì cả, lúc này chỉ mong công chúa hãy biết rõ cái thân phận của mình.

-   Là thân phận gì ?

-   Một tù nhân!

-   Ta là tù nhân của ngươi ?

-   Đúng rồi, vương hậu của Chế Mân tức là kẻ thù của tại hạ.

      

Ước gì nàng có thể đâm đâu xuống biển. Bao nhiêu bất hạnh như sóng trào gió giật, nhưng cái nỗi nhục này xem ra quá sức chịu đựng của nàng. Phải như không có đứa bé nàng đã đi theo ngọn lửa cùng chàng.

      

Đôt nhiên nàng cảm thấy đau bụng dữ dội. Cơn đau quặn thắt như muốn bẻ gập người nàng lại. Người nàng tê cóng nhưng mồ hôi tuôn ra ướt dầm. Một tên lính có tuổi đoán chừng là nàng sắp sinh. Quả thực  không ai ngờ được cái tình cảnh lạ lùng này. Trên thuyền toàn là đàn ông, nào ai biết phải giải cứu một người đàn bà sắp sinh như thế nào! Lúc xuống thuyền họ chỉ biết mang theo gươm giáo để chém giết, ngựa để chạy thoát cho nhanh, nào ai nghĩ ra được phải đem theo nữ tỳ và cả một bà mụ!

    

Rất may trên sóng nước chập chùng, họ trông thấy từ xa nổi lên một vệt xanh mờ. Đến gần mới biết là một hải đảo. Chẳng biết của nước nào, nhưng hãy có đảo là được. Còn hơn để nàng phải sinh ra trên thuyền giữa một bọn đàn ông chỉ biết trố mắt ra mà nhìn!

       

Đảo nhỏ như một cái chấm trên mặt biển mênh mông. Một vài túp lều  nép mình dưới bóng dừa, năm ba đứa trẻ trần truồng mắt trắng dã và những mụ đàn bà đen đúa xấu xí. Không có một cái bến cho thuyền cập vào, bọn lính phải cõng nàng lên bờ. Dân đảo ùa ra xem , líu ríu như chim như chuột. Chẳng phải Chăm, cũng không phải Tàu, có lẽ là ngư dân của Chà và, Maní đã từ lâu trôi dạt đến đây. Chẳng ai hiểu họ nói gì, nhưng có đàn bà là được. Một tên lính khum hai bàn tay úp lên bụng, nhăn mặt đau đớn để ra dấu cho họ hiểu là người đàn bà mệt lả này sắp sinh. Một mụ già quắt đến vạch áo xem bụng của nàng rồi bất ngờ vung tay xua bọn đàn ông và trẻ con đi chỗ khác.

      

Khi chỉ có bọn đàn bà với nhau, bọn họ khiêng nàng vào lều đặt nằm trên một cái sạp làm bằng thân cây dừa. Họ cởi tuột quần áo nàng ra, giăng cả hai chân hai tay như sắp mổ bụng. Thế rồi họ cùng gào lên eo óc như quỷ ma.Thỉnh thoảng một mụ nhảy lên mình nàng đẩy cái bụng xuống như trẻ con đẩy cát trên biển để xây nhà. Vậy mà rồi nàng cũng sinh được. Có điều đứa bé đã chết ở trong bụng mẹ tự bao giờ!  

 

Những ngày sau khi sinh, nắng gió và nước biển đã giúp nàng lại sức. Da dẻ tuy đen nhưng là đen dòn. Ngực nàng như  có hai con chim bồ câu đang tranh nhau ấp trứng.  Nó cứ rung rinh theo mỗi bước chân của nàng. Tướng quân Khắc Chung nhìn mãi không chán mắt. Trước sau gì nàng vẫn là người mà chàng muốn khát khao độc chiếm. Một hôm, chàng bước vào căn lều dành riêng cho nàng. Chàng nói :

-  Thưa công chúa, tai hạ nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta nên trở về.

-   Về đâu ?

-   Về thăng Long chứ về đâu.

-   Không, ta chỉ muốn được ở lại đây

-   Với bọn thổ dân mọi rợ ?

-   Thì đã sao !

-   Còn thái hậu ?

-   Coi như đã chết rồi!

-   Còn Thái thượng hoàng?

-    Cũng vậy!

-    Còn…còn tại hạ ?

-    Chính vì ngươi mà ta không muốn về!

-   Vì sao công chúa khinh ghét tại hạ như thế ?

-   Vì ta không ưa được những người như ngươi.

-   Nhưng tại hạ ưa công chúa thì sao ?

-   Thì đó là việc của ngươi

-  Công chúa vẫn còn tơ tưởng đến hồn ma của thằng mọi đen ấy sao?

-   Đó là chồng ta.

-  Nó chết rồi. Đúng là cái quân voi giày ngựa xéo, công chúa cũng đã thấy rồi đấy.

-  Tiếc rằng con voi ấy đã nhầm. Kẻ bị giày phải chính là ngươi.

-  Thôi đủ rồi. Công chúa cứ đợi rồi sẽ thấy.

     

Tướng quân giận dữ bỏ ra khỏi lều. Nàng ngồi một mình với bao nỗi buồn như mây trắng lớp lớp đùn lên ở chân trời.

             

Về ư ? cái kinh thành đó đâu còn là chốn quê nhà. Biết bao chuyện tầm phào nhảm nhí sẽ rộ lên khi thấy nàng trở về. Các công nương và các vương tôn sẽ nhìn nàng như thế nào ? Một nửa hay một phần tư con mắt ? Bọn tôn thất chắc hẳn sẽ vỗ đùi reo lên: nàng về rồi kia. Hai châu Ô Rí vẫn còn đấy, nào có mất mát gì đâu. Có chăng chỉ là một chút trinh tiết, nhưng có ngần ấy mà đổi được cả ngàn dặm vuông là quá hời!

       

Thế thì về mà chi! Hãy cứ ở lại đây với những mụ già líu lo như chim chuột, với những đứa bé thoăn thoắt trên những cây dừa nhanh như khỉ, với những cá những tôm những sò những ốc.

Ơ lại đây với những đêm trăng và cả những đêm mưa bão, những bình minh rực rỡ và những hoàng hôn tím buồn.

Ở lại đây với nấm mồ bé xíu của đứa con tội nghiệp chưa được một ngày làm người!

Ở lại đây, được rồi! Nhưng còn phụ hoàng thì sao ? Ngồi kiết già trên núi Yên Tử, ngài có muốn gặp lại đứa con gái bất hạnh của ngài không? Ngài đã đạt tới Đạo chưa? Cấi biển khổ mênh mông mà chỉ với một chiếc lá trúc thì biết đến bao giờ mới vượt qua được?! Oi, nàng thèm được gặp ngài xiết bao! Vượt qua bao nhiêu thống khổ gắng gượng sống cho đến ngày hôm nay là cũng chỉ được mong gặp lại ngài một lần mà thôi! Nhưng cứ ở mãi đây thì làm sao gặp được ? Vậy là về, phải về !

       

Nàng vội đi tìm tướng quân và gần như sụp xuống đất năn nỉ để xin được về ngay. Tướng quân cũng chẳng mong gì hơn !

 

Hôm sau thuyền nhổ neo. Dân đảo chất đầy cá khô và dừa lên thuyền. Bọn họ quá yêu công chúa. Nàng cứ như thần tiên mà họ may mắn được thấy trong đời. Nàng cũng yêu họ không kém. Ước gì nàng có thể quay lại sống với họ suốt đời. Nàng ứa nước mắt từ biệt.

      

Trời đẹp. Biển càng đẹp hơn. Bọn cá heo tinh nghịch đuổi theo. Suốt cả ngày dài chúng cứ uốn mình phóng vọt lên rồi nhẹ nhàng rơi xuống. Cứ như chúng đang vẽ những làn sóng, một nửa ở dưới nước, một nửa ở trên không.

      

Trời và biển như thế này đi thuyền thật tuyệt. Phải như hồi đó Chế Mân đón nàng bằng thuyền, cả chục chiếc cùng căng buồm trắng đẹp biết bao! Đi đường bộ quá nhọc nhằn! Nhưng nếu không trèo đèo lội suối thì nàng làm sao biết được non sông gấm vóc tuyệt vời, làm sao thấy được Hải Vân quan trùng trùng mây phủ, con sông Hương nước toả mùi thơm!

     

Tối hôm đó tướng quân đến bên nàng. Bọn lính đã dạt ra sau lái và mũi thuyền. Chỉ một mình nàng trong khoang và nàng hiểu điều gì sắp xảy ra. Rất bình tĩnh, nàng nói:

-   Ta chỉ xin ngươi một điều!

-   Điều gì ?

-   Cho ta gặp cha ta trước đã.

-   Rồi sau đó ?

-   Ta sẽ gặp ngươi.

-  Ở đâu ?

-  Trên chiếc thuyền này hay một ngọn núi nào đó

-  Tại hạ muốn ngay bây giờ.

-  Thế là ngươi muốn giết ta!

-   Không.

-  Ta sẽ gieo mình xuống

-   Không.

-  Ta muốn…( nàng đứng lên nhưng tướng quân ôm lấy nàng)

 -  Ta cắn lưỡi ngay bây giờ!

 -   Không.

Đột nhiên tướng quân sụp xuống dưới chân nàng.

 -  Tại hạ đã chờ đợi cái phút giây này hàng bao nhiêu năm rồi. Tại hạ không thể chờ đợi thêm được nữa. Hãy cho tại hạ hưởng chút ân ái muộn màng. Công chúa không biết đấy thôi ( tướng quân kể lể ), đã từng bao nhiêu ngày đêm tại hạ chỉ mơ tưởng đến công chúa. Ngay cả lúc ăn nằm với con mụ ấy tai hạ cũng chỉ nghĩ đến công chúa mà thôi!

 

Rất sững sờ. Nàng không tin những lời vừa nói đó là của một tướng quân đã từng không hề biết run sợ trước quân Nguyên. Nỗi khinh bỉ cuồn cuộn dâng lên trong lòng khiến nàng buồn nôn. Với tất cả chán chường, nàng nói :

- Vậy thì ta chết ngay tại đây !

 

Nàng nằm vật ra trên chăn nệm đã được giải sẵn. Thoạt tiên tướng quân không ngờ. Chàng nhìn nàng một lúc rồi sẽ lén thập thò như một tên trộm vặt cởi lần từng giải yếm. Sau đó khi tin chắc nàng không hề chống cự, chàng liền đổ gục xuống trên người nàng. Kêu khóc. Rên rỉ. Dồn hết bao nhiêu uất hận mê cuồng vào cái hố sâu thăm thẳm. Giờ đây chính chàng mới là kẻ chiến thắng sau cùng. Chàng tận hưởng cái chiến thắng ấy suốt đêm và suốt ngày mặc cho biển bất ngờ đang gầm gừ nổi cơn thịnh nộ.

 

Đất trời nổi giận chăng?

Hai hôm sau, chiếc thuyền bách chiến của họ nhà Trần đã bị biển ném lên một bãi cát ở tận châu Hoan !

 

KẾT.

 

Trong  rừng trúc xanh suốt bốn mùa có một vị sư già ngồi thiền định đã hơn năm năm.

 

Bao nhiêu lá trúc rơi rụng trên vai áo bạc màu của ngài và cũng bao nhiêu măng trúc từ lòng đất nẩy lên như những con sóc bao quanh ngài.

 

Một cơn gió nhẹ lướt qua làm rơi thêm mấy chiếc lá và những giọt sương mới đọng. Từ trên núi Yên Tử một giọt chuông thong thả rơi xuống. Tiếng chuông sâu dài len lỏi trong vòm lá, quấn quýt trong rừng cây, cho đến khi hụt hơi tưởng chừng tan hết, thì một giọt khác rơi xuống tiếp sức  làm cho không gian tinh khiết như được lọc sạch.

 

Thiền sư Trúc Lâm đã chọn khu rừng trúc ở lưng chừng núi làm tịnh thất. Lấy lá trúc làm nhà, lấy thân trúc làm chỗ tựa lưng, ngài sống những ngày thanh tịnh khác xa với cảnh rộn ràng xa mã ở chốn kinh thành. Chẳng phải ngài hành xác hay ép xác, nhưng được ngồi tĩnh lặng dưới những khóm trúc lao xao, trong làn sương sớm và dưới đám mây chiều, ngài cảm thấy như đã bước gần tới cội bồ đề của Đức Cồ Đàm.

 

Nhờ ngồi ở đây ngài mới ngộ được rằng cây lá cũng biết vui biết buồn, cũng sinh cũng diệt như chúng sinh. Có điều chúng cứ tự nhiên sinh tự nhiên diệt mà chẳng cần ai cứu độ hay giải thoát. Nếu Phật nhiều như cát ở sông Hằng thì cả khu rừng trúc là cả hằng hà sa số Phật. Phật từ  lúc mới nẩy chồi măng mà chẳng cần gì tu luyện!

 

Ngài ngồi đây chỉ dám mong có một điều : vỗ yên cái bể trầm luân trong chính lòng ngài. Nhưng ngài cũng biết là quá khó. Chỉ cần một cái tin của Huyền Trân là đã thấy trời nghiêng chớp giật. Lại còn trí trá lọc lừa. Đất đai thì giữ rịt lấy như con thú giữ mồi còn người thì đảo điên cướp giật. Cư xử với lân bang như thế thì chuyện binh đao ngàn đời là không dứt được.

Cứ phải nghĩ ngợi như thế, dù có nằm gối đầu lên cả chục bộ kinh  cũng không sao tìm được cõi Chân Như.

 

Đúng lúc ấy một thí chủ lặng lẽ đến quỳ xuuống trước mặt ngài. Không ngước nhìn, ngài vẫn biết người đó là ai. Ngài nói :

-  Ta thực không ngờ mọi sự lại xảy ra như thế.

-  Mọi sự vẫn phải xảy ra như vậy thôi, thưa cha. Có điều con không hiểu được tại sao bao nhiêu bất hạnh lại dồn dập xảy đến cho một người!

-  Có lẽ tại cái nghiệp.

-  Nhưng con đã làm gì nên nỗi. Và còn điều này nữa, ai cho hắn có quyền vùi dập con ?

-  Không ai cho cả. Cũng là do cái nghiệp mà thôi.

-  Vậy cha lên đây cũng là do nghiệp ?

-  Đúng vậy, giờ ta hỏi thật con, liệu con có muốn nương nhờ cửa Phật ?

-  Thưa không, đó không phải là nơi chốn dành cho con. Chuông mõ kinh kệ cũng chẳng có ích gì đối với một người mà ngay cả chút ánh sáng cuối cùng cũng đã tắt hết rồi như con.

-  Quả thật cửa Thiền tuy rộng mở nhưng lại rất hẹp đối với con. Chính ta cũng chưa cứu được ta huống hồ là cứu được ai. Con có biết hiện giờ ta đang ở đâu trên đường đi tìm Đạo không ?

-   Cha đang quay trở lại đầu đường. Cha chưa bước được bước nào!

-  Đúng đấy, con rất hiểu về đạo pháp dù con chưa một ngày tu luyện. Khi lòng ta hãy còn nôn nao muốn được ôm con như thế này thì bao năm ngồi thiền cũng chỉ để xa lánh thế sự mà thôi!

    

Huyền Trân bước tới gục đầu vào trong lòng ngài. Hai cha con ôm nhau như hai cây trúc trong một buổi chiều lặng gió. Và đó là lần cuối cùng.

 

Mấy tháng sau, mùa thu năm Mậu thân (1308) ngài viên tịch. Khi các đệ tử đưa ngài đi hoả thiêu, người ta thấy một cây măng trúc đã mọc xuyên qua đùi của ngài.

    

Còn Huyền Trân? Nàng vẫn đẹp long lanh như tháp Cánh Tiên giữa phế tích Đồ Bàn. Và vẫn như một búp măng mạnh mẽ moc xuyên qua tim tôi, kẻ 700 năm sau viết nên câu chuyện hư hư thực thực này.

 

Mùa Đông Ninh Hoà, 2006

 

HẾT

Một vài ghi chú

 

Trần Khắc Chung tên thật là Đỗ Khắc Chung, có công trong lần đánh quân Nguyên lần thứ hai, được ban quốc tính (Họ của vua). Trải qua bốn đời vua, Khắc Chung có nhiều công nhưng cúng có nhiều tội. Vào đời vua Trần Minh Tông đã xúi giục vua giết Trần Quốc Chân vừa là cha vợ của vua vừa là một tướng tài. Minh Tông nghe lời Khắc Chung bắt giam Quốc Chân ở chùa Từ Phúc cấm không cho ăn uống gì cả. Hoàng hậu phải giả cách vào thăm cha, lấy áo nhúng nước mặc vào cho cha uống. Uống xong thì chết (Theo Việt Nam Sử Lược của Tràn Trọng Kim).

 

Huyền Trân vì có mang nên người Chiêm chờ sinh con xong mới hoả thiêu. Nhờ vậy Khắc Chung mới đưa được nàng về. Thiền Sư Trúc Lâm hay được sai đệ tử xuống Thăng Long bảo vua Anh Tông cho 300 thợ thủ công trở về để an ủi người Chiêm. (Theo Thiền Sư Nhất Hạnh trong Thả Một Bè Lau)

 

Khuất Đẩu
Số lần đọc: 2931
Ngày đăng: 09.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người đàn bà khu rừng tràm - Trần Vọng Ngư
Niềm vui xa gần - Y Uyên
Người thợ sửa khóa, làm chìa… - Mang Viên Long
Kịch độc - Lương Văn Chi
Lầm lẫn - Trần Kỳ Trung
Người sợ đàn bà - Nguyễn Minh Phúc
Thung lũng dã nhân - Hoa Ngõ Hạnh
Tiểu công chúa - Khuất Đẩu
Thứ sáu 13 - Minh Thuỳ
Chim bay về đâu - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Những con đom đóm (truyện ngắn)
Tiểu công chúa (truyện ngắn)
Vua Tango (truyện ngắn)
Phố Núi (truyện ngắn)
Bóng Tháp (truyện ngắn)
Không Thấy Núi (truyện ngắn)
Nguyệt Thực (truyện ngắn)
Để Tang Cho Sách (truyện ngắn)
Ai Đã Giết A.Q ? (truyện ngắn)
“Bộ Tam” (truyện ngắn)
Trăng Hát (tạp văn)
Cặp Đôi Bi Tráng (truyện ngắn)
Chôn Đứng (truyện ngắn)
Nguyễn Hòa VCV (tạp văn)
Những đêm trắng (truyện ngắn)
Bà chúa hời (truyện ngắn)