Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.114
123.141.732
 
Danh thần Trương Đăng Quế : Một tâm hồn thơ nặng lòng với quê hương
Lê Ngọc Trác

Trương Đăng Quế tự là Diên Phương, hiệu Đoan Trai, Quảng Khê,  xuất thân trong một gia đình nhà Nho thanh bạch. Ông sinh vào năm 1794 tại làng Mỹ Khê, quận Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi (có tài liệu cho rằng: ông sinh tại làng Mỹ Lại thuộc huyện Bình Sơn, nhưng chính xác làng Mỹ Khê thuộc xã Tịnh Khê, quận Sơn Tịnh).

 

Ông là một người thông minh, hiếu học. Năm 1819, Gia Long năm thứ 18, Trương Đăng Quế đổ Hương tiến tại trường thi hương Thừa Thiên. Có thể coi Trương Đăng Quế là người khai khoa đầu tiên của Quảng Ngãi dưới Triều Nguyễn.

 

Minh Mạng là một vị vua thông minh, hết lòng chăm lo việc nước, sáng suốt trong việc dùng người. Dưới thời Minh Mạng những người được bổ nhiệm làm quan đều có thực tài và thực học (không câu nệ bằng cấp). Trương Đăng Quế là một người tài năng, có tầm hiểu biết rộng về chính trị, văn hoá và quân sự. Chính vì vậy, tuy Trương Đăng Quế chỉ thi đậu hương tiến, năm 1820, vua Minh Mạng vẫn mạnh dạn bổ ông vào làm hành tẩu bộ lễ. Đến năm 1831, bổ nhiệm ông làm việc ở Hàn Lâm Viện và được vua Minh Mạng phân công dạy các hoàng tử và công chúa. Ông được thăng tiến nhiều chức vụ quan trọng: Thượng Thư bộ lễ, bộ lại, bộ công và bộ binh. Năm 1833, năm 1835, Trương Đăng Quế lãnh sứ mệnh Khâm mạng kinh lược chỉ huy đánh giặc Thổ phỉ ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng và Thanh Hoá để an dân. Năm 1836, tiếp tục lãnh sứ mệnh Khâm mạng kinh lược Nam Kỳ. Trương Đăng Quế chỉ đạo việc đạt điền lập địa bạ công điền công thổ ở các tỉnh phía Nam tổ quốc. Và, quy hoạch, phân chia địa giới từ cấp làng, xã đến tỉnh trong toàn miền Nam, tạo cho nhân dân có cuộc sống an cư lạc nghiệp. Theo Sử gia Trần Trọng Kim: “Công cuộc kiểm tra lập địa bạ định lại việc đinh điền và thuế khoá ở Nam Kỳ vào năm 1836 đã tạo cho đất nước có bước phát triển vững chắc về kinh tế và quốc phòng. Toàn Nam Kỳ sau khi đạt điền, đã tính ra được số ruộng đất đưa vào sản xuất lên đến trên 630.075 mẫu. Các thứ thuế điền thổ cũng được định lại một cách tương đối hợp lý”. Năm 1853, ông lãnh sứ mệnh kinh lược xứ Bắc Kỳ để lãnh đạo việc đắp đê điều lo phát triển kinh tế cho các tỉnh ở phía Bắc.

 

Trương Đăng Quế được triều đình cử làm Chánh chủ khảo các kỳ thi Hội vào các năm 1835, 1838 và thi Đình vào các năm 1838, 1844,… nhằm tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Dưới triều Minh Mạng, ông là một đại thần của viện Cơ mật, được thăng Hiệp điện đại học sĩ. Đời vua Thiệu Trị, Trương Đăng Quế là Phụ chánh đại thần, Văn minh điện đại học sĩ. Sang đời vua Tự Đức, ông được thăng Cần chánh điện học sĩ và được phong tước Tuy Thạnh Quận công. Trương Đăng Quế được cử làm Tổng tài ở Quốc sử  quán chủ biên các bộ sách lớn của Triều Nguyễn: Đại Nam thực lực tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Đại Nam hội điển toát yếu,…

 

Dưới thời Tự Đức, trước tình hình binh lực hùng mạnh và tân tiến của Pháp, nhiều người lo sợ, muốn giảng hoà với giặc. Trương Đăng Quế là người cầm đầu phe chủ chiến tại Triều đình, quyết tâm đánh Pháp đến cùng (năm 1861, Pháp chiếm Định Tường, Thượng thư bộ hộ Nguyễn Bá Nghi làm khâm sai kinh lý ở Nam kỳ. Nguyễn Bá Nghi biết không thể chống được quân Pháp đã dâng sớ về triều xin nghị hoà với Pháp. Trương Đăng Quế cực lực phản đối, ra lệnh cho Nguyễn Bá Nghi phải tìm mọi kế để đánh Pháp bảo vệ đất nước).

 

Năm Tự Đức thứ 16 (1863), sau nhiều lần xin cáo lão từ quan, Trương Đăng Quế mới được triều đình đồng ý cho nghỉ hưu. Ông trở về quê hương Quảng Ngãi sống một cuộc sống thanh bần như một người dân quê bình thường.

Trương Đăng Quế mất vào ngày 14 tháng 2 năm Ất Sửu (1865), thọ 73 tuổi. Nghe tin ông qua đời, vua Tự Đức bãi triều 3 ngày tổ chức quốc tang, ban tặng ông hàm Thái sư tên thụy là Văn Lương.

Trương Đăng Quế là một nhà thơ lớn của Triều Nguyễn.

 

Xuân giang khúc

 

Tạc dạ vũ thủy hạ

Xuân giang vi lãng sinh

Thiếp tâm hữu sở cảm

Diên ngạn tự vi hành

 

(Đêm qua có mưa nhỏ

Lòng sông sóng gợn mờ

Lòng em sao xuyến bấy

Ven sông bước bước hờ)

 

Bản dịch của Hoàng Tạo

 

Đọc bài ca sông xuân của Trương Đăng Quế, chúng ta nhận thấy một vị quan đại thần, một nhà chính trị kiệt xuất của Triều Nguyễn có một tâm hồn rộng mở và cũng đầy lãng mạng.

Giáo sư Vũ Khiêu đã có những nhận xét tinh tế về thơ của Trương Đăng Quế: “Thơ của ông sâu sắc về nội dung, chặt chẽ về cấu trúc, tràn đầy tình yêu và đạo lý làm người, đặc biệt là tấm lòng của ông đối với quê hương Quảng Ngãi”.

 

Thuyền quá Quảng Ngãi cố hương

 

Xuân phong tống chinh nghích

Thuấn tức việt trùng ba

Lộ chỉ  cố hương quá

Tinh huyền du tử đa

Không hoài Tang tử Kính

Trùng xướng Thử miêu ca

Khởi lập thuyền đầu vọng

Dao thôn ẩn nguyệt la

 

(Gió xuân đưa nhẹ thuyền  xuôi,

Liếc nhìn theo lớp sóng dồi xa xa.

Bên đường thấp thoáng quê nhà,

Tình vương lữ xót xa can trường

Nỗi niềm Tang tử mang mang,

Thử miêu ca khúc âm vang chẳng ngừng.

Dựa đầu thuyền ngóng mông lung

Nhà thôn dần khuất theo cùng chồi cây)

 

Bản dịch của Giáo sư Vũ Khiêu

 

Bài thơ trên, Trương Đăng Quế viết khi nhận lãnh trách nhiệm kinh lược xứ Nam Kỳ. Trương Đăng Quế và đoàn tùy tùng đi bằng đường biển, thuyền của ông đi sát dọc theo Quảng Ngãi quê hương ông. Nhưng vì mệnh vua và là một người có trách nhiệm với công vụ, không thể dừng lại thăm quê nhà, đứng ở đầu thuyền, nhìn về quê nhà, Trương Đăng Quế xúc động thành thơ với tấm lòng dạt dào thương nhớ quê hương.

 

Trương Đăng Quế sáng tác văn học rất nhiều. Những danh sĩ cùng thời với ông như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Phan Thanh Giản, Nguyễn Công Trứ đều rất quý mến ông về tài học và tài thơ. Trương Đăng Quế đã để lại cho đời những tác phẩm sau đây: Thiệu Trị văn gia, Quảng Khê thi văn tập, Học văn dư tập,…

 

Sự nghiệp chính trị của Trương Đăng Quế gắn liền với triều đình Nhà Nguyễn trong suốt thời kỳ đất nước và triều đình phong kiến Nhà Nguyễn còn tự chủ. Trương Đăng Quế đã có những đóng góp xuất sắc với lịch sử. Nhất là trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, văn chương và học thuật.

 

Tài liệu tham khảo:

- Từ ngàn xưa cho đến mai sau của Giáo sư Vũ Khiêu (2005).

- Đất thiêng người tài của Trường Lưu (Văn hiến số 5 – 2005).

- Tịnh khê xã Văn hiến của Cao Chư (VHNT số 7 – 2007).

- Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim.

- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Bá Thế

                                          Nguyễn Quang Thắng (1999).

Lê Ngọc Trác
Số lần đọc: 3561
Ngày đăng: 12.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thời đã qua của Simone de Beauvoir - Võ Công Liêm
40 năm ấy … - Nguyễn Khắc Phê
Tấm lòng của Nhất Đại Thi Ông - Lê Ngọc Trác
Thử nhận diện: Chân Dung Nhà Văn - 02 - Lê Xuân Quang
Nhớ về người cha là thi sĩ - Lâm Bích Thủy
Thử nhận diện . Chân Dung Nhà Văn 85 - Lê Xuân Quang
Người đàn bà viết văn để trả nợ áo cơm - PHƯƠNG TRÀ
Phan Thanh Giản đã được giải oan sau 150 năm - Ngô Minh
Nhớ một gã giang hồ từ tâm - Trọng Thịnh
Những đóng góp về thiên văn và toán học của thượng thư Nguyễn Hữu Thận - Nguyễn Hùng
Cùng một tác giả