Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.084
123.198.589
 
Câu chuyện về các nhà khoa học
Nguyễn Đông Phương

Họ mặc nhiên được xã hội công nhận là những nhà khoa học tài ba. Thông thường nhà khoa học có số lượng ít  nhưng ở vùng đất đặc biệt này số nhà khoa học áp đảo gấp trăm lần số dân chúng nhưng không phải xét về số lượng mà xét ở những khía cạnh khác.

 

Ngành khoa học họ đang đeo đuổi ít người am hiểu nhưng nghe nói  tiên tiến nhất thời đại. Các nhà khoa học được học hành, đào tạo bài bản và đang nghiên cứu chuyên sâu. Hàng trăm ngàn học vị trên cả tiến sĩ đã được công nhận. Ngay từ trẻ thơ, các cháu vào lớp 1, cháu nào được định hướng làm khoa học sau này sẽ được gắn ngôi sao trên bàn học. Người được chọn làm khoa học tương lai phải có gen khoa học ba đời từ bố mẹ, ông bà…

Các nhà khoa học có mặt khắp mọi nơi. Ở thành phố nhà khoa học trẻ mặc côm lê, đeo kính trắng, mặt lầm lì, bí hiểm đến sở làm trên những chiếc ô tô hạng sang. Những nhà khoa học già áo trắng ngắn tay, quần xếp ly thẳng nếp, mắt thâm, môi mỏng, lạnh lùng đi trên những ô tô xịn. Nơi họ làm việc là những tòa nhà sang trọng được canh phòng cẩn mật…. Nhiều nhà khoa học ăn mặc như thường dân có mặt trong các hang cùng ngõ hẻm. Có lẽ họ đi thực nghiệm đề tài…

 

Ở nông thôn các nhà khoa học chạy xe máy qua lại trên các nẻo đường. Bởi nhiệm vụ nặng nề, lớn lao đòi hỏi  cuộc sống phải  cao, tiện nghi  đầy đủ, nên tuyệt đối không có nhà khoa học nào ăn ở tạm bợ, đi xe đạp, mang dép nhựa. Họ ở nhà xây, ít nhất đổ tấm  hoặc những ngôi biệt thự thời thượng, xài những tiện nghi sang trọng nhất của thế kỷ 21.

 

Khắp nơi ở đồng bằng, thành phố, trên núi cao, ngoài đảo xa, các nhà khoa học xây dựng những cơ sở nguy nga đồ sộ trên mặt đất và cả những hầm ngầm kiên cố trong lòng đất, bên trong đặt các máy móc, thiết bị hiện đại làm việc suốt hai bốn trên hai bốn. Họ nghiên cứu cái gì không rõ nhưng được cho là cực kỳ quan trọng liên quan đến sự tồn vong của vùng đất đặc biệt này…

 

Các loại máy móc chuyên dùng, điện đài vô tuyến, hữu tuyến giăng như mạng nhện trên khắp các đồi núi, thành phố, cánh đồng. Tất cả các diễn biến trên mặt đất, trong lòng đất, các khoảng không, mọi sinh vật từ con kiến, con ong đến các thế giới hữu hình, vô hình đều được các đài quan sát theo dõi thu và lưu trữ trong kho dữ liệu  tại các trung tâm nghiên cứu. Hàng vạn nhà khoa học già trẻ ngày đêm chúi mũi vào các màn hình lớn nhỏ, miệt mài trong các phòng thí nghiệm, trạm quan trắc, đài thu phát… bố trí  khắp nơi như những điếm canh. Họ lầm lì, lạnh lùng, bí hiểm có lẽ vì đặc điểm nghề nghiệp…

 

Người dân trên vùng đất đặc biệt này lâu nay sống trong không gian nghiên cứu khoa học, kề cận các nhà nghiên cứu khoa học luôn trong tâm thế ăn khoa học, ngủ khoa hoc, chơi khoa học nên cảm thấy hít thở bình thường...Riết rồi cũng quen chẳng ai quan tâm đến công việc của các nhà khoa học như thế nào.

 

Nước trên các dòng sông đổi màu liên tục, trồi sụt thất thường, cá chết tấp vào trắng cả đôi bờ bốc mùi hôi thối nồng nặc. Rừng bạt ngàn hóa thành những nghĩa trang đá xám xịt khô khốc, con chim họa mi bị trúng đạn gãy chân lảo đảo bay trên những cánh đồng đá sỏi hoang vu không nơi hạ cánh. Đồng bằng cây cỏ buổi  sáng màu xanh, trưa hóa trắng, chiều chuyển sang đen như than. Những bàn chân, ngón tay, mình mẩy người qua kẻ lại lở loét hôi thối triền miên năm này sang năm khác. Trên nguồn dưới biển khóc lóc kêu la thê thảm.

 

Người ta đồn rằng tại các cửa sông cửa biển những đêm tối trời có loài thủy quái đến thải ra chất gì không mùi, không màu tan nhanh trong nước. Tại các cánh rừng đầu nguồn có loài ác điểu bay là đà giữa khuya phả ra làn hơi hình thành những đám mây đen lan tỏa trùm xuống những thành phố và cánh đồng…

 

Y học bất lực, đám người tay chân mình mẩy lở loét đến tận xương chợt nhận ra bao nhiêu năm nay mình sống chung với  nhà nhà khoa học liền đến nhờ cứu giúp. Đoàn bệnh nhân thảm hại đến đập cửa một tòa nhà uy nghi như  cung điện. Vị sếp già tóc bạc là một trong những nhà khoa học đầu đàn ra tiếp. Ông tháo cặp kính dày cộm ra lau, nheo nheo mắt một hồi rồi ôn tồn bảo:

- Các vị nhầm lẫn địa chỉ rồi! Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là các vị nhưng ở lãnh vực khác. Chúng tôi chỉ nghiên cứu ruột, gan, tim, óc...Việc quí vị bị  lở loét chân tay không phải là đề tài nghiên cứu của chúng tôi..

- Thế các ông có biết có loài thủy quái ngày đêm thải chất không mùi không màu ra các sông biển của chúng ta không? Chất đó là chất gì? Một người bệnh hỏi.

- Chuyện đó chúng tôi không quan tâm! Tại sao phải nghiên cứu chất vớ vẩn đó khi nó không được đề cập trong hệ thống lý luận chúng tôi về ruột gan tim óc con người. Bây giờ mời các vị ra về bởi chúng tôi không có thời gian giải thích nhiều! Vị sếp nói luôn một hơi rồi đóng sầm cánh cửa.

Thì ra lâu nay trong những cơ sở hùng hậu kia họ chỉ quan tâm đến ruột gan tim óc mình, đoàn người bệnh chưng hửng buồn bã ra về. Thịt da họ lở loét bốc mùi thối như mùi cá tôm chết trên sông.

Dòng người lại kéo đến cổng tòa nhà màu nâu sẫm tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố. Tay thủ trưởng là một thanh niên trẻ, dáng người nhiêm nghị như một ông già. Vị sếp này tuổi còn trẻ nhưng đến ba bằng tiến sĩ. Nhà khoa học trẻ nói không úp mở:

- Đối tượng nghiên cứu của cơ quan chúng tôi là quí ông bà nhưng ở phạm vi cơ chế các mối liên hệ, những biểu hiện nội tại giữa quí ông bà với thế giới  khách quan bên ngoài. Nói nôm na dễ hiểu, ví dụ cụ thể hàng ngày chúng tôi phải nắm từng người ỉa đái  bao nhiêu cử….Chuyện đơn giản là thế, còn hàng vạn biểu hiện tinh vi, phức tạp hơn nhiều. Việc quí ông bà bị lở loét da thịt chẳng liên can gì đến mục tiêu, phạm trù nghiên cứu của ngành khoa học chúng tôi…

 

Lại gõ nhầm địa chỉ, hàng ngàn bệnh nhân thất thểu ra về lòng buồn rười rượi. Thì ra lâu nay những nhà khoa học trong cơ sở này với hệ thống máy móc hiện đại đã thực hiện những công việc như vậy.

Đoàn bệnh nhân lại lê thê lếch thếch đến một khu vực có nhiều tòa nhà cao, rộng, nhiều máy móc, trang thiết bị tối tân. Người chủ cơ sở là một phụ nữ trung niên. Nghe nói bà ta có đến 4 bằng tiến sĩ, thạo ba ngoại ngữ. Nhà khoa học nữ thẳng thắng trình bày:

- Bà con rất, rất lầm lẫn khi đến đây. Cơ sở chúng tôi cũng như hàng trăm cơ sở tương tự trên vùng đất này chuyên nghiên cứu, truy xét  tìm cho ra phần vô hình hàm chứa những thứ vô hình khác, không thể nào thấy bằng mắt thường, ẩn trong con người bà con, kể cả những kẻ được gọi là khuất mặt, khuất mày ba đời trước, sau trong tam tộc mỗi người…Chuyện bà con lở lói da thịt rất xa lạ với các nghiên cứu, ứng dụng khoa học của chúng tôi. Hiện các loại máy móc chuyên dùng trong các cơ sở này không thể chuyển sang soi rọi, theo dõi, phát hiện, quản lý, trục xuất hay khống chế “nhốt” các loại vi khuẩn, vi trùng gây nên căn bệnh lở loét trên người bà con như  chức năng nó phải xử lý như thế trong các nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nêu trên.

 

Đám bệnh nhân vừa thất vọng, vừa sợ hãi nhanh chân ra về. Nhiều người đi một mạch không dám quay lại nhìn vì liên tưởng nhà khoa học nữ kia là mụ phù thủy chuyên bắt hồn người, cả những người đã chết. Mà cả ba đời cha mẹ ông bà trước, sau trong tam tộc mỗi người. Mặc dù căn bệnh lở loét làm cho cơ thể suy kiệt đi đứng không nỗi nhưng đám người bệnh kinh hoàng kêu rú lên chạy như ma đuổi.

 

Thì ra bao nhiêu năm nay, trong cơ sở nghiên cứu này họ làm công việc kỳ lạ mà trên thế giới không ai  thực hiện được. Chán nản quá, chẳng còn ai tìm đến những cơ sở nghiên cứu khoa học nữa. Hàng ngày trên các nẻo đường những đối tượng người vẫn đi chung với các nhà khoa học. Đường ai nấy đi, vô cảm, lạnh lùng.

 

Những nhà khoa học tài ba ngày càng đông như kiến. Đèn trong các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng cháy sáng suốt ngày đêm. Rừng núi, sông ngoài, đồng xanh, biển biếc lở lói chuyển sang màu đen từng mảng. Cùng với những căn bệnh lở loét chân tay, mình mẩy, nhiều căn bệnh kinh hoàng khác bén rễ sâu, nãy nở, sinh sôi rộng khắp trên vùng đất đặc biệt này như nấm sau mưa. Mùi hôi thối nồng nặc cùng uất khí bốc lên tận trời cao.

Nguyễn Đông Phương
Số lần đọc: 2227
Ngày đăng: 17.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Để xem ta có thể gặp nhau bằng những cách nào? - Nguyễn Thị Hậu
Xin mẹ đừng ngóng vọng phía trời xa - Hoàng Vũ Thuật
Phía tiếng còi tàu - Đào Đức Tuấn
Đền thờ tâm hồn - Nguyễn Hữu An
Cung Giũ Nguyên, nhà giáo dục nhà báo nhà văn - Nhiều Tác Giả
Thêm một hiệu sách báo... - Đào Đức Tuấn
Chén rượu quan hà - Nguyễn Hùng
Thư và bút tích của nhà văn Nguyên Hồng - Nguyên Hồng
Bầu cho ai ? - Vũ Trà My
Từ chuyện cây bàng trong sân trường... - Đinh Thị Như Thuý