Chuyện vãn?
Có thể là độc thoại. Có thể là song thoại. Có thể là đối thoại.
Thi sĩ chuyện vãn?
Cũng chỉ ngần ấy thôi. Nhưng, chuyện vãn của thi sĩ là những con chữ, con âm bất tận.
Rất có thể, anh bảo: “Chuyện vãn. Hai tiếng nghe sao rất thân thương. Nhất là những đêm tận, những khuya tận. Những con chữ vang lên từ muôn cõi máu xương. Hư không huyễn ảo nhưng rất thật, rất gần. Thế ra, những con chữ tri âm từ rất lâu, những giọt mưa nắng trong ngần, những Búp-Nõn-Không-Thời-Gian diệu kỳ chớp tắt. Mình cầu mong cơn bệnh hiểm nghèo nầy chậm lại, để sẽ được tiếp tục thêm một đôi lần chuyện vãn nữa là mãn nguyện lắm rồi.”
Thoáng chốc, xế bóng một đời người ! Hơn nửa thế kỷ anh đã từng trầm mình chuyện vãn với thi ca. Giờ đây, nghe như anh đang buông những con chữ chảy xuôi, ngậm ngùi:
Trong đời sống ẩn tàng muôn kiếp khác
Đôi khi ta quên gọi chính ta về.(*)
Ta vong thân? Ta kẻ lạ? Hay ta đã dự cảm cái bản thể tự hủy của ta giữa hư không?!
Tôi quay trở lại buổi sáng cuối Thu 2008, để gặp thi sĩ Du Tử Lê.
Anh cười thanh thản, hồn nhiên, viết lời đề tặng tôi trên trang đầu tiên của hai tập thơ vừa mới in xong: “Chuyện vãn với những đêm tận, những khuya tận. Gần bốn năm dầm mình sống với căn bệnh ung thư quái ác. Mình rất thèm chuyện vãn với kỷ niệm, chuyện vãn với hơi thở, chuyện vãn với những tình thân, và, nhất là chuyện vãn với Ông-Thần-Chết quái…kiệt!”
Tôi chúc mừng thi sĩ và lướt nhẹ qua từng trang còn thơm mùi giấy mới.
Tôi trở về một đêm tận, một khuya tận. Chuyện vãn với…chuyện vãn của Du Tử Lê.
1. Mất Hay Còn,
Chưa Hẳn Khác Nhau Đâu!?!.
Mất hay còn? Tồn tại hay không tồn tại? Câu hỏi của muôn thuở cát bụi ngu ngơ, của kiếp người bơ vơ tội nghiệp.
Chưa hẳn khác nhau đâu!?!.
Một con bướm bay trong một cơn gió lạnh, hanh hao trong màu nắng úa.
Chưa hẳn. Thi sĩ buông một câu lơ lửng. Nhưng, trong hơi-thở-độc-thoại, khi chuyện vãn với chính mình thì thi sĩ xác quyết:
em / tôi /không có mặt
(ở bất cứ nơi nào.)
chúng ta ở trong nhau:
khi ngọn đèn đã tắt.
Xác quyết hay dự cảm của tự-hủy-phục-sinh?!
Không hy vọng. Không tuyệt vọng.
Mất hay Còn?
Hơi-thở-độc-thoại mở và khép trong tịch mịch.
Anh ù té chạy băng băng trong khoảng không vắng lặng rợn người. Trong chất ngất cơn đau của thân bệnh. Trong sấm chẻ giữa hai bờ sinh tử:
chào thần chết, đừng nhìn tôi thế chứ!
ông trong tôi từ thuở mẹ mang thai.
trời đất những tưởng hai (mà,) vẫn một.
ông hãy cười, tôi sẽ nói:
- đi thôi!
Chao ôi! Cái Ông-Thần-Chết. Trong cái mầm phôi thai tinh Cha huyết Mẹ thì Ông-đã-là-Tôi rồi. Đó cũng là cái hoan-hỉ-tử-sinh. Đi thôi hay về thôi thì cũng…thế thôi!
Đã vậy, mùa đông, từ cửa sổ Fountain Valley Hospital, anh đã áp má vào những con chữ để chuyện vãn:
trong khu vườn mùa đông
sự chết hớn hở trình diễn khắp sân khấu
riêng cụm birdflower
bất ngờ
nở đôi chim ối, đỏ.
Trong thân thể tôi
Chemo và, radiation
Thao diễn khả năng tàn phá tận tình
nhất định không bỏ sót
dù chỉ một tế bào.
bất ngờ
tôi nhận ra
trong xó, góc
vẫn nguyên vẹn đó:
tình yêu em - -
đỏ!
ối! ngậm ngùi.
Đôi chim ối, đỏ vừa nở, còn tình yêu em thì đỏ ! ối ! ngậm ngùi.
Anh vẫn còn đang áp má vào những con chữ vừa ứa ra từ những giọt máu ối-đỏ-ngậm- ngùi. Cụm birdflower đã vươn cánh bay lên. Tiếng hót của đôi chim rền cả một đường bay, đỏ, ối…
chim ngậm hạt vong thân,
rớt, dọc đường chiếc bóng.
Một cõi quên? Có lẽ nào?!
thân nương/ ấm hạt kinh
tâm cúi, tìm kiếp khác.
gió phổ độ cánh chim.
mây quên đòi giải thoát!?!
Phổ độ cũng là một cách quên? Một cách quên ba-la-mật.
Tiếp tục nhớ để quên.
đất / da / thịt vốn chờ tôi trở lại
lửa cho tôi hơi ấm tự tiền thân.
Gió nhắc nhở đừng quên ơn hơi thở.
nước đi quanh như máu rất ân cần
Hơi thở là một huyền nhiệm của vũ trụ.
Hai vai tôi, mặt biển xuôi dài, tít tắp những ngọn sóng bạc đầu, những bóng khuất của sử lịch hiện ra vẫy gọi. Tôi nhìn thấy tôi trong chập chùng sinh linh.
Tôi tiếp tục thở.
Tôi tiếp tục thở.
Tôi tiếp tục thở…
chỉ một giọt nước thôi,
đủ biết rằng biển mặn.
chỉ một đôi môi thôi,
đủ có toàn thế giới.
chỉ một mái tóc thôi - -
nghìn sâu còn ấm áp.
chỉ một đôi mắt thôi - -
cảm ơn: rừng an, lạc.
chỉ một ngón tay thôi,
thơm đời sau. tiếng hát.
chỉ một thời kinh thôi,
che, ấm phần tan, nát.
Những con chữ, con âm bình an như hơi thở. Đêm tận. Khuya tận. Hình như có tiếng vọng lại, từ một nơi chốn, một chỗ ngồi nào đó, của một thời khắc đã trôi qua:
Tôi trở lại đáy khuya ngồi với bóng.
Những chiếc bàn trật khấc nổi cô đơn.(*)
Đáy khuya tuyệt cùng. Những chiếc bàn trật khấc. Bóng của tôi đóng đinh với tịch mịch. Thi ca hắt bóng tôi trong niềm bi mẫn của hư không. Một nơi chốn, một chỗ ngồi nào đó, của hơi-thở-hiện-tiền. Đêm tận. Khuya tận.
tôi ngồi khô vườn sau.
hỏi han tiền kiếp. lạnh.
những con chim sẻ nâu
báo tin: người xuất hiện
Thơ trùng phùng bể dâu, kéo lê rừng tóc trắng. Tôi hỏi han dư ảnh của tiền thân, tiền kiếp. Lạnh. Lạnh mà an nhiên. Bóng tôi hắt bóng người xuất hiện.
nhìn thôi. đừng nói! nói.
nhìn thôi. đừng nói! nói.
Thi sĩ khép nhẹ những đêm tận, những khuya tận. Mất hay Còn? Có hay Không? Nhớ hay Quên?
Chỉ còn nghe tiếng-hót-của-những-con-chim-sẻ-nâu trong hơi thở.
2. Lại Chuyện Vãn /
(Lần Này, Ít Thôi)/
Với Bệnh Ung Thư/
Chuyện vãn với bệnh ung thư? Lạ. Thử nghe trong đêm tận, khuya tận vang lên những lời ối, đỏ. Như cách ẩn dụ của thi sĩ.
Ung thư? Căn bệnh quái ác nhất, kinh hoàng nhất của nhân loại. Những tế bào bỗng nhiên hung hãn, vô kỷ luật, “quậy” tưng bừng trong máu me xương tủy. Liệu pháp chemo, radiation được xem như là vũ khí tối ưu của y khoa hiện đại, dĩ độc trị độc, nhằm cô lập, bao vây, tiêu diệt những anh chàng [hay chị nàng] tế bào bất hảo, bất trị nầy. Ấy tuy nhiên, y học hiện đại vẫn chưa tìm ra một liệu pháp triệt để khả dĩ ngăn chặn nguy cơ tử vong của người bệnh.
Đại để là, một cái chết được báo trước. Hoặc nhanh hay chậm. Nhanh, nếu phát hiện bệnh muộn. Chậm, nếu phát hiện bệnh sớm. Thoát chết? Có cơ may. Nếu phát hiện sớm và có những liệu pháp điều trị đúng mức.
Dài dòng về bệnh ung thư, để dẫn đến chuyện thi sĩ Du Tử Lê phát hiện [giữa sớm và muộn] cơn bệnh hiểm nghèo: Ung thư ruột già, vào tháng 2.2005. Anh đã trải qua hơn hai năm dùng liệu pháp chemo và radiation để điều trị. Như đã nhắc ở trên, đây là liệu pháp dĩ độc trị độc, đòi hỏi tiên thiên của cơ thể người bệnh phải có sức chịu đựng dẻo dai mới có thể thích ứng, vượt qua cơn hiểm nghèo. Hồng huyết cầu sẽ tiêu hao rất nhiều, tóc rụng, da xảm tái vì mất máu, chưa kể những phản ứng phụ khác, vật vả người bệnh.
Dáng ngồi gầy guộc, mái tóc hớt ngắn (vì rụng nhiều?) điểm bạc, ánh mắt nhìn còn thấm mệt, nhưng giọng nói vẫn ấm, vang: “Sống hay chết thì cũng vậy thôi. Trước đây, khi biết bệnh, cảm giác có nhói và choáng trong một vài giây khi trong tâm tưởng bật lên một tiếng vang: Tiếc quá! Thế là hết. Trong những ngày tháng sống với chemo và radiation, khó mà diễn tả được những cơn đau, có lúc tưởng đã không vượt qua nổi, và cũng không hiểu vì sao xác thân mình có thể chịu đựng những cơn hoành hành, tàn phá, giao chiến khốc liệt giữa tế bào bệnh và thuốc. Ông-Thần-Chết, giờ đây, mình có thể nói chuyện với…ổng, là nằm trong nghĩa đó! Cũng vậy thôi, nhưng nếu mỗi ngày, mỗi sớm mai thức giấc, biết mình còn sống, còn thở cái hơi thở kỳ diệu của kiếp người, của cuộc đời, được gặp mặt những người thân yêu, bằng hữu thì hạnh phúc biết bao nhiêu.”
Tuyển tập thơ, đúng như anh bảo, ít thôi, 29 bài, đúng điệu chuyện vãn.
Một Du Tử Lê rất khác, lạ. Một hơi thở cô liêu với rất nhiều hồi ức về những người thân yêu, bằng hữu. Khác, lạ: Thanh thản dầm mình trong cơn bạo bệnh để nghe và thấy rõ hơn vòng quay luân hồi của Sống-Chết.
chúng ta, những con ong:
hút mật vườn thế giới.
(rồi,) trở thành nhụy, hương:
- trả lại đời-sạch-sẽ!!!!!
người cho tôi-đời-sau
cách gì tôi đền, đáp?!?
Trả lại đời-sạch-sẽ. Nhẹ tênh nhưng nặng trĩu niềm tri ân!
…Tháp Trong Tim Bấc, Ngọn Nến, Cũ!?! Như kiểu hồn lìa khỏi xác, chập-chờn-tôi giữa sống/chết. Như kiểu nhục thân đã hắt hơi ngưng thở, hồn thoát ra nhìn lại hình hài nằm trơ vơ giữa khung cảnh thân yêu. Hồn nhìn, nghe, thấy, cảm nhận được hết:
tôi xỏ đôi tay thất lạc mình
trong tay áo / ngực nàng
rách bươm
nước mắt
buổi trưa
lũ cockatail xao xác
hỏi bầy cá koi
- vì sao bức tượng cuối vườn
bữa nay
bỗng dưng
rớt lệ?
Bức tượng cuối vườn rùng mình: “Giọt lệ hóa kiếp của ông đấy!”
Nhớ có lần, trước đây, anh bảo:
tôi muốn nhắc: niềm vui là nấm mộ/
chỉ nổi buồn mới thực của ta, riêng(*)
Một kiểu nói ngược đầy ẩn ý, để có cớ nói tiếp:
ta đi mấy kiếp còn trông lại
lồng lộng trần gian một cõi riêng(*)
Một Cõi-Người-Ta bi mẫn khôn nguôi!!!
Tôi đã đi quá xa rồi. Xin hãy trở lại tuyển tập, tiếp tục chuyện vãn.
Bài thơ có tên gọi chung cho tuyển tập, Lại Chuyện Vãn / (Lần Này, Ít Thôi) / Với Bệnh Ung Thư/, khung cảnh của một người tự dọn mình trước giờ lâm tử với những lời [gần như, đúng là, đích thị là] trối trăn bằng điệp ngữ Cám Ơn, trong đó, lặp lại nhiều nhất là cám ơn ung thư (5 lần – Không biết có trùng hợp với những lần “ăn nằm” với chemo và radiation???!!!) còn lại là cám ơn mọi điều, cám ơn trọn gói trước khi hắt hơi lần cuối, lìa đời.
Đây là bài thơ “dở” nhất trong tuyển tập! “Dở” nhất, nhưng cảm động nhất! Vì sao? Vì nó bộc lộ được hết hơi-thở-gấp của thi sĩ, đúng tâm trạng của thi sĩ. Bài thơ bất cần cấu trúc, cấu tứ, thi pháp gì ráo. Một Du Tử Lê khác, lạ, nhưng rất chân tình.
Tôi nhẫm lại trong trí nhớ, một trong những bài thơ đẹp nhất của anh cách nay trên bốn mươi năm, một khổ đầu trong Khúc Thêm Cho Huyền Châu:
hạnh phúc tôi từ những ngày con nước lớn
trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
bầy sẻ cũ hom hem chiều ngói xám
trời xanh xao chân nhỏ cũng không về
cây mộng nở từng ngón tay lá nõn
nôi tương tư cỏ ấm thịt da người…
…con dế nhỏ lớn lên đầm tiếng hát
khi đêm về ru giọng đớn đau hơn
cây niên thiếu cũng thui mầm trong sáng
lá oan khiên lả tả mái hiên người…(*)
Một Du Tử Lê lãng tử, bềnh bồng của ngày xưa. Anh có không ít những bài thơ tình đẹp thê thiết, áo não và những bài thơ đời ưu uất phận người, mệnh nước.
Và, giờ đây, một Du Tử Lê đang thọ bệnh ung thư. Những chuyện vãn trong những giây, phút, ngày, tháng thọ bệnh, thật ra, đáng quý biết bao nhiêu. Quả tình, anh phải hối hả trối trăn, vì biết đâu, như anh nói, đã từng nói chuyện với…ổng, Ông-Thần-Chết, và, nếu ổng thích quá, ổng rủ đi theo bất thình lình thì không kịp trối trăn. Ý là vậy!
Thơ-theo-kiểu-chuyện-vãn? Một cách để kéo dài thêm những đêm tận, khuya tận? Một cách để tự xoa dịu bớt nổi đau của thân bệnh, để tĩnh tâm, quán niệm theo cách thế của thi sĩ? Anh bảo, lại chuyện vãn…ít thôi, nhưng thật ra, phần lớn những bài thơ trong tuyển tập, là giọng thơ-theo-kiểu-chuyện-vãn, những con chữ, con âm rất đời thường, rất mộc, nhưng rất tươi cảm xúc, rất gợi tâm cảnh. Tôi đã dừng lại khá lâu ở một số bài: Như Con Dao Tự Hủy: Lưỡi Và, Cán, - Tôi Đã Đi Rất Xa (Cùng Thần Chết,) - Trả Lời # 1, # 2, # 3, # 4, # 5, # 6, # 7 –
Em Kỳ Quan Thứ Tám/Mây Phóng Sinh Lời Nguyền. Bài thơ cuối của tuyển tập, tôi dừng lại lâu nhất, xin trích một vài khổ, tôi cho là đắc nhất:
tóc che rừng mùa đông.
lá tận tình phát tán
những nụ hôn lao lung - -
trôi. nõn. vùng kết án.
treo ngược thời tiết xanh
người xững. im. cáo buộc.
tường trắng. đàn. giao tranh.
những ngọn đèn tự sát.
………………………
em: kỳ quan thứ tám.
bình-minh-chim thiếu đôi
lá xây đài kỷ niệm - -
giữa vườn khuya. biếc môi
……………………….
chúng ta ngoài khí quyển
tình yêu khuất nhân gian.
người hiệp thông tối / sáng.
mây phóng sinh lời nguyền.
………………………..
từng con chữ bước ra:
từ cõi tôi-bí-mật!.!
Một cách thế Du Tử Lê, khác, lạ. Bài thơ chưa [rất có thể là không] khép lại. Lời nguyền hay là lời tụng ca Cái-Đẹp-Vĩnh-Hằng của một nơi chốn khác, một “ảnh kép” của trần gian bất tuyệt, một khát vọng Ra-Đi-Từ-Chốn-Quay-Về? Hãy để những con chữ, con âm vọng lại hồi đáp. Hãy cầu mong Ông-Thần-Chết ngủ quên thật lâu, để thi sĩ được tiếp tục chuyện vãn trong những đêm tận. Khuya tận:
chào tuyệt tác / thiên nhiên / đừng lý giải
“- mất hay còn chưa hẳn khác nhau đâu.”
Quận Cam, Calif. Cuối Thu, 2008
Chú thích:
1. Hai tuyển tập thơ của Du Tử Lê vừa mới ấn hành:
- Mất Hay Còn. Chưa Hẳn Khác Nhau Đâu. Tuyển tập thơ thiền tính 3( 2004-2008). H.T. Productions ấn hành lần thứ nhất, tháng 6.2008, California, USA.
- Lại Chuyện Vãn/(Lần Này, Ít Thôi)/Với Bệnh Ung Thư/. Tuyển tập thơ (2005- 2008. H.T. Productions ấn hành lần thứ nhất, tháng 9.2008, California, USA.
2. Những câu thơ trích dẫn, chữ nghiêng trong mỗi phần của bài viết, từ hai tuyển tập nêu trên.
3. Những câu thơ trích dẫn, chữ nghiêng, có dấu (*), từ những bài thơ khác của Du Tử Lê, nằm ngoài hai tuyển tập nêu trên.