Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.148.162
 
Pho tượng Luang Prabang
Nguyễn Linh Khiếu

Tối nay có một chút thư thả, tôi ngồi vào bàn bật máy định viết một cái gì đó. Bất chợt nhìn lên giá sách bắt gặp pho tượng Phật khá to bằng gỗ thơm với hai màu nâu - trắng mà tôi đã kỳ công mang về từ chợ đêm Luang Pra Bang. Pho tượng đức Phật lạ, thanh thoát và huyền bí theo phong cách Ấn Độ. Đức Phật mặt dài bầu, tai to, mũi thẳng, miệng rộng, mắt dài nhắm lại như đang mơ màng về cõi niết bàn xa xăm còn trên đầu ngài có vô vàn khuyên tròn nổi lên như ốc. Ở quê tôi, đức Phật như thế mẹ tôi gọi là ông Bụt ốc. Các nghệ nhân Lào tạc khuôn mặt đức Phật mô phỏng đúng khuôn mặt các thiếu nữ Luang Pra Bang mà tôi từng gặp.

 

Thế là tôi đã xa đất nước hoa Cham pa đã khá lâu rồi. Nhớ lại, tự thấy thật ngượng. Trưa ấy ngồi trên sàn một nhà hàng bình dân dựng trên mặt nước sông Mê Kông ở Luang Pra Bang khi bia khơi khơi tôi đã sĩ diện hứa với các đồng nghiệp Lào rằng về Việt Nam nhất định tôi sẽ viết ngay một bài ký dài về chuyến đi quá nhiều ấn tượng này. Khi đó các nhà báo Buthoong và Xompoy đã rất hào hứng với lời hứa hẹn của tôi. Nhưng rồi, về nước với vô vàn công việc tạp nham tôi đã quên bẵng lời hứa. Nếu tối nay không nhìn thấy đức Phật mang khuôn mặt thiếu nữ Luang Pra Bang chắc hẳn mọi chuyện trôi vào quá khứ.

 

*

Khi chúng tôi xuống sân bay Vientian thì khí hậu thật nóng và khô mặc dù khi đó ở Hà Nội tiết cuối thu thật mát mẻ. Các nhà báo Lào đã chờ sẵn. Họ đón tiếp chúng tôi nồng hậu và thân thiện. Những vòng hoa tươi đeo cổ và nghi lễ chào chắp tay trước ngực theo kiểu nhà Phật thật cung kính và gần gũi khiêm nhường.

 

Vientian là thủ đô nhưng đất rộng người thưa. Phố phường vẫn còn rất đơn sơ và vắng vẻ. Chúng tôi ở khách sạn Âu vàng - có lẽ đây là một khách sạn sang của thủ đô Vientian. Nhân viên ở đây có người nói được tiếng Việt, có người nói được tiếng Anh nên sự giao tiếp rất dễ dàng. Điều dễ nhận thấy là những cô gái làm việc ở đây mang những nét đặc trưng của các thiếu nữ xứ nóng. Những người phụ nữ xứ nóng chẳng hiểu sao luôn hiển hiện như những ngọn đuốc. Từ họ luôn âm thầm ngùn ngụt một sự nồng nhiệt và chân thành đến nhẫn nại. Tôi luôn có linh cảm nếu không đủ bản lĩnh mình rất có thể bị những ngọn đuốc Vientian thiêu sống bất cứ lúc nào. Cảm giác ấy thường xuất hiện mỗi lần Sukpơvon nói chuyện với tôi.

 

Vientian là một đô thị không lớn nhưng có những dấu ấn rất đặc sắc. Ở đó, có That Luang tương truyền được xây dựng cách nay hơn 2300 năm. Đây là ngọn tháp hùng vĩ mang kiến trúc thuần Lào và là biểu tượng thiêng liêng của văn hóa, tôn giáo Lào. Tháp cao 45 m, mỗi bệ chân tháp rộng 4,5 m và trên đó có 36 tháp con. Hàng ngàn năm nay, cứ vào ngày 5 tháng 11, nhân dân và các vị sư khắp cả nước lại hành hương về nơi tháp tổ chức lễ hội truyền thống tưng bừng và thành kính. Chữ viết trên khắp mặt tháp đều khuyên con người cần xa lánh cái ác hướng tới cái thiện. Tôi chợt băn khoăn không hiểu sao một đất nước dân số không nhiều nhưng hàng ngàn năm trước tầm suy nghĩ của họ như thế nào mà đã có thể xây dựng được những công trình kiến trúc văn hóa đồ sộ, trường tồn như thế này. Tầm vóc suy nghĩ ấy thật đáng ngưỡng mộ. Nếu ta mang Chùa Một Cột, Tháp Rùa hay Đền Hùng ra so sánh với ThatLuang thì thật tủi.

 

Cùng với That Luang, PaTuXay (hình như có nghĩa là cổng chiến thắng được xây dựng năm 1962) đứng sừng sững trên con đường quốc lộ với một không gian lộng lẫy hoành tráng. Ngắm nhìn PaTuXay kỳ vĩ, uy nghiêm tràn đầy khí phách kiêu hãnh của dân tộc Lào chợt chạnh lòng nhớ ở nước ta mấy năm trước có một số bài báo kiến nghị xây khải hoàn môn hay cổng chiến thắng ở Hà Nội nhưng đã không được ai hưởng ứng. Việt Nam thời đại nào cũng gắn liền với những chiến công hiển hách nhưng không hề có một công trình kiến trúc tầm cỡ nào ghi dấu ấn những chiến thắng vĩ đại của dân tộc mà chỉ thấy nghĩa trang, chứng tích đau thương, bia căm thù và đài tưởng niệm. Đền ơn đáp nghĩa, ghi lòng tạc dạ căm thù là rất cần nhưng cũng rất cần có những công trình kiến trúc văn hóa hùng vĩ nâng đỡ lòng tự tin, dung dưỡng lòng tự hào và khí phách dân tộc.

 

Cùng với Bảo tàng Chủ tịch Kay Sỏn Phôm Vi Hản, những công trình công cộng, nhà văn hóa, khách sạn, công sở và cả nhà dân ở đâu ta cũng thấy thấm đậm tinh hoa của văn hóa và kiến trúc truyền thống Lào.. Đó là những mái cong, họa tiết hoa văn, nhịp điệu kiến trúc,  tiết tấu sắc màu, khu vườn, những khoảng lùi, tiểu cảnh, dàn hoa... Tất cả tạo nên một không gian sống, không gian văn hóa thống nhất và thấm nhuần những giá trị truyền thống đặc sắc. Đó chính là không gian sống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này hầu như không còn tìm thấy ở bất cứ đô thị nào ở nước ta. Kiến trúc ở các đô thị Việt Nam là bản hòa tấu kiêu hùng và quyết liệt của mọi nền kiến trúc trên thế giới. Với những tiết tấu chủ đạo là kiến trúc Pháp, Nga, Tàu, Mỹ, Đức, Nhật. Đó thực sự là món lẩu kiến trúc hổ lốn rất thương tâm và chua xót. Sự cóp nhặt, đua đòi, lai căng và sùng ngoại đã xé vụn không gian độ thị, hủy diệt bản sắc kiến trúc truyền thống của dân tộc.

 

Không phải chỉ ở sân bay, người Lào ở đâu dù gia hay trẻ khi đón khách bao giờ cũng chắp tay trước ngực theo kiểu vái Đức Phật. Hành vi đó thú thực tôi cảm thấy rất yên tâm bởi nó thật khiêm nhường, chân trọng và thân tình. Chung tôi thật lúng túng khi đáp lại họ mỗi khi mình giơ tay ra để bắt tay theo kiểu người Âu. Trong giao lưu quốc tế mới thấy cái cách chào khách của người Việt rất không ổn về mặt văn hóa. Nó hàm chứa bản sắc vô duyên và trơ trẽn. Cái kiểu   gặp người nào thì hồn nhiên nhái theo kiểu chào của họ. Nếu gặp người châu Âu thì giơ tay ra bắt; gặp người Phi thì ôm vai bá cổ; người Nhật thì đặt tay trước và gập người; người Hàn thì cúi gập; người Tàu thì giơ tay ra hiệu và miệng “hảo lớ”; gặp người Ấn, người Thái, người Lào thì chắp tay vái trước ngực như lễ Phật... Cứ cái kiểu gặp ai nhái theo nấy, vô phúc, nếu gặp một lúc người của nhiều quốc gia khác nhau thì, trộm vía, trông cái con người Việt múa may xoay xở chào như một con rối nước tội nghiệp. Thật chẳng ra một cái thể thống gì. Mỗi cái hành vi chào người mà mình cũng không có riêng bản sắc của mình thì giao lưu, hội nhập văn hóa thế nào đây.

 

Cũng với các sắc thái văn hóa khác, y phục của các bạn Lào cũng rất đặc sắc. Trong suốt hành trình trên đất Lào, Xompoy - một nhà báo đã tốt nghiệp khoa Văn Đại học Sự phạm I Hà Nội - luôn đi theo chúng tôi vừa với tư cách đồng nghiệp, vừa với tư cách người phiên dịch, người hướng dẫn du lịch. Xompoy luôn mặc trang phục truyền thống Lào. Tôi hỏi: Khi ở Hà Nội thì mặc như thế nào. Xompoy nói: Ở Hà Nội cũng mặc như các bạn sinh viên người Việt, cũng giống như mọi người thôi, vì thế đến năm cuối ông chữa xe đạp ở cổng trường mới hỏi: cháu là người dân tộc ở Tây Bắc à. Em nói cháu là người Lào, ông ấy ngạc nhiên quá, nói là thế mà bao năm năy không biết rồi không lấy tiền sửa xe. Tất cả các đồng nghiệp Lào mà chúng tôi gặp dù họ đã du học ở Nga, Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam... nhưng bây giờ hầu như cả nam và nữ đều mặc quần áo truyền thống của dân tộc mình. Trông họ, qua cách ăn mặc ai cũng thấy rõ họ là người Lào. Còn nhớ, một lần ở Kuala Lumpur khi đứng trên tầng cao tòa tháp đôi có mấy khách du lịch Đức nhờ chúng tôi chụp ảnh hộ và hỏi chúng tôi có phải người Nhật không, đến khi ngồi ăn cơm ở siêu thị người phục vụ lại hỏi chúng tôi có phải là người Hoa không, đến khi đi tàu điện ngầm người ta lại tưởng chúng tôi là lao động đến từ Phi líp pin... Rõ khổ, mình là người Việt mà không ai nhận ra mình là người Việt. Vừa buồn, vừa xấu hổ. Ấy cũng là do cách ăn mặc và hành xử của mình mà thôi.

 

Cái người Việt mình lạ lắm, bản thân mình cứ muốn lẫn đi. Ở đâu lâu là nhiễm ngay cái cách sinh sống ở đấy. Nói là thích nghi giỏi cũng được, bắt chước nhanh cũng đúng, hòa nhập ngay cũng phải. Chả hiểu sao mình lại cứ muốn mất mình đi như thế. Đó cũng là một bản sắc của người Việt chăng ?. Khi đi chợ sáng Viên tienan, các bạn Lào đã nhắc ở đây nhiều thương nhân người Việt lắm. Nhưng mình cứ quên. Đi mấy vòng chợ gõ thử leng leng khắp tầng trên tầng dưới tìm mua mấy đồng bạc trắng hoa xòe làm kỷ niệm đến nỗi loạn tai mà không được. Các bạn Lào phiên dịch mặc hết cả hơi cũng đâm chán. Đang đứng ngán ngẩm có một bà cụ đến hỏi: Chú mới ở Hà Nội sang à. Tôi : Vâng - nhìn ra thì đúng là bà cụ tôi đã chọn mua mấy đồng tiền mà băn khoăn không phân biệt được thật giả. Bà nói: Tôi chỉ có một đồng thật thôi, chú cần mấy đồng? Tôi nói: cháu cần mười đồng. Bà bảo theo bà. Bà dắt đến các cửa hàng vàng bạc khác của Chợ Sáng hóa ra hầu như toàn của người Việt. Thế mà mình cứ mặc cả bằng tiếng Anh, tiếng Lào phiên dịch xuôi phiên dịch ngược đứt cả hơi. Cái tiếng mình nói với nhau trực tiếp lại không nói. Buồn quá nhưng nhìn ra chả có bà chủ cửa hàng nào mang dáng dấp của người Việt cả. Trông họ, ai không giống người Lào thì cũng giống người Hoa cả thôi.

 

*

Chuyến đi ngắn nhưng nhiều ấn tượng quá. Nếu Viên tien còn nhiều nét gần gũi quen thuộc với người Hà Nội thì Luang Pra Bang là một xứ sở khác. Bóng dáng của kinh đô cổ với người và cảnh vật vẫn ẩn hiện khắp nơi. Thiếu nữ Luang Pra Bang đó là điều bất ngờ nhất. Gặp những thiếu nữ ở đây tôi cứ ngỡ mình đã đi nhầm sang đất Ấn Độ. Người nào cũng đẹp như quan thế âm bồ tát. Ôi kinh đô cổ với những hoàng hậu, quý phi, cung phi, mỹ nữ xưa, nay vẫn hiển hiện trong các hậu duệ tuyệt trần. Phải là thơ ca chứ văn xuôi phàm tục thật không thể nói được gì về các mỹ nhân.

 

Luang Pra Bang với cung điện, những bảo tàng phật giáo đặc sắc. Ở đó trưng bày và lưu giữ vô vàn pho tượng Đức Phật cổ với mọi kiểu dáng, kích cỡ và chất liệu. Đặc biệt có rất nhiều pho tượng Phật cổ bằng ngọc, bằng vàng quý hiếm. Tôi cứ suy nghĩ mãi, ở nơi đây bảo tàng nghĩa là bảo tàng văn hóa, bảo tàng lịch sử nhưng cuối cùng là bảo tàng Phật giáo. Đó là truyền thống và cũng chính là nơi quy tụ lịch sử và văn hóa của xứ sở này. Trong các bảo tàng ấy tôi cũng bất ngờ bắt gặp những bức tranh tường khổ lớn của các họa sỹ Pháp - những họa sỹ trên thực tế đã góp phần xây dựng nền hội họa hiện đại của Đông Dương - nhá là của Việt Nam. Những bức tranh ấy theo tôi - là những tài sản vô giá mà người Lào đã may mắn gìn giữ được.

 

Chính ở Luang Pra Bang các nhà báo Việt Nam đã tham gia lễ buộc chỉ tay do đồng bào một bản Lào cổ tổ chức. Lúc đầu, thú thực tôi nghĩ đó chỉ là nghi lễ ngoại giao nhưng khi lễ diễn ra với không khí âm nhạc khác thường, với sự tận tâm và thành kính của những người già, các thiếu nữ và quan chức địa phương tất cả chúng tôi vô thức nhập vào lễ hội buộc chỉ tay vừa mộc mạc chân thành vừa bí ẩn xác tín.

 

Luang Pra Bang là thành phố du lịch nhưng vẫn giữ được bản sắc cao quý và trầm lặng của một kinh đô cổ mà không bị ồn ào, xô bồ và thực dung như những đô thị du lịch khác ở châu Á. Chợ đêm Luang Pra Bang là một bí ẩn mà không một khách du lịch nào đến đây không tìm đến để tiêu tiền. Các nhà báo Việt Nam chẳng giầu có gì nhưng cũng tiêu không ít tiền ở đây. Hàng hóa lưu niệm ở đây thì quá đặc sắc, giá cả rất phải chăng, nhưng nói thật chẳng có mấy hàng thật. Tôi mua một túi to. Nào áo phông, đèn lồng, tranh giấy dó, gối và ga trải giường thiêu tay, thổ cẩm, hàng mỹ nghệ giả cổ, hàng suvơnia ... Vác về khách sạn ngủ một đêm, sang hôm sau mở ra xem, trời ạ, hàng chợ đêm chỉ đẹp trong đêm. Nhìn ban ngày một túi to, đầy tú hụ trông ngô nghê buồn cười quá.

 

Trong đống hàng lưu niệm đó pho tượng đầu Đức Phật bằng gỗ thơm hai màu là hàng thật và giá trị nhất. Thế nhưng nhìn kỹ lại thấy mặt Ngài tuy rất đẹp nhưng nhiều vết nhọ quá. Đó là những vân gỗ đen mà nghệ nhân không hiểu vụng về vô tình hay cố ý để lem nhem trên mặt Ngài. Nghĩ hơi buồn nhưng lại an ủi bụng bảo dạ mặt Đức Phật nhọ thế mới là Đức Phật của người Lào chứ. Biết đâu nghệ nhân Lào lại cảm nhận về Đức Phật khác với thẩm mỹ của người Việt mình. Đức Phật Luang Pra Bang mặt nhọ hóa ra lại là một đặc sắc trong bộ sưu tập các pho tượng Phật của mình. Pho tượng này có duyên với mình lắm. Ở nhà mình chắc Ngài sẽ phù hộ cho mình rất nhiều.

 

Nhớ hôm ấy khi mới bước vào chợ đêm, mỗi người đi một ngả. Mình đi với một người bạn Lào biết tiếng Việt. Mới đi một đoạn mình đã gặp hai bố con người dân tộc bán đồ mỹ nghệ giả cổ ngay bên vệ đường. Mình đứng tần ngần xem hàng những bình, nọ gốm giả cổ nhưng pho tượng lại thu hút mình nhất. Khi  mình hỏi mua thì người bạn Lào kéo tay mình đi và nói rằng cứ đi xem đã nhiều lắm chọn mua sau. Đi mãi suốt chiều dài Chợ Đêm nhưng pho tượng vẫn cứ lảng vảng trong đầu. Khi đã hết một vòng chợ với một túi to hàng hóa mình vẫn thấy thiếu một cái gì đó mà không nghĩ ra. Đến nơi điểm hẹn tập kết đã đông đủ mọi người nhưng cảm giác thiếu một cái gì đó vẫn đeo đuổi mình. Ngẩn người một lúc, hóa ra, thiếu pho tượng. Đúng rồi. Mình bảo mọi người chờ mình quay lại tìm pho tượng. May quá bố con người dân tộc đang dọn hàng nhưng pho tượng vẫn còn đó chưa ai mua. Chắc là pho tượng đứng đó đã nhiều đêm rồi, nhiều ngày rồi, nhiều tháng rồi và có thể cũng đã nhiều năm rồi. Biết đâu pho tượng ấy chỉ chờ một người thôi. Biết đâu người đó lại là mình. Chờ một người ở xứ sở khác cách hàng ngàn cây số mang tiền đến để mua Ngài. Chuyện ấy có phải không nhỉ hay là cái anh nhà thơ Việt nghĩ vẩn vơ ra thế.

 

Như thế nào thì cũng khó nói nhưng hôm nay nếu không có bức tượng Đức Phật  Luang Pra Bang mặt nhọ từ trên giá sách trong ngôi nhà của mình nhìn mình thì mình cũng quên bẵng chuyến đi đến đất nước triệu voi, đất nước hoa Chăm pa đầy ấn tượng kia. Quên bẵng lời hứa hẹn bốc đồng trong lúc bia rượu sương sương trên mặt sông Mê Kông cuồn cuộn nước chảy về một bài bút ký với các đồng nghiệp Lào. Con người ta như ngọn gió nay đây mai đó. Gặp gỡ biết bao nhiêu nhớ nhớ quên quên biết bao nhiêu. Trăm ngàn việc chỉ làm được vài ba việc. Quỹ thời gian mỗi người ngắn ngủi nhưng việc đời thì chồng chất vô tận làm sao mà kham được. Nếu không có duyên phận thì tất cả cũng chỉ là gió thổi mây trôi lang bạt kỳ hồ mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại./.

 

Ảnh : Thác Kuang Si

Nguyễn Linh Khiếu
Số lần đọc: 2749
Ngày đăng: 18.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên - Vũ Ngọc Tiến
Cụ Phan Khôi qua hồi nhớ của con gái một người bạn thơ - Lâm Bích Thủy
Chiều chiều mây kéo về kinh - Yến Lan
Ăn cơm mới nhớ chuyện xưa - Lâm Bích Thủy
Ký sự những cây cầu hát - Vũ Trọng Quang
Du nam - Xuân Sách
Nôn nao Quảng Trị - Nguyễn Đức Thiện
Ca dao, dân ca ở thị xã ngã ba sông - Phạm Thanh Phúc
Những niềm đau khuất lấp - Nguyễn Hoàn
Quê hương là cánh diều biếc... - Phạm Minh Hoàng
Cùng một tác giả
Ngựa biên (tạp văn)
Miền yêu -1 (tạp văn)
Miền yêu -2 (tạp văn)
Phồn sinh (nghệ thuật)
Cây gạo gù (tạp văn)
Miếu mòi (tạp văn)
Nhớ hoa đào (tạp văn)