Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.276
123.157.059
 
Cô giáo xóm cừu
Hồ Việt Khuê

Khi mặt trời mới vắt nửa qua bên kia sườn núi Tà Lon, lũ mục đồng vội vã lùa đàn gia súc trở về lán trại. Mùa khô, cây không ra nổi đọt non, lũ dê nhai cả lá già chát đắng, lúc đầu ăn lá dưới gốc, khi lá gốc không còn, chúng đứng dựng hai chân sau, hai chân trước ôm cành vói táp lá ngọn. Năm hạn hán, bà con miệt xuôi tập trung đàn gia súc lên vùng đất dưới chân ngọn tháp Chăm hoang phế, lùa chúng đi ăn cỏ, lá cây trên núi Tà Lon. Đàn gia súc cả ngàn con bò, dê, cừu vặt trụi lá cây tươi lẫn lá khô, ủi cả gốc cỏ lên để gặm nhắm, cày xới đồng đất tơi tả mịn màng, chờ cơn gió tạt qua là tung lên làn sương mỏng màu đỏ.

 

Thoáng thấy làn sương đỏ từ xa bốc về hướng mình, Hiền dừng xe đạp đứng dạng chân, kéo chiếc áo khoác trùm kín đầu. Cô phải làm thế, nếu không bụi đỏ sẽ nhuộm tóc cô, vẻ lông mày cô, đánh phấn lên má cô, chui vào trong áo lót cô rin rít, nham nhám. Trước khi đến lán trại gia súc và cũng là nơi ở của gia đình mục đồng, bao giờ Hiền cũng dừng bên khúc suối dưới bóng cây trâm để rửa ráy, chải lại mái tóc rối bời vì gió. Con suối đã cạn khô cả tháng nay, dân làng phải đào chi chít những cái hố sâu trong lòng suối để vắt ít nước đủ cho người và gia súc uống dè sẻn, cầm cự với cái khát đợi những đám mây chứa hơi nước về lởn vởn trên bầu trời. Hiền gặp một cậu học trò của mình đang dùng cái ca nhỏ hớt từng ngụm nước trong một cái hố. Cậu học trò đen đúa nghiêng thùng nước vục cho cô giáo một ca đầy sóng sánh, nhoẻn miệng cười khoe mấy cái răng sún.

- Cô rửa cái mặt cho nó mát!

- Cái mặt nó mát chớ cô đâu có mát, phải không Phốt ?

Hiền trêu cậu học trò người Chăm chất phác, sáng dạ. Phốt nhe răng cười với cô giáo, hai mắt nó sáng ấm áp trong vòm cây trâm um tùm. Tiếng chân đàn gia súc đã nghe vọng lại rõ hơn, rồi bản hợp xướng âm thanh của bò, dê, cừu và cả tiếng người hò hét lùa chúng vào chuồng vang vọng, làm náo động cả góc rừng. Hiền dắt xe đạp, bên Phốt gánh lưng đôi nước đi về hướng chi chít những ngọn đèn dầu có bốn mặt kính chắn gió, treo lủng lẳng ở các góc chuồng gia súc và các chỗ ở của gia đình mục đồng.

 

Lâu nay, các em học trên sạp ván làm chỗ ngủ của anh em Phốt. Cây đèn dầu đặt giữa sạp ván, các em ngồi quanh trên cái ghế thấp hay khúc cây, cục đá. Cô giáo đi vòng sau lưng, tập em này viết chính tả, dạy em kia làm bài toán nhân, hay cầm tay uốn nắn từng chữ viết cho một em khác. Có em chưa  từng được đến trường, có em dở dang bậc tiểu học thì theo cha mẹ sống đời du mục nên con chữ cũng rơi rụng nhiều theo mỗi lần nhảy cỡn đuổi đàn gia súc ven sông suối. Theo tập tục vùng Tà Lon này, chăn gia súc không phải là một, hai người mà cả gia đình : người cha nhận chăn dắt thuê một đàn cả trăm con, có thể chỉ là một loại gia súc hoặc cả bò, dê, cừu; cả nhà sẽ sống đời du mục theo chân đàn gia súc. Người cha và các con chăn dắt, người mẹ lo việc bếp núc. Có khi thiếu cỏ và nước uống, họ phải chia gia súc làm hai đàn, nghĩa là gia đình họ cũng chia hai, chờ đến mùa mưa cỏ non xanh mởn cánh đồng mới được sum họp. Thông thường gia đình họ chia ba vì còn phải cắt người canh tác nương rẫy; chỉ vào ngày lễ Katé, lễ Ramưwan hay tết Nguyên đán họ mới gặp nhau đông đủ dưới một mái nhà. Trong vùng, dưới chân ngọn tháp có nhiều lán trại của người chăn thuê gia súc nên Hiền chọn để mở lớp dạy phổ cập tiểu học cho các em, gần hai mươi em người Chăm và Kinh, còn các em ở nơi quá hoang vắng thì Hiền đành chịu.

 

Đêm nay, các em dời sang lớp mới. Đó là cái chuồng cừu mới dựng còn thơm mùi gỗ. Học trò của Hiền thoải mái ngã lưng ngay trên sàn ván, có em nằm nhoài để chép bài dù ba mẹ các em đã kê mấy tấm ván dài để làm chỗ  ngồi. Vào những đêm trăng, Hiền thường nán lại trò chuyện với đám trò nhỏ, hỏi han chúng về những sinh hoạt hàng ngày, và giải thích cho các cô cậu đang tuổi tò mò nhiều điều chúng không biết hỏi ai.

- Thưa cô, thằng Phốt nó… “ dê” em !

Tiếng Bề, cô học trò xinh xắn nhất lớp gọi làm Hiền thôi nhìn vầng trăng vừa nhú mình lên khỏi rặng tre xa xa. Cả lớp cười ồ, còn Phốt ngượng nghịu phân bua :

- Thưa cô … em ngủ gục chớ bộ !

- Ngủ gục sao mày … ôm tao ?

Bề quát, tiếng con gái vỡ giọng nghe the thé.

- Tao giật mình, quờ tay đụng mày, chớ tao… ôm hồi nào ?

Phốt càng lúng túng.

- Sao hai tay mày… khôn quá trời vậy !

 

Bề dấm dẳng, rồi cầm quyển vở bò sang chỗ bé Nai.

Bé Nai nhỏ tuổi nhất lớp, nó mới tập làm quen với các chữ cái, vì trường học ở xa xôi nên Hiền trở thành cô giáo cả xóm nghèo chăn gia súc thuê này. Hiền được bạn bè gọi âu yếm là cô giáo xóm bò, rồi cô giáo xóm dê nhưng Hiền thích nhất là tên mà bạn trai cô đặt cho : cô giáo xóm cừu. Anh đùa là con cừu hiền lành,  chăm chỉ và nhẫn nhịn giống… tính tình cô, nếu gọi cô giáo xóm  dê hay xóm bò không khéo lại bị hiểu lầm là cô giáo dạy ở cái xóm toàn đàn ông “dê” hay học trò của cô giáo … “ ngu như bò ” thì điều tiếng cho cô giáo trẻ quá !

Nai nhìn cô giáo, ngây thơ hỏi :

- Chị Bề nói anh Phốt “ dê” nhưng sao anh Phốt không có sừng ?

Cả lớp lại được dịp cười nắc nẻ, có đứa nằm trên sàn ván ôm bụng cười lăn lộn. Hiền làm mặt nghiêm :

- Pabe năn tha thubiêp dâu habar ? ( Dê là con vật như thế nào ? )

Lu nhanh nhẩu :

- Pabe năn tha thubiêp hu takê thong pak takai.

Dôn đáp :

- Pabe  băng harơk thong hala kadâu. 

Hiền cười lớn :

- Các em trả lời bằng tiếng kinh đi ! Nai Gru ( Cơ gio ) không biết nhiều tiếng Chăm đâu.

Lu dịch :

- Em nói “ Dê là con vật có sừng và bốn chân ”, còn thằng Dôn nói “ Dê ăn cỏ và lá cây ”.

Lón đùa :

- Dê có con có sừng, có con không sừng nhưng đều nấu món lẩu được cả…

Hùng thuộc bài cô dạy, ê a :

- Dê thường mắc bệnh chướng hơi làm bụng phình to do ăn cỏ ẩm ướt, nên chúng ta không thả dê ra đồng quá sớm, lúc mặt trời chưa mọc.

Lành nhớ lời cô :

- Dê còn bị các chứng bệnh tiêu chảy, lở mồm long móng, viêm phổi, tụ huyết trùng… Khi thấy dê có triệu chứng biếng ăn, sốt cao, khó thở, có vẻ buồn bã hay đau đớn thì ta phải báo ngay cho cha mẹ.

Bề quan tâm đến sinh sản của con giống :

- Dê chữa từ 145 đến 150 ngày thì sinh con, nó có thể sinh từ 1 đến3 con.

 

Hiền đọc các tài liệu về chăn nuôi rồi hướng dẫn cho các em, giúp các em hiểu biết về những “ người bạn bốn chân” của mình, hiểu biết các bệnh thường thức mà các con vật rong ruổi trên đồng, truông núi với các em thường mắc phải, nhằm sớm phát hiện, chữa trị làm giảm thiệt hại đàn gia súc. Tuy các em chỉ chăn dắt thuê hưởng công nhưng nếu đàn gia súc khoẻ mạnh, sinh sản nhiều thì cuối năm sẽ được chủ thưởng công bằng tiền hay một con dê cái con. Một con dê cái con là cả gia tài nho nhỏ của cả gia đình các em khi nó trở thành một con giống đẻ sai.

 

Đêm nồng mùi phân gia súc, mùi đất cháy khét sau một ngày bị thiêu đốt bởi nắng mùa đại hạn. Những lùm bụi xác xơ còn trơ gai nhọn tua tủa đứng lặng lẽ dưới bóng trăng, trên con đường mòn quanh co từ xóm cừu ra đường lớn. Hiền đạp xe thong thả, có lúc dắt bộ băng qua cánh đồng nứt nẻ để mau về tới nhà. Đêm nay Hiền càng nôn nóng về nhà vì cô có hẹn với người bạn trai vừa về phép. Khi Hiền qua một khúc quanh, anh đột ngột hiện ra, cười rạng rỡ với cô, dắt chiếc xe đạp hộ cô. Trên cánh đồng rộng bát ngát trăng, lần đầu Hiền không còn cảm nhận nỗi cô đơn choáng ngợp lòng mình, dù mỗi đêm từ xóm cừu trở về, các trò nhỏ của cô đều tiễn cô giáo của chúng một quãng đường.

 

&

 

Đêm nay, lớp học vắng đến năm em, ba em học lớp năm và hai em học lớp bốn. Phốt, Hùng, Lón, Lành và Bề. Cả năm đi làm thuê cho ông chủ tìm kho báu trên núi Tà Lon. Bốn cậu trai xung vào đội đào đất, đập đá còn Bề phụ giúp chợ búa, nấu nướng. Ba của Phốt phân bua với cô giáo vì sự vắng mặt của con :

- Tôi cho nó đi làm để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Người ta trả công ngày mười lăm ngàn đồng, còn cho ăn ngày ba bữa cơm. Đâu dễ kiếm được việc như thế…

 

Lớp học im ắng hơn mọi đêm có lẽ vì đám trò nhỏ biết cô giáo đang buồn. Hiền không giận các em nghỉ học nhưng buồn vì sợ chữ nghĩa các em cố gắng học tập lâu nay lại tiếp tục rơi rụng, các em sẽ không được dự kỳ thi tốt nghiệp tiểu học sắp đến. Hiền đâm tức giận lão già đến từ Sài Gòn, nghe nói lão ta rất có thế lực nên mới được cấp phép thăm dò kho báu mà theo lão trình bày với nhà cầm quyền là của lính Nhật đã chôn giấu trên đường tháo chạy bởi quân đồng minh từ năm 1945. Lão rêu rao là đã phải trả một cái giá rất đắt mới có được tấm bản đồ kho báu từ tay một doanh nhân vốn trước kia là sĩ quan hải quân Nhật, khi chiếc tàu chở của cải cướp bóc vơ vét được của nhân dân Việt Nam bị phi cơ đồng minh oanh tạc trên biển Đông, chính y đã chỉ huy chuyển những chiếc thùng niêm phong đầy vàng, ngọc quý, đồ cổ vào bờ biển cực Nam Trung bộ và chôn giấu trên ngọn núi Tà Lon.

 

Một sáng, Hiền leo lên ngọn Tà Lon để thăm học trò và kiểm chứng lời đồn đại là sau thời gian bắn mìn phá núi, người ta đã tìm thấy cửa hầm vào kho báu. Hiền đi theo con đường mòn quanh co, vòng vèo lởm chởm đá tai mèo, cây gai dại hơn một giờ thì đến đỉnh. Đập vào mắt Hiền là lán trại của vài mươi người sinh hoạt dựng trên một vạt núi được san phẳng, từ dưới cái hố sâu hoắm hình phễu khoét vào lòng núi, Hiền thấy hai cậu trò nhỏ đội thúng đất đá đi lên. Hiền mừng rỡ :

- Phốt ! Hùng !

Hai em ngoái nhìn, cười chào và la lớn bảo cô đợi nhưng không dừng bước, tiếp tục đội vật nặng trên đầu đến đổ bên sườn núi phía Tây.

- Ai cho phép cô lên đây ? Gã bảo vệ bặm trợn nhìn Hiền đầy nghi kỵ và đe dọa.

Hiền giận dữ  nhìn gã trừng trừng. Hình ảnh mấy cậu trò nhỏ đen đúa như lùn xuống, rụt cổ lệch vai dưới sức nặng của thúng đất đá càng làm cô sục sôi giận dữ nhưng cố nén :

- Tôi đến thăm các em...

- Chưa đến giờ nghỉ. Cô hãy chờ đó ! Gã bảo vệ kéo đoạn dây kẽm gai ngăn không cho Hiền vào trong.

 

Hiền ngồi đợi trên một hòn đá, phóng tầm mắt trên ruộng đồng khô cháy bốc bụi mịt mù, vào tận xóm cừu dưới chân ngọn tháp Chăm hoang phế. Nắng đổ lưa thưa trên người Hiền xuyên qua một lùm cây trơ trọi xương cành khẳng khiu, vài chiếc lá già úa còn tiếc nuối chưa vội chao nghiêng theo cơn gió hiếm hoi. Vọng lại chỗ Hiền ngồi, tiếng đào bới, tiếng cuốc xẻng va đập vào đất đá nghe âm âm mơ hồ; rồi có tiếng kẻng đổ liên hồi và tiếng chân chạy rầm rập về phía cô.

 

Bốn cậu trò nhỏ mặt mũi lấm lem, mồ hôi nhễ nhại, hai bàn tay bẩn đất vây quanh cô giáo. Chúng tíu tít kể chuyện lão chủ có cô vợ trạc tuổi con lão, chuyện mấy cán bộ trên tỉnh thỉnh thoảng vác bụng bia hì hà hì hục leo núi để xem đã đào đến cửa miệng hầm kho báu hay chưa… Lành bỗng thỏ thẻ :

- Cô à, kho báu có thật hay không?

Hiền đáp chắc nịch :

- Cô không hề tin chuyện nhảm nhí này.

Lành thắc mắc :

- Thế tại sao lão chủ bỏ tiền của để thuê phá núi ?

- Tại lão mắc bệnh hoang tưởng.

Hiền tìm cách diễn đạt cho các em hiểu là có những kẻ suốt đời bị một nỗi ám ảnh mê muội hằn sâu trong đầu óc không sao gột rửa. Thoạt đầu có khi chỉ là một mẩu tin ngắn vẩn vơ nhưng như tia chớp loé sáng, kẻ mê muội góp nhặt sự kiện diễn ra, xâu chuỗi lại, tô vẻ thêm và bằng trí tưởng tượng phong phú kết hợp tất cả lại có vẻ rất hợp lý. Đúng là có sự kiện quân Nhật vơ vét của cải chuyển bằng tàu thủy. Đúng là có phi cơ đồng minh đánh đắm một số tàu Nhật ven duyên hải miền Trung. Đúng là lính Nhật từng đặt chân trên ngọn Tà Lon. Đúng là câu chuyện hoang đường của lão đã làm ngọt tai một số người, và người ta cấp phép cho lão thử thời vận, được thì cũng có phần chia chác, không thì chẳng mất mát gì vì lão đầu tư toàn bộ vốn liếng. Kể ra lão cũng có lòng tin mãnh liệt lắm mới bỏ ra bao nhiêu tài sản để làm chuyện mò kim đáy biển, hoặc là lão điên nặng…

Phốt nhìn đăm đăm cô giáo, giải bày :

- Em chẳng tin có vàng, càng đào sâu càng thấy toàn đá là đá. Phải chi lão dùng tiền phá núi để giúp cho người nghèo thì có ích hơn phải không cô!

Lành học xong lớp ba thì phải đi chăn dê vì nhà nghèo, thiếu ăn. Em ước ao :

- Chỉ cần lão cho cha mẹ em mỗi tháng một trăm ngàn để mua gạo là em đã không phải nghỉ học.

 - Em nghe nói lão đã tốn cả tỷ đồng mà chỉ được một cái hố sâu. Mùa mưa, hố đầy nước, lên núi tắm chắc đã lắm.

Lón mỉa mai. Còn Hùng nhớ lớp học :

- Có đứa nào nghỉ học nữa không, cô!

Hiền vuốt tóc từng em, cô tặng các em một bịch kẹo và mấy quyển sách thiếu nhi, dặn dò các em nhớ đọc để chữ nghĩa bớt vương vãi. Trước khi  xuống núi, Hiền đứng lặng nhìn đoàn người đội đất đá từ dưới lòng hố chậm chạp bước lên, thúng đất đá trên đầu làm mỗi người lùn xuống, cổ rụt, vai lệch. Họ lặng lẽ, có trai tráng, cả phụ nữ và các em chưa đến tuổi phải lao động cực nhọc. Càng thương đám trò nhỏ, Hiền càng cảm thấy mình bất lực. Trên đường về, Hiền ước ao nếu cô có số tiền to tát mà lão chủ đã vứt xuống đáy hố hình phễu kia, cô sẽ dùng xây dựng một lớp học không chỉ để dạy dỗ mà còn nuôi nấng trẻ em nghèo.

 

&

 

Hiền dùng dây thép cọng nhỏ để làm chiếc xích lô cho con bồ xè. Lật ngửa con côn trùng, kẹp hai cánh cứng vào cọng thép, nó sẽ quạt hai cánh lụa để đẩy chiếc xe chạy. Ngoài sân, đám trò nhỏ của cô hun khói mù mịt, khói rơm rạ quyến rủ những con bồ xè ngốc ngếch không biết từ đâu bay về cho các em hì hục rượt đuổi. Chiều nay, nghe tin năm em làm thuê đào kho báu đã trở về nhà, Hiền vội vàng đến thăm. Cô giáo và đám trò nhỏ vui lắm, bày trò thi bồ xè đạp xích lô.

Các em vây tròn trên sạp ván, mấy chiếc xích lô với phu xe bồ xè huơ huơ cẳng chân khẳng khiu, mỗi em phùng má lấy hơi thổi chiếc xe đua của mình, bắt trớn cho bồ xè quạt hai cánh lụa đẩy chiếc xe chạy vù. Tiếng cười dòn tan, tiếng hò reo cổ vũ của các em làm Hiền rưng rưng xúc động. Dù tuổi thơ nhiều nhọc nhằn nhưng các em may mắn vẫn còn giữ được hồn nhiên. Hiền tha thiết muốn giúp các em nhiều hơn, bằng sách vở, bằng chữ nghĩa để các em mở rộng tầm nhìn xa hơn cánh đồng mùa hạn nứt nẻ trơ gốc rạ, xa hơn ngọn núi Tà Lon có cái hố hình phễu chứa ảo vọng của lão chủ săn kho báu.

 

Lớp học của cơ trị lại đông vui như trước. Khi các em chăm chú làm bài tập, Hiền đọc không biết lần thứ mấy lá thư bạn trai cô gửi từ một đảo nhỏ cách chỗ cô gần một trăm hải lý.

Thư bạn cô viết có đoạn :

“… Anh vừa xuống xóm về. Em đừng vội nheo mắt nói anh đi chơi. Đêm, anh được chỉ huy phân công dạy một lớp phổ cập trung học cơ sở ở xóm nhỏ cách đồn biên phòng năm cây số. Làm người thầy giáo mang quân hàm xanh, anh càng hiểu nỗi vất vã của em hơn, hiểu tấm lòng của em đối với các trẻ mục đồng nhiều hơn, cô giáo của anh ạ!

Krăup abih hanim phôr tôm atay … ”.

 

Hiền không ngờ anh thuộc câu tiếng Chăm cô dạy anh trong một lần về phép. Câu đó có nghĩa là “ Tất cả vì hạnh phúc của các em ”.  Bất chợt Hiền nghe nóng ran hai má, cô bẽn lẽn nhớ môi hôn đầu tiên anh trao cho cô dưới bóng cây trâm loáng bạc ánh trăng trong một đêm anh đón cô từ xóm cừu trở về./.

 

Hồ Việt Khuê
Số lần đọc: 2481
Ngày đăng: 20.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những mảnh vỡ… - Nguyễn Thị Hậu
Đứa con của làng - Nguyễn Hải Triều
Chị goá ngồi thiền - Đậu Nữ Vệ
Chú hề làng - Trần Trung Sáng
Chuyện ngày xưa - Mang Viên Long
Người trong mộng - Nguyễn Thúy Ái
Chiều trong làng - Y Uyên
Chuyến xe đêm - Lương Văn Chi
Phố - Nguyễn Đông Phương
Bóng ngựa qua song - Mang Viên Long