Bà Rịa - Vũng Tàu một tỉnh miền biển vùng Đông Nam Bộ có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên. Những tài liệu địa chất cho biết sau thời kỳ kiến tạo lâu dài, phức tạp hằng triệu năm, đến thời biển thoái cách nay hơn 3000 năm, cảnh quan địa hình cơ bản đã ổn định như ngày nay. Đó là điều kiện thuận lợi để diển ra quá trình chuyển dịch của các nhóm cư dân tù vùng cao xuống vùng thấp.
Văn hoá tiền sơ sử Bà Rịa - Vũng Tàu có nguồn gốc và phát triển trong mối quan hệ gắn bó với truyền thống văn hoá lưu vực sông Đồng Nai. Vào thời kỳ này, cư dân cổ Đông Nam Bộ, mở rộng địa bàn cư trú trên nhiều vùng địa hình, sinh thái khác nhau. Họ chuyển dịch từ vùng đất cao xuống khai phá sinh sống trên vùng đất đầm lầy ven biển.
Riêng đối với Côn Đảo tuy cách đất liền tới 97 hải lý, nhưng khoảng 2000 đến 3000 năm cách ngày nay đã là một khu vực cư trú quan trọng của nhóm cư dân thuộc văn hoá Sa Huỳnh.
Mặc dù đến nay trên địa bàn Bà Rịa Vũng Tàu chưa phát hiện dấu tích của con người và di vật thời đại đá cũ đến hậu kỳ đá mới. Nhưng những phát hiện khảo cổ học liên tục về giai đoạn sơ kỳ thời đại sắt (sắt sớm) trong những năm gần đây, mang lại nhận thức mới thời kỳ tiền sơ sử và những giá trị văn hoá độc đáo của thời kỳ này trên đất Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó:
- Nhóm di chỉ khảo cổ Gò Cá Sỏi và các gò ven sông Thị Vải, đảo Long Sơn phân bố trên vùng ngập mặn triền sông, cửa biển.
- Nhóm di chỉ Bưng Bạc, Bưng Thơm, phân bố trên vùng đầm lầy cận biển.
- Nhóm di tích phân bố trên triền cát hải đảo Côn Đảo, được xem là những nhóm di tích tiêu biểu, do tính chất quy mô khu di tích và những đặc trưng độc đáo về loại hình di tích, di vật. Đây là cơ sở khoa học quan trọng giới thiệu, trưng bày về văn hoá tiền sơ sử Bà Rịa - Vũng Tàu.
Những sưu tập hiện vật quan trọng từ những di tích được khai quật đa dạng về loại hình, chất liệu: kim loại, đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ, dấu tích động thực vật. Trong đó đặc trưng nổi bật là các công cụ đá, những khuôn đúc, vòng trang sức, gốm tô vẽ màu, công cụ là đồ gỗ và di tích nhà sàn, mộ vò và đồ tuỳ táng… nhiều di vật có giá trị về loại hình, chất liệu lần đầu tiên được tìm thấy ở khu vực. Những di vật đó vừa mang những nét chung với truyền thống văn hoá lưu vực sông Đồng Nai, Sa Huỳnh và quá trình giao lưu tiếp xúc văn hoá trong vùng, trong khu vực Đông Nam Á.
Gò cá Sỏi, Bưng Bạc, Bưng Thơm, Hòn Cau, Côn Đảo là những minh chứng hiển nhiên về những “làng” cổ cư trú trên địa bàn cận biển. Từ những làng cổ này, có thể nghiên cứu để giới thiệu về các loại hình hoạt động kinh tế sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần thần. Trong đó, khác với những làng nông nghiệp thuần tuý ở các tiểu vùng văn hoá khác, Bưng Bạc - Bưng Thơm được xem là những “làng nghề” cổ truyền thống trên cơ sở kết hợp sản xuất nông nghiệp và hoạt động thủ công.
Thông qua con đường giao lưu tiếp xúc kinh tế - văn hoá, họ thay đổi tập quán tự cung tự cấp để tồn tại và phát triển. Những sản phẩm của họ có thể đã được dùng làm hàng hoá trao đổi với khu vực xung quanh. Đời sống vật chất và tinh thần của họ đã phát triển ở một trình độ nhất định..
1. Cộng đồng cư dân thời sơ kỳ kim khí.
Hoạt động khảo cổ học được biết đến gần một thế kỷ nay, các nhà nghiên cứu khảo cổ, địa chất người Pháp đã có những thành tựu bước đầu nghiên cứu tiền sơ sử Bà Rịa – Vũng Tàu và miền Đông Nam Bộ. từ sau 1975, hoạt động nghiên cứu khảo cổ tiến hành trên quy mô lớn, nhịp điệu mạnh hơn và đạt được những thành tựu quan trọng, bước đầu làm rõ được một số giai đoạn trong thời tiền sơ sử.
Vào hậu kỳ đồng, sơ kỳ sắt,. cách nay khoảng 3000 năm, tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã xuất hiện những lớp cư dân mới từ vùng cao, theo dòng sông Đồng Nai về hạ lưu, Họ đã khởi dựng những làng trên các gò đất cao ven sông Thị Vải, Những làng nông nghiệp trù phú trên vùng đồng bằng ven biển ở Bưng Bạc, Bưng Thơm và cả ở Côn Đảo xa khơi.
Đất Bà Rịa – Vũng Tàu từ thiên nhiên hoang sơ, nguyên thủy đã dần dần trở thành địa bàn kinh tế dân cư trù phú, góp phần tạo dựng một truyền thống văn hoá lưu vực sông Đồng Nai phát triển trong sơ kỳ thời đại sắt. nhiều di vật khảo cổ học tìm thất ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã khẳng định đỉnh cao của tiến trình phát triển văn hoá, kỹ thuật vào khoảng thời gian giữa thiên niên kỷ thứ I trước công nguyên.
Từ một vùng đất tưởng chừng qúa hiếm di tích khảo cổ. Những phát hiện liên tục bởi các cuộc điều tra, khảo sát, khai quật khảo cổ trong những năm gần đây, mang lại nhận thức mới về nghiên cứu thời tiền sơ sử trên đất Bà Rịa – Vũng Tàu. trong đó: Nhóm di tích khảo cổ Bưng Bạc, Bưng Thơm; Nhóm di tích Gò Cá Sỏi và các gò ven sông Thị Vải, Long Sơn; Nhóm các di tích Côn Đảo được xem là những nhóm di tích tiêu biểu, do tính chất quy mô khu di tích và những đặc trưng độc đáo về loại hình di tích, di vật. Do vậy việc trưng bày ở chủ đề này sẽ tập trung giới thiệu những đặc trưng cơ bản về những làng cổ sơ khai với những di vật và tài liệu diễn tả sinh hoạt kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của các cộng đồng cư dân cổ.
2. Làng cổ Bưng Bạc, Bưng Thơm
Hai làng di tích khảo cổ học Bưng Bạc, Bưng Thơm nằm kề gần nhau về cơ bản đều có những đặc trưng di tích, di vật giống nhau, có thể sắp xếp chung cùng trong một loại hình di tích và văn hoá. Chúng được biết đến như một loại hình di tích tiêu biểu, phân bố trên vùng đầm lầy cận biển của vùng Đông Nam Bộ thuộc giai đoạn sơ kỳ thời đại sắt.
Với diện tích khai quật, đào thám sát 907m2, có thể nói Bưng Bạc, Bưng Thơm là những di tích được nghiên cứu trên quy mô lớn nhất ở Bà Rịa -Vũng Tàu và Đông Nam Bộ cho đến nay. Những sưu tập hiện vật quan trọng gồm nhiều chất liệu: Kim loại, Đồ đá, Đồ gốm, Đồ gỗ…Trong đó đặc trưng nổi bật là những khuôn đúc vòng trang sức, gốm tô, vẽ màu.. vừa mang nét chung với truyền thống văn hoá lưu vực sông Đồng Nai và quá trình giao lưu tiếp xúc văn hoá trong vùng.
Sự phân bố rộng của dấu tích nhà sàn và di vật cho thấy tính chất quy mô, phạm vi cư trú của những làng cổ thời tiền sơ sử ở vùng cận biển Đông Nam Bộ.
Đặc điểm cư trú: Làng bố trí khá rộng, ở nhà sàn trên đầm lầy di chuyển bằng thuyền (độc mộc). Đời sống kinh tế: sản xuất nông nghiệp: Biết trồng lúa, kết hợp khai thác tự nhiên hái lượm, săn bắt. Sản xuất thủ công: Là “xưởng” chế tác khuôn đúc, vòng tay đá, biết đúc đồng, chế tác đồ gốm mà tiêu biểu là kiểu gốm bát bồng, đồ có chân đế cao, nghề mộc ở trình độ phát triển nhất định. Quan hệ: Có những nét tương đồng với cư dân Dốc Chùa về kỹ thuật đúc đồng, tương đồng cư dân Cái Vạn, Cái Lăng về cách sống trên nhà sàn. Kỹ thuật vẽ màu trên gốm, sản xuất bát bồng là chính, sản xuất vòng tay đá, việc có quặng nguyên liệu để đúc đồng chứng tỏ người Bưng Bạc, Bưng Thơm biết giao lưu, trao đổi rất sớm có thể tận Thái Lan, Cămpuchia.
Niên đại: 2500 đến 2700 năm cách ngày nay.
3. Làng cổ ven sông Thị Vải (Gò Cá Sỏi, Gò Cây Me)
Cư dân Gò Cá Sỏi, là những nhóm người đầu tiên khai phá vùng đất ngập mặn ven biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Nguời Gò Cá Sỏi sinh sống trên gò cao trong sinh thái rừng ngập mặn giống với nhóm di tích Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh)
Do nằm trên một bình địa thấp, địa bàn cư trú của cư dân Gò Cá Sỏi vẫn bị ảnh hưởng của chế độ thủy triều. Họ sinh sống chủ yếu bằng phương thức kinh tế khai thác sản vật từ biển. Cùng khối lượng lớn vỏ nhuyễn thể sò, ốc biển tìm thấy trong di tích đã minh chứng điều đó.
Đặc điểm cư trú: Vùng gò nổi ven sông Thị Vải, nơi chịu tác động của chế độ thủy triều. Đời sống kinh tế: Kinh tế khai thác tự nhiên là chính: săn bắt, khai thác sản vật biển, đánh cá, tàn tích các vỏ ốc, sò điệp dày đặc bên cạnh bếp lửa cùng những công cụ chày đập đơn giản chứng tỏ điều đó. Sản xuất thủ công: Biết chế tác đồ gốm, nhưng còn ở trình độ thấp, gốm chỉ nặn bằng tay, chưa biết kỹ thuật bàn xoay, hoa văn đơn giản, chủ yếu là khắc vạch. Đồ đá là công cụ chủ yếu, sử dụng: Ghè đập, chày, bàn nghiền. Niên đại: Khoảng 3000 năm cách ngày nay.
4. Khu mộ táng Giồng Lớn (Long Sơn)
Táng thức là những tư liệu quan trọng để nghiên cứu đời sống tinh thần của người xưa. Ngoài khu mộ vò tại Côn Đảo. Di chỉ Giồng Lớn, xã Long Sơn (được đánh giá như loại hình Giồng Phệt, Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh). Cuộc khai quật Giồng Lớn, xã Long Sơn vào tháng 4 năm 2003 và tháng 6 năm 2005 cho thấy trên một địa điểm khu mộ táng, có cả mộ nồi, mộ đất cùng nhiều di vật được chôn theo. Có thể nhận xét một số đặc điểm:
- Khu mộ táng khá biệt lập nơi cư trú: Trong khi vào thời buổi này, việc chôn người chết bằng vò, chum lớn khá phổ biến ở những địa bàn ảnh hưởng văn hoá Sa Huỳnh gần kề, thì tại Bà Rịa -Vũng Tàu chưa phát hiện loại hình mộ chum.
- Những di vật chôn theo khá phong phú, đa dạng, cho thấy đời sống vật chất tinh thần của cư dân Long Sơn bấy giờ đã đạt một trình độ phát triển khá cao, nhờ sự phát triển tự thân, nội tại và giao lưu tiếp xúc kinh tế văn hoá trong khu vực…
- Có thể khẳng định tính chất của di tích Giồng Lớn là một khu mộ táng, bao gồm hai loại hình: mộ nồi và mộ đất, trong đó mộ đất chiếm ưu thế. Quy mô khu mộ táng được định vị trên sườn phía Nam của Giồng Lớn, diện tích trong khoảng 1000m2 (chiều dài khoảng 50m, chiều rộng khoảng 20m).
- Vấn đề chủ nhân khu mộ táng Giồng Lớn: chủ nhân của khu mộ rất có thể chính là chủ nhân của các di tích Giồng Ông Trượng, Bãi Cá Xỉu, Bãi Cá Sóng trên đảo Long Sơn.
- Với 2.310 hiện vật thu được trong các đợt khai quật (lần 1: 672 hv, lần 2: 1.638 hv) di tích Giồng Lớn đã có một sưu tập lớn rất phong phú về chất liệu và loại hình. Đây là một sưu tập quý giá có giá trị nhiều mặt trong nghiên cứu và trưng bày. Đồ trang sức ở Giồng Lớn được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như: thuỷ tinh, đá quý và vàng... có được chắc chắn thông qua con đường giao thương buôn bán.
- Về văn hóa, qua di tích và di vật có thể xếp di tích Giồng Lớn thuộc văn hoá Óc Eo. Về niên đại, đồng tiền Ngũ Thù thời Tây Hán (206 TCN đến năm 25 SCN) cho phép khẳng định niên đại của di tích này vào khoảng trên dưới 2.000 năm cách ngày nay.
5. Làng cổ Hòn Cau
Đặc điểm cư trú: Sống trên cồn cồn ven biển. Là đảo có nguồn nước ngọt, thung lũng hẹp nhưng có điều kiện sản xuất trồng trọt. Làng cổ Hòn Cau có mối liên hệ với các làng cổ trên đảo Côn Đảo, thuộc văn hoá Sa Huỳnh. Đời sống, kinh tế: Kinh tế khai thác tự nhiên là chính: Săn bắt, khai thác sản vật biển, biết đánh cá bằng lưới, chì lưới được làm bằng đá, san hô đục lỗ để buộc dây lưới (có thể dây rừng) tàn tích các vỏ ốc núi, xương vích dày đặc bên cạnh bếp lửa cùng những công cụ chày đập đơn giản chứng tỏ điều đó.
Sản xuất thủ công: biết chế tác đồ gốm, trang trí nhiều kiểu hoa văn khắc vạch, chạm, nhiều gốm tô thổ hoàng. Đồ đá là công cụ chủ yếu, nhiều công cụ ghè đẽo thô sơ cùng tồn tại với những công cụ mài tinh xảo. Đặc biệt nhiều công cụ, vũ khí được làm từ xương vích. Niên đại khoảng 2500 năm cách ngày nay.
6. Làng cổ Côn Đảo và khu mộ vò cồn Hải Đăng, Miếu Bà
Là một quần đảo cách xa đất liền, những di vật đa dạng, phong phú, mức độ dày đặc các di tích khảo cổ học tại đây cho thấy vào sơ kỳ thời đại kim khí, con người đã khai phá, lập nên những làng nông nghiệp trù phú. Các làng cổ Côn Đảo phân bố trên những cồn cát quanh hồ nước ngọt (hồ Sen) ở vùng trung tâm đảo. Đến nay tuy chưa khai quật một di chỉ cư trú nhưng đã phát hiện nhiều dấu tích, di vật đồ đá, gốm cổ thuộc thời đại kim khí. Các di tích tiền sơ sử Côn Đảo ảnh hưởng văn hoá Sa Huỳnh.
Khu mộ vò cồn Hải Đăng, Miếu Bà có quy mô khá rộng và mật độ dày đặc. Hiện vật chôn theo bên trong hoặc bên ngoài vò là những công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt của họ như: Nồi, bình, bát, đồ trang sức.. mộ vò, mộ chum là một táng thức độc đáo của văn hoá Sa Huỳnh.
Việc phác dựng lại thời tiền sơ sử Bà Rịa – Vũng Tàu là rất khó khăn vì hạn chế về tư liệu, tuy nhiên với những phát hiện khảo cổ học có được, việc phục dựng, cung cấp thông tin về những giá trị lịch sử, văn hoá thời kỳ này, cần huớng tới một cái nhìn tổng thể, tìm thấy những đặc trưng, đặc thù của Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ tiền sơ sử.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Các báo cáo khai quật KCH di chỉ Bưng Bạc (Long Phước, Bà Rịa), đợt 1 -1994, đợt 2 -2002; Bưng Thơm (Long Tân, Đất Đỏ)-1997; Gò Cá Sỏi (Tân Thành)- 1998; Di chỉ Hòn Cau (Côn Đảo) – 1999; Mộ Vò Cồn Hải Đăng (Côn Đảo)-2001; Cồn Miếu Bà (Côn Đảo) – 2002; Gò Cây Me (Tân Thành) – 2004; Giồng Lớn (Long Sơn), đợt 1-2004, đợt 2-2005; Điều tra KC Côn Đảo, đợt 1 (3/2001), đợt 2 (1999-2000)
- Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu. Đề cương Trưng bày Nhà Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu. Vũng Tàu, 2006.
- Đặng Văn Thắng. Khảo cổ học tiền sử và sơ sử TP.HCM. Nxb Trẻ, 1998
- Hoàng Xuân Chinh. Miền Đông Nam Bộ một trung tâm thời đại kim khí ở nước ta. Nxb Long Xuyên, 1984.
- Lê Xuân Diệm, Phạm Quang Sơn, Bùi Chí Hoàng. Khảo cổ Đồng Nai thời tiền sử. Nxb Đồng Nai, 1991
- Nguyễn Trung Chiến. Khảo cổ học trên các vùng biển Việt Nam. Viện Khảo cổ học, 2001
- Phạm Đức Mạnh. Di tích khảo cổ học Bưng Bạc, Bà Rịa Vũng Tàu. Nxb Khoa học Xã hội, 1996.
- Phạm Quang Minh. Diện mạo thời Tiền Sơ sử Bà Rịa Vũng Tàu qua di chỉ Bưng Thơm. Thông tin Khoa học Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu. Số 4-2005
- Trần Quốc Vượng. Việt Nam cái nhìn địa - văn hoá. Nxb Văn hoá Dân tộc, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, 1998.