Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.242
123.161.055
 
Vì sao tôi bỏ nghề viết văn?
Trần Kỳ Trung

Thằng bạn thân của tôi, làm biên tập mục " truyện ngắn " của một tờ báo lớn trong thành phố. Nó gọi tôi đến chỗ vắng rồi mắt trước, mắt sau quan sát xem có ai theo dõi cuộc gặp mặt này không ? Nó cứ làm như tôi là " gián điệp". Thấy thực sự không có ai để ý, có vẻ yên tâm, nó mới kéo tôi vào một quán cà phê "cóc" hẻo lánh, nằm ở góc tận cùng trong một ngõ nhỏ, ít người qua lại. Chỉ cho tôi chiếc ghế đối diện, bắt tôi ngồi xuống, thằng bạn thân ngồi xuống theo. Việc gì mà có vẻ hệ trọng thế ? Tôi nhìn thằng bạn thân, không hiểu. Im lặng đến mười bảy giây, nó vẫn nhìn tôi không chớp. Một lúc sau, thằng bạn thân vòng hai tay ra đằng sau, rút ra tập bản thảo truyện ngắn của tôi gửi cho báo cách đây hai tuần, được dấu kỹ trong lưng quần.   Mặt thằng bạn thân tỏ vẻ khó chịu :

- Ông viết truyện ngắn có nội dung như thế này thì giết tôi. Bố thằng nào dám đăng!

- Cái gì ? - Tôi hỏi lại, giọng hơi to.

- Xuỵt! - Thằng bạn thân của tôi lấy ngón tay để lên miệng, ra hiệu cho tôi bớt " dung lượng " lại - Tôi lạy ông, có cái gì mà ông hét to thế. Ông thấy tôi phải khổ sở, bí mật, khéo léo, nhanh nhẹn, biết " thích ứng với mọi hoàn cảnh " mới đưa ông được đến nơi đây không ? Để cho thằng thứ ba biết chuyện này, lại có tâm địa xấu, nó làm lộ chuyện này ra. Ông với tôi đi tù là cái chắc !

- Nhưng... đi tù vì cái gì mới được chứ ? - Tôi vẫn chưa hiểu thằng bạn tôi gọi tôi ra đây định nói cái gì ?

 

Thằng bạn tôi lại mắt trước, mắt sau  nhìn lấm lét xung quanh còn hơn " rắn mùng năm". Thấy xung quanh chẳng ai để ý hai chúng tôi, nó mới sẽ sàng giở từng trang bản thảo truyện ngắn của tôi ra, chỉ từng chỗ đã đánh dấu. Thằng bạn thân của tôi  nói :

- Đây ! " Bố " viết đoạn này, tôi đọc lên giật mình. Có phải " bố ' định tả ông Y... can tội giành nhà của bà mẹ Việt Nam anh hùng, lấn đất của dân, mua bán bất động sản phi pháp không ? Tôi nói, ông phải nghe. " Bố " Y... đang đương chức, lại chức " to " như thế, ông viết truyện ngắn này " chọc " vào làm gì ! Chọc kiểu ấy chỉ có nước ông " chết ", tôi "chết", tờ báo của tôi cũng "chết" theo - Nói đến đó, thằng bạn thân tôi dừng lại, nhìn tôi có vẻ nghi ngờ - Thế ông đã đưa bản thảo truyện ngắn này cho ai đọc chưa?

Tôi lắc đầu :

- Chưa ! Mới chỉ có một mình ông đọc nó -Tôi hỏi thằng bạn thân - Mà này, tôi viết truyện  ngắn này hoàn toàn hư cấu theo sự gợi ý của ông, tại sao bây giờ ông lại nói với tôi như vậy ?

Tôi tin điều mình viết đơn giản, thằng bạn làm nghề biên tập, nó nhiễm bệnh " quan trọng hoá vấn đề"' có khi " bơm to" lên.

 

Thằng bạn thân của tôi nói khổ sở, nét mặt nó lại nhăn nhó :

- Khổ lắm ông ạ ! Ai chẳng biết thế. Nhưng ông viết  "chung chung " thôi, chứ ai lại tả cụ thể. Đằng này, ông tả nhân vật chính trong truyện ngắn từ dáng đi đến giọng nói, thậm chí cả động tác chơi gái... chỉ cần đọc lướt qua là người đọc biết ngay là ông Y... Trong truyện ngắn này, ông còn tả "...cái biệt thự, trong đó có nhà cầu hiện đại đáng giá bằng mấy chục  nhà  tình nghĩa..." nữa chứ! Ai chẳng biết, chỉ có ông Y... đang sở hữu " cái biệt thự có nhà cầu hiện đại " đó - Nói đến đây, giọng thằng bạn của tôi tự nhiên hạ xuống, thì thầm -  Tôi biết ông Y... rất ít đọc báo, nhưng biết đâu vô tình ông ấy đọc được truyện ngắn này đăng trên báo của tôi,  sẵn có tính thù vặt, ông ấy sẽ quy cho tờ báo vào tội  " vu khống", rồi lôi bộ luật hình sự ra. Thế là ông và tôi, có khi cả toà soạn của báo nữa... phải ra toà...

- Dễ thế cơ à ! - Tôi ngạc nhiên.

- Nước mình thì cái gì không " dễ ". Nhất là viết báo, viết truyện không khéo dễ bị quy thành " tội " lắm.

 

Nghe thằng bạn thân nói thế, tôi giật mình. Cứ nghĩ hai tay bị còng số tám đã kinh, nay lại vào tù đi cải tạo, đầu cạo trọc lốc thì khiếp. Mồ hôi tôi đổ ra đầm đìa, thể trạng không còn bình tĩnh nữa. Cả chân, cả tay, cả đầu và cả cái ghế tôi đang ngồi đều run bần bật.Tôi hỏi lại thằng bạn:

- Thế... thế bây giờ làm thế nào? Ông nói làm tôi... tôi ... lo quá !

Thằng bạn thân nhìn tôi với ánh mắt thương hại:

- Cũng còn may cho ông, là truyện ngắn này mới chỉ có một mình tôi đọc. Tôi sẽ đốt bản thảo truyện ngắn này, coi như ông chưa viết nó trên đời. Ông viết truyện ngắn khác đi...

- Viết cái gì bây giờ ? Hay là... thôi, tôi không viết nữa.

Nghe tôi nói vậy, thằng bạn thân vội xua tay, ngăn lại:

 - Đừng! Tôi cấm ông có tư tưởng bi quan chủ nghĩa. Ông là thằng có tài, viết truyện ngắn rất hay. Người như ông  ở nước ta rất hiếm. Ông có mỗi nghề viết văn, viết báo. Ông không viết lấy cái gì mà kiếm ăn.Viết mà kiếm lấy mấy đồng nhuận bút còm, cũng còn hơn không. Có điều, tôi khuyên ông, mình viết nhưng đừng có đụng cham đến ai. Viết như thế là dễ đăng nhất.

 

Điều thằng bạn thân nói làm cho tôi suy nghĩ. Viết mà không " đụng chạm " đến ai, khó thật! Nhìn vào xã hội đâu đâu cũng thấy mấy ông bụng to, tay xách cặp, mặc comlê, đi giày đen, thắt caravát.... cứ giả đi làm " công vụ", kỳ thực là đi  " khoét tiền" của công, rồi ăn nhậu, chơi gái. Rồi có người, trên bục giảng , nói có vẻ thanh tao, trong sáng với những lý tưởng, chủ nghĩa... nhưng trong thực tế, sống với gia đình, đồng đội, với dân thì " bẩn " không thể tưởng. Cảnh những người nghèo khổ, ăn xin, báo báo dạo, đánh giầy...lê lết ngoài đường cứ đập thẳng vào mắt, ra khỏi ngõ là gặp. Bây giờ, là người viết văn, đã viết thì thế nào cũng " dính " vào những cảnh đó. Mà đã " dính " thì lại..." đụng chạm", như thằng bạn thân vừa nói. " Đụng chạm " hay " không đụng chạm"? " Đụng chạm" hay " không..."? Tôi nghĩ ra rồi! Tôi " A" một tiếng rõ to, lấy tay vỗ lên đùi " đét" một cái, rồi nói với thằng bạn thân :

- Tôi sẽ thay nhân vật giống ông Y... bằng một nhân vật có hành động, lời nói khác hẳn.

- Đúng !- Thằng bạn thân của tôi gật gù, tán thành ý kiến đó sau khi nghe tôi trình bày suy nghĩ của mình.

- ... Bằng ông bác sỹ - Tôi hào hứng trình bày -Thay việc " ...Đến công sở" thì ông ta "đến bệnh viện". Thay việc " ... Vào văn phòng lật sổ sách" thì ông ta " vào phòng mổ lật bệnh nhân", thay mấy chữ "... Ông ấy cười khành khạch khi nốc bia"  thành ông ấy nói "... Băm bổ khi đang nhậu.". Thay...

- Thôi! - Thằng bạn tôi giơ tay ra hiệu cắt nửa chừng - Không được! Ông viết như thế càng chết. Thằng con ông Tổng biên tập báo của tôi đang nằm viện vì chứng " phát phì đột biến ". Báo của tôi đăng truyện ngắn của ông viết có nội dung như thế, mấy ông bác sỹ trong bệnh viện đang điều trị thằng bé đọc được, các ông ấy lại tưởng báo của tôi nói xỏ các ông ấy về tư cách đạo đức.  Tức mình các " bố ấy " tiêm cho thằng bé một mũi " quá liều " thì chết cả nút. Đừng có dại!

Nghe thằng bạn thân nói, tôi thở dài, ngán ngẩm. Cứ như thế thì tôi viết kiểu gì cũng "đụng chạm". Thậm chí có khi tả " không khí trong veo" người ta cũng vặc ra đủ lý do để nói " không nên viết ". Mà không viết... đối với ai, tôi không biết, riêng đối với tôi là nguy vì tiền nhuận bút của truyện ngắn, thằng bạn thân cho tôi ứng trước. Tôi tiêu sạch khi vừa ra khỏi phòng tài vụ của Toà báo.

 

Khi chia tay, thằng bạn thân vỗ vai tôi:

- Chuẩn bị bài cho số Đặc san sắp tới, tôi vẫn đề nghị bỏ trống cột " Truyện ngắn" để chỗ cho truyện ngắn của ông. Về nhà ông cố gắng viết đi, hạn nộp bài còn dài mà. Có điều, tôi dặn ông, viết gì thì viết, nhớ đừng có "đụng chạm" - Nó cứ nhắc đi, nhắc lại điều đó.

 

Tôi về đến nhà, thấy vợ mặc một chiếc áo không lành lặn, đang cho lợn ăn, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu " Hay lấy nhân vật chính trong truyện ngắn sắp viết là vợ của mình ..." Nghĩ thế, song tôi lại lắc đầu. Không được! Vợ tôi đã tần tảo , chịu thương,  chịu khó nuôi sống cả gia đình, tất nhiên trong đó có tôi. Căn nhà này không có bàn tay của vợ, nó đã đổ ụp từ lâu rồi. Vợ tôi tốt như thế, nỡ nào tôi lại cho vào truyện ngắn đăng lên báo để đùa cợt.

 

Tôi đi vào giường ngả lưng, chợp mắt. Các nhân vật truyện ngắn mình định xây dựng cứ ẩn hiện, lúc mờ, lúc tỏ. Tả ai bây giờ ? Thực khó nghĩ. Chợt! Như bừng tỉnh , một suy nghĩ, tôi cho là rất sáng suốt dẫn tôi đến một lối thoát. Tôi sẽ xây dựng một nhân vật trung tâm của truyện ngắn là một ông Tổng biên tập một tờ báo lớn. Tôi sẽ viết lời đề dẫn cho truyện ngắn này:"... Tôi đã gặp anh, một Tổng biên tập của một tờ báo có số lượng phát hành lớn gần như nhất nước ta. Anh vốn là một nhà báo có chuyên môn, chuyên viết những bài chính luận nổi tiếng, được đông đảo bạn đọc yêu thích. Ngoài ra, anh là một Tổng biên tập có lập trường rất vững vàng, kiên định không sợ bất cứ một áp lực nào khi dám đưa lên mặt báo những vụ tham nhũng lớn, đụng chạm đến một số người cấp cao. Anh luôn động viên và bảo vệ hết mình những phóng viên có động cơ tốt khi viết những bài phóng sự phanh phui những việc làm tiêu cực của một số kẻ có chức,  có quyền. Ở anh, tôi còn thấy một việc làm tốt nữa, anh rất khiêm tốn, không bao giờ lợi dụng báo chí để đánh bóng tên tuổi của mình. Anh sống mực thước, giản dị là tấm gương sáng cho các phóng viên trẻ trong toà soạn noi theo. Tôi đã gặp anh trong một trường hợp..." Và thế là tôi hư cấu thành một truyện ngắn về một ông Tổng biên tập của một tờ báo lớn đã tận tình giúp tôi, một người viết văn trẻ không hề quen biết, viết một truyện ngắn hay đăng lên báo. Ông đến nhà tôi, một xóm hẻo lánh để đưa tận tay báo biếu cùng tiền nhuận bút. Một ông Tổng biên tập tuyệt vời !

Tôi viết truyện ngắn này liền một mạch, gần sáng thì xong. Đọc lại truyện ngắn một lần nữa, tôi thực sự ưng ý. Có thế chứ ! Truyện ngắn tôi vừa viết không hề " đụng chạm" vào chuyện của ai, chỉ có "ca ngợi". Vui hơn nữa,  tôi đã ' trả được  nợ" cho thằng bạn, coi như thanh toán xong tiền nhuận bút.

 

Khi tôi đưa truyện ngắn này cho thằng bạn thân đọc.Tôi chú ý đến nét mặt của nó. Nét mặt nó dãn ra theo từng câu chữ, thỉnh thoảng lại còn nở một nụ cười thích thú, mắt hấp háy có vẻ sướng. Đọc xong truyện ngắn, thằng bạn thân ôm chầm lấy tôi, miệng nó reo to:

- Tôi bái phục ông, ông viết truyện ngắn có nội dung rất hay, mang đầy tính thời sự - Nó lại nói đúng ý của tôi - Tôi biết ông viết trong truyện ngắn có nội dung, ngầm  ca ngợi Thủ trưởng của tôi để dễ đăng. Đúng không ? - Tôi gật đầu, thằng bạn thân nói tiếp - Ông viết như thế này là không "đụng chạm ", sẽ không ai thắc mắc tại sao ông viết nhân vật này ? nhân vật kia ? Tôi thành thực mừng cho tài năng của ông, mừng cho truyện ngắn này. Truyện ngắn này nhất định sẽ được đăng trong số Đặc san sắp tới - Nó bắt tay tôi, lắc mãi.

 

Thái độ của thằng bạn thân làm biên tập viên làm cho tôi vui, quên hết mọi phiền muộn mới có cách đây không lâu. Tôi âm thầm chờ đợi truyện ngắn của mình đựơc đăng ở báo " Đặc San" với nỗi  sung sướng ngày một nhen lên.

 

Gần hai tuần sau...

Thằng bạn thân của tôi đến, trái với sự chờ đợi háo hức mà tôi đang hy vọng, mặt nó ỉu xìu như bánh đa nhúng nước. Nó trả bản thảo cho tôi, giọng nói thiểu não:

- Truyện ngắn của ông lại ra " bãi tha ma " rồi !

- Vì sao thế ? - Tôi ngạc nhiên đến sững sờ.

- Vì ông Tổng biên tập báo tôi đọc duyệt lần cuối cùng, phán : " Nước ta làm gì có ông Tổng biên tập nào tốt như thế, viết không đúng ! Truyện ngắn này không đăng được" - Thằng bạn thân của tôi nói.

 

Trần Kỳ Trung
Số lần đọc: 2271
Ngày đăng: 21.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cô giáo xóm cừu - Hồ Việt Khuê
Những mảnh vỡ… - Nguyễn Thị Hậu
Đứa con của làng - Nguyễn Hải Triều
Chị goá ngồi thiền - Đậu Nữ Vệ
Chú hề làng - Trần Trung Sáng
Chuyện ngày xưa - Mang Viên Long
Người trong mộng - Nguyễn Thúy Ái
Chiều trong làng - Y Uyên
Chuyến xe đêm - Lương Văn Chi
Phố - Nguyễn Đông Phương
Cùng một tác giả
Người đánh trống (truyện ngắn)
Bằng di tích (truyện ngắn)
Đọp-nhà thơ (truyện ngắn)
Lầm lẫn (truyện ngắn)
Chỉ tại con ruồi (truyện ngắn)
Chuyện của Cậu tôi (truyện ngắn)
Lõm to (truyện ngắn)
Mẹ (truyện ngắn)
Hương hoa móng rồng (truyện ngắn)
Bài văn tả…! (truyện ngắn)