Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
675
123.237.756
 
Chết không nhắm mắt
Trần Vọng Ngư

Tại sao phải thích ca ngợi

Vẫn có sự thật cứ ngỡ  như đùa ?

- Tôi nói cho các thầy, cô biết. Đừng tưởng rằng những gì mà các thầy cô nói xấu tôi rồi nghĩ là không lọt vào lỗ tai của tôi. Nếu ai có giỏi thì nhận đi, tôi sẽ nhường lại cái ghế hiệu trưởng này liền!

 

Tập thể giáo viên im lặng không ai dám nhìn ai. Rồi lão tiếp tục nói, cũng chỉ xoay quanh vấn đề chính là chuyện hù, dọa giáo viên và nhân viên trong trường [lão hiệu trưởng có tính đa nghi như nhân vật Tào Tháo truyện Tam Quốc]. Như thường lệ buổi họp giáo viên hàng tuần vào chiều thứ năm ở trường THPT Dân Lập Ánh Sáng. Một trường được xây dựng thuộc [đẳng] cấp 4, nhìn cảnh quang nhếch nhác, chật chội… ở một tỉnh miền núi biên giới đầy gió nắng và bụi khói. [hiện tại bây giờ trường đã được mang tên một danh nhân nhà hậu Lê]

- Ai nói là tôi không có tài cán gì. Nếu không, thì  tại sao người ta mời tôi làm hiệu trưởng, vậy thử hỏi tất cả ở đây ai là người hơn tôi… Tại sao phải nín thinh cả đám vậy? Thôi được, tôi sẽ kể cho các thầy cô nghe một chuyện ngắn: Có một con chuột tuy nó đã già rồi, tất nhiên sự hoạt động phải chậm chạp nhưng trong đầu nó luôn có ý thức trách nhiệm… Lão hiệu trưởng đảo mắt nhìn từng giáo viên. Như một con rồng, lão “nhả ngọc-phun châu”: con chuột già không kể ngày đêm, nó thường lê la thân già của nó đi vòng quanh bồ lúa, nó gìn giữ  và luôn sợ sẽ có những con chuột ở nhà khác kéo đến  giành  mất miếng ăn của đàn con cháu nó.

 

Hai cây quạt  đang quay vùn vụt trên trần la-phông, nhưng mồi hôi vẫn rịn ra trên trán mọi người.Giáo viên trường DL Ánh Sáng ai mà không biết cái tật của lão hiệu trưởng, một khi phát biểu dài hơi thì nước bọt từ miệng lão ứa ra hai bên mép, cũng có lúc quên khi lão say sưa  đăng đàn diễn thuyết nên lão không còn nhớ để lấy khăn tay trong túi quần ra chùi miệng. Lúc bấy giờ cả một tập thể muốn bật cười nhưng không ai dám [ho hen] đành phải cố nén trong lòng.

- Chuyện tôi kể vừa rồi với một ngụ ý. Quý thầy cô hiểu không?

 

Một sự im lặng nặng nề. Ở cuối dải bàn gần sát ngoài cửa phòng họp hội đồng, có một giáo viên nam nghiêng mặt qua nói nhỏ với một giáo viên nữ: “Lão già này hình như bị khùng, nay lão tự nhận mình là một con chuột già rụng gần hết lông vô tích sự!” Giáo viên nữ chỉ mỉm cười  rồi gật đầu.

-  Thôi được bây giờ tôi không muốn làm phí thời gian của quý thầy cô, ai có ý kiến gì thì cứ phát biểu! Nếu không, buổi họp đến đây kết thúc, tuần sau tôi sẽ kiểm điểm về việc dạy học trong tháng vừa qua. Mọi người đứng dậy cùng với những tiếng thở phào [gần 3 giờ đồng hồ].

- Khoan đã, tôi nhắc lại lần này là lần cuối khi kết thúc buổi họp phải có tiếng vỗ tay! Kẻ trước người sau đều vỗ tay lấy lệ [thật buồn cười].

 

Kể từ khi [không nhớ rõ năm nào] cần phải có chính sách “Xã hội hóa giáo dục” do chính phủ ban hành, là một việc làm thiết thực phải hành động ngay, nhân dân cùng với nhà nước phải gánh vác một trọng trách rất lớn lao về việc [trồng người]. Cho nên có rất nhiều trường Dân Lập trong cả nước được khai sinh từ lúc bấy giờ, nhưng trường DL Ánh Sáng là một trường DL rất đặc biệt. Trường được sáng lập do một tên tiến sĩ [dỏm] làm Chủ tịch HĐQT, hắn từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất chui lên? Hắn khoe với mấy bậc “cha dân” ở một tỉnh khốn nạn mà người ngợm đang tồn tại nơi đây nghèo đến nỗi [khạc ra tro, ho ra máu] là hắn có bảy bằng tiến sĩ.  Nghe êm tai, đại diện nhà nước tỉnh liền cấp cho ngài tiến sĩ một khu chế biến nông sản thô trong lòng thị xã, cơ sở vật chất này nhìn vào cảnh quang không ra hình tượng gì và đã nghỉ không còn hoạt động. Hắn bắt tay vào việc tu sửa và hắn nói với mọi người là ngôi trường này chỉ tạm thời thôi, mai mốt hắn sẽ xây trường lớp  đồ sộ và hoành tráng hơn…  Không biết những “ông trời” ở tỉnh có gặm nhắm chút gì của ngài tiến sĩ chỉ có một không hai này hay không? Bước đầu người dân ở tỉnh miền núi vui mừng, phấn khởi lắm.

 

Gần mười năm rồi, có thay đổi được quái quỷ gì đâu! Thế nào ngôi trường DL  này rồi cũng phải đổi tên là trường THPT Vũ Như Cẫn [là một danh nhân xuất hiện trong kho tàng văn chương bình dân?]. Như thế đó, những phụ huynh có con, em theo học tại bổn trường DL Ánh Sáng rất an tâm? Chỉ nên nói sơ qua về sự có mặt của ngôi trường này mà thôi [nếu viết thành chữ phải cả trăm trang giấy A4].

 

Trên bề mặt trái đất có nhung nhúc con/người đang tranh giành hơi thở. Có lắm điều kỳ diệu, kỳ tích, kỳ cục…  thì tại sao không có chuyện kỳ quái? [ngựa phải tìm ngựa-trâu phải tìm trâu]. Ngài tiến sĩ [dỏm] tìm đến nhà một thầy giáo được nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” tất nhiên đã về hưu. Lão nhà giáo ưu tú có trên 40 năm sinh tử với nghề từ trước ngày miền Nam giải phóng. Cũng cần nên nhắc lại; có nhiều người biết lão học sư phạm cấp tốc vào thời [VNCH để khỏi phải đi quân dịch],  những năm dầu sôi lửa bỏng đó lão có bằng tú tài 1= 11& tú tài 2= 12 không có [tốt nghiệp THPT bây giờ]. Sau ngày đất nước VN thống nhất, ngành giáo dục vẫn phải lưu dụng lão vì một lý do gì đó không ai hiểu được. Ngu dốt thường được con/người che dấu là phải cố làm sao bưng bít mọi chuyện? Tính từ ngày 30 tháng 4/75  sau đó lão vẫn dạy cầm chừng khắp các trường PT trong huyện nơi địa phương lão cư trú. Độ chừng hơn hai năm sau một giáo viên tầm thường như lão được  chính quyền lâm thời  đang lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh, phân công lão với trách nhiệm là dạy học lớp “bổ túc văn hóa” tỉnh [nên nhớ cuối thập niên 70 bước qua 80 không có cụm từ “chuyên tu hay tại chức”]. Dạy học bổ túc kiểu này là dạy ai và dạy những gì? Kết quả thành đạt đã quá rõ, từ bậc hạ, bậc trung cho đến bậc cao , hiện nay đều là những “chóp bu”  đã từng vênh váo xưng là vua, chúa nơi vùng biên giới này. Từ đó những “ông-bà  trời” mặc sức phô diễn thoải mái cảnh  “lấp biển vá trời- đảo hải di sơn”. [có  ông-bà lọt vào Ủy viên TW Đảng] đều là học trò cũa lão hiệu trưởng khả kính này. Cho nên không có ai mà không  biết đến nhà giáo “u đầu” được nhiều người ngưỡng mộ với mệnh danh cao quý: “nhà giáo ưu tú, bú vú học trò”.

 

Trường DL Ánh sáng là một tiểu quốc nhỏ ngự trị trong một vương quốc lớn. Là một “lãnh chúa”  lão toàn quyền thao túng mọi việc… và thể hiện sức mạnh vai trò độc lập của một ông hiệu trưởng , trong đầu của lão ta luôn ấp ủ những  tư tưởng thấp hèn, đê tiện. Không có gì là khó hiểu. Những giáo viên đang dạy trong trường DL Ánh Sáng chiếm 60% là đàn em và đệ tử ruột thân tín của lão hiệu trưởng, bởi vì trước đây họ thuộc loại được ví như rác rưởi bị sở Giáo dục tỉnh sa thải khỏi ngành với nhiều nguyên nhân. Những giáo viên này được lão ra tay “cứu độ” tiến cử vào trường với sự đồng ý của ngài tiến sĩ chủ tịch HĐQT. Còn  nhân viên văn phòng hành chánh trường đều là con, cháu của lão [tính gộp hết là 80% nhân sự]. 20% là ai? Những giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm từ miền Trung trở và miền Nam đều mới ra trường, họ còn rất trẻ tìm đến xin đầu quân vào trường DL Ánh Sáng. Dù thế nào hay ra sao cũng được, họ chỉ mong là  tìm được miếng ăn… tỉ lệ giáo viên này là 15%. Còn lại 5% là ai? Giám thị trường, quản nhiệm học sinh nội trú, bảo vệ…

 

Ngẫu nhiên mà có được một thông tin “thần sầu, quỷ khóc” cũng chính từ miệng một vị thầy dạy toán [ đệ tử lão hiệu trưởng]: Thầy dạy toán nói: Lão biết là tôi không còn dạy được  bất cứ một trường nào nữa. Một buổi chiều… sau giờ tan trường  DL tôi ra về, lão điện cho tôi đến quán karaoké Ao Cá Chép, tôi vội vã lên xe máy dong một mạch tới quán. Vào phòng tuy hơi tối,  nhưng tôi vẫn thấy  rõ tay lão cầm micro đang hát bài tình ca… bên tay trái lão quàng vai một một cô gái trẻ.

- Ngồi xuống đi thầy, có gì mà ngại phải không. Mình là đàn ông? … Lão hiệu trưởng rót bia vào ly mời tôi cụng ly với lão: chúc mừng sức khỏe.

Lão quay mặt nói với cô gái:  cưng điện cho một em nữa tới liền để tươi mát với thầy H. Lão cao giọng cười vang sang sảng.

- Thầy hát bản gì để em bấm số? Cô gái hỏi tôi.

-  533… tôi trả lời. Khi dòng chữ chuẩn bị hiển thị trên màn hình theo nhạc điệu bài hát mà tôi đã chọn. Tôi bắt đầu hát, nhưng có một mãnh lực vô hình nó khiến tôi phải liếc mắt nhìn qua lão hiệu trưởng ngồi cạnh bên tôi. Hai tay lão ôm ghì hông cô gái, mặt lão ta vùi vào bộ ngực cô gái…

- Thầy ơi, đừng làm kỳ vậy. Em là học trò cũ của thầy!!!

- Ở đây không có thầy bà gì hết. Cưng gọi tôi là thầy rồi thì thầy tha hay sao?!

 

Không phải chỉ một mình thầy H kinh tởm chuyện đã qua rồi. Làm sao lấy thúng úp được miệng voi? Thông tin lan truyền cứ thế được nhân lên, nên những trường THPT  trong tỉnh ai cũng biết danh “nhà giáo ưu tú, bú vú học trò”. Chuyện này nếu ông phật Thích Ca mà biết được, chắc có lẽ ông cũng phải nhảy xuống khỏi tòa sen để hóa kiếp làm người nhìn đất trời đang sụp đổ[?] Còn những việc trù dập hoặc đuổi giáo viên và nhân viên nào có biểu hiện tiềm ẩn không phục lão, lão hiệu trưởng dùng nhiều mưu thần chước quỷ bằng mọi cách đối tượng trước mắt lão phải biến mất khỏi trường. Tất cả lão đều nói một câu như trong kinh “sám hối”

- Tôi thương anh, chị, em chứ không có ý hại ai. Nếu bị nghỉ việc là do lệnh của ông chủ tịch HĐQT. Khi nào cần tôi sẽ gọi lại [cứ dài cổ mà chờ].

 

Tại sao lại có chuyện đuổi người dễ như lấy đồ trong túi? Giáo viên, nhân viên đến trường xin việc, chỉ được ký hợp đồng một năm thử việc. Sau một năm nhà trường thấy tốt sẽ cho ký hợp đồng dài hạn. Chuyện này chỉ khi nào người ta thấy thằng Tây nhai trầu thì chắc chắn được ký dài hạn. Như vậy, người bị đuổi việc làm gì có cơ sở  để thưa với kiện.

 

Trong trường DL có một giáo viên như cái gai nhọn đã đâm vào tròng mắt lão hiệu trưởng. Là địch thủ đáng gờm nhưng lão hiệu trưởng không làm gì được. Đó chính là ông phó hiệu trưởng, một người tính cương trực rất nhân nghĩa thường bênh vực thầy cô và nhân viên tại trường. Ông phó này thời còn học PT cấp 2 cũng là học trò lão hiệu trưởng, sau này khi tốt nghiệp đại học sư phạm tại Sài Gòn, ông phó về nhận việc và dạy chung trường THPT cấp huyện với lão hiệu trưởng những ngày đầu miền Nam giải phóng. Phải công nhận là lão có tài. Lão đang ngồi chễm chệ trên cái ghế, trước mặt lão có tấm biển nhỏ màu xanh chữ trắng Hiệu Trưởng

 

Khi vừa nhận chức hiệu trưởng trường DL Ánh Sáng, lão hiệu trưởng tiến cử ngay ông phó này với ngài tiến sĩ, đến bây giờ lão hối hận vì đã chọn sai người dưới trướng của lão. Lão hiệu trưởng cũng muốn loại ông phó này ra khỏi “cuộc chơi” trí tuệ? Nhưng lão biết một khi đụng đến ông phó, thì lão chỉ có nước; là phải chui xuống cống. [chuyện lão quấy rối tình dục với giáo viên nữ ai mà không biết]. 

 

Ngày Nhà giáo VN 20 tháng 11, trường cũng có tổ chức lễ sau đó là liên hoan vài bàn, thức ăn và rượu được đặt ở quán ăn đối diện trước cổng trường. Một giáo viên nam tay cầm chai rượu Martin tay kia cầm ly có chân đế bước đến trước mặt lão rồi rót rượu vào ly [rượu Tây cá nhân tự mua đem vào].

-Thầy là nhà giáo có tiếng … với tinh thần tôn sư trọng đạo, em xin mời thầy và chúc sức khỏe thầy sống lâu trăm tuổi.

-Tôi có tiếng tăm hay là tiếng tai. Thầy đang dạy học hay là thợ uốn lưỡi câu? Lão hỏi như vậy nhưng lão vẫn cầm ly uống cạn.

 

Một năm chỉ có một lần, giáo viên và nhân viên được ăn nhậu miễn phí. Có người nói ngu sao mà không chơi tới bến. Anh em ngồi chung bàn với thầy hiệu phó cười vui vẻ cụng ly “rốp-rốp”. Lão hiệu trưởng đang tiếp khách Sở Giáo Dục tỉnh, khách chơi vài giờ rồi cũng ra về. Chân nam đá chân bắc, lão cầm ly bia bước sang bàn thầy hiệu phó đang nhậu với anh, em. Một giáo viên mời lão ngồi, tuy đã gần chạm tới “cổ lai hy” nhưng “đô” rượu cũa lão còn khá lắm. Lão không ngồi, lão ực một hơi cạn ly bia rồi lão phán một câu xanh rờn.

- Ở đây là trường tư nhân chứ đâu phải là nhà chùa, quý vị có ăn nhậu thì vừa phải thôi! Ai kêu bia uống xả láng đây? Tôi chỉ duyệt chi 5 lít rượu đế, còn phần bia quý vị tự giải quyết!

Từ miệng lão vừa dứt câu phẫn nộ, thầy hiệu phó đứng dậy.

- Chuyện tôi và các anh, em ở đây có uống bia bao nhiêu chai cũng được, đâu có ai xin thầy phần này, thầy nói như vậy là thầy xúc phạm nhân phẩm và coi thường người khác!

Mặt lão hiệu trưởng đang đỏ như mặt con gà nòi  từ từ chuyển sang màu tím nhạt. Lão không còn biết mình là ai.

- Mày nói cái gì. Nói lại cho tao nghe coi?! Nên nhớ là tao đã đem mày ngồi vào ghế hiệu phó danh giá ở trường này!

-Tôi lúc nào cũng nhớ ơn của thầy. Đó là chuyện riêng, còn chuyện chung ở đây là thầy phải nên sống như thế nào để tích đức dành lại mai sau cho con cháu của thầy được hưởng công đức do thầy tạo ra!

Lão đứng chết trân một hồi, rồi lão để dằn mạnh cái ly xuống bàn. Những người xung quanh không thể nào hiểu được; là tại sao lão lại ôm chầm thầy hiệu phó rồi lão khóc và nói như đọc tế văn.

-Thầy xin lỗi em, xin lỗi quý thầy cô… vì tôi bị say quá, tôi hứa sẽ không bao giờ lập lại chuyện này!!!

Thầy hiệu phó cũng khóc. Thời gian đang ngừng trôi?

- Thầy ơi, làm người là may mắn lắm rồi, tất cả ai cũng phải chết dù trước hay sau, có bao giờ thầy nghĩ  làm một kiếp người mà độc ác. Đến ngày cuối cùng  không thể nào nhắm mắt được?!

Một vở kịch ngắn thôi cũng gây được sự sững sờ. Có người nói: “con cá sấu cũng thường hay khóc như vậy!”. Từng ngày qua mau có khác gì đâu. Sáng, chiều, tối, sáng… tội lỗi  vẫn cứ tiếp diễn và có mặt khắp cùng. Có phải như vậy mới chính là xã hội[?]

Sáng ngày/tháng/năm… có một ông là Phó giám đốc Sở GD tỉnh cùng người với văn thư bước vào văn phòng lão hiệu trưởng, sau vài giây nghỉ xả hơi. Ông Phó giám đốc sở GD nói với lão hiệu trưởng.

- Xin lỗi thầy. Vì đây là một văn thư quan trọng, cho nên cần phải phổ biến trước hôi đồng giáo viên trường DL Ánh Sáng, tôi mong thầy thông cảm và hiểu cho. Lão hiệu trưởng linh tính xảy ra một điều gì đó bất an. Lão kêu tay đệ tử “ruột” là trưởng phòng hành chánh qua văn phòng của lão.

- Mày xuống từng lớp nói với giáo viên đang dạy, cho học sinh ra về ngay. Bây giờ là  8h

 

 15 năm phút sau họp khẩn cấp.

 

Buổi họp “vĩnh quyết” này có đầy đủ giáo viên và công nhân viên trường DL “quái chiêu” nhất nước VN chứng kiến. Dải bàn họp hình chữ nhật, lão ngồi ghế giữa đầu trên và sau đó sấp xếp hai bên theo thứ tự “fontion” trong trường. Ông Phó giám đốc sở GD tỉnh ngồi ngang với lão bên phải, anh văn thư ngồi bên tay trái. Lão đứng dậy với vài lời tuyên bố nguyên nhân vì sao có cuộc họp bất thường này… lão giới thiệu hai nhân vật trên Sở GD có mặt ngày hôm nay. Anh văn thư xé phong bì rồi đưa ngang qua cho ông Phó giám đốc sở GD tỉnh. Ông ta đứng lên và đưa tay phải sửa lại cặp kính.

 

- Kính quý Ban Giám hiệu trường THPT Dân Lập Ánh sáng và quý thầy, cô đang là giáo viên giảng dạy tại trường... Tôi xin phép thay mặt Sở GD Đào tạo tỉnh… để đọc một quyết định từ Bộ GD đã gửi vào. Quyết định số…/BVHTTTW. Quyết định số…/BGDĐT…

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt NamQUYẾT ĐỊNH… V/v Thu hồi Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú…  

. Bản gửi V/p Thủ Tướng Chính phủ.

. Bản lưu: BVHTTTW.

. Bản gửi: Sở GDĐT tỉnh…

. Bản tống đạt đến đương sự

. Bản phổ biến đến toàn trường THPT trong tỉnh…

- Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe. Trân trọng chúc sức khỏe [không có tiếng vỗ tay]. Hai cán bộ Sở GD bắt tay lão ra về. Giáo viên viên trường vẫn còn ngồi đó. Họ bần thần không biết là mình đang mơ hay tỉnh.

 

Một tiếng động rất lớn, tất cả mọi người hồn với vía mới nhập lại vào nhau.Thì ra, lão hiệu trưởng vừa ngã quỵ đầu đập vào tường, hai mắt đứng tròng, miệng sùi bọt mép. Xe cứu thương đã đến sau “dư chấn” này liền đưa lão vào bệnh viện tư nhân gần trường [chi nhánh BV Chợ Rẫy]. 12h15 lão hiệu trưởng đã được “Diêm vương” cấp giấy quyết định: Phải qua đời với tội danh: trời không tha-đất không dung. Người ta nghe những “hàng thần lơ láo” của lão hiệu trưởng nói: khi chết rồi lão vẫn mở mắt thao láo, có thể là đang nuối tiếc điều gì? Không biết ngôi trường DL Ánh Sáng nếu không có lão hiệu trưởng, tương lai sẽ đi về đâu?!

 

tháng 11/2008  

Trần Vọng Ngư
Số lần đọc: 1939
Ngày đăng: 21.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cô giáo xóm cừu - Hồ Việt Khuê
Những mảnh vỡ… - Nguyễn Thị Hậu
Đứa con của làng - Nguyễn Hải Triều
Chị goá ngồi thiền - Đậu Nữ Vệ
Chú hề làng - Trần Trung Sáng
Chuyện ngày xưa - Mang Viên Long
Người trong mộng - Nguyễn Thúy Ái
Chiều trong làng - Y Uyên
Chuyến xe đêm - Lương Văn Chi
Phố - Nguyễn Đông Phương
Cùng một tác giả