Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.209
123.151.751
 
Vầng trăng khuyết
Mang Viên Long

Lão Cát nhìn chăm chăm vào mặt Thượng tọa Hải Đức.

-Thầy còn nhớ cái năm chính con mang tiền nộp cho Giáo hội huyện để được lấy cái giấy công nhận chùa Thạch Sơn thuộc tổ chức của Giáo hội không?

 

Thượng tọa nhìn lão, cười không lộ chút băn khoăn, không tỏ rõ một tình cảm nào sau gần nửa giờ bị níu giữ lại. Lão Cát chống hai khủy tay xuống mặt bàn, chồm hẳn tới trước, vẻ mặt vẫn đanh cứng, đờ đẫn dưới ánh đèn tròn vàng bệch. Giọng lão lại vang lên, khô khan :

- Con là Phật tử đã quy y Phật, Pháp, Tăng ba đời ; cũng có lúc con hướng dẫn đoàn thiếu niên Phật tử, con đã góp công sức vào để sửa sang lại ngôi chùa năm 1985- từ miếng cơm manh áo cho chùa con cũng đều có lo… Công của con đóng góp vào đây cũng nhiều, nhưng Sư cô đây làm việc vô nguyên tắc, qua mặt tổ chức, con sẽ yêu cầu Sư cô đi khỏi nơi đây, để cho chúng con tự  lo lấy. Thỉnh cầu Thượng tọa đã về tới đây rồi, đêm nay giải quyết cho con, chuyện của chùa Thạch Sơn nầy còn nhiều mắc mứu, lộn xộn, làm việc qua mặt đoàn thể, Sư cô nầy đã tự tiện…

 

Thượng Tọa Hải Đức nhìn thoáng lên gương mặt cứng nhắc, u tối của lão Cát, rồi nhìn một lượt bà con Phật tử- kẻ ngồi, người đứng chật ních gian phòng. Thượng Tọa vui vẻ nói với lão Cát :

- Đầu hôm đến giờ tôi đã nghe ông nói nhiều rồi, như vậy đã tạm đủ, nhưng ông phải nhớ là đêm nay tôi được mời đến đây không phải là người lãnh đạo Giáo hội tỉnh đến giải quyết công việc của chùa Thạch Sơn mà chỉ đến thuyết giảng cho bà con Phật tử như lời đã hứa. Việc nầy, tôi xác nhận, Sư cô Như Nguyệt không tự tiện làm, mà đã cùng bác Bình - Hội trưởng ban hộ tự, đến yêu cầu tôi trong tháng trước. Nhận thấy chùa mới được thành lập, bà con Phật tử ở quá xa, ít có dịp nghe Pháp, tôi đã hứa mỗi tháng một lần, cố gắng thu xếp công việc Tỉnh hội về gặp gỡ, thăm viếng, chuyện trò với bà con… Thư  tôi gửi xác định ngày giờ đến để Sư cô Như Nguyệt chuẩn bị thông báo với các đạo hữu, thì tôi gửi về địa chỉ Chùa Thạch Sơn, Sư cô là người đại diện chính thức. Như thế là không có chuyện tự ý và vô nguyên tắc. Tôi cũng được Sư cô cho biết, cô đã làm đơn đến báo cáo xin phép cùng chính quyền địa phương rồi…

 

Lão Cát đứng bật dậy, mắt vẫn đăm đăm nhìn vào mặt Thượng Tọa, hai tay nắm chặt vào nhau, giọng vẫn cứng cỏi sắt đá :

- Con xin Thượng Tọa giải quyết gấp, tình trạng nầy không thể kéo dài, chùa Thạch Sơn sẽ không thể tổ chức, sinh hoạt được… con xin hỏi Thượng Tọa một câu - một câu nữa thôi…

 

Ông Sáu Nông ngồi cạnh lão Cát, từ nãy giờ vẫn im lặng. Nhìn kỹ, mới biết ông lộ vẻ bất bình, ngán ngẩm lão Cát qua cử chỉ thờ ơ bưng ly nước đá uống từng ngụm, nhìn lơ lửng lên trần nhà, thỉnh thoảng lấy thuốc ra vấn hút. Trong năm người được mời ngồi chung bàn với Thượng Tọa Hải Đức, ông Sáu Nông là người già hơn cả. Ông bước ra khỏi ghế, vòng qua lưng lão Cát, đến quỳ lạy trước mặt Thượng Tọa. Thượng Tọa vội lấy tay đỡ ông đứng dậy : “Bác có điều gì cần nói thì hãy cứ tự nhiên trình bày - sẵn có bà con đông đủ ở đây cùng nghe “.

 

Ông Sáu Nông đứng dậy, vẫn vòng tay :

- Bạch Thượng Tọa, từ đầu hôm đến giờ, chỉ có một mình ông Cát đây nói, mấy anh em cùng ngồi đây chưa nói. Bà con già trẻ lớn bé đứng ngồi ở đây chưa nói. Sư cô trụ trì chùa Thạch Sơn này cũng chưa nói. Bây giờ con xin Thượng Tọa cho con được nói vài việc, hỏi vài câu, chớ để ở trong lòng ấm ức quá không chịu được.

 

Phật đã dạy : “Tánh tức Tâm, Tâm tức Phật, Phật tức Pháp”, nhưng Tâm của ông Cát đây không được trong sạch, cậy quyền ỷ thế, ham danh trục lợi, nói là có đọc Kinh sách Phật, Phật tử ba đời, nhưng không làm theo đúng một lời nhỏ nào của Đức Phật đã dạy.

 

Nay con xin hỏi : Ông Cát lấy quyền lực gì thường lui tới gây sự, hăm dọa, đòi đuổi Sư cô trụ trì đi, để muốn cho ai đến ở thì cho ? Hay để tự một mình ông, gia đình ông, qua lại tự ý mở cửa, thắp hương, tự ý đóng cửa, như lời ông đã nói ? Chùa nầy là do công sức của nhiều người, tất cả bà con ngồi đây đều có đóng góp kẻ ít người nhiều, chứ đâu phải của riêng ai ? Làm được chút công đức, bố thí cho người, mà còn cầu mong được thu lợi nhiều hơn, còn buộc người phải mang ơn làm theo tâm ý điên đảo của mình, thử hỏi ông Cát có phải là người Phật tử chân chánh chưa ?

 

Lão Cát đứng bật dậy như bị lửa đốt, hai tay chống lên mặt bàn, ngả người tới trước - vẻ mặt như một tảng đá phẳng lì. Thượng Tọa Hải Đức đưa tay ra dấu cho lão hãy bình tĩnh ngồi xuống đã.

 

Tiếng ông Sáu Nông tha thiết :

- Con bạch Thượng tọa, nếu không giải quyết, thì hãy có lời chỉ dạy cho ông Cát, cho chúng con ở đây là phải làm gì ?

Ông quay nhìn lão Cát đang cúi mặt nhìn vào ly nước trà đá còn nguyên -  giọng to, rõ :

-Tôi còn một câu hỏi với ông nữa : Bà con già trẻ ở đây đều nghe, đều biết, là từ sớm mai đến chiều nay, ông có hăm dọa báo cáo chính quyền đến “cột đầu cả lũ” không ? Thượng tọa đây là vị đại diện Giáo hội tỉnh, là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, đến khuyên dạy, nói pháp cho Phật tử trong khuôn viên chùa nên làm lành tránh dữ, đoạn trừ tham , sân, si, ái thủ để thoát khỏi khổ đau, ông cũng gọi là “một lũ” hay sao ?

 

Có vài tiếng vỗ tay phía sau góc phòng tối. Lúc nầy, trên gương mặt của các cụ, các bà ngồi ở dãy trước, đã dịu tươi lại ; trên môi các cô, các cậu đứng ngồi lố nhố đều nở nụ cười yên tâm. Dường như ông Sáu Nông đã nói hộ cho họ tất cả nỗi niềm ấm ức bấy lâu.

 

Lão Cát lại giơ tay, đứng bật dậy, hai tay chắp giữa ngực. Đại Đức Thể Tánh - phó đại diện Giáo hội huyện cũng vừa kịp đến. Đại Đức chắp tay chào Thượng Tọa Hải Đức : “Nghe báo tin có Thượng tọa đến thuyết giảng cho các đạo hữu, con cũng đến chung dự với Thượng tọa”.

 

Thượng tọa Hải Đức đứng dậy, chỉ tay vào chiếc ghế bỏ trống, cười với Đại Đức Thể Tánh : “Thầy ngồi xuống đây ghi nhận ý kiến của ông Cát, tôi phải nói chuyện với bà con, nếu không thì khuya mất. Đường xá dạo nầy xói lở, gập ghềnh, về khuya không tiện  “ – Thượng tọa nhìn lướt một vòng quanh phòng- “Mời bà con hãy ra phía trước chánh điện, chúng ta nói chuyện vui hơn”.

 

Thượng tọa vừa bước ra phía cửa, ông chợt dừng lại nói với ông Cát :

- Việc ông nói sẽ xin triệu tập cuộc họp của Ban hộ tự, những Phật tử cốt cán của chùa vào đêm rằm, tôi nhắc ông phải được bác Bình Hội trưởng và Sư cô Như Nguyệt đồng ý - vì ông chỉ là một Phật tử không có chân trong Ban tổ chức sinh hoạt ở chùa Thạch Sơn đã được bà con bầu chọn, mà chỉ nghe nói ông đã được bác Bình ủy quyền bằng miệng mà thôi. Việc thứ hai, các ông có thể bàn luận, giải quyết những việc nội bộ của chùa, như sắp xếp lại sao cho việc sinh hoạt của chùa, của các đạo hữu được tốt đẹp, tiến bộ - không có quyền quyết định vấn đề thay đổi nhân sự. Sư cô Như Nguyệt trụ trì ở đây là người được Giáo hội huyện xét chọn, được Giáo hội tỉnh chấp thuận, nếu có sự thay đổi nào thì chỉ có các cấp Giáo hội xét kỹ, tham khảo ý kiến của toàn thể đạo hữu trong một kỳ đại hội, mới quyết định chính thức.

 

Tất cả đều hoan hỉ  nối theo chân Thượng tọa ra đứng thứ tự trước chánh điện ; có cả những em nhỏ trạc mươi, mười hai tuổi. Sau lời giới thiệu của Sư cô Như Nguyệt, hồi chuông trống Bát Nhã đổ dồn; Thượng tọa tiến đến trước bàn thờ Phật tổ làm lễ khai kinh, để bắt đầu buổi thuyết giảng đã muộn hơn một tiếng đồng hồ…

 

Sư cô Như Nguyệt cùng một số Phật tử trong ban tổ chức, những bà con nặng lòng thành kính, theo tiễn Thượng tọa ra tận ngoài cổng. Sư cô chắp tay để giữa ngực, giọng trầm ấm :

-Thưa Thầy, về phần con, xin được thưa với Thầy một điều : Con xin đến bất cứ một ngôi chùa nào cũng được cả. Ở đâu Giáo hội cần đến, đạo hữu cần đến, là con xin nguyện đến. Con nghĩ tới bà con phật tử ở đây, họ đã mến con, họ quyến luyến con, họ còn cần ở nơi con nên con còn phân vân, khó xử quá. Xin Thầy hãy chỉ giúp con phải làm thế nào ?

 

Thượng tọa Hải Đức đã lên ngồi phía sau chiếc Honda Dame của một cậu giáo viên tình nguyện làm tài xế đón đưa. Ông quay lại cười với mọi người : “Sư cô và bà con cứ yên tâm làm theo lời Đức Phật dạy : “Sung sướng thay chúng ta sống không thù oán giữa những người thù oán ; giữa những người thù oán chúng ta sống không thù oán”.

 

Chiếc xe nổ máy, chồm tới, chạy chầm chậm ra khỏi con đường ruộng hẹp phủ dày rơm rạ, vượt lên giốc, tiến về phía tỉnh lộ.

 

Nhìn cảnh sân chùa vắng lặng, Sư cô Như Nguyệt bỗng chú ý tới ánh sáng của mặt trăng. Anh sáng tĩnh mịch quá, êm ả quá. Sư cô thoáng nhìn lên bầu trời : Một vầng trăng khuyết đang chếch về phía tây. Mây trắng từng mảng mỏng, trôi lờ đờ, loang rã giữa mầu xanh thẫm của nền trời rộng thênh thang.

 

Sư cô đi tắt các ngọn đèn, đóng lại các cánh cửa ở chánh điện, định gài chốt cửa phía trái để vào phòng sau, nhưng nghĩ sao, Cô đẩy nhẹ cánh cửa, bước ra hiên. Cô đến ngồi trên một bậc cấp, dựa lưng vào vách, nhìn ngó lơ đãng ra phía trước: Xóm làng đã yên ngủ trong những mái tranh nhuộm vàng ánh trăng. Cánh đồng qua mùa gặt, trông trống trải, lạnh lẽo phía xa. Khói từ những đống rơm, chân rạ bị đốt dở, bốc lên từng đám, cháy ngược chiều về hướng tây bắc, thành những giòng mầu trắng đục ngoằn ngoèo…

 

Trước mặt Cô, hai gốc Mai còn lác đác vài cánh vàng, những chậu hoa nằm dọc theo lối vào, những tầu lá chuối sáng bạc, từng chùm hoa Mận trắng nổi rõ lên giữa đám lá mầu sậm ; tất cả những hình ảnh thân thuộc ấy, đêm nay, dưới ánh trăng sớm, và cuộc sum họp vừa tàn, đã sống lại mới lạ trong mắt Cô. Sư cô chợt nhận ra rằng, bên cạnh tấm lòng của bà con đạo hữu, còn có những cảnh sắc thân thương ràng buộc, níu giữ Cô ở lại với ngôi chùa bé nhỏ, heo hút tận miền quê bên kia đèo Núi Lở nầy.

 

Cuộc đời Cô quay lại chầm chậm như một khúc phim cũ, đã mòn nhão, mờ nhạt dần bên cuộc đời lắm nỗi gian truân đau khổ ; mà bấy lâu Cô cố gột rửa cho thật sạch. Học xong khóa hộ sinh ở thị xã, Cô được về quê phụ trách phòng sanh. Lúc ấy là năm 1962, Cô vừa tròn hai mươi tuổi. Cũng tại căn phòng sanh chơ vơ giữa khoảng đất trống vắng vẻ nầy- căn phòng buồn bã dành cho những người mẹ khốn khổ, Cô đã gặp Lựu. Lựu từ trên ngọn đồi Hòn Gió chạy xuống với Cô như một cơn gió lạ. Dừng lại bên Cô như một sự tình cờ mầu nhiệm của định số . Ít nhất mỗi tuần một lần, Lựu từ ngọn đồi nắng cháy chơ vơ ấy đến ngồi trên chiếc ghế dài ngoài hiên phòng sanh, chờ đợi Cô một cách kiên nhẫn. Nhiều lần Lựu đã nói thẳng với Cô ý nghĩ trong đầu mình : “Anh muốn đến để được gặp em cho đỡ nhớ, cho dầu, từ ngọn đồi, anh có thể dùng ống nhòm mà nhìn thấy bóng dáng em hằng ngày”.

 

Phần cô, đã bao lần Cô tìm cách xa lánh Lựu - anh chàng trung sĩ pháo binh trắng trẻo lì lợm nầy, nhưng càng lánh xa, Cô càng cảm thấy gần gũi. Nỗi sợ hãi những người lính chiến lang bạt, nay đây mai đó, cuộc đời như đã được định sẵn trên tấm giấy, được treo lơ lửng trên một sợi chỉ ; không lấn áp được những tình cảm ngày một xanh tươi, nồng nàn trong đời Cô phiền muộn ; trong trái tim Cô trống trải. Đến lúc Lựu không còn náo nức chạy xuống đồi, không còn đắm say chĩa ống nhòm về hướng có ngôi nhà trống trải giữa xóm nữa, thì anh nhận được thư của Cô: “…Em  biết anh buồn, nhưng em còn buồn nhiều hơn anh nữa. Anh hãy suy nghĩ lại mà đừng trách em. Có ai đã nhìn thấy tương lai hẩm hiu, ngắn ngủi của mình, mà còn hăm hở bước tới không, cho dầu em rất yêu thương anh ?”.

 

Lưu đã viết gửi lại Cô một bức thư dài đến bốn trang giấy: “…Anh không bao giờ dám trách em. Anh hiểu em. Anh cũng hiểu anh. Nhưng em hãy ngó quanh đi, trong cái thời rẫy đầy thù hận và bom đạn, có ai trong chúng ta có được cái hạnh phúc lâu dài, vững chắc đâu ? Anh đã có nhiều lần suy nghĩ như thế nầy : Chiến tranh, hãy cứ để mặc xác nó - chúng ta chỉ hãy nghĩ về Tình yêu mà thôi. Em có đồng ý với anh ?”.

 

Đám cưới. Cô có thai. Lựu bị thương trước ngày Cô sinh con hai tháng. Tình cờ. Chỉ một sự tình cờ. Nằm viện gần nửa năm, được giải ngũ, anh trở về. Thân thể tuy lành lặn, nhưng hai tay gầy đét lại, cong cong, giống hai nhánh củi khô dính vào hai bờ vai nhô cao. Tuy thế, sau gần một năm tập dần, Lựu đã có thể lái Honda chở Cô lên thị xã mua thuốc, mua sắm đồ đạc cho con, hay thỉnh thoảng cả hai cùng vào ngồi trong cái quán “mì thánh mì sợi” của gã Tàu chuyên môn ở trần quần xà loản chạy lui chạy tới chỉ có một mình.

 

Một hôm, trên đường từ thị xã trở về - Lựu đã nói với Cô :

- Mình nầy, hay là em để anh đi xe thồ, anh có thể giúp thêm em và mẹ được không ?

Cô cười ; đấm vào lưng anh :

- Xí, nhìn thấy đôi tay anh, ai mà dám ngồi.

- Vậy gần một năm nay, anh đã có lần nào quẳng em xuống ruộng bao giờ chưa ?

- Cái đó thì chưa, nhưng trong tương lai thì có thể có. Chỉ có em mới dám ngồi sau anh, theo anh mà thôi, chứ có ma nào dám đi xe của anh ?

-Tương lai thì thôi không bàn nữa, nhưng anh sẽ quen dần, đôi tay sẽ cứng cáp trở lại, vả lại… xe chạy chứ anh có chạy đâu mà em ngại ?

 

Sau buổi chiều nói chuyện vớ vẩn ấy, Lựu đã trở thành lái xe thồ chuyên nghiệp : Mờ sáng đã chạy ra con dốc đầu xóm đón khách, trưa hay chiều tối, quay trở về nhà với nắm bạc nhầu nhò. Lựu vẫn thường nói với Cô, anh chỉ cần mỗi ngày chạy vài chuyến thị xã là có đủ cho cả gia đình, không nghĩ  tới đồng tiền bồi thường cho khoản máu thịt anh đã bị xén bỏ, và đôi tay tật nguyền nữa.

 

Họ sống êm ả, hạnh phúc như thế cho đến ngày  Nguyệt - đứa con gái đầu lòng được ba tuổi - đó là cuối năm 1967. Sau một đêm thức trắng chờ đợi Lựu trở về muộn vì có chuyến chở khách đi xa, Cô nhận được tin Lưu bị tai nạn chết ngay khoảng quãng đồng trống giữa làng - con đường một bên là bờ sông um tùm tre trúc, còn bên kia là đồng vắng hoang sơ. Cô đã tất tả giao bé Nguyệt cho mẹ, bươn bả chạy đi nhận xác chồng: Lựu bị thương bầm tím hai bên mặt, đầu nứt vỡ, còn chiếc xe thì mặt kính đèn bị nát vụn. Tình cờ. Chỉ một sự tình cờ ?

 

Sau ngày mất Lựu không bao lâu, mẹ Cô chết. Xóm làng chộn rộn. Tiếng súng nổ từ nhiều hướng. Đôi lúc cả ngày và đêm. Cô bồng con về nấn ná trong một chiếc chuồng nuôi heo rộng đã bỏ của một người bà con ở thị xã. Nơi cái chuồng heo nầy, Nguyệt đã được lớn lên, đi học, trở thành một  thiếu nữ xinh xắn.

 

Sau 1975 : Cô lại dắt con trở về thu dọn ngôi nhà gạch cũ, cây cỏ che khuất um tùm, nhện giăng bụi phủ nhiều lớp dày như tâm hồn chai sạn của Cô. Nguyệt tiếp tục đi học. Cô tiếp tục ngày một buổi đến cái phòng sinh bé nhỏ ấy, còn một buổi loay hoay cặm cụi trong khu vườn như mẹ thuở trước. Cuộc sống trôi đi, chậm, và buồn bã.

 

Thi tốt nghiệp xong lớn chín, Nguyệt được Cô gửi lên thị xã học may, xin việc làm ở đó. Và cô gái lớn lên nơi chuồng heo thuở nào, đã có người tìm đến, theo đuổi , yêu thương, giống như mẹ lúc trước. Sau ngày đám cưới của Nguyệt - nàng theo chồng về sống hẳn ở thị xã. Cô đã bán cả ngôi nhà và khu vườn, gửi tiền hết cho con ; tìm về một ngôi chùa xin được xuống tóc…

 

Sư bà trụ trì chùa Diệu Pháp gửi cô đi học ở Nha Trang. Rồi Sàigòn. Cô đã trở lại chùa Diệu Pháp khi nghe tin Sư bà viên tịch. Bóng cây cuối cùng để đời Cô được bóng mát đã tàn rụi. Sau đêm đọc kinh cầu nguyện thất tuần cho Sư bà, Cô đã ra đi, tìm đến địa chỉ một ngôi chùa xa lạ mà Cô còn ghi lại trong cuốn sổ tay do một ni cô trẻ đồng tu cho biết khi còn ở Nha Trang. Cô đã thầm xin Sư bà hỉ xả tha lỗi vì không thể nào ở lại trông coi chùa Diệu Pháp như lời Sư bà dặn lúc ra đi vào Sàigòn học, bởi vì Cô đã nhìn thấy rõ ý của Sư cô Hạnh Thông không muốn thế.

 

Nhân duyên đã đến với cô thật đúng lúc : Chỉ tạm trú ở chùa Kiến Tánh vài hôm, Hòa thượng trụ trì đã gọi Cô vào : “Cô chuẩn bị lên ở hẳn tại chùa Thạch Sơn, Giáo hội đã cử Cô về nơi ấy, vì vừa có một Sư cô trụ trì xin đổi đi “do nhân duyên chưa thích hợp”. Bao giờ Cô muốn đi hãy báo cho tôi biết, sẽ cử người đưa cô đến nơi…”.

 

Sư cô Như Nguyệt đến thế chỗ Sư cô Diệu Tâm bỏ đi ở chùa Thạch Sơn đến nay đã gần một năm. Trong một năm, mười hai tháng, Cô không ngớt gột rửa tâm mình, nương theo ánh sáng Đạo Pháp dẫn dắt, để giữ gìn sự thanh tịnh, an lạc cho đời mình. Đồng thời, Cô cũng đã dần dà hiểu ra được sự ra đi bất ngờ của Sư cô Diệu Tâm trước đây, mà có lẽ chỉ một mình Cô mới có thể thấu hiểu được ngọn ngành. Cô cảm thấy rằng, sự khổ đau, phiền não, không chừa tránh một ai, cho dầu người đó đã như Sư cô Diệu Tâm.

 

Tiếng bà Vãi già vọng lại từ cánh cửa tối nơi chánh điện, khiến Sư  cô Như Nguyệt giật mình :

- Gà đã gáy hết canh hai rồi, mời Sư cô đi nghỉ, kẻo bệnh…

Sư cô Như Nguyệt đứng dậy : Vầng trăng khuyết đã chếch hẳn về tây. Như Nguyệt. Thích nữ Như Nguyệt. Như trăng. Giống trăng. Là trăng. Nhưng mặt trăng của đời Cô, lòng Cô, không được vời vợi sáng trong như mặt trăng ngày rằm, mà bao giờ cũng chỉ là một nửa. Một vầng trăng khuyết lạnh lẽo như đêm nay …

 

Tuy Hòa, tháng 4-1990

Mang Viên Long
Số lần đọc: 2880
Ngày đăng: 22.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vì sao tôi bỏ nghề viết văn? - Trần Kỳ Trung
Chết không nhắm mắt - Trần Vọng Ngư
Cô giáo xóm cừu - Hồ Việt Khuê
Những mảnh vỡ… - Nguyễn Thị Hậu
Đứa con của làng - Nguyễn Hải Triều
Chị goá ngồi thiền - Đậu Nữ Vệ
Chú hề làng - Trần Trung Sáng
Chuyện ngày xưa - Mang Viên Long
Người trong mộng - Nguyễn Thúy Ái
Chiều trong làng - Y Uyên
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)