Theo mình,văn chương thời nào cũng có hay và dở. Bây giờ sách in ra quá dễ dàng, cho nên theo mỉnh, tỷ lệ truyện dở bây giờ so với ngày xưa có khi còn nhiều hơn. Thời bao cấp in đựơc một cuốn sách khó khăn lắm, nên dân viết lách chúng ta quen nói với nhau “mình đang xếp hàng” ở Nhà ( XB) nọ, Nhà (XB) kia. Phải “ xếp hàng” lâu lắm mới có cơ hội được in. Nhưng cái khó cũng có cái hay, nó làm cho các nhà xuất bản phải cân nhắc kỹ càng trước khi đưa vào kế hoạch in một cuốn sách nào đó để không bị dư luận phản đối. Nhờ vậy sách dở cũng bị hạn chế. Còn bây giờ… sao thấy xuất bản “thoải mái” quá.
Thời trước ( giai đoạn hai cuộc kháng chiến,và trong thời bao cấp, tính đến 1985 ) cảm hứng về sự cao cả là dòng cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác văn chương, Từ sau 1975, dòng văn học này còn giữ vị trí độc tôn thêm khoảng chục năm nữa. Cũng là lẽ thường tình của quá trình phát triển.
Theo mình, thời ấy, chính cảm hứng về sự cao cả là điểm chung nhất giữa các nhà văn chân chính và các nhà chính trị chân chính. Từ đó nảy sinh ra hai hiện tượng, một là các nhà chính trị đã mượn văn chương để làm công tác chính trị,và rất thành công (Như nhà thơ Tố Hữu chẳng hạn). Và ngựoc lại ,các nhà văn trong tác phẩm của mình tràn đầy các vấn đề chính trị,và do cảm xúc là chân thành, nên đã có những tác phẩm mang đậm màu sắc chính trị mà vẫn hay ( như tùy bút “Đường chúng ta đi” của Nhà văn Nguyên Ngọc là một ví dụ). Chỉ có điều do dòng văn học này vào thời ấy mạnh mẽ quá đã lấn át những xu hướng khác.
Theo mình, chính sự lấn át của dòng cảm hứng này ( cũng là một tất yếu lịch sử ) nên cũng đã nảy sinh hai hệ lụy :
- Sự ngộ nhận chân thật về chức năng của văn học nghệ thuật, rằng nó chỉ có một chức năng duy nhất là làm nhiệm vụ chính trị (mình nói làm nhiệm vụ chính trị chứ không phải phục vụ nhiệm vụ chính trị.)
- Có người làm méo mó nó biến nó thành công cụ phục vụ mục đích cá nhân hẹp hòi, dẫn đến nhiều chuyện rắc rối. Và một số người viết không chân chính cố ý làm méo mó nó để nó trở thành một thứ vũ khí nhằm “ hạ sát “ nhau.
Dĩ nhiên tình hình bây giờ đã khác.
Gần đây nhiều người cố ý lăng xê “ dòng văn học 8 X” ( Có tác giả dòng văn học này đã viết“Chị ơi xin hỏi cái lông màu gì?”- (Xin lỗi, mình dẫn theo trí nhớ, không thể trích nguyên văn). Mình không thích thứ văn chương như thế, nhưng biết đâu đấy, chính nó lại có tác dụng “ khiêu khích” các nhà văn khác để có tác phẩm hay nhằm phủ nhận nó, hay ít nhất, đối trọng với nó. Sức đề kháng mạnh mẽ của một xu hướng sáng tác chính là ở chỗ này. Không có gì phải sợ hãi đến mức làm ầm ĩ lên, dù với động cơ chân thật hay mượn cớ để khoe mình là con người đạo đức.
Có lẽ mỗi thời văn chương có một chuẩn hay khác nhau. Vừa rồi báo An ninh thế giới cuối tháng trong một bài viết có dẫn lời nhà thơ Trần Đăng Khoa nói, đại ý “ bây giờ, đọc trên báo tường thỉnh thoảng bắt gặp đôi bài bài thơ hay như thời kỳ Thơ Mới”. Một nhận xét thú vị. Chuẩn thơ hay bây giớ khác trước nhiều rồi.
Về chuyện giữa văn học và báo chí thì trước nay người ta đã nói nhiều rồi, mình chỉ thấy rằng, chẳng nên đem so sánh một tác phẩm văn chương hay với một bài báo dở và ngược lại. Nhà văn Tô Hòai chẳng nhiều lần nói, công việc báo chí giúp nhiều cho công việc sáng tác của ông hay sao. Mình vừa đọc xong cuốn THẾ GIỚI PHẲNG ( World is flat – tác giả Thomas Friedman ) bản dịch của nhà xuất bản Trẻ. Mình đồng ý với lời giới thiệu của nhà xuất bản “mong bạn đọc tiếp nhận ( cuốn sách ) như một tài liệu tham khảo”. Cuốn sách dày trên 800 trang in, và mình cho đây là một tác phẩm báo chí hay không kém một tác một phẩm văn chương hay nào ( hẳn nhiên là với những “kiểu” hay khác nhau)
Vài dòng trao đổi cùng Đình Kính như là một người bạn và một đồng nghiệp. Mục đích là để nói qua nói lại cho vui, cũng bởi anh Trần Nhương hào phóng “chơi” Web.
Hy vọng chúng ta sẽ gặp nhau trao đổi nhiều hơn khi cùng đi thăm người bạn thân của hai đứa, anh chàng Tục tuyệt vời.