1. Kết quả chủ yếu của cuộc khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long (2002-2004):
Quá trình khai quật đã phát lộ được quần thể nền móng của nhiều loại hình di tích kiến trúc: nền nhà của các cung điện, lầu gác, hệ thống giếng nước, đường cống tiêu thoát nước... cùng với số lượng lớn và phong phú khoảng vài triệu loại hình di vật: đồ gốm sứ, đồ kim loại, di cốt mộ táng... có niên đại kéo dài 1.300 năm, từ “An Nam đô hộ phủ” thời Đường đến thời Thăng Long thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn, phản ánh lịch sử liên tục, lâu dài và độc đáo của Thăng Long - Hà Nội.
Theo Viện Khảo cổ học Việt Nam: Dự án chỉnh lý, nghiên cứu hệ thống các loại hình di vật Hoàng thành Thăng Long thực hiện trong 10 năm (2005-2015). Đến nay Dự án đã thu được 3 kết quả lớn. Thứ nhất là xây dựng lưới tọa độ Thăng Long theo tiêu chuẩn quốc tế dưới sự trợ giúp của các chuyên gia Nhật Bản (nghĩa là xác định được chuẩn mặt bằng và phương hướng của các dấu tích kiến trúc) trong phạm vi 19.000 m2.
Thứ hai, đã nghiên cứu mặt bằng để bước đầu nhận diện năm di tích kiến trúc cung điện tiêu biểu thời Lý - Trần (thế kỷ 11-14), bao gồm: kiến trúc nhiều gian ở phía bắc khu A (đã xuất lộ 10 gian); tổ hợp kiến trúc ở phía nam khu A (rộng 1.400 m2) có quy mô rất lớn với kiến trúc ba hàng cột nằm ở phía bắc đã xuất lộ năm gian với lòng nhà rất rộng (7,45 m); kiến trúc nhà dài 13 gian; kiến trúc lớn ở phía bắc khu B và kiến trúc "lầu lục giác" (tên tạm gọi).
Những nền móng di tích kiến trúc này là cơ sở khoa học để khẳng định nơi đây chính là trung tâm Cấm thành Thăng Long xưa. Đáng chú ý nhất là kiến trúc "lầu lục giác" được các chuyên gia Việt Nam suy đoán là các trà đình (nơi thưởng trà) còn các chuyên gia Nhật Bản suy đoán đây là các tháp nhiều tầng mái.
Thứ ba, qua nghiên cứu chỉnh lý các di vật đồ gốm sứ, đồ sành và vật liệu kiến trúc có thể khẳng định phần lớn đều là đồ ngự dụng (đồ dùng riêng của Hoàng cung) với hoa văn hình rồng năm móng đặc sắc. Trên cơ sở giám định niên đại của hơn 5.000 hiện vật tiêu biểu, hoàn thành đo vẽ kỹ thuật và hoàn chỉnh hồ sơ hơn 3.000 bản vẽ... dự án đã đưa ra những bằng chứng cho thấy trong nhiều thời kỳ, kinh thành Thăng Long luôn có mối quan hệ, giao lưu kinh tế với bên ngoài: Trung Quốc, Tây Á (giai đoạn thế kỷ 7-9); Trung Quốc, Nhật Bản (giai đoạn thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17 -18). Các di vật này cũng cho thấy các cung điện thời Lý - Trần được trang trí rất cầu kỳ, đẹp và mang sắc thái văn hóa dân tộc độc đáo, thể hiện trình độ kỹ thuật cao.
Những kết quả khảo cổ trên là một chứng cứ khoa học đặc biệt quý giá giúp chúng ta có một thái độ cư xử đúng mực với các di sản của cha ông, đặc biệt là trên mảnh đất "Thăng Long ngàn năm văn vật". Các bằng chứng khoa này đã góp phần bổ sung vào khoảng trống trong kho tàng tư liệu lịch sử và di vật khảo cổ của vùng đất Thăng Long - Hà Nội trước đó vốn còn lại rất ít ỏi các dấu tích về thời Lê, còn dấu tích thời Lý - Trần thì gần như hoàn toàn vắng bóng.
2. Khảo cổ học đô thị: bằng chứng từ quá khứ cho sự phát triển bền vững.
Việc bảo tồn di sản văn hóa thể hiện thái độ của con người, của xã hội, của thời đại đối với lịch sử nói chung, đối với những vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử cụ thể nói riêng. Vì vậy ngày nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có bộ Luật về bảo vệ di sản văn hóa, được cụ thể hóa bằng chính sách chủ trương bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cũng như những cổ vật, bảo vật quốc gia.
Sự hủy hoại di tích lịch sử - văn hóa trên quy mô ngày càng lớn, tốc độ ngày càng nhanh chóng diễn ra phổ biến trên thế giới, nhất là ở những quốc gia đang phát triển. Diện tích đất đai bị khai thác tối đa vào các mục đích kinh tế, dấu tích ít ỏi của con người thời tiền – sơ sử đang dần biến mất sau hoạt động khai thác đất đai, dấu tích trong lòng đất của các đô thị cổ xưa cũng bị phá hủy không thương tiếc, nhường chỗ cho những công trình hoành tráng về quy mô và lộng lẫy về trang trí và vật liệu kiến trúc hiện đại. Tại các thành phố, đô thị di tích trên mặt đất cũng đang bị đạt trên “bàn cân” giữa bảo tồn và di dời giải tỏa cho quy hoạch một thành phố, đô thị hiện đại hơn. Ngoài ra, hiện nay việc nghiên cứu quá khứ được sự quan tâm của nhiều người trong xã hội, từ các nhà khảo cổ học đến những người sưu tầm đồ cổ, từ bảo tàng nhà nước đến bảo tàng tư nhân, từ người trong nước đến những người nước ngoài, từ người yêu thích và lưu tâm gìn giữ cổ vật đến những người buôn bán cổ vật… Đây cũng là mối nguy cơ lớn đối với các di tích khảo cổ học bởi nó phải đối mặt với nạn đào trộm cổ vật và làm giả cổ vật.
Vấn đề đặt ra là bảo tồn các di tích khảo cổ học như thế nào, nhất là những di tích Khảo cổ học đô thị?
Các di tích lịch sử văn hóa thuộc loại hình di tích Khảo cổ học, việc bảo tồn có hai giai đoạn: Đầu tiên là tiến hành thu thập thông tin dữ liệu, qua đó những di tích và khu vực liên quan sẽ được nhận biết và kịp thời đưa vào bản đồ khảo cổ học của khu vực và quốc gia. Trên cơ sở đó lập kế hoạch khai quật, ưu tiên những di tích đã bị xâm hại hay có nguy cơ bị xâm hại. Loại này phải kể đến những di tích nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng phát triển như những dự án mở đường giao thông hay các công trình công nghiệp lớn, kể cả khu vực mở rộng của các thành phố các đô thị. Mục tiêu của giai đoạn này là nhằm cứu lấy những di tích, những bằng chứng khảo cổ học trước khi chúng bị quá trình đô thị hóa tiêu hủy. Do vậy các cuộc khai quật cứu hộ (salvage excavation) đã được khẩn trương lập kế hoạch, đồng thời có những biện pháp tác động đến những ngành liên quan nhằm thiết lập sự hợp tác, thực hiện đồng bộ các kế hoạch khác sẽ thực hiện tại khu di tích. .
Giai đoạn hai là việc triển khai các cuộc khai quật cứu hộ và quá trình nghiên cứu tiếp theo, nhằm phát hiện, thu thập, nghiên cứu giá trị của di tích, đồng thời đề xuất biện pháp bảo tồn, bảo vệ di tích và di vật phát lộ từ cuộc khai quật. Tại các thành phố, đô thị di tích khảo cổ học không tránh khỏi bị hủy hoại do quá trình xây dựng tự phát, và cả do tiến trình xây dựng theo quy hoạch của nhà nước. “Khảo cổ học đô thị” làm thay đổi quan niệm và lý thuyết truyền thống về khảo cổ học, cũng như làm xuất hiện những phương pháp khai quật mới. Từ đó các đô thị trong quá khứ được phục dựng lại bằng tư liệu khảo cổ, được bảo tồn tại chỗ nhằm phục vụ nghiên cứu và tham quan du lịch. Nhiệm vụ đầu tiên của Khảo cổ học sau khi khai quật và phân tích sơ bộ là công bố kết quả khai quật, tuy nhiên thường thì phải nhiều năm sau toàn bộ hiện vật tìm thấy mới được nghiên cứu tương đối toàn diện và trưng bày đầy đủ. Vì vậy kết quả khai quật di tích Khảo cổ học đô thị thường được lần lượt công bố theo từng vấn đề của đô thị.
Đó là:
- Nguồn tư liệu chữ viết về lịch sử đô thị
- Môi trường và cảnh quan địa lý của đô thị cổ.
- Các dấu tích kiến trúc của từng loại hình kiến trúc đô thị: nhà cửa, pháo đài, cung điện, thành lũy…
- Các dấu tích khác: nghĩa địa, bến cảng, công xưởng, đường giao thông…
- Những dấu tích làm thay đổi cảnh quan đô thị như chiến tranh, thiên tai…
- Các sưu tập di vật theo chất liệu, loại hình, niên đại, chủ đề… phản ánh mọi mặt cuộc sống của cư dân đô thị.
- Các phát hiện nhỏ và các vấn đề khác…
Các di tích khảo cổ học đô thị có thể cung cấp cho chúng ta nhiều loại tư liệu để có cái nhìn toàn diện về đô thị, thành thị trong quá khứ. Kết quả khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng vậy.
3. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hoàng thành Thăng Long - một đề xuất.
Khảo cổ học có trách nhiệm khai quật và tham gia bảo tồn các di tích khảo cổ. Tự thân quá trình khai quật đã là một sự “hủy hoại” di tích nhưng đồng thời khảo cổ học cũng tiến hành hàng loạt các biện pháp, phương pháp nhằm lưu giữ những chúng cứ của di tích, nghiên cứu, bảo tồn, công bố và trưng bày những bằng chứng của quá khứ được tiếp cận một cách khoa học và khách quan. Do đó những tư liệu phát hiện được từ cuộc khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long và các di tích khác ở Hà Nội cần sớm được công bố đầy đủ để các nhà khoa học, các ngành khoa học liên quan có thể tiếp cận từ lĩnh vực nghiên cứu của mình, góp thêm tư liệu cho cái nhìn toàn diện tổng thể về di tích nói riêng và Thăng Long – Hà Nội nói chung.
Di tích Hoàng thành Thăng Long nằm trong một quần thể, một hệ thống di tích lịch sử văn hóa của vùng đất Thăng Long – Hà Nội. Do vậy, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích quan trọng này không thể tách rời việc bảo vệ quần thể - hệ thống di tích của Thăng Long – Hà Nội. Do đó:
- Quần thể - hệ thống di tích di tích lịch sử - văn hóa này cần được khảo sát, điều tra tổng thể, lập bản đồ và lập hồ sơ lưu trữ bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại và có sự phối hợp của những ngành liên quan với khảo cổ học. Toàn bộ “ngân hàng dữ liệu” này được sử dụng trong nghiên cứu quy hoạch kiến trúc đô thị. Các nhà kiến trúc phối hợp với các nhà khảo cổ, nhà xây dựng “đàm phán” nhằm giảm thiểu tối đa sự thiết hại đối với các di tích, kể cả việc có thể thống nhất quan điểm giữ lại bảo tồn hay là phá hủy (khai quật) di tích.
- Đối với các di tích đã bị hủy hoại hay hư hỏng cần khai quật “chữa cháy”, hay nằm trong quy hoạch xây dựng cần khai quật “giải tỏa”, tại địa điểm đó, dù xây dựng công trình nào cũng cần có một sự chỉ dẫn về di tích đã từng tồn tại ở nơi này: một tấm biển nhỏ ghi rõ nơi đây có di tích gì, niên đại nào, khai quật năm nào, hiện vật đang được lưu giữ tại đâu… Tất cả thông tin về các di tích không còn hiện diện này cũng phải được thể hiện đầy đủ trên bản đồ Du lịch của thành phố.
- Trưng bày các di vật của di tích Hoàng Thành Thăng Long trong Bảo tàng Thăng Long – Hà Nội: Trong các cuộc trưng bày bảo tàng vấn đề thẩm mỹ luôn được đặt lên hàng đầu. Điều này dễ làm cho các hiện vật tách khỏi di tích khảo cổ – nguồn gốc xuất xứ của hiện vật, khiến cho người xem không thể nhận biết hết những giá trị nhiều mặt của hiện vật. Mặt khác nó còn làm cho người xem không chú ý đến di tích: môi trường lịch sứ - văn hóa của hiện vật. Ngay một số bảo tàng Việt Nam hiện nay cũng luôn có xu hướng chú ý đến giá trị “kinh tế” của hiện vật mà không chú ý đầy đủ đến di tích, dẫn đến sự ứng xử “bên trọng bên khinh” giữa hiện vật và di tích. Các hiện vật của di tích Hoàng thành Thăng Long khi trưng bày trong bảo tàng nên tránh những xu hướng đó. Đầu tiên cần có nhận thức: vì không/ chưa thể bảo tồn hiện vật ngay tại di tích, biến toàn bộ di tích thành “bảo tàng ngoài trới” nên chúng ta cần bảo tồn và trưng bày trong bảo tàng, để phát huy giá trị của hiện vật thông quan việc nhanh chóng phục vụ công chúng. Công chúng không thể có nhận thức đầy đủ về hiện vật nếu như không được biết thông tin về di tích và cuộc khai quật đặc biệt này. Các thông tin này là những tài liệu khoa học không thể thiếu được khi thông tin về hiện vật. Cũng như vậy với những hiện vật từ các di tích khảo cổ khác như Đàn Nam Giao, Xã Đàn…
Những sưu tập hiện vật về Thăng Long trưng bày trong bảo tàng cũng cần có những sưu tập di vật về cảnh quan môi trường, địa lý cổ, di cốt động vật, dấu tích thực vật… phát hiện trong các di tích khảo cổ, cũng như qua kết quả nghiên cứu của các nhà sinh học.
- Thành lập Bảo tàng di tích Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long tại số 18 Hoàng Diệu, từ một phần di tích đang được bảo tồn hiện nay. Phương án phủ kính trên hố khai quật và che mái cho di tích hiện nay vẫn là phương án tối ưu. Trong tương lai (hy vọng là tương lại gần) những hố khai quật khác cũng sẽ được bảo tồn như vậy, kết hợp phục dựng cảnh quan bên trên mỗi hố khai quật (tức mỗi phần trưng bày) sao cho khách tham quan có cảm giác mình đang được đi ngược thời gian trở về với kinh thành Thăng Long từng thời kỳ Lý - Trần – Lê. Để làm được như vậy việc nghiên cứu chọn lựa mô hình cảnh quan cần phục dựng là rất quan trọng, đó là mô hình điển hình cho mỗi giai đoạn, đồng thời cũng cho thấy sự phát triển liên tục và có tính truyền thống của kinh thành Thăng Long qua xây dựng và kiến trúc.
- Phát huy giá trị của Khu Di tích này không thể tách khỏi sự phối hợp với hoạt động của ngành Giáo dục và Du lịch. Đây là hai nguồn khách chủ yếu của hệ thống di tích lịch sử - văn hóa ở bất cứ di tích nào. Bảo tàng di tích KCH Hoàng thành Thăng Long được coi như một Dự án điển hình cho Khảo cổ học đô thị. Bảo tồn và “khai thác” di tích chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch – hiện nay đã chung một cơ quan quản lý. Hiện nay ngành du lịch có đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế, là ngành “công nghiệp không khói” của nước ta, và như nước ngoài vẫn quan niệm: du lịch là “công nghệ di sản” (heritage industry). Trong những sản phẩm du lịch thì di tích lịch sử văn hóa là sản phẩm có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Đã có hiện tượng nhiều di tích đang bị biến thành một phần của công nghệ giải trí (entertainment industry) hay bị thương mại hóa. Khu dí tích Hoàng Thành Thăng Long với vị trí đặc biệt của nó chắn chắn sẽ tránh được những hoạt động kiểu như vậy. Tuy nhiên để sự cảm nhận và thưởng thức của du khách được trọn vẹn thì việc bảo tồn và phục dựng khu di tích bằng những kỹ thuật và nguyên vật liệu mới là khó tránh khỏi, kể cả việc di tích không giữ được sự toàn vẹn trung thực của nó. Vì vậy các phương án phục dựng tôn tạo cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Mục đích nhằm phát huy tác dụng của di tích nhưng nếu không cẩn thận, chính sức ép về việc tăng số lượng di khách đến đây cũng là một trở ngại cho việc bảo tồn di tích một cách khoa học. Mặt khác, nếu lượng khách tham quan nhiều đến mức không kiểm soát được thì đó cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến sự an toàn và bền vững của di tích.
Sau hơn một năm triển khai xây dựng, hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận khu di tích Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới đã hoàn tất và được gửi đến UNESCO. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình bảo vệ bảo tồn khu di tích này và mở đầu cho một giai đoạn mới của việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc biệt quan trọng của Việt Nam.