Nếu hậu hiện đại là "thái độ hoài nghi đối với mọi lý giải lớn" (1), thì có lẽ lý giải cần phải hoài nghi trước hết là quan niệm “dĩ Âu vi trung”. Cho đến nay, hầu hết con người trên Trái đất cho rằng, phương Tây là nơi sản sinh, là trung tâm ban phát văn minh cho phần còn lại của thế giới. Đó là sai lầm lớn mà từ giữa thế kỷ trước, một số học giả đã lờ mờ nhìn thấy. Nhưng chỉ sang thế kỷ này, nhờ những phát kiến của công nghệ di truyền, con người mới khám phá ra sự thực hoàn toàn ngược lại.
Lịch sử khí hậu Trái đất và công nghệ di truyền cho thấy, rất muộn, khoảng 10.000 đến 8000 năm trước, khi thời băng hà cuối cùng chấm dứt, châu Âu mới ra khỏi phương thức hái lượm và chuyển sang du mục. Khoảng 7000 năm trước, nông nghiệp được đưa từ vùng Mesopotamia tới. Nhưng do không có hệ thống thủy lợi phát triển, phải tuới bằng nước trời nên ở châu Âu, nông nghiệp không trở thành ngành sàn xuất chính. Các bộ lạc rồi các quốc gia cổ hình thành xung quanh Địa Trung Hải chủ yếu là dân cư du mục. Năng động, dũng mãnh, tôn sùng đầu lĩnh, tranh giành chiếm đoạt… trở thành đặc trưng châu Âu. Do hình thành muộn và phương thức sống du mục nên văn minh châu Âu kém phát triển. Cái gọi là văn minh Hy Lạp, cội nguồn văn minh châu Âu, thực ra chỉ là đồ ăn cướp của văn minh Ai Cập qua cuộc xâm lăng của Alexander (2). Kẻ ăn cướp không tiêu hóa nổi cái “đạo” của nền văn hóa lớn phương Đông, đã sống sít diễn dịch nó theo tâm thức du mục, khiến cho văn minh châu Âu trở thành tiên thiên bất túc, không có nền tảng triết lý và đạo đức sâu xa. Thế kỷ V sau Công nguyên, văn minh phương Tây suy tàn và bước vào đêm trường Trung cổ suốt 1000 năm. Thế kỷ XVII, các nhà Khai sáng châu Âu hé mắt nhìn ra thế giới, bỗng giật mình trước văn minh Á Đông. Ai đó, hình như Voltaire thốt lên: “Nếu bao giờ có một thời kỳ hạnh phúc nhất và đáng kính nhất trên trái đất này thì đó là thời kỳ người ta theo luật cai trị của Khổng Tử." (3)
Ba trăm năm qua, trên nền tảng của văn minh du mục, triết học duy lý đưa phương Tây tới bước phát triển thần kỳ.
Trong khi đó phương Đông với xã hội nông nghiệp truyền thống, lạc hậu thê thảm, trở thành miếng mồi ngon cho cuộc xâm lăng của phương Tây. Lòng kiêu ngạo văn hóa mang màu sắc sô vanh phương Tây kết hợp với sự khiếp nhược của trí thức phương Đông, tạo điều kiện cho chủ nghĩa Dĩ Âu vi trung ra đời, rao giảng thuyết châu Âu là trung tâm, là cội nguồn của văn minh nhân loại, có sứ mạng khai hóa phương Đông.
Từ giữa thế kỷ XIX tới nay nhiều triết thuyết phương Tây ra đời, tác động tới toàn nhân loại, cuốn phương Đông vào trong những vòng xoáy của những trào lưu đó. Những tượng trưng, đa đa, siêu thực, trừu tượng, hiện sinh, hiện đại, hậu hiện đại, tân hình thức… quay cuồng trong vũ điệu bất tận khiến trí thức nghệ thuật phương Đông xây xẩm mặt mày trong trạng huống bi bịch của nhữg kẻ vong bản là càng đi theo càng đuối sức.
Trong tình trạng thụ động vì bị lệ thuộc, trí thức phương Đông chưa bao giờ bình tĩnh nhìn lại mình để đặt ra những câu hỏi rất cơ bản: Có đúng phương Tây là trung tâm của văn minh nhân loại? Bản sắc văn hóa phương Đông là gì? Và dâu là con đường độc đáo riêng phương Đông phải đi để xây dựng kinh tế cũng như văn hóa của mình? Khi người trí thức phương Đông chưa sẵn sàng đặt ra và trả lời những câu hỏi mang tính nguyên tắc như vậy, phương Đông mãi còn là kẻ đi sau.
Ở thế kỷ trước, nếu có ai đặt ra những câu hỏi như thế thì cũng chưa thể có câu trả lời bởi lẽ đơn giản là chúng ta chưa có tri thức cần thiết về quá trình hình thành văn minh nhân loại. Chỉ sang thế kỷ này, công nghệ di truyền cho ta những nhận thức mới, mở ra cái nhìn mang tính cách mạng về lỉch sử văn minh nhân loại, chúng ta mới có đủ tri thức trả lời những câu hỏi cơ bản trên.
Từ 70.000 năm trước, khi đặt chân tới Đông Nam Á, tổ tiên chúng ta gặp môi trường thuận lợi nên sinh sản nhanh, sống thành tập đoàn lớn, có sự phân công lao động và sớm bước sang văn minh Đá mới. Khoảng 20.000 năm trước, tổ tiên chúng ta sáng tạo nông nghiệp lúa nước (4). Cho đến thiên niên kỷ IV TCN, nhân số vùng duyên hải Á Đông chiếm 54% nhân loại và có nền văn minh nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Khoảng 7500 năm trước, trong cơn Đại hồng thủy, người từ các đảo ngoài khơi Đông Nam Á di tản bằng thuyền tới nhiều vùng thế giới, nhờ vậy đã đưa văn minh nông nghiệp tới Trung Đông, tiếp sức cho nền nông nghiệp mới manh nha ở đây. Sau đó nông nghiệp từ nơi nay du nhập châu Âu.
Từ những năm 70 thế kỷ trước, triết gia Kim Định đã rút ra cốt lõi của văn hóa phương Đông là Việt Nho với nội dung nhân chủ, thái hòa, tâm linh. Trong tam tài thiên, địa, nhân thì con người là chủ, giữ vị trí tôn quý nhất. Với vai trò chủ nhân ông, con người sống thái hòa với nhau và với tự nhiên. Con người không chỉ là cơ thể vật chất mà còn là tâm linh. Đạo của phương Đông là An Vi. Không vô vi cũng không hữu vi mà con người an vi, sống an nhiên, an hòa, an bình, tận lực làm việc nhưng không phải vụ lợi mà vì thấy đó là việc cần làm. Phương Đông quan niệm về một vũ trụ cân bằng trong tương quan tham thiên lưỡng địa. Sống là phát triển là đi lên, theo chiều dương, nhưng trái với phương Tây trọng Dương thái quá thì phương Đông giữ tỷ lệ Dương 3 phần, Âm 2 phần. Tuy tôn trọng Cha Trời nhưng phương Đông lại bám chặt vào Mẹ Đất là quẻ Khôn cưu mang, nuôi nấng.
Khác với văn minh phương Đông xây dựng trên nền kinh tế nông nghiệp lúa nước lâu đời, có gốc triết học và đạo lý sâu bền, văn minh phương Tây được sản sinh từ phương thức sống du mục nên trọng dương, năng động nhưng thiếu cơ sở triết học và đạo lý gốc nên là nền văn minh tiên thiên bất túc, bạo phát bạo tàn. Văn minh phương Tây trong mấy thế kỷ qua đã đưa nhân loại phát triển vượt bậc nhưng cũng dẫn tới suy thoái kinh tế thập niên 30, hai cuộc thế chiến khủng khiếp, chủ nghĩa phát xit, chủ nghĩa Staline tai họa của nhân loại, sự tàn phá môi sinh làm Trái đất nóng lên và cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay…
Từ những năm 70 thế kỷ trước, nhận ra sự khủng hoảng của tư tưởng và triết học phương Tây, nhiều thức giả Âu Mỹ đã làm cuộc hành trình tìm về phương Đông . Nhờ vậy, nhiều bí ẩn của phương Đông được khám phá làm phong phú tri thức loài người.
Điều đáng suy nghĩ là trong khi đó, trí thức phương Đông, nhất là giới trẻ, chưa tỉnh giấc mơ Âu trung, vẫn theo vết xe đổ của các đàn anh, các bậc thầy. Không ít người cho rằng, biết được một hai ngoại ngữ, đọc ít cuốn sách mỹ học phương Tây, là đã nắm được tri thức tiên tiến của nhân loại. Cũng không ít người học một cách chụp giật những trường phái mỹ học phương Tây, áp dụng một cách sống sít trong vẽ tranh, làm thơ, viết văn rồi tự cho mình (hay nhóm mình) là hợp trào lưu, đi tiên phong…Hơn một lần, thực tế cho thấy họ là những kè tiên thiên bất túc: sự học đòi từ phương Tây sẽ chẳng bao giờ thuần thục. Và điều chắc chắn là học trò mũi tẹt da vàng sẽ chẳng bao giờ hơn được ông thầy mũi lõ! Trong khi đó họ dễ dàng tha hóa, đánh mất cái độc đáo quý giá phương Đông mà nhiều thức giả phương Tây đang tìm học!
Sự nóng lên của Trái đất, trực tiếp hơn là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là tín hiệu báo động cho thấy, phương Tây đã dẫn nhân loại đi lạc đường. Đã tới lúc phương Đông không thể trao vận mệnh của mình cho phương Tây dắt đi được nữa mà phải tìm ra con đường thoát của mình cả về kinh tế cả về văn hóa.
Trong tình huống như vậy, người viết văn trẻ ở Việt Nam phải làm gì?
Biết tiếng Anh, đọc sách phương Tây là cần nhưng cái cần trước hết là phải nắm vững tiếng Việt và viết thành thạo văn Việt. Không thể chấp nhận một nhà văn viết không rành tiếng mẹ đẻ, lại dùng thứ tiếng Việt lai căng, nửa ngô nửa ngọng. Một nhà văn Việt cũng không thể không biết chữ Nho. Nếu không thông thạo đến mức đọc được cổ văn thì chí ít cũng hiểu được ý nghĩa sâu xa của những từ Hán Việt thông dụng bởi lẽ đơn giản: nếu không hiểu được những từ đó, không hiểu được hồn tiếng Việt. Phải thuộc càng nhiều ca dao tục ngữ càng tốt. Trước đây nhiều nhà văn không phải học cái vốn cổ này vì đã được bà, mẹ dạy qua những bài hát ru. Nhưng nay, hầu như các bà mẹ không ru con, càng không ru bằng ca dao tục ngữ. Vì vậy nhà văn phải tự học. Rồi kinh Thi: “bất học Thi vô dĩ ngôn” không phải là chuyện của ngày xưa. Nếu nhuần thấm Thi, người ta sẽ khôn ngoan hơn, văn sẽ đạt tới chiều sâu của tâm linh phương Đông. Học kinh Dịch để biết bói Dịch thì tốt, nếu không cũng phải biết được ý nghĩa của Thái Cực, Lưỡng nghi, Bát quái, Âm, Dương, ngũ hành và hiểu được dịch lý. Cũng không thể bỏ qua Sử ký và những tác phẩm kinh điển của Trung Hoa, Ấn Độ và cố nhiên, các tác giả cổ điển Việt Nam.
Nhân giải Nobel văn chương năm nay, trên báo chí rộ lên câu hỏi: Nobel văn chương cho Việt Nam, tại sao không? Hỏi để cho vui và để khích lệ nhau chứ cái đích ấy còn xa lắm. Cái lẽ đầu tiên không phải thiếu tự do sáng tác mà điều chính là chúng ta đánh mất bản sắc của mình. Hãy nhìn vào Tagore, Kawabata, Kenzaburo Oe, Cao Hành Kiện. Họ rất hiện đại nhưng trước hết họ là phương Đông. Đánh mất bản sắc phương Đông của mình, chúng ta sẽ mất tất cả.
Có câu ca thế này: Giữ cho bền chí câu cua/ còn ai câu ếch câu rùa mặc ai! Là người phương Đông, sống trên tầm tích của nền văn hóa rực rỡ do tổ tiên để lại, chúng ta yên tâm trì chí thâm canh trên mảnh đất của mình, chắc chắn sẽ sáng tạo những tác phẩm độc đáo làm nhân loại thán phục.
Thiết nghĩ, điều lớn lao nhất mà hậu hiện đại mang lại là giải cái tâm thức vong bản, vọng ngoại đã ăn sâu trong tâm trí chúng ta.
Tháng Mười 2008
1. Trịnh Lữ-Góp chuyện hậu hiện đại
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=68&News=2375&CategoryID=34
2. Ngô Tự Lập. Aristote, kẻ đạo văn lớn nhất mọi thời đại. http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/nghien-cuu/2007/06/3B9AD8C2/
3. Dict. Philosophique tr. 108, dẫn theo Kim Ðịnh, Cửa Khổng tr.245
4. Stephen Oppenheimer. Địa đàng ở phương Đông. NXB Lao động 2004.