Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.273
123.159.164
 
Chỉ tại con ruồi
Trần Kỳ Trung

Tưởng khó, vì đúng mùa nước lụt của thành phố, thế mà tôi vẫn tìm ra được nhà hắn.

Mới đầu tôi không tin, chẳng lẽ chỗ như thế này mà một thằng được gọi là  "nhà văn " lại đến ở.  Ngôi nhà của hắn nằm lẫn trong dãy nhà thấp lè tè như nhà của dân ngụ cư. Cả dãy nhà ấy lại nằm ngay cạnh một con sông đào ngoại vi thành phố.   Lụt đã rút, thế mà nước của con sông vẫn còn đục ngàu, bốc mùi thum thủm. Lối đi của những ngôi nhà ấy thì lầy lội, chỉ vừa cho hai người đi ngược chiều tránh nhau. Nét mặt của những ngươì tôi gặp, trông ai cũng như nét mặt của người đi đưa đám... Còn nhà của hắn, trời ạ! Gọi là " điếm canh đê đến kỳ sửa chữa  " thì đúng hơn, tường gạch bong từng mảng, mái nhà thủng lỗ chỗ. Ghế, bàn, giường gỗ... như vừa trải qua " chiến tranh vùng vịnh", " chân, cẳng " " bó bột, đóng đinh" tuốt tuồn tuột. Chiếu, chăn, màn xỉn, mốc, ẩm... phơi khắp sân. Lúc tôi vào đến sân, nguời lớn đi đâu hết, chỉ còn hai đứa con gái trạc mười bốn, mười lăm tuổi đang lom khom quét dọn, mồ hôi đầy mặt. Tôi hỏi hai đứa :

- Các cháu có phải con của bố H... làm nhà văn không ?

- Dạ, thưa chú, đúng ạ! - Một đứa ngừng quét dọn, ngẩng lên lễ phép trả lời tôi.

- Thế bố H... đi đâu rồi ?

- Dạ! Bố cháu ra Phường giúp các bác ngoài đó phân phát đồ cứu trợ cho một số gia đình nghèo.

- Chú ở cơ quan Bộ, chú có việc rất gấp muốn gặp bố H... Các cháu có thể đi gọi bố về cho chú gặp được không ? - Tôi cứ nói vống như thế cho cả nhà hắn sợ.

- Dạ! Được ạ. Chú cứ ngồi chơi để cháu đi gọi.

Con bé, trông ra dáng con chị, nói với tôi xong quay lại nói với con em câu gì đó rồi nó đi te tái ra ngoài cổng.

 

Tôi vào trong nhà hắn, tìm chiếc ghế ngồi xuống rồi lặng lẽ quan sát xung quanh, trong đầu nảy ra bao nhiêu ý nghĩ. Tại sao hắn sống nhếch nhác thế này không làm nghề khác lại đi làm nghề  " viết văn", cái nghề chỉ được tiếng ,chứ làm gì ra tiền!!!Đã thế, hắn viết động đến " Sếp" của tôi, uy thế lẫy lừng cả một vùng. Trong truyện ngắn hắn viết, hắn gọi đích danh họ, tên của  " Sếp " tôi ra mà chửi?

 

Hắn muốn gì ?

... Cách đây mấy hôm, tôi được " Sếp"  là một Tổng giám đốc gọi riêng lên, đưa cho xem tờ báo " TIẾNG CHUÔNG KÊU". Tay ông ta chỉ vào một truyện ngắn đăng ở tờ báo đó, nét mặt cau có:

- Anh xem truyện ngắn này đi! Có tay nhà văn viết truyện ngắn này nêu đích danh họ và tên tôi cùng một lô tội trạng như : tham ô, đánh bạc, đểu giả với bạn bè, chơi gái với những trò truỵ lạc... Trong truyện ngắn này, tay nhà văn còn cho rằng có một số cơ quan cấp trên, tuy biết chuyện nhưng vẫn tìm cách bao che cho tôi - Nắm tay của ông co lại,  giọng tức giận - Dứt khoát tay nhà văn viết truyện ngắn này được ăn tiền theo yêu cầu của một số người ghét tôi. Có khi số người đó dấu mặt, nằm ngay trong Tổng công ty chúng ta. Chỉ có như thế tay nhà văn này mới có tư liệu viết truyện ngắn này chứ ! Thực đúng là " nuôi ong trong tay áo". Anh phải giúp tôi tìm cho ra thủ phạm đã cung cấp tin tức nội bộ cho tay nhà văn, đồng thời cũng tìm cách trị tay nhà văn chuyên viết văn, ăn tiền này ! -Nói rồi ông Tổng giám đốc chỉ cho tôi từng đường đi, nước bước - Cái thằng đã viết văn để ăn tiền thì bản chất con người của nó, tôi cam đoan, cũng không ra gì. Ở  cơ quan chắc tay nhà văn này bị mọi người ghét. Ở Phường chắc nó suốt ngày nát rượu, quậy phá.Với hàng xóm,  láng giềng hắn ta cũng là loại "đâm bị thóc, chọc bị gạo". Trước khi gặp trực tiếp, anh phải đến cơ quan chủ quản của hắn.  Rồi anh đến phường và hàng xóm ở cạnh nhà hắn hỏi cho rõ binh tình, thu thập cho đủ bằng chứng để sau này buộc thêm vào tội. Xong mọi việc anh hãy đến gặp hắn, truy đến tận gốc những việc làm  "vu khống " về tôi.  Khi đã xong mọi việc, anh về đây báo cáo,  tôi sẽ " phôn " ngay sang anh Tư làm ở Bộ công an, anh Tám ở Viện kiểm sát là tay nhà văn này sẽ tù mọt gông.

- Nhỡ tay nhà văn này chối mọi chuyện thì sao ? - Tôi ngập ngừng hỏi lại " Sếp".

- Chối thế nào được! Rõ họ, tên của tôi đến thế cơ mà! - Ông Tổng giám đốc quát vào mặt tôi - Anh xem lại truyện ngắn này đi.

 

Đọc truyện ngắn của hắn, tôi có phần hoảng sợ, toàn chuyện đúng cả. Lại nêu đúng tên, họ của " Sếp " nữa, chẳng trật đi đâu một ly. Tôi là cánh tay phải của " Sếp", mọi việc " Sếp " làm tôi đều biết và có phần được hưởng lây. " Sếp " mà đổ, là tôi "toi" theo. Vì thế khi lệnh của ông Tổng giám đốc ban ra, tôi vội gật đầu và thừa hành ngay nhiệm vụ.

 

Nước lụt vừa rút, tôi vội đi đến cơ quan của hắn, sau đó đến Phường, rồi đến hàng xóm xem họ đánh giá tay nhà văn này như thế nào ? Điều làm tôi ngạc nhiên là mọi phỏng đoán của " Sếp " đêù sai bét cả .

 

Ở cơ quan anh ta, một Hội văn học - nghệ thuật, mọi người đều khẳng định:" Anh ấy có đạo đức rất tốt, một nhà văn viết truyện ngắn có tài". Dào ơi! Tôi thừa biết "bệnh hay bênh nhau " có mấy ông nhà văn, nhà thơ khi bị chính quyền " đụng đến". Không "bênh " tay nhà văn này, nhỡ đâu mấy ông nhà văn, nhà thơ khác viết kiểu đó, Hội văn học - nghệ thuật lấy caí gì mà đỡ!!!

 

Tôi lại đến Phường. Ông Chủ tịch Phường tiếp tôi. Sau khi phả một hơi thuốc lào, ông "khà " một tiếng khoan khoái. Điều này có nghĩa là ông ấy rất tỉnh táo, thế mà ông ấy lại nhận xét về tay nhà văn với một giọng, nghe chối không thể tưởng: " Tôi thấy không ai như anh ấy, việc gì của Phường yêu cầu là anh ấy hăng hái giúp đỡ, giúp đỡ rất nhiệt tình. Gia cảnh anh ấy rất nghèo nhưng cách sống của gia đình luôn gương mẫu.  Hai con gái rất ngoan, học giỏi, vợ chồng hoà thuận, xứng đáng là " gia đình văn hóa " của Phường mấy năm liền ". Thôi ! Tôi còn lạ gì mấy ông lãnh đạo Phường hay ưa nịnh. Cứ dăm ba câu hò, vè, hay mấy bản tin " bốc " các " bố " ấy lên, là các " bố " ấy sướng. Bảo củ ấu " tròn, " các " bố " cũng gật.

Không tin được!

 

Tôi bí mật đến mấy nhà hàng xóm cạnh tay nhà văn này dò hỏi. Nhất mực mọi người ở đây đều bảo hắn là người tốt.

 

Quái lạ thật! Hắn tốt mà tại sao lại viết một truyện ngắn có ý " châm chỉa" một cách ác độc về " Sếp " tôi như thế? Cần thì trực tiếp gặp "Sếp" của tôi, giao lại  cho "Sếp" tài liệu của mâý thằng, mấy đứa  "mất dạy" trong cơ quan đã bí mật đưa cho hắn. Như thế có phải vừa có tiền, lại đỡ mang tiếng. Chứ còn viết truyện ngắn kiểu này dám ghi đích danh họ tên của "Sếp " tôi rõ lên mặt báo, tay nhà văn này không phải là loại vừa. Cần phải trừng trị!

 

Cách cuối cùng, như "Sếp" của tôi nói, phải gặp trực tiếp hắn.

... Tôi ngồi đợi một lúc thì tay nhà văn này về. Nhìn dáng của tay nhà văn tôi lắc đầu, khuôn mặt khắc khổ, thân gầy nhom, quần ống thấp, ống cao.  Hắn đi đến giữa sân, cho tử tế với khách, bỏ vội ống quần xuống. Nhìn hắn, tôi thầm nghĩ : Chỉ một quả " thôi sơn " của mình, người hắn sẽ dính vào tường, bảy ngày bóc không ra.  Bước vào trong nhà, thấy tôi , hắn vội nắm lấy tay tôi, lắc lắc, miệng sởi lởi:

- Nghe cháu lớn chạy ra tìm, nói có một bác trên Bộ đến tìm tôi. Vậy, thưa anh ! Anh đến tìm tôi có việc gì không ạ?

 

Tôi lừ mắt nhìn hắn. Phải nói  hắn  " nguỵ trang " khá tài.Tôi cười gằn:

- Tôi không phải ở Bộ. Tôi nói thế để cho anh biết mà mau về. Tôi đến tìm anh có một việc cần giải quyết. Có phải anh là tác giả viết truyện ngắn" ĐỜI CÓ MỘT THẰNG " đăng ở báo " TIẾNG CHUÔNG KÊU " số mới nhất không ?

 

Hắn cười, phô mấy cái răng xỉn, gãy không đều:

- Dạ, đúng ! Anh đã đọc truyện ngắn của tôi rồi à ! Mừng quá, thật hạnh phúc cho tôi. Có thêm bạn tâm giao.

 

Hắn luýnh quýnh, tất tả lấy khăn lau vội mấy cái tách trà sứt quai, đổ trà vào ấm, pha nước sôi. Lúc này ánh mắt hắn lộ vẻ sung sướng, hai tay xoa vào nhau:

- Thực tình tôi viết truyện ngắn ấy cũng nghĩ ít người đọc. Báo đăng cho là quý rồi. Thời buổi này người ta chạy theo đồng tiền chứ mấy ai chú ý đến đọc truyện, đọc báo. Ấy thế mà tôi lầm, vẫn có người như anh, đã đọc truyện ngắn của tôi, lại đến đây tìm tác giả để trò chuyện. Người viết văn như tôi, đây là phần thưởng vô giá. - Giọng hắn trở nên xoắn xít, nhìn tôi như thân ái lắm - Dạ, thưa anh ! Anh có thể cho tôi biết quý danh và cũng ... thưa anh !Anh có thể cho tôi những lời  nhận xét " vàng ngọc" về truyện ngắn đó, nhất là cách hành văn, nội dung cốt truyện...

 

Nghe giọng tay nhà văn này nói, tôi thực sự tởm lợm. Giả dối đến thế là cùng ! hắn làm như không biết chuyện " soi mói "  nói xấu Sếp  của tôi. Phúc tổ bảy mười đời nhà hắn, may là tôi, cũng còn có chỗ biết mà kìm lại.Chứ hôm nay hắn gặp  Sếp, tính nóng như " Trương Phi" thì miệng hắn ăn " bã trầu " rồi. Không trả lời câu hỏi của hắn, tôi đi ngay vào vấn đề:

- Anh có biết ông Tổng giám đốc liên hiệp xây dựng P... không?

Tay nhà văn nghe tôi hỏi vậy, tròn mắt ngạc nhiên:

- Dạ! làm sao tôi biết ông ấy. To như thế! Lớn như thế!

-Thế anh có biết ông Tư, chức rất lớn ở Bộ Công An không ?

- Dạ! Không ạ.

- Ông Tám, chức cũng tương đương ông Tư, bên Viện  kiểm sát không ?

- Dạ! Không ạ!

Tôi hỏi liên tục, hắn trả lời liên tục. Sau cùng hắn cũng hỏi:

- Vậy ! Thưa anh. Anh hỏi tôi điều đó để  làm gì ?

Tôi không trả lời, lặng im quan sát hắn. Rõ là sau câu hỏi vừa rồi, ánh mắt của hắn đã thất thần.Tôi nói rõ từng tiếng một:

- Anh nghe đây! Anh đã phạm tội vu khống lãnh đạo cơ quan của tôi.

Ánh mắt biểu hiện lo lắng cực độ, miệng hắn lắp bắp:

- Anh nói gì, tôi không hiểu ?

Lại còn thế nữa, hắn cố tình chạy tội. Tôi nói thẳng, lấy tay chỉ vào mặt hắn :

- Anh đã vu cáo ông Tổng giám đốc của cơ quan tôi, đồng thời anh còn nói xấu một số cơ quan cấp trên khác.

- Chết tôi rồi - Hắn giẫm chân đành đạch - Sao anh lại nói với tôi như thế?

- Anh còn chối à !- Tôi tức giận lấy tờ báo " TIẾNG CHUÔNG KÊU" có đăng truyện ngắn của hắn ra, tôi đọc một đoạn, rồi nói tiếp - Anh xem, anh viết như thế đấy. Tôi là người của Liên hiệp xây dựng P... anh có thể xem giấy giới thiệu của tôi xuống Phường làm việc. Anh phải cho tôi biết, ai đã cung cấp cho anh tư liệu để viết truyện ngắn này? Ai thuê anh viết? Anh viết truyện ngắn này với mục đích gì ?

 

Không dám xem cái giấy giới thiệu của tôi chìa ra, miệng hắn méo xệch như miệng trai,  nói buồn bã:

- Truyện ngắn đó hoàn toàn do tôi hư cấu. Bây giờ ăn cắp, tham ô, hối lộ, trù dập người ngay... báo chí nêu hàng ngày. Tôi cứ dựa vào đó mà viết mong kiếm mấy đồng nhuận bút cải thiện cho gia đình mớ rau, con cá. Chẳng ai xui tôi viết, cứ hứng lên là tôi viết.Viết để giãi bày tâm sự của mình với thời cuộc, đánh động dư luận. Nào tôi dám động đến ai. Động đến người ta, mình thấp cổ, bé họng nhỡ có mệnh hệ nào thì chết.

- Vì viết truyện ngắn này, anh có thể bị đi tù. Ông Tổng giám đốc của tôi có đủ điều kiện để làm việc đó - Tôi nhấn mạnh - Tổng giám đốc của tôi rất quen và chơi thân với ông Tám, ông Tư.

- Ấy chết ! Tôi xin anh - khuôn mặt hắn xám ngoét, không dám nhìn thẳng vào tôi nữa - Tôi không dám động đến các ông ấy. Lạy các anh tha cho ! Tôi mà đi tù vợ, con tôi chỉ có nước đi ăn mày. Mà nói thật với anh, tôi cũng sợ đi tù lắm!

- Anh bảo " không động đến" ông Tổng giám đốc cơ quan tôi. Đúng không ? Thế tại sao trong truyện ngắn này anh lại nêu đích danh họ, tên của ông ấy?

- Trong truyện ngắn này tôi vô tình đặt tên cho nhân vật thôi. Mà cũng lạ - Hắn làm như không hiểu - Họ, tên xấu như thế ở ngoài đời cũng có người đặt?

- Đừng! Anh đừng nói như thế -Tôi cười khẩy, nhìn hắn - Anh đừng có tìm cách bao biện, chối tội. Tên của Sếp tôi rất ít người đặt. Ấy vậy, anh cố tình đặt tên cho nhận vật chính trong truyện ngắn trùng cả họ, tên của Sếp tôi thì sẽ thành một vấn đề lớn.Tôi cũng biết nhà văn các anh khi viết truyện chủ yếu là hư cấu nhưng khi anh viết nhân vật chính với những hành vi khốn nạn trùng với họ ,tên của Sếp tôi thì  mọi chuyện sẽ khác. Đủ bằng chứng truy tố tác giả viết truyện ngắn đó ra toà. Anh hiểu chưa?

 

Nghe tôi nói xong, quả thật trông người tay nhà văn này cứ như cây chuối bị phạt ngang. Hắn khóc rống lên :

- Nghề viết văn, viết báo của bọn tôi khổ lắm anh ơi! Tôi sợ đủ mọi thứ nên khi viết truyện ngắn này phải tính toán. Tôi đặt tên nhân vật chính không giống ai. " TẢO NHƯ NGU" tức là " NGU NHƯ TAO". Tôi đặt tên nhân vật chính như thế, ý muốn nói, có bao nhiêu cái xấu ở đời, bọn nhà văn chúng tôi nhận hết cả! Còn các ông " To" làm gì có "chuyện xấu".

 

Nghe hắn nói như thế, tôi càng bực mình.Việc làm sai trái, rõ rành rành  như thế mà hắn vẫn lươn lẹo, cố tình chối bai bải. Tôi dí tờ báo có đăng truyện ngắn vào tận mặt hắn:

- Anh xem lại cho rõ đi ! Tên nhân vật chính là " TẢO NHƯ NGỤ" chứ không phải "TẢO NHƯ NGU". Đấy là họ, tên của Tổng giám đốc cơ quan tôi.

- Sao thế nhỉ ?- Tay run run cầm tờ báo tôi vừa đưa. Hắn giơ tờ báo lên trước mặt, nhìn có vẻ  xăm xoi. Cẩn thận tay nhà văn này còn đến gần cửa sổ cho ánh sáng bên ngòai rọi vào  nhìn kỹ  truyện ngắn hắn đã viết. Chỉ có một lúc, do quá căng thẳng lưng áo của hắn đã đẫm mồ hôi. Chợt! Nét mặt của tay nhà văn này thay đổi, sung sướng đến vô cùng. Bỏ tờ báo xuống, hắn hỏi tôi, giọng hồ hởi:

- Có phải anh nói với tôi, điều có thể truy tố tôi ra toà là họ, tên nhân vật chính trong truyện ngắn này trùng họ, tên của ông Tổng giám đốc cơ quan của anh ?

- Đúng như thế ! - Tôi gật đầu, khẳng định.

- Thế thì các anh nhầm rồi ! Đây vẫn là "TẢO NHƯ NGU", chứ không phải " TẢO NHƯ NGỤ". Cái dấu chấm này là dấu vết của cứt ruồi. Đúng là cứt ruồi anh ạ! - Hắn lấy ngón tay quệt vào dấu chấm rồi đưa lên mũi ngửi - Đúng rồi ! Hơi thối ... Chỉ chút nữa thôi,  tôi bị tù oan vì con ruồi.

Nói xong hắn lấy tay tẩy sạch vết cứt ruồi  dính trong truyện ngắn của tờ báo, rồi nhìn tôi cười he.. he có vẻ đắc chí, y như giọng cười của thằng Nguyễn Quang Lập./.

Trần Kỳ Trung
Số lần đọc: 2209
Ngày đăng: 29.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ái quốc - Lê Hoài Lương
Ký ức làng - Nguyễn Hải Triều
Cánh đồng mùa gặt khô - Trần Vũ
Khách thương hồ - Hào Vũ
Bầu ơi thương lấy bí cùng - Nguyễn Mộng Giác
Tình nhân - Nguyễn Đình Bổn
Một mảnh đời… - Nguyễn Vĩnh Căn
Cô gái mù trên ðồng lúa vàng - Minh Nguyễn
Không gian đa chiều - Đình Kính
Bức tranh nhà cá - Hồ Việt Khuê
Cùng một tác giả
Người đánh trống (truyện ngắn)
Bằng di tích (truyện ngắn)
Đọp-nhà thơ (truyện ngắn)
Lầm lẫn (truyện ngắn)
Chỉ tại con ruồi (truyện ngắn)
Chuyện của Cậu tôi (truyện ngắn)
Lõm to (truyện ngắn)
Mẹ (truyện ngắn)
Hương hoa móng rồng (truyện ngắn)
Bài văn tả…! (truyện ngắn)