VCV : Lê Mai tên thật là Lê Hùng, sinh năm 1953 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống khoa bảng khá nổi tiếng ở Hà Nam. Năm 1972, anh nhập ngũ và chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam. Sau năm 1975, anh xuất ngũ với giấy chứng nhận thương binh nặng, theo học ĐH Sư Phạm rồi về dậy môn Giáo dục công dân tại trường THPT Nguyễn Trãi, Q Hai Bà Trưng- Hà Nội. Lê Mai vào Hội nhà văn Hà Nội với tư cách nhà thơ, nhưng sau đó anh viết văn xuôi là chủ yếu. Hai cuốn tiểu thuyết “Tẩu hỏa nhập ma” (Nxb Văn học 2003) và “Thời gian xuẩn ngốc” (Nxb CAND 2005) của anh đã gây tiếng vang trong dư luận, nhất là trong ngành GD- ĐT. Ngoài ra, anh viết nhiều ký, truyện ngắn trên các báo của TW và Hà Nội. Nếu trong thơ, Lê Mai cầu kỳ đẽo gọt từng từ ngữ thì trong văn xuôi, anh thích sự thô mộc, ngoài đời nói sao, văn anh viết vậy và tính trào lộng là đặc trưng cho phong cách truyện ngắn, tiểu thuyết Lê Mai…
Sau sự cố cuốn “Rồng đá” in chung với Vũ Ngọc Tiến, nhiều bạn đọc gửi thư thắc mắc, muốn tìm hiểu thêm về tác giả Lê Mai. VCV đã liên hệ ra Hà Nội, nay trân trọng giới thiệu hai truyện ngắn của anh in trong tập “Rồng đá”
Tôi goá vợ đã lâu chưa tục huyền. Bè bạn người quý mến thì nói: nó đợi con trưởng thành, hoặc, vợ yêu nó quá chưa cho lấy, muốn lấy được vợ phải cắt tiền duyên. Bè bạn người ghét thì nói:… Thôi dại gì vạch áo cho người xem lưng. Còn tôi biết, tôi chẳng được tốt như người đời nghĩ đâu. Hơn mười năm qua, nếu tính bình quân mỗi năm được 2 vụ mối lái thì đến nay đã là 23 vụ rưỡi, chẳng vụ nào thành công. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chung quy lại thì do người thích tôi thì tôi không thích, người tôi thích thì lại có chồng.
Hôm nay, tôi đến thăm anh. Anh là tổng biên tập một tờ báo lớn. Anh là người có tiếng hào hoa và là người chơi với cô nào thì xui ngay cô ấy ngoại tình, với lập luận thật dễ hiểu: “Chơi với bọn con gái các em mà không ngoại tình thì chơi làm đếch gì cho phí thời gian, cho rách việc!”
Hôm nay, thời tiết vẫn như mọi hôm, ẩm ẩm ương ương, nóng không ra nóng, lạnh không ra lạnh. Vẫn chân thành và cởi mở, anh hỏi tôi:
- Hỏi thật nhé, tổng vơ vét mỗi tháng chú được bao nhiêu tiền?
Anh hỏi thật thì tôi nói thật:
- Tổng thu nhập mỗi tháng của em khoảng một triệu.
- Thế thì chú mày không lấy được vợ đâu! Phụ nữ họ lấy chồng cốt tìm một chỗ dựa. Dựa vào cái cột mục để mà chết à. Như anh đây, nguyên tiền đóng thuế thu nhập hàng tháng còn cao hơn tổng thu nhập của chú nên mới có một vợ và hai mươi bồ. Anh mà thu nhập như chú thì gia đình tan vỡ từ lâu rồi. Chú đừng viển vông nữa, lao vào làm kinh tế đi. Vật chất quyết định tinh thần. Khi nào thu nhập hàng tháng của chú đạt mức trên năm triệu đồng thì, chú lên đây, anh sẽ pa-xê cho chú cô bồ của anh. Cô này nhà năm tầng, có tiền tỉ trong tay.
Hình như anh có lý, nhưng…
*
Tôi đến thăm anh bạn thứ hai. Anh này có tuổi và thu nhập tương đương tôi. Anh là kỹ sư cơ điện, bị vợ bỏ hay vợ bỏ tôi không rõ nhưng… hiện nay đã có vợ mới. Anh hơn cô vợ mới chưa đến 25 tuổi. Bạn bè thật thật giả giả tán, nếu cô ấy biết cách, tuần rằm mùng một nào cũng chăm chỉ hương khói thành tâm cầu khấn, lòng thành thấu tận trời xanh thì chỉ sáu tháng làm gì mà “cụ” chẳng đi. Cụ đi, với số tài sản cụ để lại, vợ cụ làm gì chẳng dễ tái giá. Tái giá với tái dê hẳn hoi chứ chứ chẳng phải… Như nhà hiền triết thực thụ, bạn tôi nói:
Thời đại tinh vi vi tính này mà ông còn lạc hậu quá, mai mai mối mối, tìm tìm hiểu hiểu, mất hết thì giờ! Thời đại Ba Đẻn qua rồi, thời gian đâu mà rẽ rẽ dắt dắt. Tình yêu tình dục thời cơ chế thị trường, “tình yêu thời thổ tả” phải công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Lập trình đi: mỗi tháng tổng thu nhập là một triệu, không lấy vợ, tháng làm vài lần karaoke đến tiền ăn còn hẻo, nói gì đến ái tình phí mà đòi tán tỉnh. Không tiền, có tán sún răng cũng chẳng được ma nào. Nháy chuột, được ngay phương án: ra nhà hàng đón một em có con riêng lại sắp hết đát về, thế là, có người trông nhà, có người cơm nước giặt giũ, cơm no, bò muốn cưỡi lúc nào thì cưỡi, sướng chưa? Có học có hơn chứ. Ông thấy tính thế khoa học chưa?
- Khoa học thế sao ông không cưới cô ấy đi? Để mặc cảnh già nhân ngãi, non vợ chồng ổn định sao được?
- Ông hiểu gì về gia đình mà nói ổn định với không ổn định? Gia đình là dựa vào nhau mà sống hay là ràng buộc nhau? Ông bảo cưới nhau cho ổn định, nhỡ cưới xong, hợp lý hoá rồi, hợp pháp hoá rồi, mình đi làm cả ngày nó ngựa quen đường cũ rước trai về nhà tăng thêm thu nhập thì lúc ấy ông tính sao? Cơ chế thị trường việc gì hiệu quả thì làm, không hiệu quả thì cắt. Ông thấy các nước tiên tiến họ có quan niệm gia đình như mình không? Thích thì ở với nhau, không thích thì phắn, anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, làm gì có tam đại với tứ đại đồng đường. Họ lạc hậu chắc? Không loằng ngoằng, nếu ông thích mô hình gia đình kiểu như tôi, tôi sẽ giúp. Nhà hàng bây giờ thiếu gì gái trẻ đẹp. Cứ gọi là sắp hết đát nhưng tuổi các cô ấy làm gì tới 30, còn trẻ còn đẹp chán. Thích gái Bắc Ninh có gái Bắc Ninh, thích gái Cần Thơ có gái Cần Thơ, hay ông thích chè Thái gái Tuyên cũng có tuốt.
Hình như anh có lý, nhưng…
*
Tôi đến thăm anh bạn thứ ba. Anh là giám đốc một tổng công ty đang ăn nên làm ra. Thấy tôi đến anh vui lắm. Anh khép ngay cửa phòng làm việc và dặn dò cô thư ký:
- Không liên hệ với bất cứ ai. Kể cả ông đùng.
Nói xong anh còn cẩn thận cắt bốn máy điện thoại trên bàn và cả máy di động. Vừa cắt điện thoại anh vừa vui vẻ nói:
- Cái anh điện thoại nhiều khi cũng bất tiện. Cực nhất lúc đang ị mà chuông cứ reng reng, sốt cả ruột.
Rồi đột ngột anh nghiêm giọng hỏi tôi:
- Lấy vợ rồi hả? Cô ấy bao nhiêu tuổi? “Anh” có hơn bố “em” một tuổi không?
- Đã lấy đâu! Tìm khó quá!
- Đừng quan trọng hoá vấn đề! Thượng vàng hạ cám dùng được tất. Vợ trẻ có cái hay của trẻ. Vợ già có cái hay của già. Vợ xấu có cái hay của xấu. Vợ đẹp có cái hay của đẹp. Lấy đại đi rồi thiếu đâu bổ sung sau, hoàn chỉnh dần. Chuyện vợ nó như chuyện doanh nghiệp của tôi ấy mà: làm ăn được thì mở rộng quy mô, tuyển thêm người, tăng sản lượng; làm ăn khó khăn thì thu hẹp quy mô, sa thải bớt công nhân, giảm sản lượng.
- Nghe theo ông thì chỉ có nước đi ngoại tình.
- Ngoại tình chứ sao. Trên đời này có đứa đếch nào chung thuỷ mà chê ngoại tình. Thuỷ chung chỉ là một khái niệm để cuộc sống thêm mơ mộng, lãng mạn thôi. Tất cả là ở điều kiện. Điều kiện, ông hiểu không? Không có điều kiện thì chung thuỷ. Có điều kiện thì thôi. Ông thấy các cơ quan, công sở bây giờ ngoại tình sao nhiều thế! Đừng vội chê họ, tất cả nó nằm ở trong cái chữ điều kiện ấy. Ngay bản thân tôi, đứng đắn là thế mà có giữ nổi mình đâu. Các cụ dặn: khôn ba năm dại một giờ, mình nhớ như đinh đóng cột, thế mà khi có điều kiện tự nhiên quên tịt đi. Ông bảo, làm giám đốc như tôi tiền có, gái gú vây quanh, điều kiện thế có là công công cũng không giữ nổi trinh tiết, đừng nói là mình. Vấn đề là cứ lấy vợ đi, rồi muốn vợ chung thuỷ thì tìm cách cắt đứt mọi điều kiện để buộc nó phải thuỷ chung ông ạ.
- Rối rắm quá, có lẽ tôi không…
- Cứ lấy vợ. Lấy để giống mọi người. Lấy để không ai thương hại. Nhưng không được kỳ vọng vào nó.
- Làm thế nào để đừng kỳ vọng?
- Dễ ợt. Uống một viên kháng kỳ vọng là được. Như tôi hiện nay vừa có vợ vừa nuôi một em sinh viên làm thuốc kháng. Chán vợ thì sang em, như thế vừa đỡ tốn, vừa sạch sẽ, vừa an toàn, vừa nhân ái.
- Ông nói nhân ái?
- Nhân ái chứ sao. Em không có tiền ăn học, về quê làm ruộng hay làm điếm để có bằng? Được ta nuôi, em có tiền ăn học, có nơi ở riêng yên tĩnh để học hành. Khỏi phải lăn lóc thị trường, khỏi phải giao du với bọn du thủ du thực đầu trộm đuôi cướp… Ông bảo thế mình có nhân ái không? Ông có thích, tôi tìm cho một cô. Sinh viên đại học Xã hội Nhân văn, sinh viên Luật, Sư phạm… có tất. Ông ít tiền, mỗi tháng chỉ cần chi cho em khoảng dăm bảy trăm là đủ.
Hình như anh có lý, nhưng…
*
Tôi đến thăm anh bạn thứ tư. Anh là một nhà văn lớn hơn cỡ nhỡ nhỡ một chút. Trông thấy tôi, anh vừa cười ha hả vừa nói:
- Đến báo tin buồn hả? “Tôi lấy vợ” là “vơ lấy tội”.
- Có ai đâu mà cưới với xin.
- Thế thì may rồi. Bao nhiêu đứa thèm được vợ chết như ông mà có được đâu. Thành tâm cầu khẩn, khấn vái hàng năm mà hình như nó càng ngày càng khoẻ ra mới kinh, đúng là giời đánh thánh vật không chết. Ông đã gặp may thì cứ thế mà hưởng.
- Quan niệm như bố làm gì chẳng coi việc cưới xin là việc buồn.
- Ai chẳng thế, riêng gì tôi. Ngày cưới chính là ngày hai đứa tự nguyện ký đơn xin ly hôn đấy ông ạ.
- Có thuốc giải buồn đấy, ông có dùng không?
- Tuỵêt. Cho tôi uống đi.
- Thắng nó bảo tôi, mỗi tháng chịu khó bỏ ra năm bảy trăm nuôi lấy một em sinh viên, nó tìm mối cho, muốn sinh viên trường nào cũng có.
- Tuyệt! Tuyệt quá! Ngoại tình cũng có cái hay của nó. Trong vợ chồng, đứa nào ngoại tình đứa ấy dễ cảm thông và độ lượng. Mình làm trước đi, làm nhiều vào, nói dại nếu sau này vợ nó có nhỡ ngoại tình thì mình cũng dễ cảm thông, tha thứ. Thế gian được vợ hỏng chồng, vậy thì mình hỏng đi cho vợ được. Nhưng… nhưng tôi bói đâu ra tháng dăm bảy trăm, hay là… tôi với ông góp vốn nuôi chung một em, xong chưa?
- Xong! Nhưng mình chọn em học ở trường nào?
- Học ở trường nào cũng được, mỗi trường có cái hay riêng của nó. Nhưng tôi thích chọn em ở Sư phạm, cho nó có đạo đức.
- Đúng! Tuyệt đúng! Chọn Sư phạm cho nó có đạo đức!