Nhà tôi sống ba thế hệ. Quan điểm: việc ai nấy làm. Không liên hệ đến mình thì đừng có can thiệp. Mỗi cặp vợ chồng một bếp riêng. Hiếm khi thấy ai ngó vào buồng cũng như nồi của nhau. Hàng ngày, chỉ hay chạm mặt ở một căn phòng nhỏ. Nhà tôi gọi đó là phòng sinh hoạt gia đình.
Căn phòng hẹp nhưng khá xinh, sắp xếp bố trí đâu vào đấy, đủ chỗ ngồi cho tất cả các thành viên. Ghế nhựa xếp. Bàn hình bán nguyệt. Ti vi màn hình phẳng treo trên tường. Cạnh bên là bốn bức tranh đông tây kim cổ. Bố quy đinh: Mỗi người được chọn, treo, bầy ở đây một thứ gì đó. Có điều phải gọn và tròn cạnh. Tương lai nhà ta nhiều trẻ nhỏ, không nên để tồn tại bất cứ nguy cơ nào có khả năng gây thương tích. Chồng tôi rất thích câu nói ấy của bố vợ. Anh bảo: Khoái thật. Chẳng có lý do gì để chúng ta ra đi. Dù ai nói “ở rể như chó chui gầm chạn” anh cũng mặc. Đời quan trọng là được thoải mái. Ở thế này thật khoái!
Chị dâu sắm dàn loa đài hiện đại. Tôi bầy ra hai bộ ấm chén. Một để cho gia đình, một dành khi tiếp khách. Đi thì chớ về đến nhà là tôi lại thích ngồi trong căn phòng sinh hoạt. Cảm giác ấm cúng thường đến mỗi khi tôi bất chợt ở đâu đó mà nghĩ về nhà.
Ngôi nhà thiết kế kiểu Pháp. Cửa sổ rộng, hai lần cửa. Cửa chớp ngoài, được đan tấm cầu kỳ. Cửa kính trong, chia nhiều ô nhỏ, lấy dư ánh sáng trời, khi mở phải đẩy lên chứ không đưa sang hai bên. Ban ngày không cần bật đèn như nhiều kiểu nhà hiện đại.
Hồi mới chuyển về ở, lúc khuân đồ, mải lo tìm chỗ đặt, anh Hường va cả bó thang giường vào cửa sổ làm vỡ mất một ô kính. Đang vui nên mọi người thấy cũng bình thường. Còn bảo, thế lại hóa hay, có chỗ cho gió lọt vào. Kính tất thế kia e kín quá. Cửa chính ra vào phải khép ngay, kẻo nhà mặt phố, không cổng, dễ sơ sểnh.
Cũng có đôi lần mẹ nói “Nhà mặt phố cứ bụi bụi là. Gặp bữa trời dông, bụi bay đầy nhà” tôi liền nghĩ đến chuyện sửa ô kính vỡ. Nhắc chồng, anh cười: Có tiếc không? Nhờ nó mà ngày còn yêu nhau anh gọi được em đó. Lúc tạm biệt, anh vẫn thò vào để nắm tay thêm một chút còn gì. Thấy tôi im lặng, anh lại bảo: Sửa cửa? Tốt thôi. Nhưng dào ơi, còn bao nhiêu chuyện, liệu ngày mai em có nhớ mà lắp không?
Tôi không nhớ thật. Vào cái lúc nhớ thì không khả thi vì đang trong bếp, giữa buồng tắm hay trên giường ngủ. Khi rảnh, có thể làm, tôi lại quên hoặc ngại. Vả lại, không ai nói ra nhưng nhờ ô cửa hổng ấy mà thêm tiện nhiều thứ. Thay vì nâng khung kính lên thì nhờ nó có thể thò tay hay ngó cổ ra ngoài dễ dàng. Hàng xóm có việc gì cũng cứ đứng chỗ ấy để nói, đỡ được mấy bước chân. Dần dà, ai cũng quen và tìm thấy một điều thuận lợi từ ô cửa hổng. Chẳng mấy ai nâng khung kính lên để đóng cửa chớp, kể cả khách. Tội gì, khi chỉ việc thò tay qua ô cửa hổng mà kéo.
Nhiều lúc, cu Nhím con anh Hường còn leo tót lên ghế, ngả người tập ném hạt táo qua ô kính vỡ. Bố tôi thấy cháu chơi ngồ ngộ cũng đi tới tham dự. Hạt nào chui qua được hai ông cháu lại quay sang nhau cười khoái chí.
Cứ thế, lỗ hổng tồn tại cùng gia đình tôi như vốn nó vẫn vậy. Nhiều cái tiện dần được coi như hiển nhiên chẳng ai để ý hay nhắc đến.
Một lần, dở buổi từ cơ quan về cho bé Bi ăn, tôi thấy mẹ than: Sắp hết đông mà còn lạnh. Gió vẫn lùa qua ô kính vỡ. Nếu đóng cửa chớp thì nhà tối. Đêm về, tôi kể cho chồng nghe. Anh nằm trằn trọc một lúc rồi dựng tôi dậy: Em ạ, anh nghĩ rồi, vợ chồng mình mua máy điều hòa nhé. Mua cho con ở nhà với bà đỡ khổ.
Chúng tôi mua máy điều hòa ngay trong buổi sáng hôm sau. Và dầu không nhớ, cái ô kính vỡ đã được mấy anh thợ lắp điều hòa thay sửa. Anh Hường đi làm về vẫn tưởng ô cửa còn hổng cứ thẳng tay đưa ra để kéo cửa chớp. Cộp! Thế là đau, là buông lời chửi: Tiên sư nó!
- Tiên sư là tiên sư thế nào? Ai bảo đã quen thói lợi dụng chỗ hổng. - Chị dâu cả trề môi.- Lại đây em thương. Gớm, đỏ cả lên đây này. Phải tội như con mèo. Lúc nãy cũng quen thói, nó không chịu vào nhà theo lối cửa chính, lao vèo một phát, lăn cu lơ ở sân ấy chứ.
Tối, mất điện, cả nhà tôi thắp nến ngồi quây quần. Chuyện trò đủ thứ. Từ châu Mỹ sang châu Âu, từ Lào Cai tới Bạc Liêu. Từ chuyện vợ ông hàng xóm đến con mèo nhà mình tháng này không kêu đêm. Chắc nó có chửa. Bỗng anh Hường nhìn bâng quơ ra cửa sổ buông một câu: Trời đến tệ!
- Cửa kính sửa, kín quá hóa bí. - Tôi nối lời, bỏ dở dự đoán mèo sẽ đẻ mấy con. - Có khi để hổng còn hay hơn. Thực ra, kính trong, có kính hay không có kính cũng rất khó nhìn thấy. Nói tóm lại là chỗ hổng chả ảnh hưởng mấy đến vẻ đẹp ngôi nhà nếu ta không xem xét kỹ, nhìn nó từ nhiều góc độ.
- Gớm sao mà em lắm chuyện. Không lắp kín, chạy máy điều hòa có mà chết điện. - Chồng tôi đặt vào tay tôi chén nước chè.- Uống đi cho hạ hỏa.
- Nhưng mà có khi hè lại khó thở. - Tôi gân cổ.
- Tại vợ chồng chị chứ ai. Có phải ai cũng có tiền mua điều hòa đâu.
- Hoàn thiện đến đâu tốt đến đấy, bàn quấy làm gì. - Mẹ tôi nhắc nhỏ.
- Không còn lỗ hổng cho anh tận dụng nên khó ở chứ gì? - Tôi liếc xéo anh Hường. Anh bĩu môi: Anh mày mà thèm tận dụng?
- Tận dụng đâu là chuyện lạ. Sự thiếu sót khập khiễng trong đời sống đôi khi làm ta nhăn nhó, không hài lòng, nhưng nó vẫn tồn tại. Và rồi vô tình ta lại phát hiện ra một tiện ích nào đấy. Hoặc nó cứ vậy, đến với ta mà ta không để tâm cũng không từ chối. Mải tận dụng sự thiếu hụt ấy cho mình mà quên việc bù đắp cho nó. Ta quên lấp cái sự không bình thường. Nhà mình đã biến sự bất thường thành bình thường, phần do lợi ích, phần bởi vô tâm. Đến khi nó trở về cái sự vốn dĩ phải thế thì ta lại khó chịu. Khó chịu vì không còn được mưu lợi, tận dụng từ nó nữa. Ta khó chịu cũng vì ta chỉ nghĩ đến ta. Bỏ qua đi các con.- Bố tôi vừa ôm cu Nhím vừa giảng giải. Hiếm khi bố nói dài đến vậy. Tính ông đơn giản. Chắc tại mất điện. Xung quanh tối om. Mọi người cảm thấy gần nhau hơn.
- Hay ta phải thay kiểu cửa khác? - Chồng tôi nói nhẹ. Tôi nhấn giọng: Đúng. Không nhất thiết phải giữ kiểu cổ này. Cứ nâng cửa kính ở trong lên mới đóng được cửa ngoài, nhiều lúc bực cả mình.
- Nhưng thế thật tốn kém. Chả lẽ vì một cái nhỏ mà phải thay đổi toàn bộ. Cái tiểu tiết lại quyết định cái đại cục ư? Khốn khổ. Không được. Nhất quyết không được. - Chị dâu bỏ con dao với quả soài xuống bàn ngồi thừ ra. Tôi đập chiếc khăn ăn của bé Bi vào vai chị cười cười - Nhưng cái chốt nâng cửa bắt đầu han rỉ rồi đấy. Chưa thay đổi cũng phải sửa nó đi không có ngày nó chặt gẫy tay.
- Cô cầu ác cho mọi người đấy à? - Anh Hường chồm người về phía tôi cốc một cái rõ đau. Tự dưng tôi nổi cáu.- Cái anh này! Em nói nghiêm chỉnh.
- Thôi các con - Mẹ rên.- Gì đâu mà làm to chuyện. Có mỗi ô cửa nhỏ...
- Nhưng mẹ nhìn bản mặt nó kìa. Còn lên giọng dạy dỗ. Thứ giọng ấy không phải muốn gieo chuyện ác thì cũng tại chưa khóa được mồm người khác đành nói càn.
- Chúng bay giỏi, ra đốp chát người ngoài! Mẹ nói thế mà còn cố khích nhau.- Bố tôi tự nhiên nhổm lên. Ông bỏ dở hột xoài đang gặm, ném vọt ra cửa sổ. Ôi thôi, đâu như trước đây, còn cái lỗ hổng ấy mà có đường bay cho hột xoài. Thế là “Choang!”. Kính nứt toác. Bé Bi giật thót người. Cu Nhím cười hà hạ.
- Đúng là đồ dởm. Đáng phải thay kính 10 ly đi lắp kính 2 ly nên nó mới dễ vỡ thế chứ. - Anh Hường nói giọng khoảnh. - Từ giờ, anh mày không thèm nhắc đến nó nữa. Tùy! Mày đi mà dọn thủy tinh, em nhé!
Bố tôi dắt cu Nhím, mẹ tôi bế bé Bi đi về phòng. Tôi với chị dâu lọ mọ lượm thủy tinh. Chồng tôi cẩn thận gỡ những mảnh vỡ còn sót lại, bị cứa chảy máu tay. Lấy giấy ăn miết miết từng viên gạch hoa tôi lẩm bẩm: Không lau kỹ lũ trẻ dẫm phải thủy tinh thì chết. Mà, thợ điều hòa thay kính mỏng chứ em à?
Sang xuân, không chạy máy điều hòa nên vợ chồng tôi cũng lần khân chuyện lắp kính. Mọi người lại thò cổ qua ô cửa hổng, ngóng người nọ với cái kia thay vì đẩy cả khung kính nặng chịch. Tôi cũng dần trở lại với thói quen cũ. Chỉ có anh Hường với cu Nhím là nhất quyết không. Có khi anh chót thò tay ra lại rụt vào, nâng khung cửa kính lên rồi mới vứt nhúm râu vừa rứt hay sợi lông nách mới nhổ được. Tay này thò ra vứt, tay kia anh nâng hờ khung cửa kính. Tính anh Hường vậy, hay chấp vặt. Nhím bảo Nhím thích giống bố. Nhưng cu Nhím thì không dài tay đến thế. Nhím phải kê sát chiếc ghế gần của sổ, cong người mới nâng được cửa kính.
Sáng nay trời đổi gió. Cành nhãn ngoài sân bị gió táp cứ quệt lạt xạt vào cửa sổ. Bà lên tầng thu quần áo bảo Nhím ngồi ôm Bi. Nhìn ra thấy lá quệt hay hay, cu Nhím thích quá, đặt bé Bi xuống đất rồi kéo chiếc ghế đến bên cửa sổ, đưa tay qua ô cửa hổng. Chợt nó nói một mình: Ồ, không được! Gió đưa đi đưa lại, chiếc lá ghé vào rồi lượn ra. Con mèo nhảy lên thành cửa sổ giơ chân cào cào. Nhím cố nâng khung kính. Nó định vặt lá nhãn cho em Bi…Nhưng chốt rỉ bị bửa…
Sầm! Khung cửa kính trượt lẫy bập mạnh xuống. Máu bắn cả lên mặt Bi.
Mẹ tôi vừa xuống nhìn thấy lăn ra chết giấc. Cả nhà nháo nhào. Hàng xóm lao sang giúp. Người đưa cu Nhím đi bệnh viện. Người chạy ra chạy vào. Ai cũng bảo: May có con mèo đỡ. Tại cái kiểu cửa này! Phải thay thôi!./.