Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.110
123.143.019
 
Ngỡ ngàng
Huỳnh Văn Úc

Cách đây hơn 20 năm, vào những năm cuối của thập niên 80 thế kỷ trước, tôi là sinh viên một trường đại học lớn ở Mát (cách dân ta gọi tắt Matxcơva). Sau khi tốt nghiệp, tôi chưa một lần trở lại nước Nga, nên những kỷ niệm mờ nhạt về cái thủ đô cổ kính và có vẻ đẹp huyền ảo ấy đọng lại trong tôi chỉ còn là phố cổ Arbat, trên đỉnh tháp Kremli lung linh những ngôi sao màu đỏ khi chiều dần buông màu tím, hàng thuỳ dương mờ in bóng bên sông Matxcơva, tiếng tàu đêm chập chờn đi về phía chân trời; đêm đi chơi khuya về, thả bộ trên phố mang tên nhà thơ Lermontov, đến chỗ quảng trường có bức tượng toàn thân của nhà thơ đứng trầm ngâm ngắm nhìn thế sự chợt thấy con mèo hoang dẫm trên tuyết trắng, đôi mắt phản chiếu ánh điện xanh lè…

 

Điều làm tôi còn nhớ rõ nét hơn là những trò ma mãnh thời sinh viên, thí dụ khoan một lỗ nhỏ trên đồng xu 5 kopec, buộc sợi chỉ vào đó rồi thả qua khe hở của máy điện thoại công cộng, gọi xong lại kéo đồng xu ra như thể ta câu ếch. Năm kopec một lần gọi, số tiền không đáng kể, nhưng 100 kopec là 1 rup, mà sinh hoạt phí sinh viên chỉ được 70 rúp một tháng, thì cái sáng kiến để được xài điện thoại chùa cũng giúp dôi ra một khoản đáng kể. Chúng tôi gọi nhau để thông báo : “ Này! Ở cửa hàng bách hoá gần ga metro Smolenskaya mới về nồi hầm đấy, mau ra xếp hàng mua kẻo hết !”; “ Không phải xếp hàng! Cứ dúi cho mấy con bé bán hàng dăm thỏi sôcôla, muốn mua bao nhiêu, các em chiều tất.” ; “Ở nhà khách gần ga Pionerskaya có mới đến đấy” .là những cán bộ đi công tác từ trong nước mới sang, tiếng Nga không biết, phố xá lạ lẫm, có mang theo ít hàng cần đổi ra tiền rúp, rồi từ tiền rúp lại đổi thành bàn là, dây may-so, nồi hầm…thì lại phải nhờ đến sinh viên, những thổ công xó xỉnh nào cũng biết.

 

Hồi ấy tôi đang học năm cuối, anh là thực tập sinh, hai anh em có cùng thầy hướng dẫn là ông E. A. Egorov ở Khoa Điều khiển tự động. Tôi là bí thư chi đoàn, anh là cấp uỷ viên được phân công phụ trách thanh vận, nên tuy khác chỗ ở, tôi ở ký túc xá, còn anh ở “ốp” ( nhà tập thể) dành cho nghiên cứu sinh và thực tập sinh, tôi và anh vẫn thường xuyên gặp nhau để trao đổi công tác. Tuy hơn tôi chỉ khoảng bảy tám tuổi, nhưng khuôn mặt xương xương, đôi môi hơi dầy, thỉnh thoảng nhếch một nụ cười khi lắng nghe tôi nói, mắt linh hoạt với đôi lông mày hơi rậm…tất cả những cái ấy tạo nên trong tôi hình ảnh một con người đứng đắn, mẫu mực, là tấm gương để tôi phấn đấu noi theo trên bước đường tu dưỡng bản thân để có thể đứng trong hàng ngũ của Đảng như anh.

 

Rồi đến một buổi chiều, hai anh em lại gặp nhau như thường lệ để anh hướng dẫn nội dung buổi họp chi đoàn sắp tới, mặt anh sượng sùng, nói năng vấp váp, lại còn nói gở là lần sau sẽ có người khác làm việc với em…Tôi hơi thắc mắc nhưng không tiện hỏi, rồi buổi gặp nhau cũng nhanh chóng qua đi. Trở về ký túc xá, thằng bạn mắt tròn mắt dẹt bảo tôi : “ Này! Mày đã biết gì chưa, trường mình có chuyện đấy, cái ông cùng làm việc với thầy Egorov của mày đấy…”, “ Thì làm sao, nói nhanh lên, ỡm ờ mãi”, “Ông ấy đi đánh quả nồi hầm ở cửa hàng gần ga Smolenskaya, cũng chẳng được nhiều, ngót hai chục chiếc thôi, nhưng đưa hàng ra tắc xi, lúc xe sắp chuyển bánh thì bị mấy con bé bán hàng và thằng thủ kho ra ách lại vì phát hiện chúng nó bị hụt mất hai chiếc. Tao chẳng rõ thực hư thủ đoạn thế nào, nhưng ông ấy đã phải đặt bút ký vào biên bản, có một thằng ở lớp mình đứng xớ rớ ở đó ký tên làm chứng, chỉ nay mai thôi là biên bản về đến trường…”

 

Dừng một lát, nó thở dài rồi chép miệng: “Tao nghĩ, ông ấy cũng có lắm tiền, mỗi chiếc nồi hầm 14 rúp, hai chiếc, bõ bèn gì!”

 

Sự việc sau đó đi đến đâu, tôi cũng không rõ, chỉ biết sau đó gặp gỡ công tác với tôi không phải là anh nữa, mà là một người khác trong chi bộ; những lần chạm trán với tôi ở văn phòng của thầy, mặt anh sượng sùng, nói năng qua quít. Tuy vậy, anh vẫn ở hết kỳ hạn của thực tập sinh, về nước trước tôi một tháng.

&

Một buổi tối gần đây, nằm thư giãn sau bữa ăn, mắt lơ đễnh nhìn lên tivi, hình như trên đó đang là buổi phát hình về đề tài chống tham nhũng. Thằng cu Tí bên cạnh cứ mè nheo, đòi bố: “ Con ứ xem cái này đâu! Mở hoạt hình cho con cơ, kênh CN ấy, mở đi!”, “ Yên nào, từ từ đã nào!”. Đột nhiên, tôi ngồi phắt dậy, bước mấy bước, mắt dán vào màn hình: trên chủ tịch đoàn một hội nghị quan trọng được truyền trên VTV1, ống kính phóng viên dừng rất lâu ở khu vực anh ấy ngồi nên tôi có dịp ngắm kỹ khuôn mặt quen thuộc, dẫu đã hơn 20 năm trôi qua, nhưng con người ấy làm sao tôi quên được cùng với những kỷ niệm một thời lưu học sinh ở Mát. Khuôn mặt ngày ấy xương xương, bây giờ sung mãn, sự mãn nguyện tràn đầy trên đôi má nung núc, cái mũi thẳng màu hồng, đôi môi hơi dầy thỉnh thoảng nhếch một nụ cười khi lắng nghe ý kiến phát biểu của diễn giả, đôi mắt linh hoạt với lông mày hơi rậm. Ống kính phóng viên còn đặc tả cảnh anh giở sổ tay ra ghi chép, chiếc bút bi màu xanh lướt nhanh trên trang giấy chi chít chữ.

 

Tôi thực sự ngỡ ngàng: “Ôi! Anh! Đúng là anh rồi! Anh của hơn hai mươi năm trước và bây giờ, giống nhau và khác nhau biết bao nhiêu!”

 

Hà Nội, tháng 7-2008

Huỳnh Văn Úc
Số lần đọc: 3292
Ngày đăng: 03.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ô cửa hổng - Quỳnh Linh
Những mảnh vỡ (2) - Nguyễn Thị Hậu
Biển của hai người - Mang Viên Long
Nửa gánh câu hò - Nguyễn Đặng Mừng
Cho nó có đạo đức - Lê Mai *
Chỉ tại con ruồi - Trần Kỳ Trung
Ái quốc - Lê Hoài Lương
Ký ức làng - Nguyễn Hải Triều
Cánh đồng mùa gặt khô - Trần Vũ
Khách thương hồ - Hào Vũ
Cùng một tác giả
Nguyễn Tuyết Lê Sen (truyện ngắn)
Dã man ! (truyện ngắn)
Ngỡ ngàng (truyện ngắn)
Trực chiến (truyện ngắn)
Mèo ơi ! (truyện ngắn)
Cu Tí (truyện ngắn)
Ký ức Trường Sơn (truyện ngắn)
Ba điều ước (truyện ngắn)
Bà lão hàng xóm (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Nể vợ mày (truyện ngắn)
Chồng tôi và thơ (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Trả nợ miệng (truyện ngắn)
Phố tím (truyện ngắn)
Người em họ (truyện ngắn)
Thủ trưởng (truyện ngắn)
Chị Bông (truyện ngắn)
Có thờ có thiêng (truyện ngắn)
Thằng Bờm mất ao (truyện ngắn)
Số phận con Cún (truyện ngắn)
Một mất mười ngờ (truyện ngắn)
Ai thắng ai ? (truyện ngắn)
Con cá chép (truyện ngắn)
Lão Hạp (truyện ngắn)
Bánh vẽ (truyện ngắn)
Hoa cỏ may (truyện ngắn)
Có tật giật mình (truyện ngắn)
Số đỏ (truyện ngắn)
Thằng nhà quê (truyện ngắn)
Xung đột (tạp văn)
Luật rừng (truyện ngắn)
Tai qua nạn khỏi (truyện ngắn)
Ngủ đường (truyện ngắn)
Hoa hồng có gai (truyện ngắn)
Anh yêu em! (truyện ngắn)
Song Hỷ (truyện ngắn)
Luân hồi (truyện ngắn)
Chuyện động trời (truyện ngắn)
Bộ mặt thật (truyện ngắn)
Thằng mất dạy (truyện ngắn)
Tấc đất tấc vàng (truyện ngắn)
Cái vạ văn chương (truyện ngắn)
Sinh ngày 13 tháng 7 (truyện ngắn)
Ngẩu pín (truyện ngắn)
Bản ấn đền Trần (truyện ngắn)
Nhạc vàng (truyện ngắn)
Một thời vang bóng (truyện ngắn)
Con vẹt (truyện ngắn)
Đồ quỷ! (truyện ngắn)
Tinh thần thể dục (truyện ngắn)
Ngọn lửa bất diệt (truyện ngắn)
Bóng đè (truyện ngắn)
Bất hiếu (truyện ngắn)
Dỗi (truyện ngắn)
Chiến tranh (truyện ngắn)
Thơ thẩn (truyện ngắn)
Ông ngoại (truyện ngắn)
Tình muộn (truyện ngắn)
Giông tố (truyện ngắn)
Nạp Phi (truyện ngắn)
Lời Trăn Trối (truyện ngắn)
Theo đóm ăn tàn (truyện ngắn)
Ngục Trung Ký Sự (truyện ngắn)
Cá Gỗ /Stop! (truyện ngắn)
Đẻ Khó (truyện ngắn)
Thơ Lạc Vần (tạp văn)
Putin Rơi Lệ (đối thoại)
Oan Cho Hắn Quá! (đối thoại)
Khổ Thân Thằng Mõ (đối thoại)
Kê Cân (đối thoại)
Một Phần Vạn (đối thoại)
Vũ Như Cẩn (tạp văn)
Chuyện chàng cốc sĩ (truyện ngắn)
Ksenia Sobchak (đối thoại)
Ngọn giáo (đối thoại)
Anhekđot (đối thoại)
Alexey Navalny (nhìn ra thế giới)
Tổng thống suốt đời (nhìn ra thế giới)
Tổng thống và rượu (nhìn ra thế giới)
ĐỐI THOẠI (truyện ngắn)