Đã hai lần tôi trở lại miền đồng bằng Beaumont, bang Texas xem Hội ngày mùa, nhưng lần nào cũng về lỡ dịp. Tiếc lắm, biết thế nhưng “muộn còn hơn không”. Nói vậy cho vui, để người bạn cầm lái phấn chấn tinh thần trong chuyến đi tìm về “gốc rạ quê người” mà anh chưa từng được thấy trên đất nước mênh mông này. Cứ đi, biết đâu hội mùa lại chờ mình hay mình đang mong chờ mùa hội tới?
Câu chuyện trên đường chỉ xoay quanh con trâu, ruộng lúa, bờ tre. Chuyện chỉ có thế nhưng lại làm lòng anh rộn rã. Ánh mắt sáng lên ẩn chứa đầy cảm xúc như thể đang vẽ những lời nói thành một bức tranh thôn dã nơi miền quê xa tít của anh qua lăng kính chiếu rọi về quãng thời gian xưa cũ!
Hơn hai mươi năm xa cách chưa một lần về lại quê hương! Có thể đó là quãng thời gian dài đối với một đời người. Hai mươi mấy năm sống ở xứ người, anh đã làm được nhiều chuyện mà nhiều người vẫn còn mơ ước. Rồi tự dưng hôm nay anh lại thích tìm về đồng ruộng khi nghe tôi rũ đi Hội ngày mùa. Anh nói nào giờ có biết ruộng đồng xứ Mỹ. Đi học, đi làm, lấy vợ, sinh con, quanh đi quẩn lại thành phố này qua thành phố nọ. Nhìn thấy chỗ nào cũng hao hao, có chi lạ. Họ cũng như mình, mình cũng giống họ quẩn quanh hết ngày hết tháng, lập đi lập lại như cỗ máy cài sẵn chương trình. Có thể cơn lốc cuộc sống đã cuốn anh quay theo năm tháng miệt mài, giờ dường như đã chậm lại để cho anh có thể nhìn thấy thế giới này còn nhiều điều chưa biết.
Anh đã từng đi biển Galveston bao lần, nhưng chưa lần nào thử chạy xe về một hướng khác, hướng về đồng bằng Beaumont thoai thoải nằm bên trái Houston và bán đảo Galveston. Chỉ cần chệch hướng chút thôi thì một thế giới khác sẽ hiện ra. Cái thế giới của những cánh đồng lúa bát ngát dập dờn trong gió dễ làm rung động lòng người và lắng đọng tâm tư tình cảm cố hương. Hình ảnh đó đã khắc sâu vào ký ức của cậu thiếu niên chân quê ra đi từ trong rơm rạ ngày nào, bây giờ hoài niệm đó lại rộn lên, chảy trong mạch sống con người anh một cách mạnh mẽ...
*
Beaumont kia.
Bỏ qua thị trấn bé nhỏ và buồn hiu, đi qua những nhà máy xay xát lúa gạo hình dáng to kềnh như một gã khổng lồ há miệng ngày đêm ăn sạch lúa của đồng ruộng Beaumont giàu có. Rẽ vào con đường quê vắng lặng, tách biệt hẳn dòng xe cộ ồn ào, bước vào một cuộc sống khác - trầm lắng đậm đầy chất thiên nhiên và chứa chan tình cảm. Thi thoảng một chiếc truck cũ kỹ vụt qua, người tài xế không quen vẫy tay chào khách lạ trên đường. Hai bên là đất ruộng xa tít tấp trên cánh đồng rộng cả trăm ngàn mẫu Anh.
Khắp nơi lúa đã gặt xong. Trên vài cánh đồng nhỏ, đất đang được cày ải bằng những lưỡi cày khổng lồ tơi đỏ dưới nắng vàng tan biến thành một tấm thảm mịm màng kéo dài tận cánh rừng lờ mờ xa thẳm. Năm rồi về cuối tháng bảy, lúa chín vàng đồng giữa màu trời cuối hạ. Thế mà hôm nay, rừng chưa chuyển màu lá mà rạ đã ngã sang màu đất dưới chân mương nước nội đồng. Mùa gặt tháng chín vừa lướt qua kéo theo tháng hội ngày mùa bỏ lại sau lưng những âm hưởng của tiếng cười trong trẻo còn đọng trên môi các cô gái phục vụ ở tiệm ăn duyên dáng đang chào đón khách. Những đĩa cơm gạo mới với đủ cách chế biến trong ngày hội vẫn còn được phục vụ đến giờ lan tỏa mùi thơm làm thực khách ngồi ăn say sưa. Nhưng chính mùi hương ngai ngái của đám rạ bị băm vằm từng khúc nhỏ ngâm mục dưới chân mương lờn vờn trong từng đợt gió thu se sắt đang làm anh và tôi chếnh choáng. Cái mùi hương ấy không lẫn vào đâu được, đầy ắp mũi khi ta đi trên con đường quê đang vào mùa gặt hái.
Chúng tôi bỏ xe, đi thơ thẩn giữa chốn đồng không, vài nơi đất còn trơ gốc rạ. Nghe đâu năm nay Texas trúng mùa so với các tiểu bang khác trồng lúa như Lousiana, Arkanzas, Missouri, Mississippi, năng suất tính ra gần 7 tấn/hecta (tính theo đơn vị VN) - một con số mà người nông dân mình từng ao ước. Ấy thế mà sản lượng của các tiểu bang phía Nam vẫn theo không kịp ruộng lúa ở California lúc nào cũng đạt năng suất 9 tấn/hecta nhờ thuận lợi về khí hậu và thời tiết.
“Ước gì nông dân xứ mình có được những đồng ruộng như thế này” anh nói vu vơ trong gió. Vâng, đó là ao ước muôn đời của người nông dân mình! Ngồi trên bờ mương, anh làm bài toán kinh tế giùm cho nông dân xứ mình theo cái bệnh nghề nghiệp cố hữu. Kết quả nghe thấy buồn cho người nông dân tay lấm chân bùn bao đời gắn bó với ruộng đồng nhưng không thể nào giàu được. Nền văn minh lúa nước kéo dài mấy ngàn năm cũng không sao bằng cây lúa đất này mới khai phá vài trăm năm. Một hạt lúa giống ở nền nông nghiệp cơ giới có thể mang lại ba ngàn hạt gạo dù là trồng ở ruộng nước hay ruộng khô nói theo cách của Viện khoa học lúa gạo quốc gia Arkansas... Nếu con số khô khan đó có thể làm cho người khác thêm buồn, thêm tủi, thôi thì đừng nói. Đừng đem ra so sánh! Nói chuyện về hạt gạo nước Mỹ có lẽ hay hơn chăng.
Hạt gạo đã có từ hơn năm ngàn năm trước từ Trung Hoa sang Ai Cập cổ đại, từ Trung Đông sang châu thổ sông Nile. Rồi vượt qua các châu lục để dựng nên những truyền thuyết. Và đến bây giờ trở thành lương thực nuôi sống hai phần ba con người trên trái đất này. Thế nhưng, khởi nguồn hạt gạo nơi đây mới là câu chuyện lạ. Theo lịch sử, năm 1685, một con tàu từ Madagasca trôi dạt trong cơn bão biển tấp vào cảng Charles Towne của miền Carolina và Georgia ngày nay. Để trả ơn những người đã cứu chữa con tàu, người chủ tàu trao tặng dân làng nơi đây những hạt lúa vàng óng gọi tên theo đúng hình hài của nó “Golden Seede Rice”.
Những hạt giống đó theo thời gian nhân rộng. Vào năm 1700 tại vùng thuộc địa này đã sản xuất được hơn ba trăm ngàn tấn gạo xuất cảng ngược về mẫu quốc với cái tên Carolina Golden Rice như để ghi nhớ thành công khởi đầu của loại lương thực mới khai phá ở Tân thế giới. Từ đó lúa trồng bắt đầu lan rộng qua Louisiana, Texas, Arkansas và các tiểu bang chung quanh, rồi phát triển mạnh sang California vào thời hoàng kim của những người di dân mới khắp nơi từ châu Âu và đặc biệt di dân từ lục địa Trung Hoa đi Tân thế giới khai thác than và vàng. Gạo trở thành nguồn lương thực chính yếu và đã từng gắn bó với những người Trung Hoa từ bao thế hệ được chế biến thành những món ăn đa dạng, phong phú ảnh hưởng sâu rộng vào văn hóa ẩm thực của người phương Tây vốn từng chọn lúa mì, lúa mạch, bắp, khoai làm ngũ cốc chính trong bữa ăn hằng ngày.
Hội ngày mùa được tổ chức suốt trong tháng chín, sau mùa lúa hè thu. Trong hội ngày mùa, người dân khắp nơi trong vùng thường tổ chức thể thao, vui chơi, ca hát, trưng bày những giống gạo mới và thực phẩm làm từ gạo. Về giống lúa đến nay Viện khoa học lúa gạo quốc gia lưu trữ gần 140.000 giống lúa lai tạo từ gene qua các thế hệ, nhưng thực tế người nông dân chỉ sử dụng gần chục giống lúa cao sản cho hai mùa lúa mỗi năm. Cơ bản là loại gạo hạt dài, ngắn (trung bình), tròn, gạo lức, gạo đỏ (huyết dụ) gạo tím than (không phải nếp than) đủ loại mùi thơm, thậm chí có gạo nấu lên thơm ngọt như mùi bắp luộc. Đặc biệt hơn cả là gạo hoang hay “hạt ngọc” trời cho mà dân mình ở vùng Đồng Tháp Mười hay tứ giác Long Xuyên gọi là lúa ma lớn theo con nước vào mùa nước nổi. Nơi đây cũng vậy, lúa ma dài cả bốn thước và chịu được những ngày giá lạnh trong năm.
Loại gạo này hiện nay còn rất ít, mọc rải rác ở các vùng đầm lầy, hồ nước ở Minnessota, Utah, và biên giới giáp Canada. Trước đây vài trăm năm, gạo hoang hay Manomin là lương thực chính của người thổ dân. Nó còn nhiều tên gọi khác như “gạo da đỏ” (squaw rice), “yến mạch nước” (water oats), “yến mạch biên thùy” (march oats)..., nhưng giờ đây Manomin trở thành loại đặc sản khó tìm mà người sành ăn đặt cho nó một cái tên rất ấn tượng “Caviar of Grains” (trứng cá của ngũ cốc). Đó là những hạt gạo quý thiên nhiên cứ đến tháng tám và tháng chín là vào mùa gặt loại lúa hoang dại này trên khắp các ao hồ. Người thổ dân đi xuồng len lỏi trong đám cỏ hoang tìm cây lúa “ngọc”, dùng tay cắt, nâng niu từng bông lúa trĩu hạt thả nhẹ vào khoang, sợ đánh rơi từng hạt lúa. Ước chừng mỗi năm thu hoạch lúa này được chừng 1.300 tấn, nếu chia theo đầu người thì hơn hai trăm người mới được ăn một kilogram “hạt gạo trời cho”.
Trời đã vào thu, cái se lạnh của buổi sớm mai trong màn sương phủ trắng cánh đồng. Lòng đầy tiếc nuối nhưng đành bỏ lại sau lưng. Trên đường về chúng tôi chỉ mang theo chút âm hưởng của hội ngày mùa tháng Chín, để rồi lại hứa hẹn một mùa sau.