Tập thơ “Ký ức phù sa” của Trần Tịnh Yên phải chăng là bãi bồi hoài niệm của những nỗi buồn. Như Trịnh Công Sơn đã nói “Buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”, và buồn là một trong những căn tính bản nguyên của con người. Để rồi sau những hoài công kiếm tìm lời giải cho giấc mơ cuộc đời, tác giả đã nhận ra:
Những giấc mơ
chẳng bao giờ được giải mã
Tôi hoả táng tình mình
trong ký ức phù sa!
(Ký ức phù sa)
Tất cả mọi thứ rồi sẽ trôi theo dòng thời gian bất tận, còn lại chăng là một chút ký ức được lưu giữ não bộ, vậy mà con người vẫn đố kỵ, thù hận,… để cuộc đời mãi là bóng đêm cô độc khi hư vô ngự trị trên cõi người:
Ngày sẽ không còn
thánh thần hoang thai nấm độc
Vũ khúc của bầy sói
trên xác cừu non
vấy máu cô đơn
Vậy đó, khi mà thánh thần hoang thai nấm độc thì bầy sói nhảy múa, hát ca trên xác cừu non và khi tiếng mọt nghiến trên nóc nhà băng rã thì mỗi cá thể bước vào cơn lưu đày triền miên trong hành trình hư ảo :
Ngày sẽ không còn
tiếng mọt nghiến trên nóc nhà băng rã
Lưu đày chính bản thể mình
trên thân phận phù hư
(Nguyệt Quế)
Cảm nhận hạt muốn hư vô để thuỷ táng mình, chính là cảm nhận nỗi bơ vơ của kiếp người giữa biển đời mênh mông không bờ bến, trong “Phiên bản tôi” tác giả như nhận ra sự bất lực của chính mình:
Ngày lại ngày
đi qua âm bản cũ
Đời treo quán biển thiên thu
Cắn vỡ nỗi buồn giáp xác
Giữa bất diệt của sóng khuya
Gieo quẻ âm dương vào ngực gió
Dọc đường phù sa
Thuỷ táng mình
Trong hạt muối hư vô
Hình ảnh được tác giả lập lại nhiều lần trong tập thơ là ngực, trong “Có những mùa thu không vàng” có những câu:
Cầm tiếng thở qua đêm tóc rối
Sông hoá mây bay
Ngực người trở gió
Giật mình
Thu đã rêu phai
Hay trong “Ký ức Phù sa” nhà thơ đã che đậy những tiên cảm của mình sau ngực lá:
Tiên cảm về những lời yêu em
Giấu sau ngực lá
Và trong “Cổ tích sông”, tác giả đã dùng hình ảnh của ngực để làm biểu tượng cho sức sống của làng, với những hình ảnh gần gũi, thân thuộc của người Việt như: cơi trầu, lưỡi cày, cây lúa, giếng cổ, cây đa,… như chìm vào dấu tích xa xưa.
Sông cởi hồn
chảy qua ngực làng căng sữa
… Ngày ấy
lưỡi cày cũng biết đổ mồ hôi
bên cây lúa nghén đòng
hạt nước nảy mầm trong giếng cổ
Nơi cây đa gọi tâm linh về
khua mòn mười hai bến nước
Trong bài “Kén gió” Trần Tịnh Yên lại đưa ra hình ảnh ngực gai, chúng ta hãy hình dung những cây xương rồng đang vươn lên giữa nắng gió và cát trắng và ở đây mặt đất như là một bầu vú lớn của tạo hoá ban tặng muôn loài:
Gieo hạt trăng non vào vết nứt thời gian
nảy mầm trên lưng ngày sấm động
Cắn vỡ chân trời hồng thuỷ
Cắm cành xương rồng vào ngực gai
Gió và nước vốn không có hình tướng, vậy mà tác giả đã nhìn thấy ngực gió, nơi mà những cơn bão đen đang ngụ cư; cơn bão đen mà tác giả muốn nói đến phải chăng là sự lan truyền mãnh liệt của cái xấu đang trỗi dậy trong tâm thức xã hội, khi mọi giá trị bị đỗ vỡ:
Dự báo
về cơn bão đen
ngụ cư trên ngực gió
(Ngụ cư)
Trong những hình ảnh về ngực của nhà thơ, có lẽ hình ảnh ngực non là gợi lên cho người đọc sự liên tưởng đến một thiếu phụ quên cài cúc áo:
Em hồn độc mộc
lênh đênh sông dài
Ngực non
cúc áo quên cài
Thơ về núi
nhớ tóc mai lưng trời
(Blue đêm)
Các hình ảnh về “ngực” của nhà thơ như muốn gợi lên cho chúng ta một sức sống tiềm tàng trong tự nhiên. Trong tập thơ có nhiều bài lục bát và những bài thơ tự do có những hình ảnh mới được diễn đạt bằng ngôn ngữ của những thập niên trước, mặc dù tác giả đã cố gắng làm mới mình sau những heo may cũ.
Tôi nhận về
từ dị bản của dòng sông
Những tín hiệu
được lập trình
từ heo may cũ
Dự báo
về cơn bão đen
ngụ cư trên ngực gió
Sẽ đánh đắm mùa thu
đang mắc cạn
trong đồng tử lũ
Ký ức phù sa là nỗi nhớ dai dẳng về cội nguồn và những trăn trở trong hành trình đi tìm bản thể chính mình giữa hữu thể và thời gian mà tác giả gọi đó là tiếng kêu chiều của ngộ - nhận - hư - vô./.
Huế, 10/2008