“Ai về bến Ngự cho ta nhắn cùng.Nhớ chăng non nước Hương Bình có những ngày xanh, lưu luyến bao tình”(1) Để lại cố đô sau lưng và phiêu bạt tận một phương nào, người Huế lúc ấy mới thấm thía nỗi nhớ khôn khuây trong nhạc lòng Dương Thiệu Tước.Càng thổn thức nhiều hơn chính là lúc Tết đến xuân về.
Từ lâu, một dòng chảy nhạc Huế mang đậm chất hoài hương vốn đã mặc nhiên hiện hữu.Khó có thể liệt kê đầy đủ đã bao nhiêu danh tác đem tâm tình cùng hướng vọng cố đô ? Hiện tượng nầy không hẳn chỉ riêng phần lượng số mà còn ở phẩm chất nghệ thuật được nói lên qua thuốc thử thời gian.
Sự hình thành các ca khúc danh tiếng ấy thực ra, không nhất thiết thông qua một định hướng bó buộc nào.Vâng, có chăng là tuân thủ đích thực cảm xúc nội tại từ đáy lòng, đứng về phía con tim dạt dào của những người sáng tác.Những tác phẩm nghệ thuật chân chất không tạp pha, ve vuốt.
Lẽ ấy khiến dòng nhạc vượt thời gian và tồn tại đến hôm nay. Nó chưa từng bị lãng quên hay rơi vào chi phối nhất thời nào như các ứng tác phong trào thường thăng trầm theo vòng lăn quán tính.
Là một thứ tài sản để đời - không thể nào phủ nhận - đã góp phần đáng kể cho giàu có chung của xứ Huế…Niềm hãnh diện ấy không dễ có, xứng đáng được những miền đất khác trên quê hương tấm tắc, khát khao và chia sẻ…
Nhất là với những người cố đô còn triền miên trên mọi nẻo đường luân lạc…Dòng nhạc Huế hoài hương vẫn luôn là thứ hành trang chắt chiu, nguyên vẹn nhất.Một loại vốn liếng nhập tâm chưa
bao giờ thất lạc.Mức lay động và khả năng thâm nhập cùng với ấn tượng khảm khắc của nó đã vượt ra xa ngoài dự tưởng.Sức sống mạnh mẽ của dòng nhạc Huế hoài hương ấy, hiển nhiên đã và đang tự khẳng định một vị trí vững chắc ngay giữa nhiều dòng nhạc Việt khác…
Phải chăng, sâu thẳm trong bản sắc người Huế - Thuận Hoá, nói chung - đã sẵn có căn duyên từ tiềm thức một thời kỳ ly hương của tiền nhân, tổ phụ…Những người vượt về nam, qua“Hoành Sơn nhất đái”, từng lên đường mang gươm đi mở cõi.Từ đấy, nỗi lòng hoài hương mãnh liệt về chốn cũ quê xưa - đặc biệt ở đây mang hẳn tính cộng đồng - như một biểu mẫu ADN di truyền văn hoá, tự bao giờ đã “vận vào” trong khí sắc, dòng nguồn của sông Hương núi Ngự.
Cứ mỗi độ lác đác nở hoàng mai bên dậu vườn còn se lạnh đông phong…Là một lần nơi mịt mờ viễn xứ, biết bao người con Huế đang quặn lòng, vời trông về bến cũ, đò xưa.“Bến Văn lâu còn sâu thương nhớ.Thuyền bến Ngự còn đợi anh về…Người tình quê ơi người tình quê, có nhớ xin trở về”(2) Đó không hề là ca từ suông do nhạc sĩ chắp vần, đặt điệu mà là thứ tiếng lòng còn trăn trở mãi năm canh…Đích thực hồn nhạc, không bột xúc cường điệu kiểu ngữ văn của bì phu, sơn quét.Là tiếng gọi hướng về cố xứ thường xuyên, lắng đọng nhất trong mỗi một tâm hồn.
Xứ Huế với rất nhiều bão lụt hằng năm.Con người còn vất vả đương đầu với thiên tai và mùa màng chưa bao giờ hẹn trước với thời gian…Nơi “Trời hành cơn lụt mỗi năm”(3) để kẻ ra đi còn mang mãi mối u hoài về mẹ già em dại, còn bâng khuâng nơi mấy mảnh vườn xưa…Hiện thực ấy nhắc nhở những bàn tay đem góp phần về cùng vun quén quê hương.
“Man mác khói hương bay dịu dàng…Như tóc mây vương, dáng liễu mơ màng”(4) Trong muôn ngàn vẻ đẹp, đất cố đô còn có nét đẹp xưa như một trong những đặc thù muôn thuở nơi đây.Giữa trăm vạn tiếng tơ lòng, Huế vẫn là nơi bảo lưu được thứ âm hưởng của một thời vang bóng tiếng xưa .
Thật bất ngờ, khi dự cảm sâu xa trong một nhạc bản mang âm bậc ngũ cung kinh điển của nhạc sĩ tài hoa Dương Thiệu Tước đã trở thành hiện thực.Nhạc Cung đình và ngay cả Ca Huế cũng đã và đang được trân trọng, vang xa trên trường quốc tế.“Đàn ôi, thiết tha vì đâu tiếng xưa trầm ngâm, lắng rung đường tơ… bao mơ màng”(5) .Vâng, âm sắc Cung đình đã được nhân loại công nhận vinh danh qua UNESCO như đã biết.Thứ tiếng xưa mà Dương Thiệu Tước hoài vọng nhất ở Huế, được đăng quang và không còn là di sản của riêng gì một tổ quốc Việt Nam.
Xin mượn nén tâm hương ở đây kính cẩn chia sẻ cùng nhạc sĩ(cháu nội của cụ nghè Dương Khuê), người chưa kịp nhận biết niềm vui chung trước khi vào cõi vĩnh hằng.
(thành nội - Huế. 2008)
(1) “Đêm tàn bến Ngự” - Dương Thiệu Tước
(2) “Ai ra xứ Huế” - Duy Khánh
(3) “Tiếng sông Hương” - Phạm Đình Chương
(4) , (5) “Tiếng xưa” - Dương Thiệu Tước.
Ảnh : Huế của Ishtar