Phần lý lịch em khai
Không tên cha
Sổ chủ nhiệm cô ghi
Có một ô trống
Cha em là ai
Chết hay còn sống
Mẹ em
Cô nhận ra rồi
Mẹ đã nói với em điều gì
Ô trống kia
Làm sao điền như con toán
Dáng người cha
Em có tưởng tượng bao giờ
Có những điều
Đâu dễ nói với trẻ thơ
Vì sao
Vì sao
Cũng may cô chưa hỏi
(Ô Bỏ Trống* – Đỗ Thị Kết)
Bài thơ được mở ra bằng một câu chuyện về một em học trò có tấm lý lịch không bình thường như bao học trò khác. Và, ẩn trong câu chuyện tưởng chừng không lạ lẫm ấy là những câu hỏi, những dấu hỏi dài chạy suốt căn nguyên và thân phận của người hỏi cũng như người chưa bao giờ nghe câu hỏi. Không phải là “câu hỏi lớn không lời đáp” mà là câu hỏi lặn vào trong, câu hỏi ẩn chất tấm lòng tri cảm, mang thân phận làm người, chở che, và cũng cần được che chở trước đời sống vốn nhiều ẩn số, nhiều hệ lụy, bi trắc khôn nguôi…
Phần lý lịch em khai
Không tên cha
Sổ chủ nhiệm cô ghi
Có một ô trống
Câu chuyện được mở ra như mở một gói quà, rất đỗi bình thường và đơn giản – phần lý lịch em khai/ không tên cha/ sổ chủ nhiệm cô ghi/ có ô bỏ trống… Nhưng cái bình thường phút chốc trở nên không bình thường bởi chính cái ô bỏ trống nằm vô tri trong sổ chủ nhiệm kia. Nó nằm như một sự thách thức nhân phẩm, nhân bản, nhân tính với một đứa bé học trò, một tâm hồn non nớt như chim non chuyền cành, có thể sa ngã, rơi, trôi vào vô tận đời sống một cách dễ dàng, bất định.
Cha em là ai
Chết hay còn sống…
Dường như là câu hỏi - một giả định về câu trả lời đương nhiên thuộc về người hỏi?! Giả sử như người cha ấy đã chết, xem như mọi chuyện đã hết trong ý nghĩa định mệnh xuôi chiều. Nhưng nếu như người cha ấy chưa một lần nhìn thấy mặt con, và đứa bé sinh ra trong sự không hợp lệ nào đó thì tấm màn phi lý đã bắt đầu chùng xuống đứa trẻ tội nghiệp. Và nếu như người cha còn sống, nhưng trong bối cảnh của phi lý hiển nhiên (ông ta đã có vợ, đứa bé ra đợi bởi một sự nông nổi, quá chén, nhẹ dạ, sơ suất…) thì có thể nói rằng ông ta đã chết trong sự cô đơn của đứa bé, trong nỗi bất hạnh của đứa bé…
Và câu hỏi vô hình trung trở nên đa mang mà người gánh chịu nó không là ai khác ngoài chính người hỏi!
Mẹ em/ cô nhận ra rồi…
Vậy mẹ em là ai? Là một người quen, một người bạn, một người hàng xóm, người đàn bà có lần đã đưa em đến lớp, người đàn bà có đôi mắt buồn gợi nhớ đến nỗi khắc khoải đang ẩn chất trong mỗi tâm hồn làm mẹ? Hay là người đàn bà mang những hệ lụy, bi trắc, mẫu số chung của hai chữ ấy? Và, biết đâu, người ấy cũng là cô, vì người ấy làm cô nhớ đến những linh cảm phù sinh trong sương mù giả định của một hữu thể mang căn phận yếu đuối trong cuộc đời?!
Khi nhắc về cha em, là một câu hỏi, nhưng câu hỏi ấy không cần trả lời vì đáp án nó đã định sẵn ở phía vô cùng. Khi nhắc về mẹ em, là một lời biện giải, nhưng lời biện giải lại rơi vào rối mù những nghi vấn tồn sinh!
Mẹ đã nói với em điều gì
Ô trống kia
Làm sao điền như con toán
Dáng người cha
Em có tưởng tượng bao giờ
Ô trống kia… phải chăng đó là “chiếc hộp đen định mệnh” ẩn chứa bên trong nó những mã tự cuộc đời và con người chỉ có quyền ôm giữ nó như một ngôi đền bí mật cùng những lời nguyền truyền kiếp. Rồi người mẹ sẽ nói gì, tương lai của đứa trẻ sẽ nói gì, nó sẽ hỏi gì về những khóm mây nhỡn nhơ bay trong vòm trời tâm thức nguyên sơ như một buổi trưa mùa hạ thênh thênh gió nhẹ hồng trần? Và nó sẽ lớn, sẽ đi sẽ đứng sẽ yêu và sẽ hỏi về tình yêu cùng những ý nghĩa vô thường của thứ mật ngọt mà những người sinh ra nó đã từng nếm trải… Câu trả lời rối mù, thằng lằn đứt đuôi!
Có những điều
Đâu dễ nói với trẻ thơ
Tôi xin miễn bàn về thi pháp, ngôn ngữ cũng như cấu trúc của bài thơ, vì nội tại tâm lí ẩn trong những con chữ dung dị, thô ráp và giản đơn kia là cả một khoảng không gian những ý hướng khởi sinh từ những xung động nhân cảm của tâm linh, của hiện hữu. Với ngần ấy cũng dủ làm nên cấu trúc phi cấu trúc của bài thơ.
Vì sao
Vì sao
Cũng may
Cô chưa hỏi
Vấn đề nằm ở chỗ mạch cảm xúc được kết thúc khá đột ngột, kết thúc bằng một lời tự vấn, tự yên ủi, tự trấn an về những ưu tư “tự mình biết riêng mình”. Một kết thúc tưởng chừng như chuyện đã rồi và nghiêm túc mô phạm nhưng lại gói ghém bên trong tấm lòng đau đáu của một người trót lựa chọn thiên chức nuôi dưỡng những mầm non tâm hồn, trí tuệ, chia sẻ và cảm thông trước cuộc sống vốn hàm chứa nhũng rủi may và bi kịch, hạnh phúc và nghiệt ngã, bình yên và khốc liệt…
Những câu thơ làm tôi nhớ đến những ca từ của Trịnh Công Sơn: “sống trong đời sống cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi…”. Và bài thơ như một sự đánh thức nhân cảm về ý nghĩa sống, của một người thầy. Dạy, đâu chỉ dừng ở việc truyền đạt! Sự cảm thông, đó cũng là một bài học khai thị của đời người!
Và, đã có những câu chuyện như thế trong cuộc đời, những câu chuyện được bắt đầu giống như mở một gói quà và kết lại bằng một chiếc hộp đen bí ẩn!
* Bài thơ in trong tập Những Tháng Năm (NXB Đà Nẵng – 1995)