Chẳng biết do tình cờ hay là tác phẩm từ tính chính xác cố hữu của người Đức trong qui hoạch mà Windhoek lại nằm đúng ở trung tâm điểm của Namibia (GNP/đầu người: 3.671 US$), một quốc gia non trẻ ở phía tây nam châu Phi, chỉ mới được khai sinh trong vòng hai thập kỷ trở lại đây. Dù ngẫu nhiên hay cố ý, ở vị trí đặc biệt đó, thủ đô Windhoek dễ dàng vươn tay nối với tất cả 13 tỉnh nằm tản mác dọc ngang trên một diện tích rộng gần gấp ba lần Việt Nam, nhưng dân số chỉ lèo tèo chưa tới 2 triệu người!
Chỉ riêng cái tên Windhoek (góc gió lộng) cũng có nhiều bàn cãi. Có người cho rằng nó đã được đọc trại đi từ Winterhoek (góc mùa Đông) có từ thời thuộc địa Đức xa xưa; nhưng cũng có thể hiểu giản dị là nó đã được Jonker Africaner, một thủ lãnh bộ tộc Nama thuở đó, đặt tên theo cái trang trại nơi ông sinh thành ở Nam Phi vào năm 1840.
Trên nhiều bình diện, Windhoek là một thành phố có nhiều đặc tính thuận lợi để chọn làm thủ đô. Từ hơn một thế kỷ trước, thực dân Đức đã xác định một điểm trung tâm giữa một chuổi 5 khu dân cư khác (Keetmanshoop, Mariental, Rehoboth, Otjiwarongo va Tsumeb), tất cả đều nằm trên một trục kẻ thẳng ngược từ nam lên bắc, để đặt bản doanh của quân đội viễn chinh Schutztruppe nhằm can thiệp nhanh chóng những cuộc xung đột quyền lực giữa hai bộ tộc Herero và Nama. Từ những tình cờ hay đặt định của lịch sử, Windhoek ngày nay có thể được xem là một trong những thành phố tiêu biểu trên toàn châu lục đen, đã bảo tồn và khai thác một cách hài hòa những di sản của thực dân, để thoả mãn khát vọng tự do và phát triển sau khi giành lại độc lập từ nước bảo hộ cuối cùng Nam Phi, cách đây vừa đúng 20 năm.
Từ cửa sổ máy bay nhìn xuống, Windhoek như một ốc đảo (oasis) nằm lọt thỏm giữa những giải sa mạc dài như vô tận (Namib dọc theo bờ biển phía tây và Kalahari ở phía đông), được vây bọc bằng những rặng núi trọc nối tiếp, thấp lè tè. Vào giữa tháng 10, vừa bắt đầu vào hè ở vùng nam bán cầu, nhiệt độ tăng lên trên 30oC, cả bầu trong xanh toàn bích không một gợn mây, như một chiếc bát úp trong suốt chân trời-đỉnh trời-chân trời khổng lồ bao trùm một vùng đất mênh mông khô cháy, vàng hanh, đã được hong khô từ thuở hồng hoang. Họa hoằn lắm mới thấy một thân cây nhỏ với chút lá xanh đầu ngọn vươn lên giữa những vùng cỏ cháy khô biểu trưng một nỗ lực tồn tại tuyệt vọng, dù với đôi chút tự hào, của những bộ tộc thổ dân đang dần dần lụi tàn sau những cơn địa chấn thuộc địa và apartheid (kỳ thị chủng tộc) từ Nam Phi. Trong bối cảnh đó,Windhoek nổi lên như một điểm sống giữa một vùng đất chết.
Dưới con mắt của khách du lịch thông thường, Windhoek chỉ là một thành phố rất nhỏ với một dân số không tới 200.000 người, tuy gọn gàng sạch sẽ (đến độ kinh ngạc), xinh xắn (với những kiến trúc tường vàng nhạt-mái ngói đỏ-cửa sổ cao đỉnh bán nguyệt từ thời thuộc địa và những công viên đầy hoa thắm và nhiều thảm cỏ xanh) và hiện đại (nhà cao tầng khách sạn-ngân hàng), nhưng khô hanh (khí hậu sa mạc và ít mưa) và vẫn còn dáng dấp hơi quê mùa, dễ gây chán (theo www.world66.com/africa/namibia/windhoek). Nhưng tính hiện đại của Windhoek và những thành phố đang được xây dựng ở vùng biển (đặc biệt là Walvis Bay và Swakopmund) thật sự vượt lên trên những tiêu chuẩn ‘to đẹp’ và ‘hoành tráng’ thông thường, để thực sự tạo một cuộc sống hòa hợp, ổn định, có chất lượng và bền vững cho một tập thể dân số phức tạp về nhiều phương diện (87.5% da đen, 6% da trắng và 6.5% da màu), luôn luôn có nguy cơ xung đột tiềm ẩn về sắc tộc, quyền lực chính trị, xã hội và kinh tế.
Trong cái nhìn đó, Windhoek là một tác phẩm gần như tuyệt hảo của các nhà kỹ trị thiết kế đô thị tài ba và các chính trị gia sâu sắc, được cấu kết hài hòa giữa thừa kế và hiện đại, nới rộng và bảo tồn. Đại lộ Độc lập (Independence Avenue) là con đường dài nhất, cắt trung tâm thành phố ra làm hai khu tách biệt: phía bên phải là vùng quyền lực (nhà thờ, tư pháp, lập pháp và hành pháp); đối diện phía bên kia là xã hội dân sự năng động (trung tâm kinh tế thương mại và dân cư). Và quyền lực cũng được phân chia theo thứ bậc rõ ràng trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, thế quyền trên giáo quyền và dân chủ đại nghị. Từ Independence Avenue nhìn lên ngọn đồi thoai thoải bên kia, những vị trí bề thế nhất được dành cho Tòa án Tối cao, Nhà thờ (Christuskirche) và Quốc hội. Bên cạnh tòa nhà đồ sộ vuông vức, gần 100 thước mỗi chiều từ thời thực dân để lại (Tintenpalast), là trụ sở của chính phủ (nơi thủ tướng và nhiều bộ của nội các làm việc, trông thật khiêm nhường, dù với những cột ăng-ten truyền thông hiện đại cao ngất ngưỡng. Cách đó chừng một trăm thước là khu Thành cổ (Alte Feste), từng là biểu tượng quyền lực tối thượng của bộ máy cai trị thời thực dân và từng là nơi đã giam giữ hàng ngàn chiến sĩ cách mạng của nhiều thế hệ đấu tranh cho nền tự do và độc lập của vùng Tây Nam châu Phi, nay là Nhà bảo tàng cách mạng của thành phố. Khách tham quan ngỡ ngàng ghi vài dòng ngắn ngũi vào sổ lưu niệm: “lịch sử được ghi lại rất chính xác, ngắn gọn; di vật được trình bày tuy khiêm nhường mà đầy ý nghĩa; xin chúc mừng!” Còn có cảm nghĩ nào thành thật và chính xác hơn khi thấy toàn bộ di sản (hình ảnh và vật dụng cá nhân của các nhà lãnh tụ cách mạng tiền bối và hiên đại) của một cuộc chiến đấu trường kỳ và gian nan của nhiều thế hệ được gói ghém, trưng bày chung trong một vài căn phòng nhỏ ở chính cái nơi đã từng là mục tiêu phá bỏ của nhiều cuộc chiến đấu; số phòng còn lại (nhiều hơn) được dành để để tái hiện lại sinh họat (phương tiện di chuyển, trang phục, trang trí nội thất, nồi niêu, thuốc men, trang phục cô dâu và dạ hội tiêu biểu…) của những gia đình di dân tiên phong đến vùng đất này từ nước Đức xa xôi!
Có vẻ như Namibia đã được thừa kế và biết bảo tồn nhiều ưu điểm từ những kẻ đã từng cai trị mình: tổ chức chặt chẽ và kiến hiệu từ Đức (thành phố gọn gàng, tươm tất và sạch sẽ); trật tự và thượng tôn pháp luật từ Anh và Hà Lan (luật pháp nghiêm minh và cụ thể); dân chủ hạ tầng và óc sáng tạo tự do từ Nam Phi (bình đẳng và phát triển sinh hoạt cộng đồng). Có thể thâu tóm tất cả những điều đó vào tấm bảng lớn treo ở tiền sảnh của tòa nhà Quốc hội, trên đó công bố rõ chương trình nghị sự toàn kỳ hay trong ngày, số dự luật sẽ được bàn cãi trong khóa họp, số bộ luật đã được thông qua, biên bản nội dung các phiên họp khoáng đại cho công chúng tham khảo. Nhưng đặc biệt nhất là ‘thành tích’ của Quốc hội được công khai hóa bằng con số cụ thể (tổng số ngày họp, số dân biểu hiện diện, số luật được bàn cãi và thông qua…) để cử tri có thể đánh giá năng suất làm việc và cống hiến của các vị dân cử, hầu quyết định lá phiếu một cách chính xác hơn vào kỳ bầu cử kế tiếp. Khách đi dạo còn đọc thấy những bố cáo của thành phố treo ở các trạm xe buýt, mời cư dân tham gia các buổi họp được tổ chức tuần tự trong tháng ở nhiều địa điểm, để cùng thảo luận về “tương lai của thành phố và của chính bạn và gia đình của bạn”.
Với một dân số khiêm nhường và một cơ sở hạ tầng được thiết kế gắn chặt với nhu cầu phát triển của thành phố như vậy, Windhoek chưa bao giờ biết đến nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường vì khói xe thải. Thi thoảng mới thấy một chíếc xe gắn máy phân khối lớn từ các trang trại từ ngoại thành lạc vào, với những chuỗi tiếng ồn quá chuẩn làm xao động sự êm ả thường ngày của thành phố. Ở khu phố xá trung tâm chỉ thấy người đi bộ và những bãi đậu xe rộng thênh thang. Vào giữa trưa, tiếng chuông nhà thờ từ trên đồi thả xuống từng tiếng khe khẻ như không muốn khuấy động giấc nồng của vài cư dân còn nằm dài rải rác trên những thảm cỏ dưới những gốc cổ thụ bồ đề trong công viên giữa thành phố. Nhưng ấn tượng nhất đối với khách du lịch đầu tiên đến thủ đô là cái đẹp rực rỡ của những chùm hoa tím, được thả xuống từ những hàng cây có dáng dấp như phượng vĩ, dọc theo con đường dốc dẫn lên tòa nhà Quốc hội. Giữa trời xanh, nắng trong, hoa thắm, tiếng chim kêu rộn ràng và bầu không khí yên vắng của một sáng chúa nhật, khách nhàn du tưởng như đi lạc trong ngự viên, lâng lâng tiếng nhã nhạc cung đình và những tà áo tím thơ mộng của Huế xưa.
Dĩ nhiên Windhoek cũng đang phải đương đầu với những vấn nạn xã hội phát xuất từ nạn thất nghiệp cao (37% giới trẻ) do làn sóng di dân từ thôn quê và vùng núi ra thành thị vì hiếu kỳ, hoặc vì mưu sinh. Nhưng nhìn chung, Windhoek là một thành phố khá an toàn, ngày cũng như đêm, mặc dù đây đó cũng có trộm cướp, hành khất và kỳ nữ ăn sương trên đại lộ chính khi đêm xuống (phần lớn từ các nước láng giềng Angola, Zimbabwe và Nam Phi sang hành nghề). Việc bảo vệ trật tự công cộng, an toàn tư gia và doanh nghiệp hầu như đều được ‘xã hội hóa’ do các hãng an ninh tư nhân được phép võ trang (armed response) phụ trách (một loại ‘Long Hải’ ở Việt Nam); bên cạnh đó còn có những thanh niên tự quản trang bị gậy cao su (một lọai dân phòng hay ‘dịch vụ công ích’ ở TP Hồ Chí Minh) thường xuyên đi rảo trên những khu phố chính và công viên trung tâm, thay thế hình ảnh của các cảnh sát viên mặc đồng phục thường thấy ở nhiều thành phố trên thế giới, khiến bộ mặt và không khí đường phố bớt căng thẳng và thân thiện hơn. Ngay cả hành khất và kỳ nữ về đêm cũng có phong cách riêng của họ. Cũng như những người bán báo buổi sáng, họ chia nhau mỗi người chiếm ngự một góc phố, có khi chỉ đặt một chiếc ly bằng nhôm (để nghe tiếng đồng xu rớt vào) ở trước mặt, rồi nhắm mắt tĩnh tâm thả hồn theo tiếng nhạc nhà thờ từ chiếc máy thu thanh xách tay; tuyệt đối không thấy họ níu kéo, năng nỉ, ỉ ôi với khách qua đường bao giờ. Vài ‘cái bang’ khác thì ‘hành nghề’ có ‘bài bản’ hơn. Khách nhàn du đang lúc lim dim mắt tận hưởng một chiều chủ nhật an nhàn công viên-cỏ xanh-gió lặng, bất chợt có người lân la đến chào hỏi thân thiện. Bạn sẽ được nghe kể, bằng một thứ tiếng Anh khúc chiết, ‘câu chuyện buồn’ của một trung niên bị bệnh tâm thần từ miền Bắc, phải tạm rời gia đình vượt quãng đường dài 1.000 cây số, đến thủ đô để chữa bệnh và nay không đủ tiền cho chuyến xe buýt trở về nhà, sẽ khởi hành lúc 6 giờ rưỡi chiều (lúc bạn đang tiếp chuyện là 6 giờ!). Khi nghe kể lại câu chuyện này trên đường đến trường, anh tài xế cười ồ thích chí. Té ra khách phương xa không phải là người duy nhất đã mũi lòng vì câu chuyện thương-tâm-rất-người đó. Cuộc xa-nhà-chữa-bệnh của anh vẫn còn kéo dài vô thời hạn và có thể thực sự anh chưa bao giờ bước lên chiếc xe buýt-khởi-hành-lúc-sáu-giờ-rưỡi-chiều đó để trở về với vợ con như anh đã kể. Gặp lại anh lần sau, cả hai đều cười xuề xòa, dù có đôi chút ngượng ngập. Anh cố bắt kịp để song hành với tôi, nhưng không ‘ca bài con cá’, chỉ chào hỏi và chúc “một ngày đẹp trời”.
Vào những buổi sáng trong tuần hầu như phần lớn dân số của thành phố và khách du lịch đều tập trung vào khu phố buôn bán chính trên đại lộ Independence. Nơi đây, bên cạnh những tòa nhà cao tầng vừa phải của những khách sạn cao cấp (không tự phong lên 5 sao), ngân hàng và bưu điện, là những ngôi tiệm nhỏ thường có mái che mưa-nắng, rất đậm nét truyền thống ‘chính xác, trật tự và gọn ghẽ’ đặc trưng của người Đức, thường tập trung vào dịch vụ ăn uống, tour du lịch, mắt kiếng, thuốc tây, kim hoàn và bánh ngọt…Những con đường xung quanh trục đường chính đều biến thành khu phố đi bộ, nơi các sản phẩm thủ công nghệ đặc thù của Namibia (tượng thú rừng bằng gỗ, đồ trang trí bằng xương thú vật hoang dã hay kim lọai thô) được bày bán đến đầu buổi chiều, dưới nắng chan hòa, chói chang mầu đất vàng thô sa mạc.
Sản phẩm thủ công nghệ của Namibia rất đa dạng, tinh xảo, vui mắt, đầy màu sắc, sinh động, hiện thực và giầu chất sáng tạo, đậm đặc văn hóa bộ lạc-núi rừng-săn bắt hái lượm-thần linh-da đen. Chúng cũng tự nhiên và giản dị, thường lưu lại một cảm thụ sâu lắng trong lòng người mua, tương tự như khi đối diện những cô gái bán hàng Owa Himba da bóng loáng mầu đất ba-zan, ngực để trần vểnh lên tràn đầy sinh lực, đứng bán-hàng-mà-như-không-muốn-bán-gì, khiến khách phương xa ngần ngừ chẳng muốn rời bước và cũng ngại ngùng không nỡ thâu cái hình ảnh tự nhiên, chân chất ấy vào ống kính để chia sẻ với những đôi mắt trần tục ở nhà!
Thông thường người mua và người bán đều thoải mái trao đổi giá cả với nhau, không gay gắt đấu trí như những điểm du lịch thường gặp ở Ai Cập, In-đô-nê-xia và Việt Nam. Những khu phố đi bộ lót đá phẳng, ngắn như vừa đủ để duỗi chân, giữa những hàng cây thấp rợp bóng mát và những chiếc ghế để tạm nghỉ màu xanh lá cây đặt bên cạnh những bức tượng bằng đồng và gỗ đen xinh xắn, khiến người mua sắm cảm thấy thư giãn trong mỗi bước đi, trên quãng đường ngắn hướng về những khu buôn bán và siêu thị lớn Town square, Wernhil Park và Post Street Mall nối kết nhau, không để người bộ hành phải chịu cảnh nắng mưa bốn mùa.
Mưa chính là điều quan tâm hàng đầu của Namibia. Là một xứ sở bán sa mạc (semi desert), Namibia không có một con sông hay con suối nào chảy qua ở vùng trung tâm. Nước mưa thiên nhiên lại không nhiều như cát, lại đến thất thường, khiến cư dân phải keo kiệt đến từng giọt như một kỵ sĩ lạc đường giữa sa mạc. Nhiều con đập đã đựợc xây dựng quanh các thành phố chính để hứng và trữ lượng nước mưa hiếm hoi hàng năm để thỏa mãn một nửa nhu cầu nước gia dụng của cư dân; số còn lại lệ thuộc vào khai thác nguồn nước ngầm (25%) và nước ‘tái tạo’ (25%). Ý niệm cải tạo ‘nước thải’ (sewage water) thành ‘nước uống được’ (potable and drinking water) đã khiến các nước Ả rập, dù luôn luôn căng thẳng vì thiếu nguồn nước, cũng đành phải quay lưng, dựa vào nguồn nước chiết ra từ đại dương, dù tốn kém hơn rất nhiều lần, vì không hợp với nguyên tắc Hồi giáo căn bản ‘halaal’ (mọi thứ phải trong sạch). Nhưng đó lại là lý do để Windhoek Goreangab Operating Company (WIN-GOC) có thể tự hào là nhà máy ‘tái tạo’ nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới, phát sinh từ sự bức bách của nhu cầu (“necessity is the mother of innovation”), theo lời của vị giám đốc gốc Đức giới thiệu với khách hàng quan tâm đến từ Botswana và Nam Phi (New Era, 14-10-2008).
Người Namibian nói chung rất thân thiện, cởi mở và ‘lành’, khiến khách lạ cảm thấy an toàn và tin cậy khi tiếp xúc sơ khởi với họ. Phần lớn nói rành rẽ tiếng Anh, Afrikaan (ngôn ngữ thường dùng ở Nam Phi do di dân từ Đúc và Hà Lan tạo ra) và thổ ngữ (Oshivambo, Herero và Nama). Người Namibia cũng ‘thuần’ hơn các dân tộc khác (thường tuân thủ luật pháp hơn chờ biện pháp cưỡng hành) có thể do ảnh hưởng sâu rộng tôn giáo, với hơn 90% dân số là tín đồ thiên chúa giáo; trong số đó 50% là giáo hữu tin lành, phái Lutheran. Các buổi họp công cộng thường được bắt đầu vói một cuôc cầu nguyện chung, mục đích là để gạn lọc bớt những nghi kỵ, hiềm khích và dọn lòng cho thân ái, chia sẻ và hợp tác.
Cũng như phần lớn sắc dân khác ở lục địa châu Phi, người Namibian thuộc loại dân tộc có thể chất thượng đẳng, thường có dáng cao, mạnh khỏe và sáng sủa. Đàn bà thì nhỏ thó và săn chắc vì ít dùng các loại ‘thực phẩm nhanh’ (fast foods), rất ít được bày bán trong các tiệm ở thành phố. Có người gắn liền đặc tính nhân chủng này với lối sống tự cung-tự cấp của các bộ lạc thổ dân nguyên gốc và mức tiêu thụ thịt khá cao trong khẩu phần hàng ngày của người bản xứ (kể cả người di dân gốc da trắng). Mặc dù thiếu nước để tưới những đồng cỏ xanh cho gia súc, Namibia rất tự hào có tỉ lệ gia súc cao nhất thế giới (2 gia súc/đầu người) và về chất lượng tuyệt hảo (mềm, thơm và có dư vị riêng) của các loại thịt do họ sản xuất, đặc biệt là bò tót, heo mọi, trâu sừng nhọn và gà rừng. Không có cỏ nhân tạo, chúng được thả rông hàng tháng trên núi và những cánh đồng hoang vu để tự tìm nguồn sinh sống và vì thế thịt săn và lượng mỡ rất ít, giảm nguy cơ tăng choresterol trong máu người tiêu thụ.
Ngoài sự thiếu hụt trầm trọng về nguồn nước và nhân lực (nhất là ở cấp cao), Namibia là một xứ sở được thiên nhiên ưu đãi hào phóng, với nhiều nguồn khoáng sản rất phong phú thường chỉ thấy tập trung ở các nước nằm ở phía nam châu Phi (kim cương, đồng, vàng, bạc, sắt, chì, tungsten, lithium, cadmium, muối và uranium) và những tiềm năng mỏ khác chưa khai thác (dầu, than đá và sắt). Nhưng vốn kinh tế quý nhất của Namibia chính là du lịch sinh thái và phiêu lưu, đưa con người đến với những vùng đất sa mạc trinh nguyên, các thôn sóc bán khai còn sót lại và khu thú hoang dã được bảo tồn. Namibia là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã đưa điều khoản về bảo tồn thiên nhiên vào hiến pháp và hơn 14% lãnh thổ được đặt dưới sự bảo vệ khắt khe của lực lượng kiểm lâm. Một cuộc safari-nửa-ngày đi thăm thú hoang dã cận cảnh (game drive) ở một trang trại Okapuka chỉ cách thủ đô Windhoek 30 cây số đã thực sự để lại một ấn tượng khó quên trong lòng người phương xa về thiên nhiên thuần khiết, mênh mông vô hạn và muôn vàn các loại chim chóc, ù lì, nai, sao, hoẳng, linh dương, heo rừng, cá sấu, hươu cao cổ, ngựa vằn, tê giác, báo, bò tót, sư tử…từng đàn nhỡn nhơ đi lại trong một vùng đất được bảo tồn rộng 14.000 mẫu tây, đôi khi quá gần gũi tưởng chừng chỉ cần chạm tay, Người-và-Vật có thể phút chốc cùng trở về với thiên nhiên thời man khai.
Buổi sáng cuối cùng trong phòng ăn của khách sạn Kalarari Sands, người phương xa bỗng dưng tìm lại mình khi tình cờ bắt gặp hai đôi voi gốm sứ trắng gốc Lái thiêu trên một bực thềm ở quầy bếp. Voi và Người không trao đổi với nhau một lời nào, nhưng Người tự dưng cảm thấy trong lòng yên tâm và bình an vô cùng. Vậy là mình chẳng phải là người đầu tiên đã đến đây và yêu đất nước và con người này. Quả đất tròn và luôn luôn di chuyển. Và đã có người đến trước ta!
Karee naua! Tuhakaene! (Xin tạm biệt và hẹn gặp lai!)
Johannesburg, Nam Phi
10-2008