Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
1.033
123.367.650
 
Tản mạn trên cánh đồng chữ nghĩa
Minh Tứ

Hơn một lần tôi đã đặt câu hỏi: Nhà văn, nhà báo- anh là ai?

Trong hình dung của bạn đọc, nhà văn là người có khuôn mặt đăm đăm, suy tư và mơ mộng, dữ dội mà hiền hoà, dường như cái gì cũng biết, sâu thẳm nào tâm hồn con người đều hiểu tận tâm can. Có người còn khuyên hãy đối diện với tác phẩm của nhà văn, nhà thơ mà đừng nên tiếp cận với họ, bởi họ chỉ còn là một xác ve, vì tất cả tinh tuý họ đã dồn vào trong tác phẩm.

 

Còn nhà báo, anh là ai? Là ai mà khi thì thấy bắt tay, làm việc với chính khách; khi lội ruộng, xắn tay cùng nông dân để hỏi han, thu thập tài liệu. Là ai mà hôm nay đang ở tít tắp Trường Sơn, mai lại có mặt ở ngoài khơi xa, hải đảo. Là ai mà lúc nào cũng ra vẻ quan trọng, xem như không có anh, thế giới này kém ý nghĩa đi. Là ai mà đi sớm về khuya, khi người ta nồng nàn yên giấc thì anh cắm cúi ngồi viết, viết rồi lại xoá. Là ai mà được rất nhiều người mến mộ, nhưng có khi cũng bị hằm hè nếu anh cả gan sục vào "vùng cấm" của một vài người...

 

Hai con người nhà văn, nhà báo tuy tác nghiệp với phương pháp khác nhau nhưng có nhiều điểm tương đồng, đôi khi ranh giới giữa tác phẩm văn học và báo chí cũng không thể phân biệt được một cách rạch ròi như lý lẽ của những nhà lý luận.

 

Như chúng ta đều biết, nghề văn, nghề báo đều là nghề lao động đặc thù không kém phần lao tâm khổ tứ. Để trở thành một nhà văn, nhà báo có vị trí trong lòng bạn đọc là một việc làm không dễ. Nhưng khác với nhà văn, khi đến một thời điểm nào đó nhìn lại, họ còn có tác phẩm cầm tay, lưu lại với bạn đọc, còn nhà báo, với đặc trưng tính thời sự, vấn đề, suốt một thời gian dài cầm bút nhìn lại, đôi khi thấy trắng tay, bởi tác phẩm báo chí (trừ những tác phẩm báo chí lớn) có "tuổi thọ" ngắn, chỉ phục vụ cho một thời điểm nhất định.

 

Điều an ủi của nghề báo là nếu anh chịu khó lăn lộn thực tế, sẽ làm giàu có thêm vốn sống, vốn kiến thức mà mình thu lượm được để hành xử trong đời. Đối với những cây bút có thiên hướng văn học, đó là vỉa quặng quý giá làm nguyên liệu để sau này lắng lại, sáng tạo nên những tác phẩm văn học để góp mặt cho đời. Đã có không ít những nhà văn khởi nghiệp từ nghề báo, nhưng cũng không ít nhà báo lại phấn đấu để trở thành nhà văn.

 

Hiện nay, trên các trang báo xuất hiện không ít nhà văn viết báo có tên tuổi, nhưng cũng có không ít nhà báo viết sách văn học, viết bài trên các tạp chí, báo văn nghệ. Mới hay báo rất cần văn để đi vào lòng người đọc và văn cũng cần báo để bám sát vào hiện thực của đời sống xã hội.

 

Đó cũng là lý do mà những chủ bút ở các tạp chí, báo văn nghệ thường đặt bài, nhất là mảng phóng sự, bút ký, ghi chép cho những nhà báo nhân những sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội nóng hổi; còn các chủ bút các tờ báo thời sự thì số Tết, số đặc biệt thường mời các nhà văn viết bài, vì có văn, đời sống xã hội được soi thấu thân phận, mới khơi gợi, lay động cảm xúc, từ đó đánh thức tâm hồn người đọc.

 

Suy cho cùng, nhà văn hay nhà báo đều có cùng một đối tượng phản ánh, đó là con người, số phận, sự kiện, vấn đề đặt ra trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ của nó. Có điều khi tác nghiệp thì báo chí thường coi trọng thông tin, sự kiện, vấn đề một cách thúc bách, đưa thông tin ngắn, nhanh nhất đến bạn đọc, còn nhà văn, xem chừng thì nhẩn nha, rủ rãi, gặm nhấm, suy tưởng về hình tượng nhân vật, tìm ra vấn đề có tính phổ quát.

 

Tác phẩm văn học có thể xuất hiện muộn hơn tác phẩm báo chí, nhưng sức lay động của nó không kém phần dữ dội. Tác phẩm văn học hay báo chí (nhất là thể bút ký, phóng sự) trong một quan niệm hiện đại phải mô tả chi tiết sự kiện, nhân vật làm sao cho người đọc khi đọc như sờ mó được nhân vật, phải ngửi được mùi vị...Nhưng muốn làm được điều đó thì người cầm bút phải có được tài năng, sự mẫn cảm...

 

Vậy làm thế nào để trở thành nhà văn, nhà báo có nhiều tác phẩm được bạn đọc yêu mến, trông đợi, có uy tín trước công luận và tác phẩm có giá trị lâu bền.

 

Một thực tế phải chấp nhận là bất cứ một nhà báo ở toà soạn nào cũng phải viết liên tục, không ngừng nghỉ, do áp lực của chỉ tiêu tin bài đảm bảo cho công tác xuất bản, do đó khó có thể tác phẩm nào cũng đứng được trong lòng bạn đọc, bởi lẽ chúng ta hiểu rằng viết tác phẩm tin bài thông thường thì dễ, còn tác phẩm lớn thì, phải đau đớn, vật vã trần ai mới có thể sáng tạo nên tác phẩm có giá trị.

 

Còn với nhà văn thì không phải lúc nào cũng có tác phẩm để trình làng. Có khi xuất thần, nhà văn viết như bị ma ám, công bố một loạt tác phẩm trong một thời gian ngắn, nhưng cũng có khi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm liền không cho ra đời một tác phẩm nào. Cái cay cực của nghề văn là sáng tạo bằng hình tượng nhân vật, do vậy không dễ gì có ngay được tác phẩm, kể cả khi anh có được nhiều bằng cấp, học vị, vì nó phụ thuộc vào vốn sống sâu dày, sự tích luỹ tư liệu qua nhiều năm tháng, chịu sự khổ ải của trăn trở, dằn vặt, đến một độ nào đó lắng đọng mới sáng tạo nên tác phẩm. Điều oái ăm thay là khi có tác phẩm rồi, chưa chắc đã thành công, chưa chắc đã được bạn đọc đón nhận.

 

Cũng cần nói thêm rằng có không ít người nghĩ đơn giản những người làm nghề văn, nghề báo là nhàn tản, thực ra dấn thân vào nghề này là rất gian truân. Nghề văn, nghề báo không chấp nhận phong cách làm việc theo lối công chức. Họ làm việc không giờ giấc, khi thì có vẻ rất tài tử, khi thì viết quần quật suốt ngày đêm, đến khi có tác phẩm rồi, họ còn phải đối diện với dư luận, đối diện với sự phân tích, đánh giá, mổ xẻ tác phẩm cũng như cách sống của họ ngoài đời của người đọc.

 

Cùng một tác phẩm có người khen nhưng cũng có người chê, thậm chí đôi khi tác giả còn bị quy chụp về động cơ viết và không ít người phải gánh lấy hệ luỵ trong cuộc đời. Còn trên kệ sách ở hiệu sách, trên sạp báo, không phải cuốn sách nào, tờ báo nào cũng được bạn đọc chọn lựa. Bạn đọc có quyền mua cuốn sách này mà bỏ qua cuốn sách kia, mua tờ báo này mà bỏ qua tờ báo nọ. Thậm chí trong một cuốn sách, trong một tờ báo bạn đọc cũng chỉ đọc tác phẩm của tác giả này mà không đọc tác phẩm của tác giả kia. Đó là chưa nói văn hoá đọc gần đây bị chùng xuống do sự "tấn công" của truyền hình và báo điện tử.

 

Nhưng dù gì đi nữa, đã cầm bút thì ai ai cũng mong muốn trở thành cây bút có đẳng cấp, mà muốn có đẳng cấp thì trước hết phải có phong cách. Không chỉ trong văn học mà trong báo chí, phong cách của từng cây bút là rất quan trọng. Phong cách đó thể hiện trong kỹ thuật viết, sử dụng ngôn từ, chọn lựa vấn đề, nhân vật, số phận...và cả thái độ của người cầm bút trước một sự kiện báo chí, trước một hiện tượng của đời sống xã hội. Nghĩa là tổng hợp tất cả các yếu tố tạo nên tác phẩm mang dấu ấn sáng tạo riêng, không lẫn vào người khác, thoát ra khỏi mọi khuôn mẫu sẵn có.

 

 

Phải nhìn nhận rằng, để trở thành cây bút có phong cách trong viết văn, viết báo là điều khó khăn vô cùng và hiện nay người cầm bút thì nhiều, nhưng cây bút có phong cách thì không có là bao. Đó là chưa kể không phải khi nào người cầm bút cũng có thể viết được như mong đợi. Có thể đến một thời điểm nào đó, người cầm bút cảm thấy quá mệt mỏi, hoặc vì cơ chế, vì tính thoả mãn, tính bảo hoà, giới hạn của sự đi...Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân quan trọng là sự nguội lạnh đam mê của người cầm bút.

 

Để ngòi bút không nguội lạnh, không ngừng nghỉ, dù là nhà văn hay nhà báo cũng đều phải tự hâm nóng, liên tục rèn luyện cây bút của mình để tạo nên phong cách riêng. Điều này luôn thúc bách người cầm bút lao động sáng tạo để khẳng định mình.

 

Thực tế kiểm nghiệm rằng, chỉ có những cây bút lao động không biết mệt mỏi, luôn tìm tòi cái mới, cái đẹp, tỏ rõ thái độ trước một vấn đề, một hành vi tiêu cực trong xã hội với một cái tâm trong sáng mới đem lại thành công. Ngược lại, chỉ làm theo kiểu công chức ăn lương, viết cho có viết, không sớm thì muộn đều bị bạn đọc bỏ rơi bên lề đường thông tin và người cầm bút tự đánh mất thiên chức của mình lúc nào không hay.

 

Trên con đường dài thăm thẳm đó của nghề văn, nghề báo - nghề canh tác, thâm canh trên "cánh đồng chữ nghĩa", nếu đã chấp nhận "cuộc chơi" thì phải dấn thân, biết học hỏi để vươn lên, bởi nghề văn, nghề báo là chặng đường dài lâu và trên hành trình gian nan đó đâu chỉ có niềm vui mà còn có cả nỗi buồn, có vinh quang nhưng cũng đầy bất trắc, nhiều khi còn có cả phủ phàng cay đắng.

 

Nhà văn hay nhà báo cũng thế, muốn có tác phẩm đứng được trong lòng bạn đọc đều phải dấn thân, biết hy sinh bản thân mình để sống chết với nghề...Nghĩa là phải làm tất cả, chỉ trừ không được uốn cong ngòi bút. Khó khăn và nhọc nhằn lắm thay!

Minh Tứ
Số lần đọc: 2513
Ngày đăng: 11.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng xưa bến cũ … - Trần Hạ Tháp
Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng - Nguyễn Hữu An
Hội ngày mùa tháng Chín - Ngô Kế Tựu
Đọc thơ Nguyễn Huỳnh Sa , Đá mặn nghiêng đời nghe biển vỗ. - Nhiều Tác Giả
Năm trăm đồng - Trương Anh Sáng
Tinh thần thể dục - Lệ Hoa
Câu chuyện về bài thơ ,bài hát mưa đêm nay - Nguyễn Quốc Nam
Huế ơi ! Tôi vẫn còn thương - Minh Tứ
Núi thiêng Kailash - Tiểu Anh
Nhà văn Sao Mai với buổi trưa cổ điển - Vân Long
Cùng một tác giả
Về làng (truyện ngắn)
Ảo ảnh (truyện ngắn)
Bạn cũ (truyện ngắn)
Nỗi buồn ký giả (truyện ngắn)