Đọc lại Trường phái hình thức Nga của Huỳnh Như Phương, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2007.
Khi giới lí luận - phê bình các tỉnh phía Bắc luôn tỏ ra sôi động với những bài viết, các tác phẩm nghiện cứu - lí luận liên tục ra đời, cập nhật tương đối kịp thời phương pháp, mĩ học mới trong hoàn cảnh sinh hoạt chữ nghĩa Việt Nam đương đại, thì Tp. Hồ Chí Minh cứ yên ắng. Yên ắng cả khi tác phẩm cùng thể loại xuất hiện, như là một của hiếm. Hiếm, lẽ ra nó phải tạo thành một sự kiện hay ít ra một quan tâm đúng mức, nhưng không, báo chí cứ yên ắng vậy thôi.
Trường phái hình thức Nga của Huỳnh Như Phương rơi vào trường hợp oái ăm đó. Tác phẩm đã chìm nghỉm giữa bao ấn phẩm khác. Dù khi cho xuất bản công trình này, tác giả chỉ khiêm tốn “hi vọng cuốn sách này sẽ cung cấp một tài liệu cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh ngành văn học ở các trường Đại học và Cao đẳng”, nhưng theo tôi, nó là món quà đẹp dành cho giới chữ nghĩa. Giới phê bình cần nó đã đành, mà cả người làm công tác báo chí và nhất là giới sáng tác cần đến nó hơn lúc nào hết.
Lâu nay, đại đa số nhà văn và người làm công tác điểm sách vẫn cứ viết và nhận định đầy cảm tính, chủ quan, trong khi chỉ phê bình trên nguyên tắc mĩ học, nhà phê bình mới giúp đẩy nền văn học dấn tới; và chỉ khi nắm được tinh thần các trào lưu đã qua, người sáng tác mới nói đến khả năng “tiếp nhận và sáng tạo”, tránh được sự ngộ nhận không đáng có về cái mới, về sự cách tân. Chủ nghĩa cấu trúc và văn học của Trịnh Bá Đĩnh, NXB Văn học cho ra mắt vào năm 2002 hay Cấu trúc văn bản nghệ thuật của Juri Lotman, do Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội in năm 2004, là vài “định hướng” quan yếu. Nhưng hỏi có bao nhiêu nhà văn nhà thơ Việt Nam biết đến nó?
Năm 2007, thêm Trường phái hình thức Nga có mặt.
“Xuất hiên vào thập niên thứ hai của thế kỷ XX giữa lòng một xã hội đang chuyển biến, trường phái hình thức Nga là một hiện tượng độc đáo trong nghiên cứu và phê bình văn học mà giá trị và ý nghĩa của nó cho đến nay vẫn còn là đề tài thảo luận tỏng học giới “ (trang 11). Nghĩa là nó vẫn chưa tỏ ra lạc hậu, hay bị vùi chôn trong vô vàn nghĩa trang chủ nghĩa. Riêng số phận và tầm ảnh hưởng của nó đến với cả châu Âu và thế giới cũng đã được Huỳnh Như Phương dẫn liệu phong phú và phân tích khá chi li.
Tạm trưng dẫn hai tên tuổi lớn: “Theo Medvedev/ Bakhtin, những nhà hình thức chủ nghĩa đã biết đặt ra những vấn đề cơ bản của khoa học về văn học và đã đặt ra một cách rõ ràng đến nỗi người ta không còn có thể lảng tránh hay còn tỏ ra không biết đến chúng nữa. Họ đã đặt ra một cách nhạy cảm những vấn đề đặc trưng của khoa học về văn học và biến chúng thành những vấn đề có tính nguyên tắc” (trang 156).
Y hệt điều đang xảy ra với hậu hiện đại vài năm qua vậy.
Chúng ta đã nói nhiều về nâng cao tính chuyên nghiệp của sáng tác văn học, nói nhiều về “ngôn ngữ thi ca”, về “chức năng thi ca của ngôn ngữ”, về “thủ pháp”, “lạ hóa”, “nhịp điệu”,… nhưng có mấy ai hiểu thấu đáo hàm nghĩa của các dụng ngữ trên nói gì? Các nhà thơ chúng ta cũng có thơ con âm, thơ “cũ cù cu, nhảm nhàm nham, mỏng mòng mòng,…” nhưng muôn năm cứ mơ hồ vậy thôi. Thì làm sao có thể đẩy nền thơ Việt Nam dấn tới?
Hiện sinh luận, Cấu trúc luận, Hình thức luận,… đã có mặt. Chúng ta chờ các công trình khác về Tượng trưng, Siêu thực, Hậu hiện đại,… và bao nhiêu trào lưu khác nữa. Để ôn cố tri tận, để văn học ta thoát khỏi phận nghiệp dư, như nó đã từng như thế. Nhìn theo chiều hướng đó, tôi đánh giá cao công trình của Huỳnh Như Phương, đánh giá cao các nỗ lực của các giáo sư, các nhà nghiên cứu âm thầm làm việc để cho ra đời tác phẩm lí luận quan trọng.
Đánh giá cao và đọc lại.
Sài Gòn, 12-12-2008.